Hành giả Minh Tuệ từng tu tập ở chùa Am và chịu ảnh hưởng sâu của Hòa thượng Thích Thông Lạc

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Hôm trước, một bạn FB có cung cấp thông tin: “Hành giả Thích Minh Tuệ đã xuất gia ở tu viện Chơn Như (tức Chùa Am)* của trưởng lão Thích Thông Lạc”. Tôi đã hỏi lại vài người trong Ban Giới – Định – Tuệ (thuộc Tu viện Chơn Như, hiện tham gia trong Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Tôn giáo) – Ban đã đề nghị tôi làm phim chân dung về Hòa thượng Thông Lạc ngay sau cuộc Tọa đàm khoa học về ngài được Trung tâm BTDSVHTG tổ chức vào năm 2022.

Được biết thêm: Chưa ai rõ tu sĩ Minh Tuệ có tuyên thệ xuất gia ở Tu viện Chơn Như hay không, nhưng sự thực là ngài đã có 5 tháng tu tập tại các thất của Tu viện này, sau đó tu sĩ Minh Tuệ rời tu viện làm Du sĩ, Khất sĩ từ bấy đến nay. Như vậy là: Tu sĩ Minh Tuệ trên con đường hành giả, tuy không đi theo lối ẩn tu trong mật thất nữa, nhưng chắc chắn là được hấp thụ, ảnh hưởng sâu sắc triết lý & phương thức hành đạo trên cơ sở hệ thống Phật giáo nguyên thủy mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã thể hiện trong 30 đầu sách do Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như ấn tống suốt hơn mấy chục năm qua!

Trước những “tuyên ngôn” đầy huênh hoang, xúi giục cúng dường, tuyên truyền mê tín lừa đảo xa lạ với “con thuyền Bát Nhã” của mấy vị chức sắc Phật giáo QD vừa qua, không ít người đã phải ngậm ngùi nhớ lại những lời răn dạy tựa lời than của Hòa thượng Thích Thông Lạc trong sách Những lời Phật dạy của ngài:

“Chúng tôi là đệ tử của Phật, noi gương Ngài, những gì của Phật đã bị ngoại đạo ném bỏ xuống thì chúng tôi dựng lại, còn những gì không phải của Phật gây ảnh hưởng xấu tai tiếng cho Phật giáo, gây ảo tưởng, trừu tượng, mê tín, lạc hậu, v.v khiến cho Phật giáo suy đồi thì chúng tôi ném bỏ xuống hết. Bởi vì khi tu xong chúng tôi như những người đứng trên núi cao nhìn xuống, thấy kinh sách, thấy ai tu hành không đúng chánh pháp của Phật, chúng tôi đều biết rõ. Do đó, tổ nào có ý đồ ném bỏ và kiến giải sai về Phật giáo thì chúng tôi có bổn phận phải chỉnh đốn lại và làm cho con đường Phật giáo sáng chói huy hoàng, chứ không thể để Phật giáo biến thành đống giáo lý tổng hợp. Nhờ đống giáo lý ấy mới có một số người lợi dụng làm nghề sinh sống mê tín, lừa đảo và làm cây chùm gửi, ăn bám vào người khác, biến họ thành gánh nặng cho xã hội. Lời nói này, tin hay không tin là quyền ở các bạn” (Những lời gốc Phật dạy – tập III, NXB Tôn Giáo 2013, tr. 166).

Nhưng tiếng nói chân thật và mang chân lý của ngài từng đã vấp phải không ít sự phản ứng, ghen tỵ, chống đối, thậm chí xuyên tạc rằng ngài là người dám đi “ngược dòng” chính thống, phản bội kinh điển Phật giáo được thừa nhận bao thế kỷ qua ở VN và các nước Đông Nam Á!

Xin đọc một đoạn trong bài: Những trò mê tín lừa đảo trong các chùa, trong đó Hòa thượng Thích Thông Lạc đã thẳng thắn vạch ra những vấn đề nóng bỏng tính thời sự và chân tình khuyên bảo các tăng ni – Phật tử:

“Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền bát nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây phương, Niết Bàn v.v đó là những việc làm mê tín lừa đảo những tín đồ nhẹ dạ vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng để các sư cô ghi tên họ được đưa về Tây Phương Cực Lạc, đó là một việc làm mê tín lạc hậu nhất trong các kinh sách phát triển mà các sư cô thực hiện.

Những việc làm này là những việc phỉ báng Phật giáo, có mục đích tiêu diệt Phật giáo, thấy những việc làm này người có trí hiểu biết sẽ đánh giá Phật giáo là một loại tôn giáo mê tín, lừa đảo tín đồ, do đó việc làm này không có lợi mà còn có hại cho Phật giáo rất lớn.

Những việc làm này nó không có lợi ích cho con người khiến cho con người tiền mất tật mang chỉ có những người hành nghề bất chánh này là có lợi ích mà thôi.

Bằng chứng như trong thư đã nêu, các ni sư chỉ hành một cái nghề mê tín này mà nhà chùa có hằng tỷ bạc dám bỏ tiền ra di dân để nhà chùa được rộng rãi khang trang hơn. Cho nên không có cái nghề nào làm giàu dễ như làm nghề mê tín trong các chùa.

Nghề mê tín là nghề bói khoa, chiêm tinh, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu dựng vợ gả chồng, làm nhà xây mồ mả v.v.

Nghề mê tín là nghề cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, làm ma chay, làm tuần cúng vong, tiễn linh, mở cửa mả, đốt tiền vàng mã và nghề dán kho đụn, quần áo, mũ nón v.v, đó là nghề lừa đảo lường gạt tín đồ Phật giáo. Kinh sách nguyên thủy không bao giờ đức Phật dạy, duy chỉ có kinh sách phát triển mới có dạy điều này mà thôi.

