Từ vụ án của ông Hàn Đức Long nghĩ về vụ án Hồ Duy Hải

Ngô Ngọc Trai

Thứ Ba, 3-10-2023

Năm 2005, tại tỉnh Bắc Giang, một cháu bé 5 tuổi bị hãm hiếp rồi giết, vứt xác tại mương nước cánh đồng. Trong vụ án ấy ông Hàn Đức Long bị quy cho là thủ phạm, đã phải chịu tới 4 lần tuyên án tử hình và chỉ được trả tự do, minh oan, xin lỗi công khai sau quãng thời gian 11 năm bị giam.

Một điều khiến tôi phải suy nghĩ và tiếc nuối rất nhiều trong vụ án khi đó là về hiện trường vụ án. Khi xác cháu bé được phát hiện ở mương nước cánh đồng, bố mẹ đã đưa cháu về tắm rửa thay quần áo, khiến cho dấu vết trên thân thể cháu bị xóa bỏ.

Khi cơ quan điều tra về khám nghiệm tử thi, thấy âm hộ bị rách, lúc ấy mới kết luận xác định cháu bé bị hiếp rồi giết chết.

Hiện trường vụ án khi ấy là cả một khu cánh đồng rộng lớn, khó thể xác định chính xác cháu bé bị hiếp ở chỗ nào, bề mặt cỏ trên các bờ đất cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc thu thập dấu vết.

Hành vi hiếp dâm cũng không để lại công cụ hung khí gây án, tất cả những gì cơ quan điều tra thu thập được là một số lông tóc và mẫu nghi là tinh trùng thu được tại một đoạn bờ mương bê tông gần nơi xác cháu được phát hiện, nhưng khi đưa đi giám định thì do chất lượng dấu vết kém nên đã không cho ra kết quả.

Vụ án theo đó không có nhân chứng, vật chứng, cơ sở căn cứ kết tội chỉ dựa vào những lời khai nhận của bị cáo. Đã rất nhiều lần tôi suy nghĩ, giá mà hành vi phạm tội thực hiện ở một hiện trường thuận lợi hơn cho việc thu thập dấu vết, hẳn là sẽ giúp xác định ra được thủ phạm.

Trái ngược với vụ án của ông Long, trong vụ án của Hồ Duy Hải, hiện trường vụ án đã được xác định rất rõ ràng, đó là không gian tầng một của Bưu điện Cầu Voi. Không như cánh đồng với bề mặt cỏ, không gian trong nhà của Bưu điện rất thuận lợi cho việc xác định thu thập dấu vết.

Đó có thể là dấu vân tay của nghi phạm ở cửa ra vào, dấu vân tay trên các vật dụng mà nghi phạm cầm nắm ở hiện trường. Đó có thể là máu ở hiện trường, nước bọt trên cốc uống nước, và đặc biệt là dấu vân tay trên hung khí gây án giết người.

Một sự khác nhau rất lớn giữa hai vụ án về mức độ rõ ràng của hiện trường và số lượng ít nhiều của dấu vết tội phạm để lại. Vậy nhưng những điều đó vẫn không tránh được cho một tử tù phải kêu oan.

Điều khiến tôi rất băn khoăn là hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi với rất nhiều bề mặt nhẵn rất dễ lưu lại dấu vân tay, nhưng hồ sơ vụ án lại thấy thu thập được rất ít ỏi.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường chỉ xác định ba điểm có dấu vết vân tay, đó là trên cánh cửa tủ ngăn cách giữa phòng ngủ của hai nữ nạn nhân và phòng làm việc, dấu vết vân tay trên mặt sau cánh cửa nhà vệ sinh và dấu vân trên vòi khóa nước lavabo.

Trong khi đó nghi phạm bắt buộc phải ra vào đóng mở cửa nhà vệ sinh, ra vào đóng cửa để ra khỏi bưu điện, vậy những nơi đó không có dấu vân tay hay sao? Hoặc bưu điện có nơi để sim card điện thoại đã bị lấy mất, có tủ đựng tiền, có két sắt, vậy những nơi đó không có dấu vân tay hay sao?

