“Bắt nguội”, “bắt vét” và “truy cùng diệt tận”

Song Chi

Xin góp chút an ủi, giúp đỡ gia đình người thanh niên chết bất thường!

Có thể là hình ảnh về 1 người, trẻ em và đang cười

Phạm Thanh Nghiên cùng với Mạc Van Trang và 34 người khác

Trong mấy ngày qua, tôi nhận được một số cuộc gọi và tin nhắn nhờ chuyển tiền đến gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (Dũng Aduku). Trước là để phúng điếu, bày tỏ sự tiếc thương đối với anh, một con người đã dấn thân cho lẽ phải. Sau là để bé Minh Nhật có chút vốn liếng nho nhỏ, coi như là quà của bố Dũng chuẩn bị cho con bước vào lớp Một.

Trong thời gian lang bạt, nay đây mai đó để né tránh sự truy lùng của công an, Dũng đã dặn tôi và vài người bạn thân rằng, nếu anh bị bắt thì không cần quan tâm gì đến anh, cứ để anh là “tù mồ côi” cũng được, vì anh quen rồi. Nhưng nếu có ai đó nhớ đến và chia sẻ, thì giữ lại để lo cho bé Minh Nhật. Chỉ cần mỗi năm đến mùa khai giảng, gom được vài triệu mang tới trao tận tay cho ông ngoại dưới sự chứng kiến của Minh Nhật, để thằng bé biết rằng dù không về được nhưng bố Dũng luôn yêu thương và lo lắng cho con.

Nhưng đó là trong trường hợp anh Dũng đi tù lần 2. Không ai nghĩ đến một biến cố kinh hoàng thế này lại xảy ra.

Vậy, những ai muốn phúng viếng anh Dũng và chia sẻ với bé Minh Nhật trong cơn khốn khó, có thể gửi về số tài khoản của mẹ bé Minh Nhật:

Họ tên: Bùi Thị Kim Huệ.

Số tài khoản: 03101010094885, Ngân hàng MSB- Hàng Hải.

Số điện thoại: 035. 812.5147.

Tôi xin phép được tag tên một số bạn bè, nếu thấy bất tiện, quý vị có thể gỡ tên khỏi bài đăng.

Xin cảm ơn.

Phạm Thanh Nghiên

Cùng lúc với việc mở rộng bắt bớ hoặc trừng phạt các quan tham từ trên xuống dưới (thực chất là đấu đá, sát phạt lẫn nhau để giành ghế là chính), nhà cầm quyền Việt Nam cũng gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự. Với mỗi quan tham bị bắt thì người dân đều choáng váng vì mức độ tham nhũng, hối lộ nghiêm trọng, “ăn của dân không chừa một thứ gì”; đám quan tham này đã làm thất thoát bao nhiêu tiền bạc, tài nguyên của nhân dân, đất nước, đã để lại những hậu quả năng nề cho nền kinh tế, đã làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào mức độ minh bạch về kinh tế, sự ổn định chính trị của Việt Nam cũng như lòng tin (vốn đã mòn tới đáy) của người dân vào nền luật pháp XNCHVN v.v… Trong khi đó với những người bất đồng chính kiến, chỉ lên tiếng một cách ôn hòa, không có bất cứ một lực lượng, thế lực, quyền hành gì trong tay, thì người ta phải đặt câu hỏi họ gây nguy hiểm gì, gây hại gì mà nhà cầm quyền phải “truy cùng diệt tận” họ như vậy? Gọi là “truy cùng diệt tận” bởi vì hầu hết những người bị bắt mấy năm gần đây đều là “bắt nguội”, “bắt vét” khi chính họ vì lý do này lý do khác, đã không còn lên tiếng hay hoạt động gì nữa một thời gian.

