Thầy Thích Huyền Diệu: Tôn giáo phải độc lập trước đồng tiền và quyền lực

Lưu Trọng Văn 

Làm sao Tập Cận Bình gặp Đạt Lai Lạt Ma? Tại sao không? 

Gã bất ngờ trước câu hỏi này của thầy Huyền Diệu với một số nhà sư vừa từ Việt Nam qua.

Gã nghĩ, các nhà sư toàn thế giới có đồng lòng cũng khó mà kết nối được cuộc gặp này. Nhưng vấn đề gặp để làm gì, khi ông Tập đã coi Tây Tạng – mà ông Mao xua hàng trăm ngàn quân năm 1959 chiếm – là lãnh thổ của Trung Quốc không bàn cãi rồi. Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma bao năm sống kiếp lưu vong cũng khó mà trở về lại Tây Tạng khi Tây Tạng rợp cờ đỏ 5 sao của Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng chắc chắn câu hỏi của thầy Huyền Diệu – một người có nửa thế kỷ tu hành ở Đất Phật không đãi bôi cho có chuyện. Gã tin có ẩn ý gì đó, bởi bản thân thầy Huyền Diệu từng “biến điều không thể thành có thể” khi góp công rất lớn khôi phục Phật giáo ở Nepal được chính phủ Nepal tôn vinh. 

Thầy Huyền Diệu kể, Đức Đạt Lai Lạt Ma từng đến chùa của thầy lúc đêm rồi nói chuyện với thầy đến sáng…

Chuyện gì? 

Diệt khổ? Với Đạt Lai Lạt Ma thì có nỗi khổ nào bằng “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”.

Ngày cuối ở Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật đắc đạo, gã gặp thầy Huyền Diệu. Ông khoe mình từng là học trò của Vũ Hoàng Chương. Gã tin ông thuộc câu thơ này của Vũ Hoàng Chương: 

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.

Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,

Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Lúc này, trước mặt gã không phải nhà tu hành khuôn mẫu cứng ngắc hay khổ hạnh mà là một lão nông quê kiểng khoác áo nâu sồng. Thầy Thích Thọ Lạc phát hiện cánh tay áo của thầy Huyền Diệu có lỗ rách. Thầy Huyền Diệu liền khoe cái lỗ rách ấy. 

Thế đấy vào chùa mà gặp đời, nghe chuyện tu với đời. 

Thầy Huyền Diệu nói: 

“Thời này sư giả nhiều lắm, tay đeo nhẫn hạt xoàn, đi xe Rolls Royce, gái xinh vây quanh. Còn thầy vẫn là anh làm mướn đi dạy thuê kiếm sống”.

Trên vách chùa, vách tháp có nhiều phù điêu bản đồ Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tô đỏ rực. Và bên cạnh treo một bảng viết trên gỗ:

“Khi ta nằm xuống những gì ta dùng tan vào mây khói. Những gì ta để lại người khác dùng.Ta chỉ mang theo những gì ta đã cho”.

Ký tên: HD, người làm vườn kiêm quét chùa.

HD là Huyền Diệu.

Thầy nói với các nhà sư ở Việt Nam qua: vào chùa phải như nhau. Tổng bí thư hay chủ tịch nước thích thì tự vào vãn cảnh chùa, thầy không rước, không đón. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vô chùa, thầy gọi thằng Ba. Một người thân cận thủ tướng nhắc thầy không được gọi vậy, phải gọi “thưa ngài thủ tướng”. Thầy bảo, ở chùa này ai cũng bình đẳng như ai trước Đức Phật. Ít tuổi thì gọi cậu em, chú em, thân mật thì gọi …thằng.

Thầy Huyền Diệu từng nói thẳng với một số chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Tôn giáo phải độc lập. Chỉ có độc lập mình mới giữ được cái thế của mình. Mình không thể là đầu sai ngoan ngoãn của đám có tiền, của nhà cầm quyền”.

