Thứ Ba, 14-11-2023
Tôi vẫn luôn lưu ý rằng, tôi không khẳng định PGS Đinh Công Hướng vi phạm liêm chính khoa học, vì tôi không đủ thông tin để xác minh 2 chữ “hợp tác” mà ông dùng là thực chất hay không. Tuy nhiên, hôm nay báo Thanh niên đăng bài “’Bán’ bài báo khoa học có thực là chỉ bán chất xám của mình?” của tác giả Nguyễn Tấn Đại, thì dường như đã có cơ sở rõ ràng hơn để thấy những vi phạm của PGS Hướng.
Có rất nhiều thông tin trong bài báo của Nguyễn Tấn Đại có thể khiến những ai từng cho rằng PGS Hướng là người trung thực, tự trọng, liêm sỉ, v.v., sẽ bị việt vị. Ví dụ: “Trong số các đồng tác giả của PGS Hướng, chúng tôi chú ý tới TS Đào Thị Hải Yến (Trường ĐH Phú Yên), người cùng đứng tên 6 bài báo với PGS Hướng. TS Yến là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn từ năm 2018 – 2022, mà PGS Hướng là thầy hướng dẫn. Trong cả 6 bài cùng đăng với thầy hướng dẫn, bà Yến đều nhất quán ghi nhiệm sở chính là Trường ĐH Phú Yên. Nhưng ngược lại, thầy hướng dẫn của bà có đến 4 bài (67%) ghi nhiệm sở là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một đơn vị không liên quan gì trong việc TS Yến làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn”.
Thêm nữa, nhiều bài báo của PGS Hướng ghi công các nguồn hỗ trợ cấp cho Trường ĐH Quy Nhơn từ Bộ GD-ĐT, Quỹ NAFOSTED và VIASM nhưng ông lại để các trường ĐH khác (không phải ĐH Quy Nhơn) như Tôn Đức Thắng đứng tên.
Nếu những thông tin trong bài báo của tác giả Nguyễn Tấn Đại là chính xác thì PGS Hướng không chỉ vi phạm liêm chính khoa học mà còn vi phạm pháp lý nữa. Và khó mà nói rằng ông là người trung thực, cầu thị, tự trọng… như nhiều người đã nói.
Tôi nghĩ, hơn ai hết, chính giới tinh hoa, trước những bất cập về cơ chế và thu nhập thì cần phải lên tiếng đầu tiên để đòi sửa đổi nó chứ không nên “lạng lách” rồi biện minh cho việc làm sai trái của bản thân. Điều ấy thật đáng buồn.
Từ thế kỷ thứ 4 TCN, Lương Huệ Vương đã nói “Không có của cải (đủ để sinh sống bình thường), mà vẫn có lòng dạ bền vững, thì chỉ có kẻ sĩ mới làm được” (Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng). Mạnh Tử thì nói “Cái đạo làm dân, nếu họ có của cải bền vững (hằng sản) thì họ có lòng dạ bền vững (hằng tâm); nếu họ không có của cải bền vững thì họ không có lòng dạ bền vững. Nếu lòng dạ họ chẳng bền vững thì họ trở nên buông thả, gian tà, xa xỉ, không có điều gì xấu mà không làm). Xem đây thì biết chỗ khác nhau cơ bản giữa kẻ sĩ (trí thức) và dân đen.
Trong hoàn cảnh môi trường và cơ chế ở Việt Nam hiện nay, một dân đen như tôi thật sự đồng cảm và không muốn nhắm vào các nhà khoa học để chỉ trích, tuy nhiên muốn nói gì thì nói, đúng sai phải trái trước tiên cần minh bạch đã. Và dù có nói gì đi nữa thì cũng chỉ bởi vì sự tôn trọng, hi vọng và lòng trông cậy vào giới tinh hoa nước nhà.
T.H.
Bài của tg Nguyễn Tấn Đại trên Thanh niên: https://thanhnien.vn/ban-bai-bao-khoa-hoc-co-thuc-la-chi…
Tác giả gửi BVN