Những tham vọng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực

Phan Minh

21/12/2023

Ảnh minh họa : Một tàu phá băng trên đảo Alexandra Land, Nga, ngày 17/05/2021. © AP/Alexander Zemlianichenko

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới khiến hai cường quốc bị phương Tây “dè chừng” là Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, trang mạng Nhật The Diplomat hôm 20/12/2023 đăng cuộc trò chuyện với tiến sĩ Kristina Spohr, giảng viên tại Viện Địa cực của Trung tâm Woodrow Wilson và là giáo viên lịch sử quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn, về chủ đề tại sao Matxcơva và Bắc Kinh muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Bắc Cực. RFI xin trích dịch. 

Tham vọng địa chiến lược của Nga ở Bắc Cực

Là một đế quốc Á-Âu, Nga hiểu rất rõ về ưu thế của mình ở Bắc Cực. Kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, quốc gia này đã xây dựng nên một thành trì quân sự truyền thống ở khu vực này. Và dưới thời Putin, chiến lược “Phòng thủ pháo đài” của Matxcơva dựa trên quyết tâm ngăn cản những nước khác – chủ yếu thông qua các hoạt động kiểm soát và ngăn chặn trên biển. Tóm lại, điện Kremlin coi Bắc Cực là sân sau của Nga và tuyên bố có thẩm quyền kiểm soát nhiều hoạt động liên quan đến quân sự, thương mại và khoa học tại đây.

Bờ biển Bắc Cực thuộc châu Âu của Nga bao gồm bán đảo Kola – nơi có căn cứ của hạm đội phương Bắc, phần lớn kho vũ khí hạt nhân, cơ sở tên lửa, sân bay và trạm radar. Xa hơn về phía đông bắc, từ Novaya Zemlya và Alexandra Land đến Kamchatka và cảng Vladivostok (căn cứ của hạm đội Thái Bình Dương của Nga), điện Kremlin đã dành nguồn lực đáng kể trong thập kỷ qua để cải tạo các cơ sở bỏ hoang của Liên Xô, xây dựng căn cứ và mở rộng các địa điểm thử nghiệm vũ khí mới, từ tên lửa siêu thanh đến drone được trang bị ngư lôi hạt nhân Poseidon.

Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa hoạt động quân sự và thương mại trên Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Trong bối cảnh sự nóng lên toàn cầu biến vùng biển băng giá thành một khu vực dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, Putin đã tìm cách nâng cao vị thế “cường quốc” của Nga bằng cách tập trung vào các hoạt động khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các tuyến đường vận chuyển dọc theo bờ biển phía bắc của nước này. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Trung Quốc trong khu vực là điều rất đáng chú ý.

Vai trò của Bắc Cực đối với Trung Quốc

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã cố coi bản thân không chỉ là một quốc gia có dính líu đến Bắc Cực mà là một cường quốc “gần Bắc Cực”. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)coi việc Bắc Kinh tiếp cận khu vực là điều có lợi cho các quốc gia ven biển Bắc Cực, nêu bật những nỗ lực thương mại tiềm năng và nghiên cứu khoa học. Các quan chức đã hệ thống hóa khái niệm này vào năm 2018 thông qua “Con đường tơ lụa vùng cực” (PSR) – một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường trải rộng trên toàn cầu.

Coi Nga là chìa khóa của PSR, Nhà nước Trung Quốc và các tập đoàn trực thuộc khác nhau đã bơm hơn 90 tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác trong hai thập kỷ qua. Các dự án này bao gồm nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Yamal và nhà máy LNG 2 ở Bắc Cực cũng như đường ống Power of Siberia. Năm nay, Nga và Trung Quốc cũng đồng ý tăng cường các nỗ lực hợp tác liên quan đến năng lượng và giao thông ở Bắc Cực, hướng tới việc thành lập một tổ chức bảo trợ chung cho giao thông dọc theo NSR.

Trung Quốc đã không thực sự thành công trong việc phát triển các dự án ở Bắc Mỹ, Greenland và các quốc gia Bắc Âu, nhưng vẫn bị nguồn tài nguyên chưa được khai thác ở Bắc Cực cám dỗ. Tuy nhiên, trọng tâm của Bắc Kinh hiển nhiên vẫn là Đài Loan.

Hợp tác Trung – Nga trên Tuyến đường biển phía Bắc (NSR)

Các dự án khai thác với cơ sở hạ tầng đi kèm của hai nước tạo nên nền tảng cho sự hợp tác Trung – Nga dọc theo NSR. Cuộc chiến bất hợp pháp của Nga chống lại Ukraine và “sự bất mãn” của Trung Quốc đối với Đài Loan đã đẩy hai bên xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Nga cần đầu tư và hàng hóa để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn Trung Quốc cần nguồn lực.

Các chuyến tàu container vận chuyển NSR LNG định kỳ mới mở giữa Arkhangelsk và Thượng Hải, được thực hiện thông qua một mạng lưới phức tạp gồm các công ty liên kết Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giúp Nga tránh bị cô lập khỏi các thị trường phương Tây bằng cách tiếp cận mạng lưới hàng hải châu Á. Điều này đồng thời mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc về phía bắc và củng cố ảnh hưởng địa chính trị của nước này.

