Bàn tiếp vấn đề “Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt”

.

Rất cảm ơn thầy Bùi Mạnh Hùng (Hung Bui) đã chia sẻ quan điểm và đánh giá của thầy về đề xuất mà tôi đã nêu ra mấy ngày trước, là “Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt”. Tôi chia sẻ bài thầy Hùng về trang mình để mong tiếp tục nhận được những trao đổi, thảo luận ngày càng rộng sâu về chủ đề này. Rất mong các thầy cô giáo, các nhà khoa học và chuyên gia nói chung tham gia bàn luận. Trước tiên, để nắm được tinh thần và nội dung tôi đã trình bày, xin đọc bài viết của tôi ở đây: https://www.facebook.com/share/p/FKLQBmnUYvucokZG/?mibextid=oFDknk

*Tôi cũng để một số bài viết khác của mình về vấn đề này (đã đăng báo trong vài năm qua) dưới phần bình luận, mọi người có thể tham khảo thêm để hiểu đúng quan điểm của tôi.

Thái Hạo

.

Hung Bui

Thứ Sáu, 19-7-2024

Cách đây mấy hôm, anh Thái Hạo, nguyên là một nhà giáo dạy Ngữ văn và hiện là một cây bút được rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, có nêu một ý kiến quan trọng trên trang FB của anh ấy: Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt.

Cụ thể, anh Thái Hạo cho rằng, lâu nay trong dạy, học và thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số HS (và cả GV) không biết viết (và nói) tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, theo anh, môn Tiếng Việt (Việt ngữ/ Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình (CT) phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia (ví dụ như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT). Còn Văn học/Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật… Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, lúc này, nó sẽ được những HS có năng khiếu hoặc có đam mê hoặc có nhu cầu chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi nghề nghiệp.

Anh Thái Hạo là người có nhiều trải nghiệm về lĩnh vực dạy học Ngữ văn, viết văn rất có nghề và đặc biệt là rất sắc sảo trong việc phân tích, đánh giá nhiều vấn đề về giáo dục, văn hóa, xã hội… Do vậy, ý kiến đề xuất trên của anh Thái Hạo được hàng ngàn người bấm like, hàng trăm ý kiến thể hiện sự đồng tình. Với tư cách là “người trong cuộc”, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp, bạn bè và những ai quan tâm một số ý kiến về vấn đề được anh Thái Hạo nêu ra. Việc trao đổi này nhằm đáp ứng mong muốn của anh Thái Hạo là “thấy một cuộc thảo luận sâu rộng về vấn đề này, với sự tham gia của nhiều thầy cô và chuyên gia”. Vấn đề được bàn có thể coi là hệ trọng. Nếu chấp nhận giải pháp mà anh đề xuất thì môn Ngữ văn ở Việt Nam sẽ thay đổi hoàn toàn, có thể tốt hẳn lên hoặc kém hẳn đi. Nên nó xứng đáng được quan tâm và trao đổi thấu đáo.

Trước hết nói về tên gọi. Đúng như anh Thái Hạo nói trong một ý kiến trao đổi ngắn với tôi trên trang FB của anh ấy, cái môn mà ta gọi là Ngữ văn thì nhiều nước gọi bằng tên gọi tiếng mẹ đẻ. Ta có thể dẫn ra một số ví dụ như: Tiếng Anh (Anh, Australia, Canada, New Zealand), Tiếng Pháp (Pháp), Tiếng Đức (Đức), Tiếng Nhật (Nhật Bản)… Một số nước khác gọi bằng những cái tên tương tự, ví dụ Hàn Quốc gọi là Quốc ngữ, Hoa Kỳ gọi là Language Arts (đôi khi gọi đầy đủ hơn là Language Arts and Literature), có thể tạm hiểu là Kỹ năng ngôn ngữ (một số người dịch là Ngôn ngữ nghệ thuật, không biết vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy!). CT và SGK 2018 của chúng ta lần này thiết kế theo mô hình CT và SGK của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Anh… (Tôi không có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp vì không biết tiếng Pháp và được biết gần đây Pháp không có đổi mới gì đáng kể về CT và SGK). Thật ra, khi xây dựng CT Ngữ văn 2018, phương án gọi tên môn học này là Tiếng Việt (bên cạnh một số tên khác như Quốc ngữ, Quốc văn, Việt văn,…) thay cho tên Ngữ văn đã từng được đặt ra, nhưng phương án đó bị gạt đi nhanh chóng, vì chắc chắn sẽ bị phản đối do nhiều người nghĩ rằng môn Văn bị loại bỏ. Công cuộc đổi mới CT và SGK không tạo được sự đồng thuận chỉ vì cái tên môn học thì rất “thất sách”. Có thể CT mới chết từ trong trứng nước chỉ vì cái tên mới của môn học. Vì vậy, tên gọi Ngữ văn đã được giữ nguyên như chúng ta thấy.

