Gần 18.000 cán bộ bị kỷ luật vẫn không làm trong sạch bộ máy độc tài

VNTB 

(VNTB) – Gần 18.000 người bị kỷ luật mỗi năm có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong tổng số khoảng 1,74 triệu viên chức nhà nước. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ đầu năm tới nay, tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người. Cán bộ cộng sản Việt Nam bị kỷ luật chủ yếu do liên quan tới tham nhũng, chiếm đoạt tài sản, dâm ô, lừa đảo, lạm quyền… 

Việc quan chức, cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật không có gì lạ với người Việt Nam. Một số bình luận cho rằng khi nào Việt Nam không có cán bộ vi phạm mới là lạ. Tuy nhiên, con số 17.808 người bị kỷ luật có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong tổng số khoảng 1,74 triệu viên chức nhà nước, theo Bộ Nội vụ. Bạn đọc có thể tự kiểm chứng như sau: Hỏi khoảng 10 người quen đã từng đến cơ quan công quyền để làm giấy tờ và số nhân viên công lực mà họ đã phải hay không phải chi tiền không có biên nhận của Nhà nước cho nhân viên công lực để cho công việc được trôi chảy. Rồi lấy kết quả, theo tỷ lệ, nhân với số công chức cả nước để có số quan chức tham nhũng. Ví dụ, nếu sau khi khảo sát, số cán bộ nhận tiền bôi trơn là 10 và số không nhận là 30 thì số quan chức tham nhũng là khoảng 440 ngàn người. 

“Thật ra đảng viên Đảng Cộng sản nào cũng có sai phạm. Không ít thì nhiều, vấn đề là đã bị phát hiện nay chưa bị phát hiện mà thôi. Các trường hợp bị phát hiện có khi chỉ là do đấu đá nội bộ, phe mới đánh phe cũ, hoặc phe mạnh đánh phe yếu để dành thị phần sân sau của nhau hoặc đấu nhau giành ghế” – Anh B.H., một người vận động nhân quyền nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo

Có 4 hình thức kỷ luật đảng viên của Đảng Cộng sản là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và nặng nhất là khai trừ khỏi đảng. Một số tội phạm nặng sẽ bị xử lý hình sự. Nhưng trên thực tế, các vụ xử lý hình sự đối với đảng viên không nhiều. Thậm chí một số trường hợp sau khi bị kỷ luật vẫn được sắp xếp lên những chức vụ cao hơn. Tính tới năm 2022, Việt Nam có 5,3 triệu đảng viên, như vậy, Đảng Cộng sản chiếm một số lượng lớn trong dân số. Đó là chưa kể những người làm việc trong môi trường nhà nước nhưng không phải đảng viên, như ngân hàng nhà nước, trường học, bệnh viện, các trung tâm, viện nghiên cứu… Con số có thể lên tới hàng chục triệu người. Nhưng những đóng góp của họ cho đất nước thì rất ít. Trong khi đó, những thiệt hại mà họ gây ra lại rất lớn, khó lòng kiểm kê số lượng chi tiết được. Với thể chế độc đảng quản lý nhà nước, độc tài toàn trị kiểm soát cả xã hội, thì chuyện tham ô, hối lộ, hay vi phạm pháp luật của cán bộ đảng viên Việt Nam là không thể tránh khỏi và cũng không thể giải quyết được. Vì theo người đứng đầu Đảng Cộng sản – ông Nguyễn Phú Trọng từng nói năm 2016: “chống nội xâm (tham nhũng) càng khó là vì ta tự đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận mình khuyết điểm, ai nhận kỷ luật đâu”. 

Thật vậy, các quốc gia độc tài thường nằm ở cuối bảng xếp hạng minh bạch – càng minh bạch càng ít tham nhũng – của Transparency International trong khi các quốc gia dân chủ thường đứng đầu bảng. Thậm chí, không có quốc gia độc tài nào trong số 20 quốc gia minh bạch nhất trên thế giới. Để biết nhà nước ta đứng thứ bao nhiêu và “đảng quang vinh muôn năm” có thành tích như thế nào có thể tham khảo tại đây: https://www.transparency.org/en/cpi/2021.

Tại sao các quốc gia dân chủ ít tham nhũng hơn? Nói một cách đơn giản thì một thằng làm (cầm quyền) trong khi một thằng cầm tiền (quốc hội) và một thằng khác đứng canh (tòa án) thì dĩ nhiên là phải đỡ tham nhũng hơn là một thằng cầm hết và không cho ai canh cả. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản quyết định những chính sách nào sẽ được thông qua với ngân sách bao nhiêu, thông qua Quốc hội. Họ cũng nắm việc thi hành các chính sách này thông qua Chính phủ. Họ cũng nắm luôn quyền canh giữ xem việc thực thi các chính sách có đúng pháp luật không thông qua Tòa án. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, cả ba việc này đều do những nhánh độc lập nhau kiểm soát. Tổng thống nắm quyền hành pháp nhưng không có quyền quyết định ngân sách. Quốc hội quyết định ngân sách những không quản lý việc thi hành. Tòa án do các quan tòa mà tổng thống hay quốc hội không có quyền truất phế kiểm soát nên có muốn làm gì sai cũng rất khó. Hơn nữa, các đảng chỉ nắm quyền trong một khoảng thời gian nhất định và không đủ dài để bảo vệ thành viên của mình sau khi hạ cánh. Ở Hoa Kỳ, các tổng thống chỉ làm việc tối đa là 8 năm nên làm gì cũng phải cẩn thận. Các vụ án mà cựu tổng thống Donald Trump đang phải dính vào là một ví dụ. Thậm chí, đương chức cũng không phải là chắc ăn. Hiện tại, con trai của Tổng thống Biden đang phải đối diện với các cuộc điều tra của Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và của FBI. Như vậy muốn chống được tham nhũng, thanh trừng những cán bộ tha hoá, phạm pháp thì phải có đa đảng để kiểm soát lẫn nhau. “Mười tám nghìn người bị kỷ luật mỗi năm cũng không thể làm trong sạch nội bộ đảng. Khi nào có đa đảng, có tam quyền phân lập kiểm soát quyền lực thì mới có thể thanh lọc bộ máy chính trị được”. Anh B.H tiếp tục nêu quan điểm với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

Chú thích: (*) Số viên chức nhà nước: Lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (moha.gov.vn)

Nguồn: Vietnamthoibao.org

This entry was posted in Cơ quan quyền lực nhà nước, tham nhũng. Bookmark the permalink.