Lan man chuyện “Mồ côi Tâm linh”

Du Phan 

Chủ nghĩa Cộng sản của Marx với nền tảng cốt lõi là chủ nghĩa duy vật biện chứng và coi lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp (CN duy vật lịch sử). Chính vì thế Marx muốn “vô thần hóa” cuộc sống của loài người, quy kết “mọi tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (Karl Marx), để hướng (bắt buộc) mọi người theo niềm tin duy nhất (mà Marx vẽ ra) là lý tưởng cộng sản.

Đã có câu nói của lãnh đạo Việt Nam: “Nếu là người, tôi sẽ là người cộng sản”. 

Theo CN duy vật lịch sử: Lịch sử phát triển xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, và giai cấp vô sản có vai trò đào mồ chôn CNTB, nên người cộng sản luôn có một niềm vui tranh đấu giành chính quyền (quyền lực), tước đoạt, trấn áp kẻ thù giai cấp (là giai cấp tư bản và bọn tay sai), biến sở hữu tư nhân thành sở hữu toàn dân (để rồi sau đó sẽ dễ bề chiếm đoạt để thành tài sản của mình). 

Khi Liên xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, thì lý tưởng cộng sản này cũng sụp đổ trên toàn thế giới. “Ánh hào quang chói lọi” bỗng nhiên tắt ngủm, hàng triệu triệu con người quờ quạng đi tìm kiếm niềm tin. Cái tình thế giống như con người bị rơi xuống nước, bằng bản năng, người ta quờ quạng vịn đại mọi thứ có thể để sống – bản năng “sinh tồn tâm linh” thức dậy. 

Người dân được lãnh đạo dạy rằng: “Hãy tự cứu mình trước khi được Trời cứu”, người dân đã lăn lộn mưu sinh với tất cả sức lực, trí não, cùng bàn tay chăm chỉ để mong có được cuộc sống đầy đủ, ấm no, song vẫn không thoát khỏi cuộc đời nghèo khổ. Giờ đây, dân nghèo không còn niềm tin vào khả năng thay đổi vận mệnh bằng chính đôi tay của mình nữa và cũng chẳng còn niềm tin vào thiên đường XHCN ở phía trước. Và họ phải tìm kiếm niềm tin, chỗ dựa tinh thần mới là: cầu khấn Thần linh, Trời, Phật, Thánh thần… để mong thoát khỏi thực tại và mơ đến thiên đường cho kiếp sau (đó cũng là một niềm vui, chỗ bấu víu của cuộc sống dân nghèo). 

Kẻ giàu có, quyền chức thì sao? Họ hoang mang, bất an với tài sản tích luỹ được, cùng vị thế quyền lực của mình khi soi mình nhìn vào xã hội Trung Quốc, nơi có cùng thể chế như Việt Nam.

Xã hội Trung Quốc trong hơn chục năm qua với “chiến dịch đả hổ diệt ruồi”, đã đưa hàng chục ngàn quan chức vào tù, còn có cả án tử hình, nhưng những quan chức đó so với những quan chức tại vị có khác nhau bao nhiêu? Tỷ phú Jack Ma chưa phải vào tù như một số tỷ phú khác thì phải bỏ tất cả của cải mà thoát thân.

Việt Nam có hình thái chế độ tương đồng với Trung Quốc (các chính sách VN học theo TQ thường đi sau 5 -10 năm), thì chiến dịch chống tham nhũng cũng đang bước vào đỉnh cao. 

Những Đ.L.Thăng, T.X.Thanh, N.B.Son, T.M.Tuấn, N.Đ.Chung, C.N.Anh… lần lượt vào tù.

Các đại gia, tỷ phú cũng nối gót: Bầu Kiên, Trầm Bê, Hà Văn Thằm, Hứa Thị Phấn, Trần Bắc Hà… vào tù; rồi tiếp tục: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Tân Hiệp Phát, Trịnh Văn Quyết… nối bước.

Với một xã hội mù mờ về chủ thuyết (nhà nước XHCN xây dựng trên mô hình chuyên chính vô sản mà lại áp dụng kinh tế thị trường) thì luật pháp cũng trở nên mù mờ. Chính vì vậy mà một quan chức phát ngôn trước diễn đàn Quốc hội là: “Bây giờ làm gì cũng sợ sai, thậm chí không làm gì cũng có thể sai phạm”. Còn một bị can thì nói trước toà: Tôi phạm tội là do số đen thôi. 

Ở một đất nước treo đầu dê bán thịt chó, cái gốc của chủ nghĩa Marx là hai điều xoá bỏ sở hữu tư nhân và tước bỏ quyền thừa kế vẫn luôn treo lơ lửng trên đầu các đại gia và quan chức, nên sự hoang mang sợ hãi của họ trở nên tột độ và thường trực, của cải tích luỹ và vị thế họ đang có cũng luôn mong manh, có thể biến mất bất cứ lúc nào, ngay cả khi không có luồng gió đổi chiều.

