Thách thức năm 2024: Biến nguy thành cơ

Nguyễn Quang Dy

Năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Mỹ và các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia, làm thay đổi bàn cờ địa chính trị khu vực. Theo giới nghiên cứu, Việt Nam và Mỹ như đang “trở về tương lai”. Quá trình đó tuy muộn 77 năm, nhưng “muộn còn hơn không”. Nói cách khác, đó là một bước ngoặt và cơ hội cho Việt Nam. Theo giới ngoại giao, Việt Nam có khoảng 18 tháng để “biến nguy thành cơ” trước khi cánh cửa cơ hội có thể khép lại. Đó là thách thức năm 2024.

Bất ổn chính trị

Theo số liệu chính thức, sau 10 năm chống tham nhũng (đến 2022), đã có 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 7.390 bị kỷ luật do tham nhũng. Trong số 170 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý, có 4 trường hợp là Ủy viên BCT và nguyên Ủy viên BCT, 29 Ủy viên TƯ và nguyên Ủy viên TƯ, và 50 sĩ quan cấp tướng. Tính đến nay, có 6 Ủy viên BCT bị kỷ luật (Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai). Trong tổng số 18 Ủy viên BCT khoá 13, chỉ còn 12 người. Đó là “khủng hoảng lãnh đạo”. TW9 đã bầu bổ sung 4 Ủy viên BCT, nhưng vẫn còn trống 2 ghế chưa bầu.

Đáng chú ý là hai Chủ tịch nước đương chức (Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng), một Chủ tịch Quốc hội đương chức (Vương Đình Huệ) đã “vào lò” trong vòng hơn một năm. Tuy chống tham nhũng triệt để “không có vùng cấm” được lòng dân, nhưng “bất ổn chính trị” làm cộng đồng quốc tế lo ngại khi Việt Nam đang có cơ hội phát triển đột phá. “Khủng hoảng lãnh đạo” ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do tham nhũng và xung đột phe phái. Những cuộc thanh trừng thường gắn liền với lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu, trong đó yếu tố chính trị và kinh tế gắn liền với nhau, dẫn đến lạm dụng quyền lực.

Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS), giai đoạn “bất ổn chính trị” ở Viêt Nam bắt đầu, làm gia tăng đấu đá nội bộ trước đại hội Đảng tới (đầu 2026). “Bất ổn chính trị” sẽ tiếp tục, tác động đến quan hệ quốc tế, làm các nhà đầu tư lo ngại (Two Presidents Ousted in One Year: What Lies Ahead for Vietnam’s Political Outlook? Lê Hồng Hiệp, Fulcrum, 20 March 2024). Sắp tới, trong tương quan quyền lực mới giữa ông Tô Lâm (Chủ tịch nước mới), Phạm Minh Chính (Thủ tướng) và Bộ trưởng Công an mới (chưa được bổ nhiệm) còn có ông Phan Văn Giang (Bộ trưởng Quốc

phòng) và Nguyễn Văn Nên (Bí thư thành ủy thành phố HCM).

TBT Nguyễn Phú Trọng thường nhấn mạnh đến “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ của Đảng. Cây này “biến thành củi” thì cây khác lại mọc lên như rừng rậm nhiệt đới, làm chiến dịch đốt lò “bắt mãi không hết”. Muốn ổn định chính trị, cần phải đổi mới thể chế và xóa bỏ độc quyền của các nhóm lợi ích, vì đó là “cái nôi của tham nhũng”. Ông Lê Kiên Thành (con trai cố TBT Lê Duẩn) thắc mắc: họ là những người “ưu tú nhất”, được trang bị lý luận “sâu sắc nhất”, được bầu vào các vị trí lãnh đạo với “số phiếu cao nhất”, và tuyên thệ “trung thành

nhất”. Nhưng sao họ lại biến thành củi. “Thật ra, họ là ai vậy?”

Khó khăn kinh tế

Theo Reuters (17/3/2024), trong một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi Thủ tướng Việt Nam (6/3/2024), họ tỏ ra thất vọng trước các rào cản pháp lý và thủ tục gây ách tắc kéo dài. Họ cho biết Việt Nam đã mất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD vì “tê liệt hành chính”, do hệ quả chống tham nhũng và “bất ổn chính trị”. Theo Reuters (17/3/2024), tổn thất đó chiếm 1% GDP. Bộ Tài chính cho biết từ 2021 đến 2023 Việt Nam đầu tư it hơn kế hoạch 1/4 (19 tỷ USD).

