Nguyễn Huy Cường
Tôi theo dõi vụ gia đình bảy người trên chiếc xe máy đi khắp vòng cung biên giới phía Bắc đi tìm việc. Hình ảnh này cho thấy nhiều điều.
Thứ nhất là cách lãnh đạo, quy quản người dân ở nơi họ cư trú. Thiếu sự vận động sâu sát để họ dừng đẻ trước khi có tới 05 đứa con khi không có thu nhập.
Thứ hai là họ nghèo thông tin chứ không phải chỉ nghèo tiền. Nếu họ hiểu biết hơn một chút có thể đổ về hướng Sơn La, Hoà Bình xin tá túc, làm thuê trong những trang trại nông nghiệp, du lịch… sẽ dễ dàng hơn và phù hợp hơn đi lang thang vô định sang Cao Bằng, Lạng Sơn.
Có thể ngay ở tỉnh Điện biên quê họ sẽ có những cơ sở có thể thu xếp cho họ sống tạm.
Thứ ba là trên hành trình hơn nửa ngàn kilomet ấy, không có một cá nhân, tổ chức nào động tâm động não để dừng bước cho họ trong một phạm vi có thể. Rất may là “Đoàn” này chưa bị tai nạn giao thông hay chết đói cho đến khi gặp được ân nhân.
Cuối cùng là địa phương nơi họ dứt áo ra đi, không lẽ cả xã, cả bản, cả cán bộ, nhân dân không ai biết để có cách gì đó ngăn lại?
Anh Trương Hữu Thiêm ghé tận nơi coi giúp.
Sài Gòn 2010
Cách đây hơn chục năm nhà tôi ở đường Tân Sơn sát rào sân bay Tân Sơn Nhất, ở lâu nên biết nhiều chuyện.
Có nhiều hộ dân đến đây làm thuê theo kiểu ai thuê cái gì làm cái đấy. Họ không có chuyên môn gì cả, làm một buổi nghỉ hai ba buổi.
Hỏi kỹ thì mấy nhà này ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi mà trước đây ông chồng bơi thuyền ra sông thả lưới chừng một giờ trở về đổ ra sân dăm chục ký cá tạp. Bà vợ và sắp nhỏ ngồi lựa ba giờ liền chưa xong. Số thì phơi khô, số thì bán đong gạo. Nếu có đói có thể ăn cá …trừ bữa.
Nay có chủ trương tăng thêm một triệu tấn lương thực ở vùng này, người ta đắp đê ngăn mặn. Dòng nước chảy thay đổi, biển hồ bị thu hẹp, hết cá!
Và họ ra đi.
Có một bà vay nợ vặt nhiều nhà mà khó trả, khi chủ nợ truy hỏi bà đáp rất hồn nhiên: “Dì Tư an tâm, con bé nhà tôi mười lăm rồi, sang năm nó nhỉnh hơn chút, đem bán trinh là dư tiền trả mấy trăm bạc cho Dì!”.
Câu chuyện buồn này không phải đơn lẻ hay đột xuất, hàng chục ngàn người miền Tây trong đó có những cô gái trẻ đồng cảnh với họ.
Bình Dương, Đồng Nai 2022
Dịp dịch dã 2022, nhiều người chạy những chiếc xe cà tàng từ Bình Dương về …Lào Cai, Điện Biên với chặng đường gần 2000 km gió mưa trong khi hành trang hầu như không có gì.
Viết đề tài này tôi quan tâm đến một “Bộ chuẩn hộ nghèo” khác với bộ chuẩn hiện nay của nhà nước là: Chuẩn hộ nghèo:
– Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên;
– Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Thực ra, nếu muốn xây dựng bộ chuẩn hộ nghèo “thứ thiệt”, tôi nói theo tiếng Nam Bộ, thì nó phải dựa trên một cái cốt như thế này:
Hộ nghèo là hộ không làm chủ được cuộc sống của mình trong ba tháng trở lên.
Thế thôi, không cần những con số cụ thể như trên.
Ở mỗi địa phương thì cái “chuẩn” sẽ khác nhau.
Từ đó địa phương có những ứng xử phù hợp.
Nhân sự kiện này kính đề nghị ngành Thương binh – Xã hội nên có một cuộc tổng rà soát (và tổng xử lý) diện nghèo theo “chuẩn thứ thiệt” này ở 30 tỉnh tiềm năng nghèo.
Cùng lúc đó là cuộc tổng rà soát những nguồn chi có thể nói là gián tiếp gây ra cái “nghèo thứ thiệt” kia là món hội trường lớn, tượng đài to, lễ hội um xùm…
Chuyện lớn đó. Làm luôn!
N.H.C.
Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường