Thăm lại World Bank

Giang Công Thế

IMF và WB

Khi về hưu rồi, mình ngại đến nơi cũ vì đồng nghiệp mới bàn chuyện tương lai, mình toàn chuyện cũ, nói mãi cũng nhàm, vấn vương chi cho mệt. Mình cũng phục các ông hưu, mỗi khi lễ lạt, vẫn thích leo tót lên hàng ghế đầu, ngồi oai như cóc cụ.

Do phải đến làm lại ID cho người hưu có giá trị đến lúc vào 6 tấm nên đành vào xem 5 năm qua không có mình thì World Bank (WB) có chết tươi không. Hoá không có mình WB vẫn…vầy, dù đã thay mấy đời Chủ tịch và kể cả Tổng thống Mỹ.

Toà nhà trung tâm (Main Complex – MC) vn uy nghi, cách Nhà Trắng một phố, trông vẫn vẻ có tiền nhiều để làm gì, kế bên là IMF, xa thêm là IFC. Người ra vào tấp nập, đi lại như vẻ bận rộn lắm, đầy vẻ tự hào.

Chả gì cũng là Ngân hàng Thế giới, tiền như đất, khắp nơi muốn làm quen, nói chi làm trong đó. Mình len lén vào làm xong cái thẻ có chữ Retiree và hai vạch kiểu áo tù Juve, ảnh vẫn lấy từ 2015 cho trẻ vì đúng lúc về hưu.

Chả nhìn thấy ai quen, toàn lạ hoắc, không gian chung vẫn thế, nhưng mình thấy xa lạ vô cùng, chả còn nét gì thân thương thuở nào, kiểu gặp người cũ sau 50 năm khi nàng đã móm mém 80 tuổi.

Cũng xếp hàng làm suất cơm bình dân mà giá tới 12$, chắc do lạm phát. Hồi mình làm chỉ hết 8-9$, ăn mà đắng ngắt.

Như mình từng viết nhiều lần, cách Nhà Trắng chỉ một vài phố (19, 18), dọc đại lộ Pennsylvania có mấy tổ chức như IMF, WB, IFC, toàn giữ tiền của thế giới. Mấy ông bà lớn này hợp với nhau để giúp các nước nghèo và cả… nước giàu.

Theo tôn chỉ mục đích chính thức, Quỹ Tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund – IMF) giám sát hệ thống tài chính toàn cầu bằng theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.

Trong khi đó, WB cung cấp những khoản vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển thông qua các chương trình vay vốn, với mục tiêu là giảm thiểu đói nghèo. Vốn vay của WB cấp cho chính phủ.

IFC (International Finance Corporation – Tổ chức Tài chính Quốc tế ) hoạt động na ná giống WB nhưng cấp vốn cho tư nhân.

Thế giới có 4 tổ chức lớn là UN, IMF, WB, IFC đều nằm ở Mỹ, 3 ông giữ tiền có trụ sở gần Nhà Trắng, UN ở New York.

Chỉ có hai tổ chức nhỏ là UNESCO chẳng có quyền hành gì ngoại trừ mấy cái chứng chỉ di sản văn hóa, nằm bên Pháp. UNHCR ở Thụy sỹ toàn tiền đi xin để cứu người.

Ông UN ít tiền nhất, dự án xón từng tý một, nhưng không phải trả lại. Ông WB, IFC thì hàng trăm triệu đô la, có vay có trả. Bà IMF thì kinh hơn, toàn chục tỷ đô la.

Thông thường ở đâu có đánh nhau thì có đổ nát. Khi hết tiếng súng, ông UN vào trước dọn dẹp, giúp vốn để dựng nhà cửa tạm thời. Vì thế dự án UN thường nhỏ. Gọi đó là vốn đi học lớp vỡ lòng. Rồi các cụ xem, Ukraine và Gaza hết chiến tranh, thế nào UN cũng nhảy vào.

Khi đã tạm ổn rồi thì ông WB đến chơi và hỏi, có muốn xóa nghèo không, đây có ít tiền cho vay dài hạn, đôi lúc là 40 năm, với lãi suất gần như bằng 0, gọi đó là vốn vay IDA. Nhà nghèo thấy nói thế thì làm gì chả vay. Dự án mấy chục triệu đô la đến hàng tỷ là thường.

Làm ăn được, thu nhập bình quân đầu người trên 1000$/năm, coi như tốt nghiệp tiểu học, ông WB lại hỏi, có vay tiếp nữa không, đây có “dzốn” IBRD nhưng lãi suất tới 4-5% năm cơ. Uh thì vay, sợ gì bố con thằng nào.

Lãnh đạo tham nhũng thì không thích vay vốn của WB vì quản lý vốn vay khá chặt, không xơ múi như vay của Trung Quốc hay Nhật. Nếu thấy nước nào ít dự án WB thì hoặc do giầu rồi hoặc khó chấm mút.

