Châu Nam Việt
28.05.2024
Còn nhớ khi ông Nguyễn Đức Chung hồi còn là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông này đã yêu cầu các công ty sân sau dùng tiền lợi nhuận phi pháp để làm từ thiện đánh bóng tên tuổi. Điển hình như việc ông này yêu cầu công ty Arktic dùng một phần trong số tiền lợi nhuận 36 tỷ đồng để tặng quà, tài trợ “thiện nguyện” cho nhiều bệnh viện và trường học để xây dựng hình ảnh. Công ty Arktic này thực chất là do vợ ông Chung góp vốn và con trai đứng tên Sau khi bị phát giác vì liên quan tới tham nhũng, việc “thiện nguyện” này lại là cái cớ để ông Chung xin được khoan hồng, giảm án do có nhiều đóng góp cho xã hội. Thực tế, vợ con ông Chung dùng tiền này làm từ thiện là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thậm chí có thể nói là gia đình ông chủ tịch Hà Nội còn phạm tội “rửa tiền”. |
(VNTB) – Ăn một hộp cơm từ thiện nhưng mất cả một ngày công.
Từ thiện là một hành động cao quý, mang lại nhiều giá trị nhân văn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng lợi dụng từ thiện để câu like, câu view đang ngày càng trở nên phổ biến. Một số quan chức cấp cao của đảng cộng sản cũng lợi dụng từ thiện để đánh bóng bản thân và có giấy chứng nhận để được khoan hồng khi ra toà.
Mới đây, khách sạn Sheraton Hải Phòng làm từ thiện theo kiểu câu like đã khiến cho nhiều người phẫn nộ. Theo đó, hôm 20/5, có 150 gia đình nhận được giấy của Hội Chữ thập đỏ quận Lê Chân, mời đến khách sạn Sheraton để nhận quà tặng do khách sạn tài trợ. 16h30 mới phát quà nhưng nhiều người háo hức, có mặt từ sớm. Đến khi nhận quà, người dân được yêu cầu xếp hàng, ký nhận. Sau nhiều giờ chờ đợi, người dân được phát cho 1 hộp cơm kèm 1 ít canh rau đựng trong ly nhựa. Trong hộp cơm có 2 quả trứng luộc, vài miếng thịt kho và một ít rau salad [1].
Vì tất cả được thông báo là đến nhận quà do khách sạn 5 sao nổi tiếng tài trợ, nên khi nhận phần quà là suất cơm hộp, thì ai cũng “ngỡ ngàng”. Người được mời đến đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, người bệnh ở quận Lê Chân, Hải Phòng. Nhiều người trong số họ không tự đi xe được nên phải nhờ con cháu chở đến. Thậm chí có người phải đi xe ôm tốn cả trăm nghìn đồng hoặc phải nghỉ cả buổi làm công để đi nhận quà. Do đó, khi chỉ nhận được 1 hộp cơm, có người đã phản ứng, thậm chí bỏ về, không nhận quà.
Dân nghèo được khách sạn 5 sao mời một bữa cơm có lẽ là chuyện cả đời mới có. Nhưng của cho không bằng cách cho, hành hạ người dân khổ sở xếp hàng ký nhận, chụp ảnh lưu niệm cảm ơn để rồi chỉ mang một hộp cơm về thì quá tàn nhẫn. Vậy nhưng, câu chuyện phía sau có lẽ không phải chỉ đơn giản là chụp ảnh ký tên…
Chuyện làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp hay các cá nhân muốn câu like, câu view có lẽ cũng chỉ cần lên án để họ chỉnh sửa cách làm vì ít ra đó vẫn là tiền của họ tự làm ra một cách hợp pháp. Nhưng tại sao lại phải yêu cầu ký nhận mới được nhận quà? Có hay không việc dùng tiền phi pháp để làm từ thiện rồi sau đó lấy các giấy tờ chứng nhận đã làm từ thiện để được khoan hồng trước pháp luật?
Còn nhớ khi ông Nguyễn Đức Chung hồi còn là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông này đã yêu cầu các công ty sân sau dùng tiền lợi nhuận phi pháp để làm từ thiện đánh bóng tên tuổi. Điển hình như việc ông này yêu cầu công ty Arktic dùng một phần trong số tiền lợi nhuận 36 tỷ đồng để tặng quà, tài trợ “thiện nguyện” cho nhiều bệnh viện và trường học để xây dựng hình ảnh. Công ty Arktic này thực chất là do vợ ông Chung góp vốn và con trai đứng tên.
Sau khi bị phát giác vì liên quan tới tham nhũng, việc “thiện nguyện” này lại là cái cớ để ông Chung xin được khoan hồng, giảm án do có nhiều đóng góp cho xã hội. Thực tế, vợ con ông Chung dùng tiền này làm từ thiện là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thậm chí có thể nói là gia đình ông chủ tịch Hà Nội còn phạm tội “rửa tiền”.
Dĩ nhiên, vụ án ông Nguyễn Đức Chung chỉ là một trong những trường hợp thường thấy của các cán bộ cao cấp trong đảng. Nếu thống kê thì không thể kể hết trong nội dung một bài viết. Dĩ nhiên không thể chụp mũ những doanh nghiệp làm từ thiện bằng tiền chân chính. Nhưng sau những vụ việc cán bộ tham nhũng được khoan hồng nhờ làm từ thiện bằng tiền phi pháp, càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, công ty “học tập” phương thức của các lãnh đạo.
Cho nên, khi một công ty, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó làm từ thiện mà ép người dân phải chụp hình, ký nhận thì rõ ràng là có lý do để nghi ngờ về động cơ phía sau. Bởi vậy, nếu thật sự muốn làm từ thiện bằng cái tâm, đừng lợi dụng hình ảnh người yếu thế, người nghèo và đừng ép họ ký nhận theo kiểu hợp đồng trao đổi. Làm từ thiện thì hãy làm từ cái tâm và tôn trọng người nhận!
VNTB gửi BVN