Khi một phật tử trẻ hỏi, vì sao thầy muốn tại chùa của mình ở Đất Phật này có phòng lưu niệm hoà thượng Thích Đức Nhuận, pháp chủ đầu tiên của GHPGVN? Thầy Huyền Diệu đáp: Mình khổ từ bé, khát khao thoát khổ, ra nước ngoài chỉ một chiếc quần và hai chiếc áo. Khi tu luyện thành công, năm 1970 thầy thấy ở Bồ Đề Đạo Tràng có nhiều chùa các nước mà không có chùa Việt Nam. Thầy xây ngôi chùa này lấy tên là “Chùa Việt Nam”. Nhưng thấy Việt Nam mình đánh lộn nhau hoài chẳng qua vì mọi người không đặt “Tổ quốc Việt Nam” lên trên hết nên thầy đổi tên chùa là “Việt Nam Phật Quốc tự”. Trớ trêu thay, từ khi đặt “Việt Nam” lên trên hết, chùa của thầy lại gặp muôn khó khăn, nhiều kẻ đến chùa đòi đập phá, chùa luôn bất an. Thầy đặt chữ “An” lên trên thành “An Việt Nam Phật quốc tự”. Thầy Thích Đức Nhuận luôn đặt sự bình an cho Việt Nam lên trên hết, mọi hành động của thầy Thích Đức Nhuận đều hướng tới Phật giáo phải góp phần cho Việt Nam bình an. Thầy kính trọng thầy Đức Nhuận. 

Khi trao đổi với thầy Huyền Diệu, thầy Thọ Lạc, người mang tượng chân dung thầy Đức Nhuận qua Ấn Độ tặng thầy Huyền Diệu để thầy Huyền Diệu đặt tại Phòng tưởng niệm thầy Đức Nhuận, đã gọi thầy Đức Nhuận là “Đại lão Hoà thượng bậc cao tăng của thế kỷ 20”.

Thầy Huyền Diệu kể có gặp một số lãnh đạo Việt Nam, họ kể năm 1981, thủ tướng Phạm Văn Đồng mời thầy Đức Nhuận đứng ra thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thầy Đức Nhuận bảo có bốn điều kiện:

1. Tín đồ được tự do tín ngưỡng theo Phật giáo.

2. Người dân được tự do xuất gia, được tự do đi chùa, xây chùa.

3. Phật giáo được mở trường đào tạo tăng ni. 

4. Các chùa, các cơ sở của chùa trước đây bị các cơ quan, chính quyền chiếm dụng phải trả lại hết cho chùa.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đáp: các điều kiện của thầy sẽ được Bộ Chính trị xem xét. Sau đó thủ tướng trả lời, Bộ Chính trị chấp nhận ba điều kiện trên, còn điều kiện cuối xin để tiến hành từng bước.

Thầy Huyền Diệu mời nhiều nhà sư Ấn Độ, Tây Tạng và các nhà sư các nước cùng các thầy Thọ Lạc, Giác Hoàng, Lệ Trí, Giác Nghi… ở Việt Nam qua, dự lễ khánh thành Phòng Tưởng niệm hoà thượng Thích Đức Nhuận với nghi lễ rất đơn giản nhưng trang trọng. Thầy Huyền Diệu nói: Tu hành không cần nhiều lời mà cần hành động thôi.

Thầy Đức Nhuận đã có công khôi phục Phật giáo ở các tỉnh phía Bắc, nhưng ở tuổi 97 thầy ra đi vẫn còn canh cánh mang theo những câu hỏi lớn của Phật giáo nước nhà: còn đó những kẻ mượn chùa để làm giàu bất chính, còn đó những mê muội dị đoan, còn đó sự chia rẽ các giáo hội trong khi Phật chỉ là Một và Đạo chỉ có một: Chính Đạo.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Phật giáo, Tôn giáo và chính quyền, Tôn giáo và dân tộc. Bookmark the permalink.