Theo Reuters (17/4/2024), Việt Nam đã tiến hành một cuộc giải cứu “chưa từng có” (24 tỷ USD) để cứu ngân hàng SCB trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất nước. Theo một nguồn chính thức, “nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ, nếu tiếp tục cho vay, kho bạc nhà nước sẽ bị cạn kiệt”. SCB đã được đặt dưới sự giám sát đặc biệt để ngăn chặn tình trạng tháo chạy khỏi ngân hàng, do trùm bất động sản Trương Mỹ Lan bị bắt (10/2022). Trong khi người dân đổ xô rút tiền khỏi SCB, thì tiền gửi vào SCB giảm 80 % (còn 6 tỷ USD vào tháng 12/2023). Theo Reuters (17/4/2024), SCB có thể hết sạch tiền vào giữa năm, và nợ xấu tăng lên 97,08 % dư nợ tín dụng.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận kinh tế Việt Nam đang chịu áp lực gia tăng do nhu cầu thị trường suy yếu. Việt Nam hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, nhưng đang chịu gánh nặng lãi suất tăng, làm cho lạm phát gia tăng áp lực trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu. Đến quý I/2024, lạm phát tại Việt Nam ở mức tăng bình quân 3,77%. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản cũng phục hồi khá chậm (Phó Thủ tướng Việt Nam: Kinh tế đang đối mặt áp lực ngày càng lớn, VOA, 20/05/2024).

Gần đây, thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xử phạt và tịch thu vàng “không rõ nguồn gốc xuất xứ” tại các cơ sở kinh doanh vàng, làm dư luận hoang mang. Hàng loạt cửa hàng vàng đã đóng cửa. Đây là điều “không bình thường” khi Việt Nam muốn Mỹ và EU công nhận nền kinh tế thị trường. Quy định phải mua vàng do nhà nước độc quyền với giá chênh lệch 15-20% là dấu hiệu độc quyền và “chiếm đoạt nhà nước”, trong khi các nhóm lợi ích tìm cách thao túng chính sách để chiếm đoạt tài sản của nhà nước và người dân.

Bình thường hay bất thường

Gần đây, cộng đồng mạng ồn ào về hiện tượng Thích Minh Tuệ (tức Lê Anh Tú), một tu sỹ Phật giáo khất thực theo “hạnh Đầu Đà”. Ông chỉ ăn chay một lần trong ngày, không nhận tiền “cúng dường”, và tự khâu vá lấy y phục bằng các mảnh vải nhặt dọc đường. Ông “ngủ ngồi” tại bất cứ nơi nào dừng chân nghỉ. Ông không xưng thầy mà “xưng con” với mọi người. Ông không thuộc Giáo hội Phật giáo, mà “chỉ là một công dân thực hành đạo Phật”. Mấy năm trước, ông đã từng đi từ Nam ra Bắc và ngược lại bốn lần, nhưng ít người để ý.

Trong bối cảnh nhiều nơi đua nhau xây tượng đài và “chùa to Phật lớn” (như Ba Vàng, Bái Đính, Tam Trúc), các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo (như Thích Trúc Thái Minh và Thích Chân Quang) đã lợi dụng sự ngộ nhận của dân chúng để thao túng tâm thức cộng đồng bằng mê tín dị đoan như “thỉnh vong, giải oan” và “xá lợi tóc Phật”. Họ được dân đặt tên là “Thích cúng dường và Thích chuyển khoản”. Trong bối cảnh đó, ông Thích Minh Tuệ bị họ chỉ trích là dễ hiểu. Họ biến một việc “bình thường” thành “bất thường”.

GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt thầy Thích Minh Đạo quỳ sám hối vì đã khen ngợi ông Thích Minh Tuệ. Hình ảnh phản cảm đó như “giọt nước tràn li”, làm cộng đồng phản ứng trước cách hành xử của GHPGVN. Ví dụ, công ty tin học Tuấn Minh thông báo (27/5): theo nguyện vọng của cán bộ-nhân viên, công ty sẽ thôi không đi chùa cúng dường vào ngày mồng một âm lịch hàng tháng. Mùa Phật đản năm 2024, chùa Phật Quang và Ba Vàng đã “thất thu” 75.000 người, so với 125.000 người trong mùa Phật đản 2023.

