Đề nghị nghiêm túc: Bộ Công an cần xác minh lý lịch Vương Tấn Việt – Thích Chân Quang

Chu Mộng Long

2-6-2024

Tôi, nguyên Đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, nguyên cán bộ Đoàn Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chính thức đề nghị Bộ Công an xác minh lý lịch của Vương Tấn Việt, Pháp danh Thích Chân Quang, thượng toạ, trụ trì chùa Phật Quang, Vũng Tàu.

Video sau do chính Vương Tấn Việt – Thích Chân Quang truyền bá sau chuyến về Nghệ An dâng hương nhà thờ tổ họ Hồ. Nội dung: Cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Đồng Tháp lấy bà vợ bé họ Mai sinh ra Hồ Chí Nghĩa. Hồ Chí Nghĩa lấy vợ sinh ra Vương Tấn Việt. Vương Tấn Việt gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là bác ruột.

Đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ những khúc mắc sau:

1) Cụ Nguyễn Sinh Sắc họ Nguyễn, chưa bao giờ có tài liệu chính thống nói cụ họ Hồ. Những người con chính thức của cụ đều lấy họ Nguyễn: Nguyễn Sinh Nhuận, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung… Tại sao khi vào Đồng Tháp lấy vợ bé, cụ lại đặt tên con họ Hồ? Hồ Chí Nghĩa có đúng là con cụ Nguyễn Sinh Sắc?

2) Chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc mãi đến năm 1942 khi hoạt động ở Trung Quốc mới lấy tên Hồ Chí Minh. Trong khi cụ Nguyễn Sinh Sắc chính thức vào Nam Bộ năm 1911 và mất năm 1929. Khi lấy tên Hồ Chí Minh, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc có biết Hồ Chí Nghĩa không mà lại lấy tên giống họ và chữ lót với người em cùng cha khác mẹ của mình?

3) Cha họ Hồ, Hồ Chí Nghĩa, tại sao lại sinh con họ Vương, Vương Tấn Việt? Vương Tấn Việt sinh năm 1959 tại Đăk Lăk. Vậy cụ Hồ Chí Nghĩa từ Đồng Tháp lên Đăk Lăk làm gì và lấy ai để sinh ra Vương Tấn Việt? Cần xác minh rõ lai lịch cha mẹ Vương Tấn Việt có đúng là con, dâu cụ Nguyễn Sinh Sắc không?

4) Cháu ruột của anh em cùng cha khác mẹ, ắt cùng gene. Vậy Vương Tấn Việt và lãnh tụ Hồ Chí Minh mà Vương Tấn Việt nhận là cùng huyết thống có cùng ADN không?

5) Có đúng sự thật Nguyễn Sinh Sắc và con cháu của ông chỉ nhận họ Hồ (Quỳnh Lưu), không nhận họ Nguyễn (làng Sen, Nam Đàn) như những đồn đại lâu nay không? Nếu đúng thì tại sao các sử gia không đính chính sách sử cho trẻ em học?

Với một dòng họ nào đó thì không cần quan tâm. Nhưng quan hệ thân thế với lãnh tụ chính trị, nhân vật lịch sử thì cần rõ ràng, minh bạch. Bởi đây là vấn đề liên quan đến lịch sử dân tộc, an ninh chính trị của quốc gia, kể cả quan hệ đến tuyên truyền, giáo dục. Nếu ở đây có sự mạo nhận, vấn đề ắt trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trên nhiều mặt. Chưa nói đối tượng mạo nhận có thể mượn uy danh lãnh tụ để hoạt động chính trị, tôn giáo, làm lệch lạc sự thật và méo mó đức tin của mọi người.

Thân thế lãnh tụ quyết không có chuyện nhập nhằng để ai cũng được phép “thấy người sang bắt quàng làm họ”.

Thiết nghĩ 5 nội dung cần xác minh trên không đến nỗi khó khăn, phức tạp. Không điều tra xác minh tại thời điểm này mà để thời gian trôi qua ắt lịch sử càng thêm tối mù, khiến cho nhiều kẻ gian có thêm cơ hội mạo nhận để lừa đảo.

Các cháu đội viên, đoàn viên mang tên Bác cần có thông tin đúng về lãnh tụ. Không được để các cháu hiểu xuyên tạc, méo mó về gia thế và hình ảnh lãnh tụ.

Kết quả điều tra xác minh nhất thiết phải công khai trước toàn dân và đưa vào sách sử.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Chu Mộng Long, kiến nghị, Phật giáo, Thích Chân Quang. Bookmark the permalink.