Ngô Thế Vinh
– Gửi BS Trần Quí Thoại, như một nén nhang tưởng nhớ người lính, nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư
– Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Nguyễn Du
Xin gửi tiếp vào đây một nén nhang lòng mong BS Trần Quý Thoại thắp giùm lên trước ban thờ anh linh Anh Chị Trần Hoài Thư và Ngọc Yến – hai con người đã âm thầm vắt kiệt sức mình nhằm bảo tồn phần di sản tinh thần quý giá của một nửa đất nước sản sinh trong cơn tao loạn suốt 20 năm – mà gia đình chúng tôi đã có dịp hạnh ngộ vào mùa xuân năm 2012 tại ngôi nhà ở New Jersey, nay đã trở thành một địa chỉ viếng thăm lịch sử. Nguyễn Huệ Chi |
[Những tấm hình chụp nhà văn Trần Hoài Thư trên giường bệnh là của BS Trần Quí Thoại, con trai Trần Hoài Thư gửi cho BS Ngô Thế Vinh với ghi chú: “để Bác Vinh viết về những ngày cuối cùng của Ba con”].
Sống và làm việc trong ngành y bấy lâu, tôi hiểu rất rõ rằng, những chi tiết về sức khỏe và cả những hình ảnh là thuộc quyền rất riêng tư của người bệnh và gia đình. Hơn một lần tôi đã hỏi Thoại, như với một đồng nghiệp và cũng là con của một người bạn thân thiết, “Thoại có đồng ý chia sẻ những thông tin và hình ảnh này tới các bạn thân thiết của Ba, và cả tới những độc giả của nhà văn Trần Hoài Thư bấy lâu không?”. Không một chút dè dặt, Thoại trả lời tôi dứt khoát: “Ba con quý Bác, và những gì Bác làm cho Ba con, con hoàn toàn đồng ý và nghĩ rằng điều ấy là tốt cho Ba con”. |
Hình 1a: Căn nhà Ba Mẹ, 719 Coolidge Street, Plainfield, N.J. 07062 từ 1981, là nơi mà Thoại được nuôi dưỡng và lớn lên. Đây là một địa chỉ văn hóa, một dấu ấn có tính cách lịch sử của cộng đồng hơn 3 triệu người Việt tỵ nạn CS từ sau 1975 trên khắp thế giới. Đây cũng là “cái nôi” trong suốt bao nhiêu năm, hai vợ chồng Trần Hoài Thư – Ngọc Yến hoàn tất công trình Phục Hồi Di Sản Văn học của Miền Nam bị Bên Thắng Cuộc cố tình hủy diệt.
1. MƠ MỘT NGÀY ĐOÀN TỤ CỦA CHA VÀ CON
Thoại vẫn luôn luôn nghĩ là không thể để Ba tiếp tục sống một mình trong căn nhà ấy, nhất là từ ngày Mẹ Yến mất (27.04.2024). Từ 2015, khi Mẹ không thể tiếp tục sống với Ba nơi căn nhà thân yêu trên đường Coolidge, do bác sĩ gia đình bảo phải đưa Mẹ vào Ashbrook Nursing Home vì nhu cầu cần được chăm sóc 24 giờ/ ngày và 7 ngày/ tuần. Thoại đã phải lắp cameras khắp nhà: từ phòng khách tới phòng ngủ, từ nhà bếp tới phòng tắm, và cả dưới basement nơi Ba Thoại nhiều khi mất ngủ, xuống đó loay hoay in ấn mấy cuốn sách suốt đêm cho tới sáng.
Thoại cũng chỉ tạm yên tâm là cho dù ở đâu và bao giờ, ngay cả khi đang trực gác trong bệnh viện, với chiếc màn hình cell phone Thoại cũng có thể một thoáng theo dõi sinh hoạt của Ba trong ngôi nhà cách xa hơn hai tiếng đồng hồ lái xe ấy.