Đúng ra những nơi đó đều có dấu vân tay, của ai thì chưa biết nhưng trách nhiệm là phải thu thập, để sau này đối chiếu so sánh với những người tình nghi liên quan, để xác định được ai là thủ phạm hoặc những ai không là thủ phạm, nhưng không hiểu sao việc thu thập lại thu được ít dấu vân như vậy.

Ảnh chụp hiện trường cho thấy trên chiếc bàn tiếp khách của Bưu điện có một cốc nước đặt gần hai bịch trái cây mà một trong hai nạn nhân đã đi mua về bằng tiền của nghi phạm đưa cho.

Rất có thể hai cô gái đã mời ai đó uống nước và đó có thể là thủ phạm, theo đó cần thu thập dấu vết vân tay trên chiếc cốc. Nhưng nghiên cứu tài liệu vụ án không thấy cơ quan điều tra thu thập dấu vân tay trên chiếc cốc uống nước này.

Việc chụp cận cảnh chiếc cốc tạo bản ảnh đã cho thấy có sự lưu ý ban đầu về dấu vết tội phạm ở đây nhưng cuối cùng thì lại không thấy thông tin xác định dấu vân tay ở nơi này.

Khám nghiệm hiện trường cũng thấy có một số bát đũa ăn mì tôm chưa rửa để trên bếp và rơi vãi đâu đó trên nền nhà.

Đúng ra những dụng cụ ăn uống như vậy cũng cần lấy được mẫu nước bọt còn sót lại để giám định ADN của người đã ăn, từ đó xác định xem tối ngày hôm đó đã có những ai đã ăn tối cùng hai cô gái.

Nếu tìm kiếm phát hiện được mẫu DNA của một người thứ ba thì đó cũng là một manh mối quan trọng để giải quyết vụ án. Vậy nhưng nghiên cứu tài liệu cũng không thấy thông tin nào cho thấy cơ quan điều tra đã chú ý thu thập mẫu dấu vết ở những dụng cụ ăn uống để giám định ADN.

Khi đọc sách báo về việc điều tra phá án ở nước ngoài, nhiều khi thấy trong những vụ án giết người không có nhân chứng, cảnh sát đã cố gắng tìm kiếm giữ lại những đầu mẩu thuốc lá ở hiện trường.

Họ coi đó là những dấu vết quan trọng mà người ta cho là nghi phạm đã để lại, sau đó họ thu thập dấu vết nước bọt để đưa đi giám định ADN để từ đó đối chiếu với ADN của những người tình nghi.

Như một chuyện mới đây ở nước Mỹ được báo chí đưa tin, để điều tra một vụ án mạng đã xảy ra hàng chục năm về trước, người ta đã xác định ra được một nghi phạm nhưng người này từ chối cung cấp mẫu giám định ADN.

Sau khi vụ án được báo chí đăng tải, thì khi đó một người công nhân làm cùng nơi làm việc, đã bí mật giữ lại một chiếc cốc giấy mà người kia đã sử dụng rồi cung cấp cho cảnh sát. Kết quả giám định sau đó cho thấy, ADN của người đó trùng khớp với mẫu ADN của nghi phạm thu được ở hiện trường trong vụ án mạng.

Vụ án Hồ Duy Hải được đông đảo dư luận quan tâm một phần lý do bởi vì nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng trong quy trình thủ tục nghiệp vụ tư pháp, những cái mà sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều vụ án về sau.

Có thể là hình ảnh về 1 người, đàn violin, va li, sáo, kèn clarinet và đàn ghi ta

Ảnh chụp tại hiện trường bưu điện Cầu Voi

N.N.T.

Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai

This entry was posted in Tư pháp, Vụ án Hàn Đức Long, Vụ án Hồ Duy Hải. Bookmark the permalink.