Mới đây nhất là 2 trường hợp liên quan đến trang Facebook Nhật ký yêu nước mà admin của trang này, Phan Tất Thành cũng đã ngừng hoạt động khá lâu nhưng vẫn bị bắt và mới bị Tòa Án Nhân dân TP.HCM ngày 8/5 vừa qua kết án 8 năm tù giam. (Trang Nhật ký yêu nước là một trang từng được nhiều người Việt, nhất là giới trẻ, biết đến rộng rãi qua những bài viết phản ánh hiện tình Việt Nam và qua những lần kêu gọi thành công sinh viên, học sinh xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ngay từ những năm 2007, 2008. Sau này trang vẫn còn hoạt động nhưng không nổi như trước). Một thành viên khác, Nguyễn Văn Dũng tức Dũng Aduku thì từ nhiều năm nay rồi thường xuyên bị công an sách nhiễu, truy đuổi, o ép, không thể làm được việc gì để mưu sinh mà không bị phá, đến mức cuối cùng phải chọn cái chết (và nguyên nhân thực sự của cái chết này vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng sau khi bị công an Phú Thọ tạm giữ và thẩm vấn 4 ngày từ 22/4-26/4 rồi thả ra, thì chỉ sau đó một ngày, Dũng đã tìm đến cái chết). Trước đó nhiều năm Dũng đã từng bị công an gài bẫy và bị tù với một tội danh không được hay ho, nhằm bôi xấu anh.

Nhìn lại trong suốt những năm qua, tất cả những người đã từng lên tiếng chỉ trích nhà nước Việt Nam đều phải trả giá rất đắt, nếu không phải chịu những bản án tù nặng nề thì cũng bị mất công ăn việc làm, mất sự nghiệp, gia đình ly tán, bị chặn đường mưu sinh, đi làm ở đâu, sống ở đâu cũng không yên, hoặc phải rời nước sống lưu vong. Một thủ đoạn khác nữa của công an là dựng chuyện bôi nhọ, bôi bẩn hình ảnh của những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động; hoặc gây ly tán giữa người này với người kia… Và như đã nói ở trên,  đến mức nhiều năm sau nhà cầm quyền vẫn còn truy đuổi, bắt bớ họ.

Trong một xã hội độc tài mà bộ máy công an, an ninh chìm nổi, dư luận viên dày đặc này, Nguyễn Văn Dũng chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Cái chết của Dũng rồi cũng sẽ bị quên đi như hàng triệu cái chết oan khiên đủ kiểu của người dân Việt Nam, ngay cả sau khi đất nước đã ngừng tiếng súng chiến tranh – những cái chết trong thời bình: Từ những cái chết vì vượt biển thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ XX cho tới chết trong thùng container đông lạnh, trên đường xuyên rừng, trên xuồng cao su khi người dân tiếp tục vượt biển đi tìm một cuộc sống bình an, no đủ hơn; chết vì tai nạn lao động, vì làm việc quá sức như nô lệ, vì bị chủ đánh đập hoặc bị bạo hành tình dục khi đem thân đi làm thuê, làm vợ, thậm chí làm gái ở nước ngoài; chết vì bị công an bạo hành trong đồn, chết vì bệnh tật, vì điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong những nhà tù của nhà nước cộng sản Việt Nam… Cuối cùng là không thiếu những cái chết do con người bị dồn đến đường cùng mà thỉnh thoảng chúng ta lại đọc/nghe thấy qua báo chí hoặc qua mạng xã hội: người thì tự thiêu vì bị cưỡng chế đất đai mất hết nhà cửa, người thì tự tử vì quẫn bách, đói kém, nợ nần… Và bây giờ là một cái chết vì bị “khủng bố tinh thần” như Dũng Aduku.

Có thể có những quốc gia mà một vụ tham nhũng lớn đã đủ sức làm cho cả dân tộc phẫn nộ đứng lên đòi thay đổi chế độ thối nát, tham nhũng đó.

Có thể có những quốc gia mà những vụ thanh trừng, “tiêu diệt” lẫn nhau của đám quan chức cấp cao làm cả chế độ phải sụp đổ.

Có thể có những quốc gia mà cái chết oan ức của một người dân dưới bàn tay của công an, quan chức đủ để tạo ra cả một cuộc cách mạng.

Nhưng ở Việt Nam thì khác.

Những vụ án tham nhũng với mức độ ngày càng kinh khủng, ngày càng vô đạo đức, dường như chỉ làm cho người Việt quen đi, sự phẫn nộ cũng chỉ trong giây lát.

Những vụ thanh trừng, hãm hại nhau cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, dường như chỉ làm cho người Việt hào hứng theo dõi như xem những vở bi-hài kịch.

Đối với những cái chết oan ức cũng vậy, người Việt cũng quen đi…

Bao giờ thì những sự bất công, bất bình thường ấy mới thôi được xem là “bình thường”, rằng “cái nước mình nó thế”?

S.C.

Nguồn: RFAVietnam

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.