Từ ngày Mẹ Yến mất, Ba Thoại suy sụp thấy rõ với dáng đi liêu xiêu không vững, Thoại đã nhiều lần khuyên Ba về sống chung với con nhưng đều không được. Biết tính Ba rất cứng cỏi và độc lập, sẽ không bao giờ chịu về sống với gia đình đứa con trai cho dù ông rất mực yêu thương.
Và rồi, cuối cùng Thoại cũng thuyết phục được Ba, sau khi nghĩ ra một “diệu kế”, mua cho Ba một căn nhà riêng trên đường Bethel Church, Spring City, PA, chỉ cách nhà Thoại 10 phút lái xe, để mỗi ngày vợ chồng và cả hai con của Thoại có thể luân phiên tới thăm, đem tới cho Ba những bữa ăn nóng.
Thoại rất vui với viễn tượng những ngày được gần gũi Ba sắp đến. Sau khi tân trang các phòng ốc xong theo đúng ý Ba, Thoại sẽ đón Ba về căn nhà mới. Ba Thoại sẽ vẫn có một đời sống độc lập và cả riêng tư với không gian làm việc như nơi căn nhà trên đường Coolidge, thành phố Plainfield ngày nào, vẫn với những desktop, laptop, máy in, máy xén từ dưới basement sẽ được Thoại cho khuân về.
Hình 1b: Căn nhà Thoại vừa mua cho Ba, 269 Bethel Church Road, Spring City, PA 19475; như vậy từ nay Thư Quán Bản Thảo, Thư Ấn Quán có một địa chỉ mới, vẫn không gian làm việc quen thuộc của Trần Hoài Thư như xưa, chỉ có khác là nay “Con được ở gần Ba”, chăm sóc cho Ba được tốt hơn.
Thoại là người con chí hiếu và anh Trần Hoài Thư đã từng chia sẻ với cô em TT Nguyệt Mai là “quà tặng Văn Chương quý giá và lớn lao nhất, không phải là giải Nobel, mà với anh, đó là chị Yến & cháu Thoại”. Bấy lâu, mỗi tuần Thoại đều về New Jersey chở ba đi chơi, đi ăn, đi chợ, vào Costco mua giấy để Ba in sách, thậm chí dọn dẹp nhà cửa đổ rác cho Ba, không nề hà làm bất cứ công việc gì cho Ba dù tuổi cũng đã ngoài 50 và bản thân là một bác sĩ.
Sáng ngày thứ Sáu 17.05.2024, một ngày trước cuối tuần, như thường lệ Thoại từ Limerick, PA (Pennsylvania) về New Jersey thăm Ba, với hai giờ lái xe nếu không là ngày bị kẹt đường. Thoại đưa Ba tới Labs thử máu định kỳ, rồi hai cha con đi chơi dưới phố Plainfield, cùng đi ăn trưa với nhau. Buổi chiều, Thoại phải về lại PA để trực gác, Thoại là bác sĩ chuyên khoa trong khu ICU chăm sóc đặc biệt (intensivist) bệnh viện Bryn Mawr, nơi mà Thoại làm việc cũng đã 25 năm.
Sang sáng thứ Bảy 18.05.2024, từ bệnh viện Bryn Mawr, PA qua internet theo dõi kết quả thử máu của Ba ngày hôm qua, Thoại thấy Ba có những dấu hiệu không bình thường, có vấn đề về chức năng gan, do men gan (liver enzymes) đột ngột tăng cao gấp đôi, nhưng chưa biết nguyên nhân.
Hình 2: Hình Thoại chụp selfie trong xe Cha và Con, trên đường tới Trung tâm Y Khoa JFK, 65 James St., Edison, N.J. 08820
Buổi sáng cùng ngày, Thoại lái xe xuống Plainfield, NJ, để đưa Ba vào bệnh viện JFK, đó là một Bệnh viện Đại học (teaching hospital), nơi mà Ba Mẹ Thoại mỗi khi đau yếu đã ra vào nhiều lần. Và lần này, Ba Thoại vào bệnh viện không chỉ vì suy gan, viêm sưng ống mật, mà nghiêm trọng hơn khi các bác sĩ ở đây phát hiện Ba có cục máu đông trong phổi gây thuyên tắc mạch phổi / PE (pulmonary embolism) qua chụp hình cắt lớp CTPA [CT pulmonary angiogram]. Ba Thoại được chuyển ngay vào ICU, truyền Heparin thuốc chống đông máu, đồng thời làm thêm những xét nghiệm chẩn đoán khác để có phương hướng điều trị bệnh gan và viêm ống mật đi kèm (comorbidities).
