Trung Quốc trong cách nhìn nhận của dịch giả Trần Đình Hiến (Phần 1)

Anh Quốc

Cụ Trần Đình Hiến sinh năm 1933 là người cùng xã, thỉnh thoảng ngày Tết, ngày nhà có việc, cụ lại sang thăm chơi với bố tôi.

Cụ nho nhã, uyên bác và hóm hỉnh, nhưng ít ai biết cụ đã từng phải đi làm phu hồ kiếm sống.

Cụ đã từng làm ở Bộ Ngoại giao, là tuỳ viên văn hoá của đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Cụ bị “tuột xích” đuổi ra khỏi ngành ngoại giao, theo cụ kể “Nó bảo tôi kiêu”, nó ghét nó đì cho là chết.

Sau khi cụ dịch một loạt các tác phẩm văn học của Trung Quốc như Báu vật của đờiĐàn hương hình… của Mạc Ngôn, tờ Thể thao & Văn hoá ví von “Ở Việt Nam có ba bồ chữ Trung Quốc thì Trần Đình Hiến gánh hai bồ bằng đòn gánh trên đôi vai của mình, còn một bồ cho những kẻ buôn thúng bán mẹt”.

Bị đuổi việc, cụ về quê đi làm thợ hồ kiếm sống, lúc ấy như thế vừa khổ, vừa nhục. 

Nhục vì bị gọi là thằng “tuột xích”, trăm thứ đồn đại, nào vì cụ hủ hoá, phản động, bất mãn, kiêu căng… ai gặp cũng lảng tránh như cụ bị mắc bệnh hủi. Có kẻ độc mồm còn bảo: con cháu bọn địa chủ, cường hào toàn bọn phản động, cần tống cổ hết đi cải tạo.

Khổ vì lúc ấy thời bao cấp, “tuột xích” là bị cắt mọi chế độ không lương, không gạo… bị vứt ra lề xã hội, không cơ quan, xí nghiệp nhà nước nào dám nhận vào làm. Chỉ còn cách về làng làm thợ hồ, tức là đánh vôi, đánh vữa, bốc gạch kiếm sống.

Năm 1979, khi ấy cụ 46 tuổi, Trung Quốc đánh Việt Nam ở biên giới phía Bắc. 

Sau khi Trung Quốc rút, lãnh đạo Việt Nam ngỡ ngàng, không hiểu tại sao Trung Quốc lại trở mặt với ta nhanh thế, mới hôm qua là đồng chí anh em môi hở răng lạnh, nay quật cho một đòn đau điếng.

Cũng phải thôi, lãnh đạo của ta toàn diện “chân đất, mắt toét”, từ giai cấp bần cố nông lên cầm quyền, có học hành sử sách gì đâu mà biết về dã tâm của các triều đại Trung Quốc với Việt Nam. Họ chỉ thấy các đồng chí Trung Quốc tốt, từ năm 1947 đến năm 1975 Trung Quốc viện trợ vũ khí, hậu cần cho ta đánh Pháp, đánh Mỹ…

Thế là để hiểu được Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam thành lập một Ban nghiên cứu về Trung Quốc, qua đó để có sách lược ứng xử.

Cán bộ, giáo sư, tiến sĩ, học giả ở Ban Tuyên giáo, ở các viện nghiên cứu, các trường lý luận cao cấp thì có đầy, nhưng xem ra chỉ giỏi ăn theo nói leo, có danh mà không có thực… chẳng kẻ nào có đủ tầm, đủ tài để làm được việc này.

Chẳng biết có ai làm quân sư, họ mới “móc” ra cụ Hiến.

Khi xe ô tô về đến đầu làng, lái xe hỏi đường về nhà cụ, có người còn không dám chỉ đường vì sợ bị liên lụy, họ kháo nhau “Công an về bắt thằng Hiến”.

Cụ Hiến được đưa về Hà Nội, nhà nước mời cụ ra làm việc, với mục đích như đã viết ở trên. 

Cụ kể, lúc ấy vừa mừng, vừa sợ. Mừng vì vẫn còn có ích cho xã hội, sợ vì họ lật mặt như bàn tay, cái chuyện chính trị chính em của giai cấp vô sản này nó phức tạp, nay là anh hùng, mai có khi nó dìm cho chết. Nay thanh trừng, mai xét lại, nay có công, mai lại có tội, ghê người lắm.