Thứ hai là nói về cách tiếp cận. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển đều thiết kế CT và SGK theo cách tích hợp như CT và SGK Ngữ văn 2018 của Việt Nam. Nói chính xác là chúng ta học hỏi kinh nghiệm của họ. Nếu tách Tiếng Việt và Văn học thành hai môn riêng biệt thì Việt Nam sẽ “không giống ai” trong thế giới tiến bộ mà lại rất giống với ta đã cách đây mấy chục năm. Việt Nam từng có hai môn riêng biệt như thế (có một khác biệt đáng kể là có cả môn Tập làm văn). Nhiều người cứ chỉ trích GS. Nguyễn Đăng Mạnh và GS. Trần Đình Sử đã làm hỏng môn học này vì gộp Văn và Tiếng Việt vào một môn chung là Ngữ văn. Nghĩ vậy là chưa hiểu thực tế xây dựng CT, biên soạn SGK và dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và oan cho các ông. Chất lượng của môn học này trong nhà trường phổ thông không phải vì cái tên. Việc tích hợp hai “mảng” Tiếng Việt và Văn học là tất yếu, còn cái tên là Ngữ văn hay Tiếng Việt không làm thay đổi bản chất của môn học. CT Ngữ văn được triển khai như hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển CT trên thế giới; cho đến nay tôi chưa thấy có cách nào khác tốt hơn. Các nội dung anh Thái Hạo hình dung cho môn Tiếng Việt (nếu được tách thành môn độc lập) như dạy về nghĩa và cách dùng từ ngữ (Hán Việt, tục ngữ, thành ngữ,…); dạy về cách viết câu, viết đoạn, viết các loại văn bản; dạy về cách đọc các loại văn bản khác nhau (hành chính, chính luận, nghệ thuật,…); dạy về cách bình luận, tranh luận, bút chiến, hùng biện… thì đều đã có trong CT Ngữ văn 2018. Theo CT Ngữ văn mới này, hoạt động thực hành đọc, viết, nói và nghe được triển khai dựa trên nguồn ngữ liệu đa dạng, có văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin (nghĩa là đủ các loại văn bản thông dụng mà con người tiếp xúc hằng ngày). Việc đọc tác phẩm văn học không chỉ giúp HS phát triển năng lực thẩm mỹ (chẳng lẽ có những người không cần đến năng lực này?), giáo dục cho các em nhiều phẩm chất quan trọng (tình yêu gia đình, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn đối với tha nhân,…) mà còn giúp HS học hỏi được cách sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế; giúp HS mở rộng vốn sống, trải nghiệm để các em có cái để viết, để trao đổi, tranh biện…; qua đó phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Khó mà kể hết những tác dụng của việc học văn học. Nhưng chỉ chừng ấy thôi thì cũng đủ để khẳng định rằng, không thể coi Văn học chỉ là môn tự chọn, là môn năng khiếu hay môn có vị trí “ngang bằng” với Âm nhạc, Mỹ thuật… được. Tách Tiếng Việt thành môn riêng còn có nguy cơ dạy nhiều kiến thức ngôn ngữ học, biến môn học này thành một món rất hàn lâm. Còn nếu đưa một phần Văn học vào đây thì có khác gì cách xây dựng CT 2018 như hiện nay đâu? Lại có thêm câu hỏi đặt ra: Vậy thì phần văn học nào thì đưa vào môn Tiếng Việt (bắt buộc), phần văn học nào thì làm thành nội dung của môn Văn học (tự chọn)? Lưu ý là CT Ngữ văn 2018 cũng đã có hệ thống chuyên đề (3 chuyên đề/năm) cho HS lựa chọn, trong đó có tám chuyên đề về văn học dành cho HS có năng khiếu, sở thích hay định hướng nghề nghiệp có liên quan đến môn Ngữ văn.

Tôi đồng tình với đánh giá sau của anh Thái Hạo: Trong thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua khi đánh giá chất lượng của bài thi, bằng chứng là tỷ lệ điểm dành cho kỹ năng diễn đạt của HS trong các bài thi theo đáp án chấm bài của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các Sở lâu nay là không đáng kể. Nói rằng cách ứng xử đó đối với tiếng Việt góp phần dẫn đến tình trạng sử dụng tiếng Việt yếu kém đến mức “thảm họa” như hiện nay cũng không sai. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề không phải là tách Tiếng Việt thành môn riêng như anh đề xuất.

Tiện thể, xin chia sẻ một ý nhỏ: Có người cho rằng Tiếng Việt là môn khoa học còn Văn học là môn nghệ thuật. Nói như vậy là hiểu chưa đúng về vai trò, vị trí của môn học này ở phổ thông. Chỉ có Việt ngữ học (học ở đại học) mới là môn khoa học. Chỉ có sáng tác văn chương (có thể học ở trường viết văn) mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Còn môn Ngữ văn (hiểu nôm na là gồm Tiếng Việt và Văn học) ở phổ thông trước hết là môn học công cụ giúp HS phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, đúng tính chất là môn học công cụ như anh Thái Hạo kỳ vọng. Thành công của việc đổi mới CT và SGK Ngữ văn lần này tùy thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng riêng cách tiếp cận về CT và SGK mà chúng ta lựa chọn thì có thể khẳng định là đúng đắn. Dĩ nhiên, cách tiếp cận đúng đắn không đảm bảo sản phẩm chắc chắn sẽ tốt. Cụ thể, CT và các bộ SGK Ngữ văn kỳ này tốt hay chưa tốt cần chờ thêm thời gian, không ai dám quả quyết trước điều gì.

Vấn đề này nói cho hết nhẽ thì cần có một cuộc hội thảo như anh Thái Hạo mong muốn (thật ra đã từng có những cuộc trao đổi rộng rãi). Tuy vậy, hy vọng những gì tôi nêu ở trên sẽ là thông tin hữu ích cho những ai quan tâm và bàn luận về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai.

B.M.H. 

Tác giả Thái Hạo gửi BVN

This entry was posted in Bùi Mạnh Hùng, Dạy văn, Giáo dục, Thái Hạo. Bookmark the permalink.