Hình 3: Trái: Trần Hoài Thư ngồi trên ghế lăn trong ER và chờ Thoại đang làm thủ tục nhập viện cho Ba. Phải: Trần Hoài Thư sau hai lần bị tai biến mạch máu não trước đây, nay lại bị thuyên tắc mạch phổi được đưa ngay vào ICU / Phòng Chăm Sóc Đặc Biệt của bệnh viện.
Hình 4: Sang tới ngày Chủ nhật 19 và thứ Hai 20.05.2024, Trần Hoài Thư rất tỉnh táo và thoải mái trên giường bệnh. Giọng Thư vẫn rổn rảng, khi nói chuyện và cả cười giỡn qua phone với bạn cố tri Phạm Văn Nhàn bên Houston, Texas (Hình trái). Trần Hoài Thư còn gửi cho tôi qua text message tấm hình Đức Phật đang ôm trên ngực, mà sau này Trần Quí Thoại nói: “Con vẽ tranh Phật để cho Ba có sự bình an” (Hình phải).
Cũng thứ Tư hôm đó, Trần Hoài Thư phone cho tôi từ bệnh viện JFK, cho biết là đã nghe được chương trình YouTube Trước Đèn Đọc Sách “Trần Hoài Thư và Ngọc Yến với con chim chằng nghịch và nỗi nhớ quê” mà tôi đã gửi cho Thư.
Thư nói anh thích giọng đọc mạnh và biểu cảm của Đinh Quang Anh Thái, nhưng do thời lượng chương trình chỉ có 20 phút, ĐQ Anh Thái chỉ đọc một phần tóm lược bài viết. Trần Hoài Thư thì muốn có một YouTube Full đọc trọn bài viết vẫn với giọng của ĐQAT. Tôi nói chuyện đó với Thái, và do sẵn có lòng trân quý Trần Hoài Thư, Thái cho biết, “Em sẽ đọc toàn bộ bài viết để riêng tặng ông anh Trần Hoài Thư, cho dù đang rất bận nhưng em sẽ cố gắng”.
Hình 5: Sang ngày thứ Tư 22.05.2024, Trần Hoài Thư vẫn hoàn toàn tỉnh táo, còn kể cho Thoại nghe về “đời sống ở Việt Nam”, từ những ngày trên cao nguyên cho tới khi xuống đồng bằng, và thời gian sống hạnh phúc với hai mẹ con ở Cần Thơ. Đó là những ngày mà cả bố và con đều rất vui.
Rồi một YouTube [Full] với thời lượng hơn một tiếng đồng hồ trong mục Câu Chuyện Văn Học được Đinh Quang Anh Thái đọc xong vào chiều ngày thứ Tư 22.05.2024, sau đó Thái giao cho ban kỹ thuật edit và thêm phần hình ảnh vào ngày hôm sau. Tối thứ Năm 23.05.2024, tôi đã chuyển tới Trần Hoài Thư [Link] phiên bản YouTube [Full] để Thư có thể nghe qua iPhone trong mấy ngày còn nằm trong bệnh viện.
Chiều thứ Năm 23.05.2024, Thoại lái xe về lại Pennsylvania vì đó là đêm trực trong bệnh viện. Sáng sớm thứ Sáu 24.05.2024, bất ngờ có một đồng nghiệp của Thoại từ ICU bệnh viện JFK phone báo tin là Ba Thoại bị bất tỉnh trong đêm và sau đó là hôn mê. Ngay sau một đêm trực gác, Thoại vẫn lái xe gấp xuống bệnh viện JFK thăm Ba.
[Và như vậy, tôi cũng hiểu ngay rằng Trần Hoài Thư đã hoàn toàn không biết gì về món quà Câu Chuyện Văn Học của Đinh Quang Anh Thái gửi tặng Anh].
Tình hình bỗng biến chuyển xấu. CT Scan sọ não phát hiện Ba Thoại bị xuất huyết dưới màng cứng (subdural hemorrhage) lan rộng sang cả hai bên bán cầu não. Biết là nghiêm trọng, Thoại đã khóc và báo tin ngay cho tôi qua iPhone. Thật bất ngờ không chỉ cho Thoại mà cả với chính tôi nữa.
Trần Hoài Thư suy sụp rất nhanh, cô chuyên viên ngôn ngữ trị liệu (speech therapist) cho biết người bệnh mất khả năng nuốt, sẽ không thể tiếp thức ăn qua đường miệng. Mở một ống dẫn xuyên qua bao tử / G-Tube để bơm chất dinh dưỡng là một tương lai gần, giống như với Mẹ Yến. Nhưng Ba Thoại có dặn dò trước là sẽ không muốn như vậy.
Rồi tình hình càng xấu hơn nữa, khi thử nghiệm máu trong ngày, tất cả các chỉ số đều không bình thường với số bạch huyết cầu vọt tăng cao (leukocytosis), X-quang lồng ngực là hai lá phổi trắng, do chất dịch và cả thức ăn từ dạ dày tràn vào phổi, như vậy Trần Hoài Thư bị thêm viêm phổi do hít (aspiration pneumonia), một biến chứng rất khó chữa.
Hình 6: Thứ Bảy 25.05.2024, Trần Hoài Thư vẫn hôn mê trong ICU, nhưng Thoại viết: “Ba con mở mắt khi con kêu Ba”. Cùng ngày, có hai cô con gái của nhà văn Doãn Dân là Quỳnh Như, Thúy Uyên và chồng tới thăm bác Trần Hoài Thư; tuy rất yếu không nói được nhưng Bác mở mắt và hình như nhận diện được ra từng người (Hình trái). Gia đình Thoại, với vợ Thoại và hai con: con trai Trần Chung Danh và con gái Trần Thanh Thảo cùng có mặt trong phòng ICU bên giường với Ông nội (Hình phải).
Là bác sĩ đã hành nghề lâu năm, Thoại hiểu rằng Ba Thoại đã rơi vào tình trạng hiểm nghèo, “suy đa tạng / Multiple Organ Failure” (MOF), cùng một lúc cả 4 cơ quan thiết yếu (vital organs): não, phổi, gan, tim mạch…
Hai bác sĩ Trần Mộng Lâm và Nguyễn Thanh Bình, bên Montréal Canada, trong Ban biên tập báo Sinh viên Y khoa Tình Thương thuở nào, đã được gặp và rất quý Trần Hoài Thư, người có công lớn phục hồi toàn bộ 29 số Báo Tình Thương [1963-1966]. Khi biết được diễn tiến mới về tình hình sức khỏe Trần Hoài Thư, anh Lâm và anh Bình đều có chung một nhận định: “Con ngựa về ngược ấy – biệt danh mà hai anh đặt cho Trần Hoài Thư – lần này chắc khó qua!”.
Sang ngày Chủ nhật 26.05.2024, Thoại và các đồng nghiệp trong ICU, đều có cùng một nhận định là hiện trạng của Ba Thoại đã quá nguy kịch, không còn chút hy vọng đảo nghịch, và sự sống chỉ là đếm từng giờ. Tuy vẫn còn nằm trong ICU nhưng nay với sự đồng ý của Thoại, Trần Hoài Thư được chuyển sang giai đoạn “chăm sóc cuối đời / hospice” – và đến lúc này Thoại thì chỉ mong sao cho Ba ra đi được bình an. Thoại còn nói với tôi: “Con đã để iPhone bên tai cho Ba được nghe bài viết của Bác về Ba Mẹ mà Ba con rất thích”. Thoại muốn nói tới Câu Chuyện Văn Học, một YouTube [Full] mà nhà báo Đinh Quang Anh Thái thực hiện để tặng ông anh Trần Hoài Thư.