Khi nghe ông Thích Chân Quang (chủ trì chùa Phật Quang) giảng pháp, chắc nhiều người “dở khóc dở cười”. Nhưng họ lại được Giáo hội Phật giáo trọng dụng và được phật tử lắng nghe. Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan trở thành hệ thống, các nhóm lợi ích tìm cách thao túng mọi lĩnh vực, kể cả văn hóa và tâm linh. Thời kỳ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ còn làm Pháp chủ, đạo Phật tuy trong giai đoạn “mạt pháp”, nhưng tình hình lúc đó chưa đến nỗi như bây giờ. Các vị sư chân tu như Thích Phổ Tuệ ngày càng hiếm.

Hiên tượng Thích Minh Tuệ làm người ta nhớ lại CEO Nguyễn Phương Hằng, từng gây tranh cãi ồn ào như một hiện tượng truyền thông đầy kịch tính. Nguyễn Phương Hằng và một số người khác đã bị bắt vì “vượt quá giới hạn”. Hình ảnh Thích Minh Tuệ tuy bình thường nhưng có sức lan tỏa mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà ông Thích Minh Tuệ được từ điển bách khoa mở Wikipedia cập nhật. Câu chuyện này làm người ta nhớ tới câu thơ của Tản Đà: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ là một cảnh tỉnh làm thay đổi nhận thức về thực trạng Phật giáo và mạng xã hội Việt Nam hiện nay, luôn có hai mặt “tích cực và tiêu cực”. Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội để quy tụ lòng người trong bối cảnh “cùng tắc biến” nhằm phát triển đất nước và chấn hưng Phật giáo. Cần đặt câu chuyện Thích Minh Tuệ vào bối cảnh chống tham nhũng và phát triển đất nước hiện nay. Nói cách khác, câu chuyện Thích Minh Tuệ tuy bình thường nhưng có thể làm thay đổi cuộc chơi (a humble game changer).

Thay lời kết

Theo các chuyên gia, Việt Nam tuy đứng trước cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ. Muốn phát triển đột phá bằng công nghệ cao và kinh tế số, Việt Nam phải mau chóng “biến nguy thành cơ”. Việt Nam không chỉ để mất vài tỷ USD viện trợ, mà còn có thể để mất luôn cơ hội cuối cùng, nếu hành động “quá ít và quá muộn” (too little too late). Trước mắt, đất nước đang bị sa vào tình trạng “bất ổn chính trị và khủng hoảng lãnh đạo”. Việt Nam phải mau chóng đổi mới tư duy và tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển nhanh.

Muốn được Mỹ công nhận là “nền kinh tế thị trường”, Việt Nam phải đổi mới thể chế và xóa bỏ độc quyền. Muốn hòa nhập với thế giới hiện đại, Việt Nam phải cởi mở hơn về nhân quyền và tín ngưỡng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ cần nhìn nhận lại hiện tượng Thích Minh Tuệ và có chỉ đạo thích hợp, giúp cộng đồng tạo ra năng lượng tích cực nhằm chấn hưng Phật giáo. Đã đến lúc Việt Nam phải vượt qua “ngã ba đường” và rút ngắn thời kỳ quá độ kéo dài quá lâu, làm đất nước ngày càng tụt hậu.

Cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước đã trải qua quá nhiều đau thương, mất mát trong ba cuộc chiến tranh liên tiếp. Trong các loại xung đột thì nội chiến là đau thương nhất và khó hòa giải nhất. Sau chiến tranh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn”. Nước Mỹ phải mất 50 năm mới hòa giải được chia rẽ Bắc-Nam. Năm 2025, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm “50 kết thúc chiến tranh”, hai nước đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, nhưng hòa giải dân tộc vẫn còn nan giải.

Ngay từ khi dựng nước (1945), cụ Hồ đã chú trọng đến đoàn kết “như con ngươi của mắt mình”. Đi đến đâu ông cũng bắt nhịp cho mọi người hát bài “Kết đoàn”, lấy cảm hứng từ nguyên lý “đoàn kết là sức mạnh” (united we stand, divided we fall). Đoàn kết là truyền thống của mặt trận cứu quốc để “hội tụ” (inclusive) chứ không “loại trừ” (exclusive). Đó là di sản mà cụ Hồ muốn để lại vì ông hiểu người Việt dễ chia rẽ và bất đồng. Chúng ta thường kêu gọi “học tập và làm theo gương bác Hồ”, nhưng dường như quên mất điều đó.

N.Q.D.

31/5/2024

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chính trị xã hội, Cơ hội và thách thức, Nguyễn Quang Dy, tham nhũng, Thích Chân Quang, Thích Minh Tuệ. Bookmark the permalink.