Mừng nhất là không phải lo cái đói, mừng thứ hai là cho gia đình họ tộc ngẩng mặt lên, không bị thiên hạ, lũ chân đất mắt toét nó sỉ nhục.

Cụ yêu cầu trả lại chế độ, phục hồi công việc như trước, và cấp nhà ở cho cụ yên tâm làm việc.

Nói về Trung Quốc, cụ cho rằng có mấy điểm cần phải biết:

1-   “Đừng bao giờ nghĩ đến việc cấm truyền bá văn hóa Trung Quốc bởi muốn làm bạn với người Tàu hay cạnh tranh với họ trước hết phải hiểu văn hóa nước họ đã”;

2-    Người Việt ta nói đến Trung Quốc là nghĩ họ là những kẻ lật lọng, nói một đằng làm một nẻo, từ đó sinh ra tâm lý ghét Tàu. Ta cho đó là bản chất xấu xa, lưu manh nhưng với họ lại là kế sách. Cứ đọc “binh pháp Tôn Tử và 36 kế sách” sẽ thấy. Ta đừng bị ám thị về chuyện này, sống với thằng hàng xóm nó mạnh, côn đồ như thế, ta cứ hục hặc ấm ức với nó là ta thua nó. Nó có kế sách, thì ta cũng phải có kế sách, nó mưu hèn, kế bẩn ta phải cao sang, quảng đại, như kiu Singapore ứng xử với Trung Quốc. Đồng thời ta phải hữu hảo, bang giao với các cường quốc lớn khác một cách thật lòng để làm đối trọng;

3-   Nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, nói Trung Quốc là con hổ giấy cũng có lý của nó. Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ bị các các nước lớn thôn tính, mất đất, chưa bao giờ đem quân ra nước ngoài mà chiến thắng. Trung Quốc cứ mềm thì nắn, rắn thì buông. Mang tiếng là thiên triều, nhưng đấy chỉ là thiên triều với các nước chư hầu trong thời kỳ Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy, loạn xứ quân, không có quốc gia nào xung quanh Trung Quốc coi Trung Quốc là thiên triều. Bản chất lịch sử Trung Quốc là lịch sử nội trị, để thống nhất được đất nước, vấn đề nội trị chính là điểm yếu cốt tử, khiến Trung Quốc không thể trở thành nước mạnh. Nếu Trung Quốc đem quân đi chinh phạt nước ngoài, trong nước sẽ ắt có binh biến, phản loạn. Trung Quốc rất sợ một cuộc chiến tranh kéo dài ngoài biên giới. Cuộc chiến biên giới 1979, Trung Quốc đánh ta có hơn một tháng rồi vội vàng rút quân có một phần vì lý do nội bộ. Trung Quốc gây sự với lân bang, là trong nội bộ có biến, lấy việc ngoại trị làm cớ dẹp nội trị;

4-   Để thống nhất và nội trị được đất nước, Trung Quốc có hai thứ được coi là quốc sách: Thứ nhất là Trung Quốc có QUỐC PHÁP, bất cứ kẻ nào dù là hoàng thân quốc thích, thậm chí cả vua cũng bị xử trảm. Thế nào là quốc pháp thì đã được cụ thể ghi trong luật có từ hàng nghìn năm trước và vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Ví dụ: vụ làm sữa kém chất lượng gây hại đến sức khỏe của người dân, chủ doanh nghiệp bị tử hình, đấy là quốc pháp. Không giống như ở ta, tội như thế chỉ xử phạt hành chính, cùng lắm vài năm tù. Quốc pháp của Trung Quốc là một đề tài rất hay, sẽ có dịp chia sẻ về vấn đề này.

Thứ hai là TQ biết giữ gìn và đề cao văn hoá truyền thống đất nước, tuyên truyền văn hoá Trung Hoa, biến văn hoá Trung Hoa là một trong chiếc nôi văn hoá loài người. Còn văn hoá là còn dân tộc, riêng việc này Trung Quốc không nói một đàng, làm một nẻo, họ làm rất nghiêm túc làm đâu ra đấy.

Ta cần học họ hai thứ quốc sách này.

(Còn tiếp)

A.Q.

Nguồn: FB Anh Quoc

This entry was posted in Quản trị xã hội, Trung Quốc. Bookmark the permalink.