Cần hiểu đúng về chế độ chính sách cho nghiên cứu khoa học

Chu Mộng Long

Thứ Ba, 14-11-2023 

Bài trước, tôi nói nhiều bất cập về chế độ chính sách cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là nói chính sách phân bổ ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo cách dàn trải mặt trận. Không phải ít tiền mà hàng ngàn tỉ được chi tiêu một cách lãng phí cho vô số đề tài làm chiếu lệ, đối phó. Nhưng riêng việc tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu khoa học có năng lực được hợp tác nghiên cứu với nước ngoài, với các quỹ đầu tư và phát triển khoa học công nghệ quốc gia thì không đến nỗi bất cập.

Vụ PGS. Đinh Công Hướng bán lậu bài báo cho các trường đăng ký xếp hạng cao (quốc tế lẫn trong nước), do ông dùng khổ nhục kế, nên không ít người cám cảnh chia sẻ và thương xót cho ông. Đặc biệt là chỉ trích chế độ, chính sách cho nhà nghiên cứu, trong đó có Trường Đại học Quy Nhơn. Điều này cần phải nói cho rõ chứ không à uôm như trả lời báo chí của ông Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đình Hiền.

Đành rằng Trường Đại học Quy Nhơn không thưởng một bài báo quốc tế đến vài trăm triệu đồng như các trường khác (khi tôi tham gia làm Quy chế chi tiêu nội bộ, mức thưởng là 40 triệu đồng/một bài). Nhưng nhà trường tạo điều kiện hết cỡ cho nhà nghiên cứu bằng các hợp tác quốc tế và trong nước. Nhà trường kí hợp tác nghiên cứu, cấp cho phòng lab, lập các Viện nghiên cứu để các nhà nghiên cứu thiếu giờ dạy được tham gia các dự án hợp tác. So với thu nhập của giảng viên thừa giờ giảng dạy, các nhà nghiên cứu này vừa ăn lương, phụ cấp đứng lớp, thu nhập tăng thêm, vừa hưởng trọn gói số tiền chi trả cho đề tài nghiên cứu. Trong khi người giảng dạy thừa giờ phải dạy ngày đêm, dạy luôn cả Thứ Bảy Chủ nhật, nhưng chỉ hưởng khoảng 10% tổng học phí thu được, còn lại 90% nuôi toàn trường, trong đó có nuôi cả những nhà khoa học thiếu giờ giảng dạy. Số tiền các nhà nghiên cứu hưởng hàng chục tỉ mỗi năm mà không phải đóng góp gì cho nhà trường. Nhiều giảng viên trẻ có năng lực nghiên cứu, chỉ vài ba năm là có thể mua nhà, mua ô tô.

Khi một số giảng viên thừa giờ giảng dạy phản ứng về sự bất công này, tôi đã an ủi, động viên. Rằng dù họ không đóng góp tiền, nhưng coi như đã đóng góp danh giá, thương hiệu cho nhà trường. Còn việc đem bán sản phẩm cho trường khác như ông Hướng là bán cả danh giá, thương hiệu của nhà trường, đó là sự phản bội, không thể dung thứ.

Một chính sách ưu đãi như vậy mà còn than nghèo, kể khổ nữa thì chỉ có thể là lòng tham vô đáy.

Tôi khẳng định, chỉ có lòng tham vô đáy mới có chuyện nhà nghiên cứu đem một sản phẩm ra bán nhiều lần để trục lợi. Đó là tham ô trong giáo dục! Tham ô trong giáo dục tệ hại hơn tham ô của quan tham. Quan tham đục khoét hoặc nhận hối lộ chỉ làm tiêu tốn ngân sách hoặc móc túi dân. Nhà nghiên cứu tham lam, không chỉ bắt dân nuôi, lại đục khoét ngân sách, và tệ hơn là bán một sản phẩm nhiều lần như chiêu trò của kẻ lừa đảo. Và hiển nhiên chiêu trò lừa đảo ấy đã phá nát giáo dục từ vật chất đến tinh thần, đẻ ra một thế hệ lòng tham thống trị trong đầu.

Tôi không nhân danh đạo đức mà bài trừ lòng tham. Có khi lòng tham lại là động lực của phát triển. Nhưng lòng tham trong giáo dục và khoa học ở ta rất đê tiện, lại được dán nhãn cao sang bằng đủ loại nhân danh. Nhà giáo quèn thì đủ mánh khoé để móc túi đến từng xu lẻ của phụ huynh nghèo. Giáo sư tiến sĩ thì moi ngân sách ngàn tỉ để làm dự án, lại còn mua đi bán lại nhiều lần một sản phẩm để làm giàu cho túi riêng. Lòng tham ấy chỉ có thể góp phần làm cho đất nước lụn bại. Muốn liêm chính thì trước hết giới có học phải làm gương. Giáo dục và khoa học mà gian lận thì chả trách quan tham! Bản thân mình gian mà lên mạng chửi quan tham là không đủ tư cách.

Báo Tiền phong thuật lại quan điểm Nafosted và các nhà nghiên cứu nước ngoài về Liêm chính học thuật. Hành vi bán sản phẩm kiểu ông Hướng là "ăn ba đầu". Cãi cho ông Hướng, nhiều giáo sư, tiến sĩ tự bộc lộ lòng tham vô đáy của mình chứ không phải chia sẻ, thương xót gì cho ông Hướng.

C.M.L.

https://tienphong.vn/cham-dut-tinh-trang-ban-bai-bao-khoa…

Chấm dứt tình trạng 'bán' bài báo khoa học

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Bán chất xám, Chu Mộng Long, Nghiên cứu khoa học, Trí thức. Bookmark the permalink.