Chính trị là một thủ đoạn cai trị, hay “không có chính thì không thể trị”?

Anh Quốc 

.

Nghĩa của hai chữ Chính Trị rất trong sáng, nhưng nó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì, mới là câu chuyện đáng nói, mới lột tả đúng bản chất của hệ thống đó, con người đó.

Hai chữ Chính Trị ở ta bây giờ, không đồng nghĩa với sáng, với thẳng, với quản lý, quản trị mềm mại nữa… Nó cho thấy “tham vọng chính trị” của một hệ thống đặc quyền đặc lợi, đã đẩy đất nước ngày càng xa rời quỹ đạo tự do, dân chủ, văn minh của xã hội loài người.

.

Chính trị” có nguồn gốc từ tiếng Hán. 

Chính là Chính danh, là Phải, là Thẳng, là Sáng. Trị là biện pháp sửa, trị lý, quản lý mềm mại, không thiên về bạo lực, đàn áp, để cho mọi thứ thành Chính.

Như vậy Chính trị rất coi trọng nguyên tắc: Một người làm chính trị, một hệ thống chính trị không thể mờ ám trong nguồn gốc, trong xuất xứ thiếu tính chính danh. 

Một hệ thống chính trị mà tự xưng, không do dân bầu ra, không ngay thẳng, trí trá thì không thể có Chính. 

Một người không Chính thì không thể là một nhà Chính trị.

Đã không Chính thì dù có mềm mại, lèo lá, trá hình cũng chỉ là mưu cầu lợi ích, càng không thể Trị được. 

Chính trị cũng được hiểu là dùng các biện pháp mềm, thuần thiện để nắn, chỉnh, sửa chữa những gì không Chính, để cho chúng Ngay Chính.

Tóm lại: 

KHÔNG CÓ “CHÍNH” THÌ “TRỊ” LÀ GIAN MANH. 

“TRỊ” MÀ KHÔNG CÓ “CHÍNH” LÀ DỐI TRÁ, LỪA ĐẢO.

Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta thường nghe nói: Hệ thống chính trị, đấu tranh chính trị, nhiệm vụ chính trị… 

Trước hết cần xem nó Chính như thế nào? Ai đẻ ra hệ thống đó, mục đích để làm gì? Nó có sáng, có thẳng không?

Nhiều người nói rằng Chính trị ngày nay ở ta là công cụ, hay biện pháp để quản lý xã hội, định hướng, áp đặt tư tưởng. Chính trị là những “thủ đoạn” phi bạo lực, mềm mỏng để đạt được mục đích.

Đây là cách hiểu xuất phát từ những gì mà chúng ta hàng ngày được tiếp cận. Cũng không ít người, và cả hệ thống nhà nước đang dùng nó để nói, để chỉ đạo trong các văn bản quy phạm pháp luật, và hệ thống văn bản khác. Đây chính là sự nguy hiểm tai hại cho một quốc gia đang muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền kkhi mà không ai quan tâm đến sự “Chính”, người ta vứt đi sự “Chính” trong bản chất của nó.

Ví dụ: Trong các doanh nghiệp kinh tế nhà nước thường có câu “Gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ chính trị”. 

Vậy nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp nhà nước là gì? Quả là rất mơ hồ, nhưng đó là sự mơ hồ chết người mà nhóm lợi ích đã cố tình giăng ra để giữ vai trò độc quyền trong vốn liếng, tài sản, đất đai, tài nguyên, lũng đoạn chính sách.

“Nhiệm vụ chính trị” thực chất là tạo ra “đặc quyền đặc lợi” cho các doanh nghiệp nhà nước. Làm nhiệm vụ chính trị được ưu tiên về chính sách, đất đai, thuế má, thủ tục… Một khoảng trống khổng lồ trong quản lý được luật pháp hóa bảo vệ, sẽ là cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vơ vét tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia; là nguyên nhân chính hình thành nhóm lợi ích trong đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội.

Các tổng công ty Nhà nước bám vào nhiệm vụ chính trị đã được khoác lên người, tha hồ “đánh trống, múa rối”, cho nên PVN, EVN, VINASHIN, VINACOMIN… tan hoang vì nhóm lợi ích xâu xé; 

Trong đại dịch COVID-19, do giãn cách xã hội, tất cả các doanh nghiệp đều bị khủng hoảng. VNAIRLINE lấy cớ làm nhiệm vụ chính trị, đòi chính phủ phải hỗ trợ 12.000 tỷ, không sẽ phá sản. 

Nếu VNAIRLINE không có khoản hỗ trợ này nó sẵn sàng “chết” vì tài sản nhà nước “cha chung không ai khóc”. Nhóm lợi ích nhân cơ hội này sẽ vơ về một mớ, lúc có lãi chia nhau, khó khăn nhà nước chịu. 

Trong khi đó, những doanh nghiệp tư nhân, ngoài nhà nước biết kêu ai? Chỉ vì họ không có câu thần chú “Nhiệm vụ chính trị”. Đây, đích danh phải gọi là “Tham nhũng chính trị”

Các ông chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước có nguồn gốc trên răng, dưới dép, họ làm gì có Chính danh, có thẳng, có sáng …mà được giao quản lý, điều hành một đống khổng lồ, tài sản, tiền bạc. 

Họ Trị cái gì? Thật vô nghĩa. Tại sao vẫn khoác cho họ mấy chữ “nhiệm vụ chính trị”? Tai họa quốc gia chính ở chỗ này.

Những thuật ngữ chính trị cần biết đến:

– Một người nắm nhiều chức vụ, không tuân thủ các quy định trong điều lệ, cố bám ghế quyền lực, nhưng lại biện minh do nhu cầu cách mạng, tình hình đất nước, thì gọi là “lũng đoạn chính trị

– Vụ 9 người trốn ở lại Hàn Quốc bằng chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội, được giấu nhẹm đi, gọi là “bưng bít chính trị”.

– Bệnh thành tích, khoe khoang, tự sướng gọi là “thủ dâm chính trị”.

– Vụ Hồ Duy Hải, đóng cả ba vai: Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án là “hủ hoá chính trị”

– Mua quan, bán chức, chạy chức chạy quyền gọi là “đầu cơ chính trị”….

Nghĩa của hai chữ Chính Trị rất trong sáng, nhưng nó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì mới là câu chuyện đáng nói, mới lột tả đúng bản chất của hệ thống đó, con người đó.

Cho nên hai chữ Chính Trị ở ta bây giờ, không đồng nghĩa với sáng, với thẳng, với quản lý, quản trị mềm mại nữa. 

Nó cho thấy “tham vọng chính trị” của một hệ thống đặc quyền đặc lợi, đã đẩy đất nước ngày càng xa rời quỹ đạo tự do, dân chủ, văn minh của xã hội loài người.

A.Q.

Nguồn: FB Anh Quốc

This entry was posted in Chính trị, Thể chế chính trị. Bookmark the permalink.