Nghiêm Thuần Câu – Thứ Năm, 21/12/2023
Cơ quan xếp hạng quốc tế Moody’s gần đây đã hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, sau đó cũng hạ xếp hạng tín dụng của Hồng Kông, Macao và một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
(Ảnh minh họa: Metamorworks/ Shutterstock)
Một số nhà bình luận chế nhạo xếp hạng này của Moody’s quá muộn, điều này không sai. Trong bối cảnh môi trường kinh tế khắc nghiệt của Trung Quốc, đã từ lâu người Trung Quốc trong và ngoài nước truyền tai nhau về tình hình này. Ngay cả đối với đông đảo chúng ta không phải là nhà nghiên cứu và không có nhiều căn cứ dữ liệu thì chúng ta cũng có “giác quan thứ sáu” để nhìn nhận thực tế, những điềm gở của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải đến nay mới lộ diện. Tất nhiên, Moody’s là một cơ quan xếp hạng uy tín không thể đánh giá tùy tiện dễ dàng, cho nên một khi họ chính thức công bố thì đó không phải là chuyện viển vông.
Moody’s đã gửi tín hiệu tiêu cực nghiêm trọng tới thị trường, không khác gì việc thông báo cho giới đầu tư trên toàn thế giới rằng Trung Quốc không phải là nơi để làm ăn lâu dài, không nên xây dựng cơ nghiệp trong môi trường quá rủi ro.
Nền kinh tế Trung Quốc vô vọng không phải vì những sai lầm chính sách riêng lẻ mà vì những sai lầm chính sách mang tính hệ thống; tình thế khó khăn của Trung Quốc không phải mang tính nhất thời mà đó là vấn đề mang tính cơ cấu hệ thống; vũng lầy mà ĐCSTQ rơi vào không phải vũng nhỏ mà là không thấy bờ bến.
Chính sách quốc gia sai lầm cơ bản nhất là bành trướng cỗ máy nhà nước, là dã tâm khôi phục tham vọng dùng kinh tế nhà nước làm trụ cột thay vì kinh tế tư doanh, xu thế này đã bắt đầu từ thời Hồ Cẩm Đào và hoàn thiện trong thời Tập Cận Bình. Sự thay đổi triệt để trong đường lối chung của ĐCSTQ là đưa hệ thống chính trị và xã hội của Trung Quốc quay lại thời Cách mạng Văn hóa [mà Mao Trạch Đông thúc đẩy], về cơ bản đã đập tan nền móng của cải cách và mở cửa, nếu con đường kiểu đó mang lại phồn vinh thì Đặng Tiểu Bình đã không phải thúc đẩy cải cách mở cửa.
Xu hướng chung này là không thể đảo ngược vì Tập Cận Bình sẽ không thừa nhận thất bại, nhưng mọi sửa chữa nhỏ sẽ không thể thay đổi được. Việc các hoạt động đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ phải hướng theo chính sách tổng thể như vậy quyết định xu hướng suy thoái kinh tế tất yếu của Trung Quốc.
Trở ngại lớn đầu tiên cho việc phục hồi sức sống kinh tế là các khu vực thành thị và nông thôn trên cả nước Trung Quốc từ lâu đã phát triển quá mức. Trong bốn thập kỷ qua, các quan chức chính quyền các cấp tranh giành nhau khai thác các nguồn lực và để thăng tiến quan lộ, đã vắt óc lập vô số dự án vô bổ để tham nhũng đục khoét rỗng các nguồn lực, khiến tất cả giờ chỉ còn lại phần vỏ rỗng. Nói cách khác, hiện nay dù những người có nguồn vốn cũng không thể tìm được những dự án sinh lời nữa, vậy thì đầu tư để làm gì?
Một ngọn núi ở Quý Châu nhưng cùng lúc đào đến 5 đường hầm; Thành Đô vừa xây dựng xong công viên vành đai thành phố, sau đó lập tức cày xới phá bỏ với lý do trả lại môi trường cây xanh và đồng ruộng, bây giờ không lẽ lại sửa lại thành công viên vành đai thành phố? Có thành phố nào trên thế giới cần một công viên rộng lớn bao quanh thành phố như vậy để người dân vui chơi không?