Thoại nhớ và làm đúng lời Ba dặn: “Ba không muốn như mẹ, ra viện rồi phải vào nằm trong nursing home lâu dài và tàn tạ trong đó. Nếu không còn trí tuệ nữa, đừng bắt Ba phải kéo dài cuộc sống thực vật ấy”.
Thứ Hai ngày 27.05.2024:
Sáng sớm thứ Hai ngày 27.05.2024, từ bệnh viện JFK trong tiếng khóc qua iPhone, Thoại báo tin cho tôi: “Ba con đã ra đi lúc 6 giờ 35 phút sáng nay!” [giờ miền Đông Hoa Kỳ, 3 giờ 35 phút sáng giờ California], một trùng hợp kỳ lạ, đúng một tháng sau ngày Mẹ Ngọc Yến mất, 27.04.2024.
Như vậy là căn nhà mới mua cho Ba, cùng mơ ước những ngày hạnh phúc Ba và Con được sống gần nhau, đã không bao giờ tới nữa.
Trần Quí Thoại gửi cho tôi mấy tấm hình cuối cùng của Ba Thoại, với cả những chi tiết ghi chú.
Hình 7: Theo chiều kim đồng hồ: Hình góc trên trái là phần màn hình theo dõi các dấu sinh hiệu (vital signs) trong ICU, của bệnh nhân Trần Sách, với hướng dẫn chăm sóc: giữ bình an (comfort); thời điểm 6 giờ 16 phút sáng thứ Hai 27.05.2924: nhịp tim Zero, huyết áp suy sụp chỉ còn 27/11; Hình trên phải: Thoại với tay phải đặt ống nghe áp trên ngực Ba, tay trái với iPhone có hình Mẹ Ngọc Yến trước mặt Ba. Trần Hoài Thư không còn nhịp mạch cổ, ngưng thở, được ghi nhận tử vong lúc 6 giờ 35 phút sáng; Hình dưới trái: Trong nước mắt, Thoại cầm bàn tay Ba đang lạnh dần; Hình dưới phải: Trần Quí Thoại hôn lên trán Ba lần cuối.
Tin Trần Hoài Thư mất, được cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, nguyên Chủ bút Việt Báo đăng ngay trên trang Việt Báo Online trong cùng ngày.
2. SÁNG NAY NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ CẤT CÁNH THEO CON CHIM YẾN BAY VỀ TRỜI
Hình 8: Trần Hoài Thư trên giường bệnh, tay cầm bức họa Đức Phật do con trai Trần Quí Thoại vẽ, hình do Trần Hoài Thư gửi ra từ bệnh viện JFK Medical Center, New Jersey. [Tư liệu Ngô Thế Vinh]
Tin từ Trần Quí Thoại, con trai Nhà văn Trần Hoài Thư báo cho biết Ba của Thoại đã mất lúc 6 giờ 35 sáng nay [giờ miền Đông Hoa Kỳ], thứ Hai 27.05.2024 tại bệnh viện JFK, New Jersey, đúng một tháng sau ngày Chị Ngọc Yến mất [27.04.2024]. Đây là một tin buồn và cũng là một mất mát lớn lao cho nền Văn học Việt Nam. Xin phân ưu cùng BS Trần Quí Thoại và Hai Anh Trần Quí Phiệt, Trần Quí Trâm trước tin ra đi của Ba và người em Trần Hoài Thư.
3. MỘT BÀI VIẾT RẤT NẶNG LÒNG
Sống và làm việc trong ngành y bấy lâu, tôi hiểu rất rõ rằng, những chi tiết về sức khỏe và cả những hình ảnh là thuộc quyền rất riêng tư của người bệnh và gia đình. Hơn một lần tôi đã hỏi Thoại, như với một đồng nghiệp và cũng là con của một người bạn thân thiết, “Thoại có đồng ý chia sẻ những thông tin và hình ảnh này tới các bạn thân thiết của Ba, và cả tới những độc giả của nhà văn Trần Hoài Thư bấy lâu không?”. Không một chút dè dặt, Thoại trả lời tôi dứt khoát: “Ba con quý Bác, và những gì Bác làm cho Ba con, con hoàn toàn đồng ý và nghĩ rằng điều ấy là tốt cho Ba con”.