Về mặt địa lý, Nga hiển nhiên vẫn chiếm ưu thế. Tập đoàn Nguyên tử Nhà nước (Rosatom) cung cấp giấy phép đi qua vùng biển Bắc Cực của NSR cho tàu phá băng trang bị hạt nhân. Nhà điều hành cảng container của Nga, Global Ports, cùng với chi nhánh đã đăng ký tại Nga của tập đoàn hậu cần Trung Quốc Torgmoll và công ty con, NewNew Shipping Line (NNSL)  đều thuộc một nhóm doanh nhân Trung Quốc  phục vụ vận chuyển hàng hóa và dự án hợp tác thương mại Bắc Cực Trung – Nga.

Chưa thể biết được chính xác tính chất phức tạp của các mối liên kết đó, cũng như phương thức hoạt động và mức độ tham gia của ĐCSTQ. Khu vực này ẩn chứa rất nhiều sự hoài nghi liên quan đến sự hiện diện kép của Trung-Nga, chẳng hạn như bối cảnh mờ ám và thông tin thưa thớt xung quanh vụ phá hoại đường ống dẫn khí Balticconnector và cáp truyền dữ liệu vào tháng 10/2023 ở vịnh Phần Lan. Sự kiện này liên quan đến một tàu của công ty Trung Quốc NNSL, đi trên tuyến NSR, được tàu phá băng Rosatomflot của Nga hộ tống.

Thỏa thuận về Bắc Cực giữa FSB Nga và hải cảnh Trung Quốc

Về cơ bản, sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc – tư nhân hoặc Nhà nước, phục vụ mục đích thương mại hay khoa học – đi qua NSR. Quân nhân nhiều khả năng sẽ hiện diện trên những con tàu này, giống như trên tất cả các tàu phía bắc của Nga đều có sự hiện diện của FSB, từ tàu đánh cá đến tàu chở dầu. Thỏa thuận hàng hải mới ký kết vào năm 2023 giữa Cơ quan Biên phòng Nga và Lực lượng tuần duyên Trung Quốc về mặt lý thuyết nhằm mục đích chống khủng bố, di cư bất hợp pháp, chống buôn lậu ma túy và vũ khí cũng như đánh bắt cá bất hợp pháp. Trên thực tế, thỏa thuận này đưa Trung Quốc vào các cấu trúc an ninh “mềm” của Bắc Cực, điều mà trước đây Bắc Kinh có rất ít hoặc thậm chí không có tiếng nói. Những nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ các lệnh trừng phạt do phương Tây ban hành và mong muốn của Trung Quốc nhằm có được ảnh hưởng địa chính trị đã tạo ra sức mạnh tổng hợp ngoại giao ở vùng Bắc Cực.

Bất chấp thái độ ủng hộ trên danh nghĩa đối với việc quản lý sinh thái của khu vực, sự nhiệt tình của cả hai Nhà nước trong việc thiết lập các mạng lưới như dịch vụ vận chuyển dầu thô và LNG giữa tây bắc nước Nga và miền trung Trung Quốc, cộng với sự táo bạo của Matxcơva trong việc định tuyến các tàu chở dầu vỏ mỏng qua vùng biển Bắc Cực chứng tỏ rằng hai bên sẵn sàng liều lĩnh vì lợi nhuận. Những hành động này làm gia tăng rủi ro đối với sự an toàn của con người và môi trường mà các quốc gia Bắc Cực đã nỗ lực thiết lập trong nhiều thập kỷ. Nói một cách đơn giản, Bắc Băng Dương và các vùng biển lân cận sắp trở thành khu vực hàng hải có nhiều tranh chấp.

NATO, EU và Mỹ phải cẩn trọng đối với trục Trung – Nga quanh Bắc Cực

Các quốc gia thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ngộ ra về một thực tế rằng họ cần ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa phi vật chất bất ngờ một cách hiệu quả hơn. Họ cũng phải phản ứng một cách nhạy bén và bền bỉ với các đe dọa cụ thể tiềm tàng. Việc Phần Lan và rất có thể là Thụy Điển gia nhập NATO sẽ củng cố sườn phía đông bắc của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Trong những năm tới, lực lượng của NATO chắc chắn sẽ tập trung chú ý nhiều hơn vào những vùng phía bắc, từ vùng Baltic đến biển Barents và Bắc Băng Dương.

Trong ngắn hạn và trung hạn, mối đe dọa Trung – Nga sẽ chủ yếu liên quan đến việc phá hoại cơ sở hạ tầng của đối phương và các chương trình nghiên cứu lưỡng dụng có thể dùng vào mục tiêu chiến tranh. Do đó, giới hoạch định chính sách và tình báo của Mỹ và EU/NATO cần xác định Bắc Cực là một chiến trường mới nổi với những hoạt động vùng xám có thể đặc biệt nổi bật.

NATO phải thiết lập và duy trì các cơ chế răn đe quân sự ở phía bắc Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đồng thời phát triển các biện pháp chính trị và kinh tế khiến Matxcơva và Bắc Kinh phải nản chí khi can thiệp vào các vấn đề nội bộ, song phương và đa phương của các nước Bắc Cực. Quan trọng nhất, NATO phải chú ý đến lý do tại sao Trung Quốc (cùng với Nga hoặc không) có thể có một lập trường khiêu khích hơn ở Bắc Cực và các vùng phụ cận sau khi đã đấu tranh quyết liệt cho quyền hiện diện “hợp pháp” và “hòa bình” của mình trong khu vực.

P.M. 

Nguồn: RFI Tiếng Việt

 

This entry was posted in Bắc Cực, Quan hệ Trung - Nga. Bookmark the permalink.