Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol
.
Tham nhũng và “chia bánh” không đúng cách đã khiến chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng.
.
Một bài báo về châu Phi trên tờ The Economist khiến tôi suy ngẫm. Bài báo nhận định, những quốc gia châu Phi giàu tài nguyên lại là nơi rất đông người nghèo, còn một số ít giàu có thì giàu một cách không thể tưởng tượng.
Theo tác giả Amory Gethin và các cộng sự tại trường Paris School of Economics, trung bình ở các nước châu Phi hơn phân nửa thu nhập quốc gia do 10% người giàu nhất nắm giữ. Ở một số nước phía Nam châu lục này, con số này có thể lên đến trên 65%.
Họ làm giàu bằng cách nào? Thông qua tham nhũng và quan hệ chặt chẽ với một số người trong chính quyền, họ có thể thâu tóm những công ty nhà nước được tư nhân hóa với giá rẻ mạt, hoặc nắm những ngành kinh doanh độc quyền như khai thác dầu, kim cương. Hiện tượng này được một số nhà kinh tế gọi là “thu tô” (rent-seeking), qua các mối quan hệ “sân trước, sân sau, người quen, người nhà” và được tiếp tay bởi nạn tham nhũng tràn lan.
Châu Phi được dự báo là khu vực tăng trưởng nhanh của thế giới trong 2024, chỉ đứng sau nhóm các nước đang phát triển của châu Á, nhưng đồng thời cũng là khu vực có tỷ lệ người nghèo cao nhất. Báo cáo tháng 10/2023 của World Bank nhận định “Châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng nghèo đói và bất bình đẳng tiếp tục cao một cách dai dẳng”.
Tôi tin cũng rất ít người có thể phủ nhận Việt Nam đã phát triển mạnh trong những thập kỷ qua, vấn đề chỉ là miếng bánh tăng trưởng kinh tế dường như không được chia đúng cách. Vì vậy, tôi đồng tình với góc nhìn: tham nhũng và “chia bánh” không đúng cách đã khiến chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng.
Kinh tế tăng trưởng nhưng tiền vào hết túi một số ít là vấn đề của nhiều nước trên thế giới hiện nay, không chỉ Việt Nam. Nhưng nó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của Việt Nam vài năm qua, với nhiều đại án tham nhũng được phanh phui cùng những số tiền lên đến đơn vị nghìn tỷ. Chỉ trong hai năm 2022 và 2023, Việt Nam đã xét xử những đại án như Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, liên quan tới nhiều quan chức.
Những đại án như vậy chỉ ra rằng, một lượng lớn tài sản của nền kinh tế đang bị thao túng bởi một số người và làm giàu cho một số ít.
Điều đáng lo hơn là những hệ lụy lâu dài của sự chênh lệch giàu nghèo ngày một lớn trong xã hội. Đầu tiên, trường hợp của Trung Quốc gần đây cho thấy, nó tạo ra một thế hệ người trẻ bất đắc chí vì họ có cố gắng đến đâu cũng không đủ tiền mua nhà, lập gia đình và cung cấp giáo dục tốt cho con trẻ. Nhiều người trẻ ở Trung Quốc mất động lực phấn đấu, chọn cách tiếp cận tiêu cực là “nằm thẳng”, làm ít, chi tiêu ít, mặc kệ đời. Nó gián tiếp dẫn đến tiêu dùng xã hội của Trung Quốc yếu đi, khiến một trụ cột phục hồi kinh tế quan trọng của nước này bị trục trặc. Nguy hiểm hơn, tài sản tập trung quá nhiều vào tay một số người giàu khuyến khích một lớp người “chơi game”, “đi tắt”, lợi dụng những khoảng trống trong hệ thống quy định và giám sát pháp luật để làm giàu nhanh và bất chính. Họ bắt tay với những quan chức tha hóa để thâu tóm tài sản của Nhà nước và người dân với giá rẻ.
Chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng cả về thu nhập, tài sản tích lũy và cơ hội đã và đang là vấn đề đau đầu với nhiều nước đi trước Việt Nam, bao gồm các nước phương Tây như Mỹ, Anh, cho đến những nước châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, và Trung Quốc.
Việt Nam trong mấy năm qua, tuy chỉ số về bất bình đẳng thu nhập có phần cải thiện trong khi một số nước xung quanh đứng yên hoặc xấu đi, nhưng đó chỉ là thước đo thu nhập minh bạch được, và nó chỉ là thu nhập. Về tài sản, về cơ hội thì chúng ta chưa biết.
Dù không có những thước đo cụ thể, đã có những dấu hiệu đáng lo. Chi phí cho giáo dục và khả năng mua nhà trong giới trẻ đã là các vấn đề rõ ràng. Giá nhà quá cao với thu nhập củangười trẻ và học phí đắt đỏ ở bậc đại học là những chủ đề mà tôi thường xuyên đọc được trên truyền thông chính thống cho đến những thảo luận ở Quốc hội. Chúng ta có nguy cơ gặp các thách thức tương tự những nước đi trước nếu không tìm được cách chia lại “miếng bánh tăng trưởng” cho phù hợp hơn.
Nó phải bắt đầu từ việc kiểm soát quyền lực của những cá nhân, tổ chức đang nắm trong tay nhiều quyền, nhưng không được giám sát đầy đủ, gồm các quan chức, doanh nghiệp có quy mô lớn và nhiều mối quan hệ với chính quyền, những ông bà chủ thật sự đằng sau các ngân hàng.
Trong bối cảnh chuyển đổi đó, cũng cần tránh những luận điểm dân túy dễ gây trở ngại cho các ngành kinh doanh. Những đề xuất chính sách kiểu đó có thể nghe hợp lòng dân trong ngắn hạn, nhưng lại tạo ra những cơ chế xin-cho mới và cơ hội tham nhũng chính sách mới. Thay vào đó, phải có cách làm chính sách dựa trên các bằng chứng, nghiên cứu cụ thể, tiếp thu các phản biện có tính xây dựng.
Một trong những vấn đề cấp thiết trước mắt là chính sách với giáo dục. Theo một nghiên cứu mới về giảm bất bình đẳng thu nhập, giáo dục đóng góp tới 70% phần thu nhập gia tăng cho nhóm người 20% nghèo nhất trên toàn cầu. Vì vậy, đảm bảo điều kiện tiếp cận giáo dục công bằng và chi phí thấp cho người yếu thế là điều thiết yếu. Thu nhập của số đông cải thiện nhanh hơn so với tốc độ tăng giá tài sản thì mới có thể hy vọng vào một sự phân bổ miếng bánh từ tăng trưởng kinh tế đều hơn. Trở ngại ở đây là chi ngân sách cho giáo dục ít khi đạt tối thiểu 20% như Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra vào 10 năm trước.
Thay đổi đột phá đôi khi chỉ đến từ việc tìm cách làm cho bằng được những mục tiêu đặt ra. Bài toán “chia bánh” mà tôi học từ tiểu học, tưởng dễ, mà… dễ sai, nếu người được giao chia bánh luôn muốn mình được phần hơn.
H.Q.T.
Nguồn: VNexpress.net