Nhưng ở VN, đại gia, quan chức làm giàu dễ dàng và nhanh hơn cả (Trịnh Văn Quyết từ buôn bán vt kiếm sống mà trở thành đại gia, có năm được xếp hạng tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán; hay thư ký thứ trưởng, hai năm nhận lót tay 42 tỷ đồng…) nên họ bất chấp, tranh thủ vơ vét làm giàu, kiếm tiền cho con đi học nước ngoài, mua nhà, đất đai, mở tài khoản ngân hàng, mua thẻ xanh để phòng thân.

Nhiều đại gia quan chức đã tẩu thoát ra nước ngoài cùng khối tài sản đã vơ vét như: Hồ Thị Kim Thoa, Đặng Hoàng yến, Vũ Đình Duy (PvTex), Nguyễn Thị Thanh Nhàn…

Trở lại nói về cuộc sống tâm linh của người giàu có và quan chức, họ luôn hoang mang, lo lắng và bất an với tài sản, vị thế của mình. Họ “làm ra” tài sản, nhưng tự biết khối tài sản ấy đầy mù mờ, chỉ cần là “số đen”, hay một cơn gió nghịch chiều thổi qua là tan tành mây khói! Vì vậy, kẻ giàu cũng đầy bất an, nơm nớp khấn khứa mong “Thần linh, Trời Phật phù hộ, che chở”. Họ còn mê tín, tin thần linh, Trời Phật hơn cả dân nghèo lao động. 

Như quy luật tất yếu, khi chủ nghĩa vô thần sụp đổ thì chủ nghĩa hữu thần phát triển nhanh mạnh để thay thế.

Nhưng với kiểu nhà nước XHCN, ngày đầu ra đời thì đập phá, bài xích tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó lại sử dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm công cụ phục vụ cho mục đích chính trị của mình, vẫn to mồm cổ vũ cho chủ nghĩa Marx thì sao có được đường lối, chính sách để cho đời sống tâm linh của dân chúng đi đúng đường được. Và đời sống tâm linh trở lại xã hội VN như một đứa trẻ “mồ côi” bơ vơ, không nơi nương tựa, không người dạy dỗ, thì cũng dễ lạc lối và trở thành hư hỏng. 

Và hệ quả là hàng loạt hình dạng biến thái tâm linh nảy ra như nấm.

Bói toán, cầu cúng, xây cất nghĩa trang, đốt vàng mã… thi nhau đua nở.

Tôn giáo (đặc biệt là Phật giáo) được nhà nước cổ xúy, tạo điều kiện bành trướng để có lợi cho chính quyền cai trị. Phật giáo trở thành Phật giáo quốc doanh với tôn chỉ: “Đạo pháp – Dân tộc - CNXH”. Các nhà sư được thời bắt tay với quan chức để kinh doanh tâm linh. Các khóa lễ “dâng sao giải hạn” thu phí 150.000 đồng/người mà kín đặc người dự hàng năm. Rồi sư rao giảng về “oan gia trái chủ” về “bố thí, cúng dường” tạo nghiệp, tổ chức ở chùa và đưa lên không gian mạng… nhằm ru ngủ dân chúng và kiếm tiền. 

Nhưng đỉnh điểm của vô đạo đức là nhà sư bắt tay với quan chức chính quyền để xây dựng chùa. Chùa chiền dưới chế độ cộng sản trở thành địa điểm du lịch tâm linh, chứ không còn là nơi hành đạo gần gũi với đời sống người VN. 

Những ngôi chùa đồ sộ được dựng nên theo kiểu kiến trúc cung đình, trên diện tích trải rộng cả hàng trăm héc ta, núi rừng bị phá tràn lan, đại gia cùng quan chức góp tiền cùng để đầu tư, xây những “thực thể thờ phụng”, rồi làm tiền trên sự mò mẫm tâm linh của dân chúng.

Nhưng rồi gương sáng đại gia Trần Bắc Hà cùng gia đình bỏ tiền xây dựng chùa Linh Phong với pho tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á cũng không giúp ông giữ toàn mạng sống và của cải vơ vét được (!). 

Nhìn hình ảnh biển người hỗn loạn ngay giữa mùa đại dịch tại chùa Tam Chúc đầu năm 2021, mà ta cảm thấy xót xa, thương tâm.

Có tờ báo ca ngợi “thực thể thờ phụng” này “mang đậm phong cách chùa cổ của Việt Nam” với những kỷ lục, kỳ tích… nhưng tôi chỉ thấy nó y hệt một bối cảnh trong phim Tàu gần đây!

Hai năm dịch đã đi qua, nhưng nó đã kịp thời phơi bày bộ mặt thật của xã hội Việt Nam dù vẫn đang được chế độ che đậy bằng các ngôn từ: “đất nước ta chưa bao giờ được như thế này”. 

Nhìn sự u mê, mê muội của đám đông dân chúng, ta càng bùi ngùi nhớ về câu nói của nhà đạo diễn Trần Văn Thủy, đúng thật là “vô vọng cho dân tộc Việt”.

D.P.

Nguồn: FB Phan Thế Nghĩa

This entry was posted in Quản trị xã hội, Tôn giáo. Bookmark the permalink.