Việt Nam vay vốn của WB từ năm 1959 nhưng là ở… Sài Gòn. Năm 1995, sau khi Mỹ bỏ cấm vận, VN mới được hưởng vốn IDA của WB. Sau 15 năm thì VN đã đạt thu nhập bình quân trên 1000$/năm/người và được coi là tốt nghiệp cấp 1. Hiện đang phải vay vốn IBRD lãi cao hơn, nhưng dự án tính hàng tỷ đô la.

IFC quan tâm đến mấy anh tư nhân, làm ăn giỏi, nhử chung vốn làm ăn. Khách sạn Sofitel ở Hà Nội là điển hình của IFC và tư nhân cùng hùn vốn, lời ăn lỗ chịu.

Khá lên nữa chẳng cần WB như Nhật, Anh, Mỹ mà hùn vốn cho các nước nghèo vay nặng lãi. Nhiều nước giàu chút nhưng làm ăn không thuận buồm xuôi gió, do chính sách vĩ mô có vấn đề, tự nhiên kinh tế khủng hoảng, vốn vay tới hạn phải trả lại không thể thực hiện được, đất nước đi vào… suy thoái theo cả hai nghĩa kinh tế và đạo đức. Để lâu là loạn.

Lúc đó chị IMF mới vào hỏi, liệu mà làm ăn, thay đổi chính sách đi, bà sẵn sàng cho mượn “rốn” để khỏi tụt váy. Nhưng phải cải tổ như các điểm sau đây: 1, 2, 3 …, gọi là cho vay có điều kiện. Đôi lúc IMF ép cả về mặt chính trị. Nhưng sắp sụp đổ rồi, nhiều nước phải ngậm đắng nuốt cay thôi. Indonesia, Brazil, Mexico… là những ví dụ sống động.

Tiền của các tổ chức này do các nước đóng góp, anh nào đóng nhiều thì hưởng lợi nhiều, có quyền nhiều. Mỹ đóng nhiều nhất nên ai định vay mà bị Hoa Kỳ phủ quyết là coi như toi.

Không có UN, WB, IFC, IMF, khó mà đi lên bằng đôi chân của chính mình. Như Bắc Triều Tiên thì xây dựng bằng yêu lãnh tụ cũng được nhưng hơi lâu.

Sau chiến tranh, Nhật bị tàn phá nên vay rất nhiều vốn của WB để phát triển. Họ may mắn giàu lên, bây giờ lại gửi tiền vào WB nhờ cho vay để lấy lãi. Indonesia, Thái Lan, Philippines cũng vay, nhưng chính phủ ăn cắp nhiều quá nên nay chưa giàu, đủ tiền như Nhật, cho vay kiểu WB hay IMF được, trả nợ còn chưa xong.

Việt Nam đã thuộc lớp trung bình thấp sau 30 năm, thế là kinh lắm rồi. Thể chế cũng tốt hơn vì cũng thay lãnh đạo liên tục kiểu thủ tướng Anh lên vài tháng đã toi do vi phạm những điều TT không được làm.

Rồi có ngày nước mình sẽ cho vay vốn thôi. Chỉ cần thu những thứ các cụ biển thủ cũng đủ góp vốn với IMF để thay đổi thể chế thế giới như giấc mộng Trung Hoa đang vươn tới.

Dưng mà thời của WB, UN, IMF cũng đang lung lay. Cỡ như TT Trump thì vốn trăm tỷ đô của WB là cái đinh, toà nhà UN ở New York án ngữ mặt tiền của Trump Tower làm cụ cáu điên. Đôi lần cụ đã hỏi, UN để làm gì, chuyển sang nước khác đi cho khuất mắt, 50% dân Mỹ vỗ tay rào rào.

UN ở New York

Dân các nước sang làm cho WB, UN cũng không được ưu tiên như xưa. Thời lão Cua thì ai làm 15 năm với G4 visa sẽ làm được thẻ xanh ngay nếu muốn. Nhưng có thẻ xanh phải đóng thuế nên các cụ cứ G4 cho đến hưu cũng kịp.

Nhưng vào một ngày đẹp giời thì Mỹ bảo hết ưu tiên rồi, các cụ phải đợi như dân thường ở các nước khác. Ưu tiên cho dân các nước bị chiến tranh. Thế là khổ.

Đó là America First đấy, vì việc như lão Cua thì người Mỹ Dell nào chả làm được, sao phải thuê tận dân châu Phi. Minh chứng là Cua hưu 10 năm mà WB vẫn còn.

Chúc các cụ vui cuối tuần. 

G.C.T.

Nguồn: FB Giang Công Thế

 

This entry was posted in Tản Mạn, World Bank. Bookmark the permalink.