Đánh thuế vàng, tại sao không?

Hải Lý 

Một chính sách thuế thích hợp cho thị trường vàng ngoài việc điều tiết cung cầu, còn hỗ trợ đánh giá chính xác quy mô thị trường thông qua giao dịch có hóa đơn chứng từ. Đây sẽ là sự bổ trợ cho việc xây dựng, chỉnh sửa khung pháp lý quản lý thị trường vàng phù hợp với biến động chung của thị trường tài chính quốc tế, thị trường tiền tệ trong nước qua từng giai đoạn.

Có lần, ở Pháp, trong một cửa hàng treo biển mua vàng, tôi thấy một người đàn ông bán chiếc nhẫn khá to.

Chủ cửa hàng cầm chiếc nhẫn mang vào cân đong, trở lại báo giá mấy trăm euros. “Sao thấp thế? Chưa bằng 60% giá tôi mua cách đây mười mấy năm” – người bán phàn nàn. Chủ cửa hàng hỏi: “Ông có hóa đơn khi mua không?”. Người bán lắc đầu. Chủ tiệm giải thích đại ý, thế thì cửa hàng phải đóng thuế thay cho người bán, nên giá mua không thể cao được.

Quy định của Pháp yêu cầu khi bán vàng, chủ sở hữu hoặc nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên. Để tính toán lãi/lỗ, thời gian nắm giữ, người bán cần có hóa đơn khi mua làm bằng chứng. Giao dịch không có hóa đơn giá rất thấp vì bên mua phải nộp thuế thay bên bán (khi bán lại) và còn phải chịu một số loại phí, thuế khác.

Không chỉ Pháp, nhiều quốc gia đánh thuế mua bán vàng vật chất. Còn mua bán vàng trên các sàn giao dịch hàng hóa, chứng khoán, người ta nộp thuế như giao dịch chứng khoán. Nhìn từ góc độ thuế, Việt Nam gần như là “thiên đường” mua bán vàng vật chất vì ngoài phí gia công, thuế nhập khẩu 1% (áp dụng khi Việt Nam còn cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trước đây), người mua bán vàng không chịu thuế gì khác. Nếu coi vàng là hàng hóa và là một kênh đầu tư, thì kênh vàng có lợi thế hơn hẳn. Đầu tư bất động sản khi bán nhà, căn hộ phải nộp thuế. Đầu tư chứng khoán khi bán cổ phiếu cũng phải nộp thuế. Nhưng đầu tư vàng thì không.

Tôi đã đọc ba lần công điện mới nhất của Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các bộ ngành quản lý thị trường vàng, mục tiêu “không để “vàng hóa” nền kinh tế, không tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối và an toàn tiền tệ quốc gia”. Để xử lý sự chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, đề xuất khả năng cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng miếng.

Giải quyết sự chênh lệch giá vàng miếng nội địa và giá vàng thế giới là cần nhưng liệu có giúp đạt mục tiêu không “vàng hóa” nền kinh tế, không ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá? Tôi e là khó. Lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, một số ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng mà tôi tham khảo ý kiến tỏ ra hoài nghi. Nhu cầu mua vàng xem ra không giảm khi đầu tư vàng đang mang lại lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán.

Việt Nam đã mất nhiều công sức trong hàng chục năm để chống “vàng hóa” nền kinh tế. Nay mở lại nhập khẩu vàng, xóa độc quyền vàng miếng, thử hỏi nhu cầu mua vàng có bớt không? Còn không cho nhập khẩu vàng chính thức, nhu cầu nội địa cao, nghi vấn nhập vàng lậu dẫn đến “chảy máu” ngoại tệ là không tránh khỏi. Đã ba tháng qua tỷ giá đô la thị trường tự do “nhảy múa” vì nghi vấn gom ngoại tệ mặt nhập vàng lậu. Dù muốn hay không tỷ giá thị trường tự do cũng ít nhiều gây sức ép tâm lý lên tỷ giá ngân hàng.

Trong khi đó thuế là công cụ hữu hiệu điều tiết thị trường vàng chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Tại sao đầu tư vàng có lãi không phải nộp thuế?