Một trở ngại khác cho việc khởi động lại sức sống kinh tế là Trung Quốc đang phải chịu gánh nặng bong bóng bất động sản, nợ nần địa phương trong nước, tỷ lệ thất nghiệp lớn, và quan hệ đối ngoại căng thẳng, bối cảnh đó nếu có thể tỉnh táo thì đã biết sửa chữa sai lầm, nhưng ĐCSTQ mê muội cố chấp cứ tiếp tục giương buồm ra khơi xa khiến cuối cùng không thể quay đầu tìm bờ được, trong khi con tàu vẫn chở nặng, gánh tiếp thì mệt mà lại không thể vứt bỏ.
Tệ hơn nữa là mọi gánh nặng đều trói chặt vào nhau, kéo nhau xuống, không thể dỡ xuống từng phần, đụng phần nào cũng liên quan những phần khác, như người nhiều bệnh muốn chữa bệnh này thì lại liên lụy bệnh khác. Nếu cảnh giác từ mười năm trước thì dù chữa khó vẫn hy vọng có thể cứu mạng bằng ca phẫu thuật, nhưng bệnh giờ đây đã không còn cách nào khác là phải chờ chết.
Bây giờ biện pháp đối phó duy nhất của ĐCSTQ là “trì hoãn”, trì hoãn sự bùng phát của thảm họa, ngăn chặn các công ty bất động sản phá sản, giảm lãi suất nợ địa phương để trì hoãn, không công bố số liệu thất nghiệp, hạ nhiệt chính sách ‘ngoại giao chiến lang’…, tất cả chỉ là đổi thang không đổi thuốc, tiêm thuốc trợ tim để tồn tại thoi thóp. Trên thực tế, từ Tập Cận Bình trở xuống, không ai tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể cứu vãn được.
Trong tình cảnh đó, việc Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc là hiển nhiên, nhưng đây thực ra chỉ là kiểu tuyên bố “người mẹ là phụ nữ”, chỉ có điều do Moody’s là một tổ chức có thẩm quyền nên những gì họ nói ra đều được mọi người lắng nghe.
Động thái của Moody’s có thể ví như phát súng bắn vào ĐCSTQ, khiến cho cả thế giới chú ý lắng nghe. Thực tế nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã đi trước Moody’s khi lần lượt rút lui, Trung Quốc không còn là miếng bánh béo bở như vài chục năm trước mà đang là hố sâu hun hút mọi người nhìn đều sợ hãi.
Ngoại giao sói chiến, căng thẳng địa chính trị và kiểm soát chặt chẽ trong nước chắc chắn sẽ dẫn đến việc đóng cửa các công ty tư nhân và rút vốn nước ngoài, đóng cửa kinh doanh sẽ dẫn đến thất nghiệp và giảm lương, thất nghiệp và giảm lương sẽ dẫn đến tiêu dùng suy yếu, và hệ quả sẽ lại dẫn đến đầu tư bị thu hẹp, đầu tư bị thu hẹp sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng hơn, tình trạng khủng hoảng là vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề liên quan nhau, giống như một khối u ác tính lan rộng khắp cơ thể, tạo thành một cấu trúc mà việc loại bỏ khối u là không thực tế, tất cả những gì có thể chỉ là nhìn người bệnh bị hủy hoại từ từ cho đến cuối cùng chết.
Theo quan điểm của ĐCSTQ, cách duy nhất để kéo dài tình hình lúc này là lật đổ Tập Cận Bình và quay lại chính sách của 20 năm trước, nếu người Trung Quốc còn chút niềm tin cuối cùng vào ĐCSTQ thì ít nhất cần điểm nhấn kích thích tinh thần họ hy vọng cải tử hoàn sinh, vì khi đó thị trường sẽ phần nào được vực dậy. Tất nhiên, đó chỉ là cách kéo dài sinh mệnh lúc thoi thóp.
Nhưng vấn đề là dù chỉ cần loại bỏ Tập Cận Bình thì ĐCSTQ cũng không thể làm được, cho nên thời khắc sụp đổ ngày càng cận kề.
N.T.C.
—
(Bài viết là quan điểm cá nhân của nhà văn Nghiêm Thuần Câu (NGAN, Shun-kau), Vision Times được tác giả cho phép đăng lại từ trang Facebook của ông.)
Nguồn: Trithucvn.co