Hình 9: Những bức tranh Trần Quí Thoại vẽ tặng Mẹ và Cha trong hai ngày tang lễ. Tuy không học trường lớp mỹ thuật nào, nhưng Thoại có năng khiếu hội họa. Thoại vẽ Phật, vẽ Mẹ, vẽ Ba, tất cả là những bức tranh giản dị nhưng đẹp và có cá tính. Hình phải: “Con vẽ ba”, Trần Quí Thoại đang ôm bức chân dung Trần Hoài Thư, vẽ ngày 30.05.2024. [Hình do con gái Thoại, Trần Thanh Thảo chụp].
Và bài viết rất nặng lòng này, trước hết được gửi tới BS Trần Quí Thoại, một đồng nghiệp, một người con chí hiếu rất đỗi yêu thương cha mẹ Trần Hoài Thư – Ngọc Yến, cùng gửi tới các bằng hữu của người lính, nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư – như một nén nhang tưởng nhớ tới người bạn rất thân quý của chúng ta vừa đột ngột ra đi.
4. LỜI NHẮN GỬI TỚI NGƯỜI LÍNH TƯỞNG NĂNG TIẾN
Trong mục Sổ Tay Thường Dân (18.01.2021) như một tạp ghi, khi viết về Người Lính Miền Nam, Tưởng Năng Tiến có nhắc tới ông anh Trần Hoài Thư. Anh Tư Tiến viết: “Bạn tôi, phần lớn đều là lính ráo. Chúng tôi không chỉ có chung những năm cầm súng, một quãng đời tù, mà còn chia chung rất nhiều… cố tật! Hễ gặp nhau là uống, và câu chuyện trên bàn rượu trước sau gì rồi cũng xoay quanh kỷ niệm về đám chiến hữu hồi còn chinh chiến: những thằng đã chết, những đứa đang vất vưởng ở quê nhà, hay lưu lạc (đâu đó) nơi đất lạ xứ người. Thỉnh thoảng, khi (quá) vui, chúng tôi cũng hay mang những vị thượng cấp cũ ra làm đề tài giễu cợt. Ông huynh trưởng thường bị nhắc tới để cười chơi là Trần Hoài Thư, lý do là ông vẫn nhất định chưa chịu giải ngũ, dù cuộc chiến đã tàn tự lâu rồi! Trung úy Trần Hoài Thư vẫn thản nhiên đưa quân Qua Sông Mùa Mận Chín, dù hơn 40 năm đã lặng lẽ trôi, với cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chảy qua cầu và qua cống. Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy mấy ly cạn (và sau màn trình diễn “một ngàn bài Bolero”) tôi hay xin “trân trọng tuyên bố cùng toàn thể các chiến hữu các cấp” rằng: Ai viết cái gì tôi cũng đọc tuốt luốt, trừ vị thẩm quyền này thì khỏi! Sao vậy cà? Bởi vì thơ với văn của ổng có nhiều câu mà “lỡ” đọc cái là nó bị kẹt luôn trong đầu, gỡ không ra, nên tui không dám đọc thêm nữa:
“Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẫng
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm
…
Ta lính miền Nam hề, vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng cho biết
một nơi nào hơn ở Việt Nam?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam?”
Trần Hoài Thư (“Ta Lính Miền Nam”)
Đây là tin nhắn gửi người lính Tưởng Năng Tiến: “Thẩm quyền của ông, Trung úy Trần Hoài Thư tuy vẫn chưa chịu giải ngũ, nhưng nay đã được chuyển qua Vùng V Chiến Thuật* vào lúc 6 giờ 35 phút [giờ Miền Đông] thứ Hai ngày 27 tháng 05 năm 2024. Tin để ông hay”.