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật phải có trí tuệ, phải xác nhận thấy biết những điều mê tín không lợi ích cho mình cho người, những điều phi lý mất công bằng, vô đạo đức thì nhất định không làm theo, hoàn toàn không để cho người khác lợi dụng mình, lừa đảo mình. Có như vậy mới làm sáng tỏ lại Phật giáo, mới đem lại nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người…”

(http://phatphapchanthat.blogspot.com/2013/03/su-ong-thich-thong-lac-neu-ra-nhung-gia.html).

Rõ ràng: những lời dạy của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông từ bảy thế kỷ trước: “Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên; Đói cứ ăn no mệt ngủ liền; Của Báu trong nhà thôi tìm kiếm; Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền” như đã sống lại trong lời PHÁP MÔN NIỆM PHẬT của Hòa thượng Thích Thông Lạc:

“Những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo đều là những bậc Thánh tăng, Thánh ni và Thánh cư sĩ. Vì thế trong đời sống hiện tại trên thế gian, hằng ngày quý vị phải biết cách thức sống đúng đạo đức nhân bản – nhân quả thì sự an vui hạnh phúc mới thực sự là chân thật. Do muốn biết cách thức sống đúng đạo đức nhân bản – nhân quả nên phải biết rõ ràng từng hành động thân, khẩu, ý của mình như thế nào đúng và như thế nào sai giới luật, sai giới luật là phạm giới. Sống đúng giới luật là sống đúng đức hạnh, sống đúng đức hạnh là sống thương yêu nhau, đem lại sự an vui cho nhau. Sống phi giới luật là sống vô đạo đức, sống vô đạo đức là sống đem khổ đau cho nhau, chẳng biết thương nhau” (Văn hóa truyền thống, Lời nói đầu – tập II, NXB Tôn Giáo 2000).

Và tôi đã tìm đọc cuốn “Lịch sử chùa Am – Tu viện Chơn Như” (NXB Tôn giáo, 2013). Chùa Am có lịch sử hơn 200 năm, với vị sư trụ trì đầu là hòa thượng Minh Không nguyên là một võ tướng của Tây Sơn, và vị trụ trì thứ 5 chính là Hòa thượng Thông Lạc – cũng là tác giả cuốn sách trên.

Tôi thấy mê ngôi chùa này quá, bởi có gì giống mọi ngôi chùa Việt truyền thống xưa nay: “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá / Sư cụ nằm chung với khói mây” (Nguyễn Khuyến); bởi mở đầu cho những trang sách lịch sử ngôi chùa cổ là dòng chữ in trang trọng “Quê hương Việt Nam” tiếp theo là nhiều cảnh vật thiên nhiên núi rừng – sông suối nước Việt cùng những câu thơ của các thi sĩ Tản Đà, Huy Cận (Nước Non nặng một lời thề / Nước đi đi mãi không về cùng Non / Nhớ lời hẹn Nước thề Non /… Nước đi ra bể lại mưa về nguồn… Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song…). Ngay cả câu thơ của Thôi Hiệu với lời dịch thơ của Tản Đà: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai – Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu” cũng có ảnh thiên nhiên làng quê Việt minh họa và góp phần tạo nên cái nền tình yêu quê hương đất nước thấm thía tràn ngập tâm hồn vị Thiền sư… Trong khuôn viên Chùa Am, bên cạnh các bia Kinh, có bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đi khất thực…

Phải chăng, tu sĩ Thích Minh Tuệ từng sống và từng hấp thụ cái không khí Tâm hồn – Tư tưởng thuần hậu cao cả của một vị Trưởng lão từng là một “hiện tượng” trong Phật giáo VN hiện đại, nên hành trạng sau đó của hành giả này đã tựa một sự thực hành tiếp tục, tiếp nối ước nguyện của Hòa thượng Thích Thông Lạc? Cái ước nguyện, sự mong mỏi cháy lòng làm sao để Phật giáo nói chung và ngôi chùa nói riêng cần trở lại linh thiêng và tiếp tục gần gũi với tâm hồn người dân Việt, kể từ thời Bắc thuộc, nói như cố GS. sử học Trần Quốc Vượng: “đạo Phật thấm vào lòng người dân Việt cổ như nước thấm vào lòng đất”, và “Phật giáo trở thành một tư tưởng dân tộc và tổ chức Phật giáo (tăng đoàn, cư sĩ, Phật tử) trở thành một lực lượng dân tộc” (Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nhiều tác giả, Viện Triết học, HN, 1986, tr. 141).

Điều đó chắc lý giải được phần nào sự ngưỡng mộ, kính trọng của đám đông dân Việt vừa qua ở các địa phương – nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh trước những bước chân hành hương khất thực của vị tu sĩ có phần kỳ dị song thực ra rất dễ hiểu – bởi hình ảnh tu sĩ Minh Tuệ đã phần nào tượng trưng cho niềm tín ngưỡng nguyên thủy thuần Việt tựa “nước thấm vào lòng đất” nhưng lâu nay bị che mắt bịt tai, bị chèn ép, bị xuyên tạc bởi hệ thống Phật giáo & sinh hoạt Phật giáo đã vào giai đoạn thương mại hóa một cách thảm hại…

N.A.T.

Tác giả gửi BVN

_________

*Tu viện Chơn Như hiện ở số 4 đường Chùa Am, ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Ảnh: Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đi khất thực trong Chùa Am. MA NAT

This entry was posted in Thích Minh Tuệ. Bookmark the permalink.