Đánh thuế vàng không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu, lập lại sự công bằng giữa các kênh đầu tư vàng – chứng khoán – bất động sản, mà còn là phương sách để chống “vàng hoá” nền kinh tế. Người mua vàng sẽ tính toán thời gian nắm giữ, tiên liệu lời lỗ dựa trên sự biến động của giá thế giới, trong nước và mức thuế phải nộp. Thuế vàng áp dụng khi bán sẽ chiết khấu lợi nhuận của người sở hữu và trong trường hợp lợi nhuận thật sự thu về (lợi nhuận ròng) không hấp dẫn, người ta sẽ giảm mua vàng.

Mức thuế vàng nào là phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam? Thuế áp trên vàng miếng và vàng trang sức khác nhau như thế nào? Thời gian nắm giữ vàng bao lâu thì được miễn thuế khi bán? Cho, tặng vàng có phải nộp thuế? Những câu hỏi này thuộc thẩm quyền của nhà làm chính sách. Điều có thể hình dung là thuế vàng sẽ khiến việc sử dụng hóa đơn chứng từ khi giao dịch vàng trở nên phổ biến hơn. Hiện nay người ta mua bán vàng vật chất chỉ có (hoặc không có) biên lai, ghi rõ chất lượng vàng bốn số chín, trọng lượng một – hai chỉ, một – hai lượng, ít khi có biên lai ghi giá mua, trừ trường hợp người mua đặt cọc trước và nhận vàng sau do cơ sở chế tác vàng nhẫn không kịp giao ngay.

Thuế vàng, cũng như mọi sắc thuế khác, khi áp dụng có thể có tình trạng trốn thuế. Kẻ bán người mua vàng có thể thỏa thuận để tránh nộp thuế. Chức năng thanh tra, giám sát và hậu kiểm của cơ quan thuế nằm ở chỗ này. Ngoài ra, vàng là thứ hàng hóa đặc biệt, các cá nhân hiếm khi mua bán vàng vật chất với nhau, mà thường giao dịch thông qua các tiệm, cửa hàng của doanh nghiệp. Hậu kiểm doanh nghiệp, ngân hàng kinh doanh vàng, các tiệm vàng có lẽ cũng không khác nhiều việc chống thất thu thuế những lĩnh vực khác.

Một vấn đề mà xã hội từ lâu quan tâm là quy mô thực của thị trường vàng Việt Nam hiện tại. Đã có những phỏng đoán về số lượng 500 tấn vàng trong dân căn cứ vào khối lượng vàng nhập theo đường chính thức trước năm 2014; số lượng vàng miếng mà công ty SJC đã dập; lượng vàng tiêu thụ ở các nước láng giềng do Hội đồng vàng thế giới công bố… Tuy nhiên không ai thống kê được cũng từng ấy năm nghi vấn xuất vàng lậu đã “tuồn” bao nhiêu vàng ra nước ngoài.

Một tấn vàng ngày hôm nay theo giá quốc tế có giá 71 triệu USD (một tấn tương đương 26.666 lượng). 500 tấn vàng quy ra tiền lên tới khoảng 35 tỷ USD. Đó là con số quá lớn. Một doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu năm ước tính số vàng trong dân ở Việt Nam đâu đó tầm 100-200 tấn. Tôi cho rằng con số này có thể sát với thực tế hơn.

Một chính sách thuế thích hợp cho thị trường vàng ngoài việc điều tiết cung cầu, còn hỗ trợ đánh giá chính xác quy mô thị trường thông qua giao dịch có hóa đơn chứng từ. Đây sẽ là sự bổ trợ cho việc xây dựng, chỉnh sửa khung pháp lý quản lý thị trường vàng phù hợp với biến động chung của thị trường tài chính quốc tế, thị trường tiền tệ trong nước qua từng giai đoạn.

Đánh thuế vàng, xét từ mọi góc độ trong tổng hòa nền kinh tế, mang lại ích nước, lợi nhà.

H.L.

Nguồn: VNExpress.net

This entry was posted in Chính sách thuế vàng, kinh tế. Bookmark the permalink.