[*Trong chiến tranh, VNCH được chia ra làm 4 vùng chiến thuật, “Vùng V Chiến thuật” là một cách nói cho bớt vẻ bi thương, chỉ nơi an nghỉ của các đồng đội vừa mới hy sinh.]
5. DI SẢN VĂN HỌC TRƯỜNG TỒN: TINH ANH LÀ ĐÂY
Ngay sau khi Ba mất, trong khi chờ ngày tang lễ, Thoại đã về ngôi nhà Ba ở. Ngạc nhiên đầu tiên là các kệ sách của Ba hầu như trống trơn, Thoại cũng không biết tại sao. Chỉ còn dàn computers với chiếc laptop và desktop trên bàn làm việc của Ba.
Thoại quan tâm ngay tới chiếc Dell laptop mà Ba vẫn dùng trong bao nhiêu năm nay, với không biết bao nhiêu bài viết của Ba còn nằm trong đó. Tìm được mật khẩu (password) Ba ghi trong một cuốn sổ tay nhỏ, Thoại mừng rỡ vô cùng khi mở được chiếc laptop này. Đây là phần di sản trân quý đầu tiên Thoại phải giữ gìn và đem về ngay nhà mình. Qua đêm, Thoại đã download / save ngay tất cả các dữ liệu từ trong laptop vào USB sticks và cả thẻ nhớ (memory cards) để dự phòng trường hợp computer bị đánh sập (crashed). Thoại cho biết, “con sẽ làm thêm một số USB sticks để tặng các bạn văn của Ba” – nhà văn Trần Hoài Thư.
Hình 10: Hình trái: chiếc Dell laptop người bạn thiết thân đồng hành với Ba trong bao nhiêu năm; hình phải: Thoại đang ôm chiếc laptop của Ba mà Thoại đã đem ngay về nhà mình.
6. GIỚI THIỆU HAI BLOGS CỦA TRẦN HOÀI THƯ
Ngay sau khi Ba mất, Trần Quí Thoại đã mau chóng chuyển tên Trần Hoài Thư – người đang đứng tên sở hữu “miền” (domain name) của cả hai Blogs THT sắp hết hạn, sang tên Thoại, đồng thời cũng đóng trước tiền thuê “miền” trong nhiều năm để duy trì hoạt động lâu dài hai trang mạng này.
Hình 11: Một phần bộ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam của Thư Ấn Quán, do nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện hoàn toàn bằng kỹ thuật thủ công.
Hình 12: Trang Blog THT & Thư Quán Bản Thảo trên màn hình computer
7. BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO
** HOME** Tác phẩm sưu tập** Tủ sách Di sản văn chương miển Nam** Các tạp chí văn học miển Nam** **Truyện Thời Chiến THT** HÌNH ẢNH… Blog mới: Các tạp chí văn học miền Nam Sach moi suu tap do Bo Thong Tin xb 1968 |
***
Blog mới khai trương. Mời các bạn đến viếng
THT & Tạp chí văn học nghệ thuật miền Nam
https://trahoaithu.blogspot.com/
Đây là một kho tàng Di Sản Văn Học Miền Nam đã được Ba Mẹ Thoại hy sinh công khó bao năm để phục hồi. Mời các bạn đến viếng.
Bạn đọc khắp năm châu và dĩ nhiên cả trong nước đều có thể vào đọc những tác phẩm văn học và cả các sách báo miễn phí, và tiện hơn nữa là các sách và tạp chí đa phần đã được nhà văn Trần Hoài Thư cũng là một chuyên viên điện toán chuyển sang dạng flipbooks, loại sách tự động giở trang rất dễ đọc trên màn hình.
Với những thư viện, trường học, và cả những độc giả có nhu cầu về các bộ sách in cho tủ sách gia đình – sau khi nhà văn Trần Hoài Thư mất là điều chưa thể đáp ứng được trong lúc này. Nhưng đó là điều khả thi trong một tương lai gần với kỹ thuật POD / Print On Demand tiên tiến như hiện nay.
N.T.V.
New Jersey 27.05.2024
Little Saigon 19.06.2024
Tác giả gửi BVN