Kinh tế thị trường nhìn từ… vàng SJC

Cù Mai Công

Tối 2-8-2024, Bộ Công Thương ra thông cáo báo chí, “lấy làm tiếc” khi Mỹ đưa ra kết luận ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. (Hiện nay 72 đã nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand…).

Việc Mỹ đã là “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam nhưng chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường cũng bình thường. Mỹ vốn rõ ràng như dân Sài Gòn, “cái nào ra cái đó”. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu hàng này nọ vô Mỹ sẽ tiếp tục bị đối xử phân biệt trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải dùng “giá trị thay thế” của nước thứ ba.

Và như vậy, có lẽ không chỉ Bộ Công Thương mà bà con người Việt mình là lao động tự do, cơ sở sản xuất gia công nhiều ngành cũng bị ảnh hưởng. Đó rõ ràng không phải là điều vui, không chỉ với doanh nghiệp lớn.

Theo Bộ Công Thương, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ, thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng, họ đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. 

Bộ Công Thương nhà mình nói vậy thì nghe vậy. Còn phía Mỹ chắc còn phức tạp hơn. Quy định của họ gồm sáu tiêu chí xét duyệt một nền kinh tế có thị trường: khả năng chuyển đổi của đồng tiền nước đó; đàm phán tiền lương, tiền công giữa thợ, nhân viên và chủ; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.

Soát xét chuyện này là phức tạp và khó hiểu lắm. Bộ Công Thương nhà mình gởi Bộ Thương mại Mỹ hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu chứng minh này nọ mà người ta còn chưa chịu thì có khi lại quá tầm anh em mình, khó hiểu nổi, lý luận vài câu sao đặng.

Vậy nên, đơn giản nhất là lấy tiêu chí đầu tiên trong việc nhìn nhận kinh tế thị trường của Mỹ: khả năng chuyển đổi (convertibility). Đây là tính chất của một đồng tiền ở chỗ người có nó có thể tự do trao đổi để lấy đồng tiền khác hoặc vàng. Đồng tiền có khả năng chuyển đổi được gọi là đồng ngoại tệ mạnh.

Đối chiếu với chuyện mua bán vàng SJC đang rùm trong dư luận hiện nay, thì mới rồi, SJC thông tin không mua vào vàng SJC có ký hiệu một chữ do chính họ dập khuôn, phát hành là thấy rõ. Cứ như là vàng cũng có date như món ăn, đồ dùng bình thường. Dù SJC nói là tồn kho 1.000 lượng nên không mua vô nữa thì người có vàng SJC một chữ đã thấy khó nghe rồi. Mua bán kim loại quý mà như chuyện giỡn chơi. Thích thì mua, không thì thôi; không hề đảm bảo khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt lẫn vàng. Trước đó không lâu là chuyện tăng giá vàng trong nước điên loạn, cao hơn giá vàng thế giới mấy chục triệu. Giờ càng thấm chuyện xưa ông bà, cha mẹ mình toàn mua vàng nhẫn bỏ lon Guigoz.

Vàng miếng SJC hai chữ (trái) và SJC một chữ hiện bị ngừng thu mua. Tuần tới, người ta hứa hẹn sẽ mua lại – Ảnh: Tin Tức

Vàng gốc của SJC dập khuôn làm ra mà SJC không thâu vô thì chả ai làm chuyện “phi kinh tế thị trường” như vậy. Ai mua vàng nhẫn ở mấy tiệm vàng tư nhân xưa nay đều biết: tiệm vàng đều ghi hóa đơn cho khách, nhẫn/lắc/khuyên… mấy chỉ này nọ. Khi kẹt tiền, khách mang ra tiệm bán lại, họ thâu vô cao hơn nhẫn/lắc/khuyên… của tiệm khác. Mất biên lai cũng không sao, họ coi dấu chìm của tiệm họ đóng trên đó. Chứ ai đời người ta lại từ chối thâu vàng của chính họ, thiếu cái bọc nhựa, móp méo… cũng không thâu.

Dù đã thông báo lại tuần tới sẽ mua lại nhưng đó lại là cách hành xử “mưa rồi chợt nắng” của một đơn vị kinh doanh lớn: lúc mua lúc không, rồi lại mua…

Chuyện mua bán vàng không cá biệt. Nhiều lắm. Chuyện điện mặt trời cũng vậy. Thoạt đầu kêu gọi người ta gắn điện mặt trời, hứa hẹn sẽ mua. Nhiều nhà đầu tư cả trăm triệu cả tđồng cho hệ thống điện mặt trời, hy vọng kiếm lời từ bán điện. Bỗng dưng một ngày nọ, ra quy định mua với giá 0 đồng. Rồi sau đó lại nêu đủ yêu cầu này nọ… mới mua – nhưng ở thì tương lai. Mà tương lai có mua hay không thì đố ai mà biết, phải canh chính sách.

Chính sách thay đổi xoành xạch, không chuyên nghiệp, cứ như “giỡn mặt bầu cua” với khách hàng, ít nhất ở chuyện thời sự là vàng và điện mặt trời như vậy thì bảo người ta công nhận kinh tế thị trường thì cũng khó. Haizzz…

… Vô tình năm 2024 ứng với câu Kiều thứ 2024: ‘Phật tiền đã sẵn mọi đồ kim ngân” (trước bàn thờ/tượng Phật đã có sẵn vàng, bạc = vừa vàng bạc vừa là chuyện mấy xàm tăng, ma tăng lùm xùm mấy tháng nay).

Nếu không mua vàng SJC một chữ cũng được. Câu Kiều thứ 2025: “Giắt trong người để phòng thân”. Ai có điều kiện thì giắt kim ngân phòng thân cho năm 2025 cũng được nhỉ.

C.M.C.

Nguồn: FB Cù Mai Công

This entry was posted in Kinh tế thị trường, Quan hệ Việt Mỹ. Bookmark the permalink.