Lulu Luo & Jonathan Head – BBC News
Từ Dara Sokor, Campuchia
25 tháng 9 – 2023
Chụp lại hình ảnh: Đường cao tốc cắt qua công viên quốc gia Botum Sakor của Campuchia về phía bờ biển – và dự án Dara Sakor. NGUỒN HÌNH ẢNH: BBC/ BENJAMIN BEGLEY
Đường cao tốc đâm xuyên qua khu rừng như một dải ruy băng đen, hướng ra biển và đến nơi chắc hẳn là một trong những dự án du lịch lớn nhất thế giới.
15 năm sau khi bắt đầu, vẫn chưa có nhiều điều để ngắm nhìn Khu nghỉ dưỡng Bờ biển Dara Sakor ở miền nam Campuchia.
Đây là một kế hoạch quy mô lớn của một công ty Trung Quốc, nhằm xây dựng một thành phố du lịch khép kín. Một thuộc địa của Trung Quốc, một số người gọi đây là địa điểm tổ chức “tiệc tùng và ăn chơi”, với đầy đủ mọi thứ, từ sân bay quốc tế, cảng nước sâu, nhà máy điện, bệnh viện, sòng bài và biệt thự sang trọng.
Sân bay vẫn chưa được hoàn thiện. Một sòng bạc duy nhất, với một khách sạn năm sao và các căn hộ liền kề, nằm trơ trọi gần biển, phía trước là một con đường dở dang chưa làm xong, và bao quanh là một công trường xây dựng.
Xét về du lịch thì dự án chưa đi vào hoạt động. Nhưng dự án đã gây tác động xấu đến với một trong những môi trường tự nhiên phong phú, đa dạng nhất châu Á và đối với hàng nghìn người dân đang sinh sống ở đó.
Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc ở Campuchia hiện vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác. Trung Quốc chiếm một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp và phần lớn vốn viện trợ nước ngoài.
Campuchia là một đối tác ‘nhiệt thành’ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng và tài trợ trên khắp thế giới.
Rất nhiều trong sáng kiến rõ ràng là mang lại lợi ích. Nhưng phần lớn đầu tư của Trung Quốc mang tính đầu cơ, đổ xô và được lên kế hoạch mang tính chấp vá.
Đơn cử, thị trấn ven biển yên tĩnh một thời ở Sihanoukville, đối diện Dara Sakor, chỉ trong vài năm đã được chuyển đổi thành một công trường xây dựng khổng lồ để đáp ứng nhu cầu đánh bạc của người Trung Quốc.
Điều này đã thúc đẩy một làn sóng tội phạm và kéo theo đó là sự sụp đổ của nền kinh tế sòng bài trong thời kỳ Covid, bao trùm các ngôi làng hàng là loạt toà nhà xây dở, trống trơ.
Có nhiều lý do chính đáng để lo ngại Dara Sakor có thể gặp phải vấn đề tương tự.
Sophal Ear, một học giả người Campuchia tại Đại học bang Arizona, cho biết: “Dự án giống như nướng bánh mà không có bột mì”.
“Bạn không thể dựa vào những phương thức không bền vững để đạt được sự phát triển bền vững. Còn bong bóng bất động sản Trung Quốc thì sao? Khi Trung Quốc hắt hơi, Campuchia sẽ bị cảm lạnh”.
Phát triển theo kiểu Hun Sen
Dara Sakor là kiểu phát triển theo lối ưa thích của cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Dự án có quy mô lớn nhưng được hình thành gần như hoàn toàn bí mật. BBC nhận thấy rằng có rất ít sự tư vấn hoặc đánh giá về chi phí con người và môi trường.
Chụp lại hình ảnh: Vườn quốc gia Botum Sakor đã mất 1/5 diện tích rừng nguyên sinh kể từ năm 2008. NGUỒN HÌNH ẢNH: BBC/ LULU LUO
Các công ty Trung Quốc có liên quan đã cung cấp rất ít thông tin về họ và một số có hồ sơ không minh bạch. Dự án cũng làm dấy lên sự hoài nghi của quốc tế về những mục tiêu khác mà Trung Quốc có thể có ở khu vực này của Campuchia.
Cách tiếp cận viện trợ và đầu tư “không chất vấn gì” của Trung Quốc đã thu hút Hun Sen, một lãnh đạo độc tài, người sau khi chấm dứt ba thập kỷ chiến tranh và cách mạng tàn khốc vào những năm 1990, đã thúc đẩy tăng trưởng chóng mặt để giúp đất nước ông đuổi kịp những nước láng giềng.
Nhưng phần lớn sự tăng trưởng này đạt được nhờ những phi vụ nhượng đất hào phóng, đặc biệt là những lô đất lớn, cho những thân hữu và các công ty nước ngoài.
Sebastian Strangio, người viết cuốn sách có lẽ là cuốn cuối cùng về Campuchia của Hun Sen, nói: “Không có thể chế nào cả”. “Hệ thống này phụ thuộc vào việc làm đẹp lòng những người có quyền lực”.
Dự án Dara Sakor bắt đầu từ đầu năm 2008, khi UDG, một công ty xây dựng tư nhân của Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thiên Tân ở miền bắc, được đảm bảo hợp đồng thuê 99 năm – thời hạn tối đa cho phép theo luật Campuchia – với khoản đặt cọc duy nhất là 1 triệu USD. Đây là quyền phát triển 36.000 ha ban đầu, sau đó thêm 9.000 ha nữa.
UDG không bị yêu cầu phải trả thêm gì trong 10 năm, sau đó chỉ phải bỏ ra một khoản rất nhỏ là 1 triệu USD mỗi năm – một thỏa thuận hào phóng đến mức nghẹt thở – để kiểm soát 1/5 toàn bộ bờ biển Campuchia.
Vì khu đất nằm trong công viên quốc gia Botum Sakor và vượt quá giới hạn pháp lý là 10.000 ha cho bất kỳ dự án nào, nên điều này sẽ bùng lên rất nhiều tranh cãi – nếu có ai đó khác biết về nó.
Nhưng vì không có thông tin nào được công bố về thương vụ này vào thời điểm đó, nên không có cuộc thảo luận nào nổ ra trên các phương tiện truyền thông Campuchia.
Som Thy, một ngư dân địa phương, chở phóng viên BBC trên chiếc xe máy dọc theo những con đường cát xuyên cánh rừng, để đến xem nơi anh từng sống, bên trong khu UDG. Phần lớn diện tích được cây che phủ hiện đã biến mất. Ở một số nơi, một công trình đồ sộ đơn độc vẫn sừng sững, được bao bọc bởi các vùng đất hoang vắng.
Theo tổ chức phi chính phủ Global Forest Watch, kể từ năm 2008, vườn quốc gia đã mất gần 20% diện tích rừng nguyên sinh. Hơn 1.000 hộ gia đình đã phải rời bỏ quê hương và làng mạc của mình. Một trong số đó là gia đình Som Thy.
“Tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy nó trở nên như thế này, cỏ mọc đầy rẫy”, anh nói, nhìn ra nơi từng là nhà và cánh đồng lúa của mình. Một vài cây điều vẫn còn sót lại từ vườn cây ăn quả mà gia đình anh từng dựa vào để có thêm thu nhập ngoài trồng trọt và đánh bắt cá.
Giống như những cư dân khác của 12 ngôi làng bị di dời vì Dara Sakor, Som Thy được chuyển đến một ngôi nhà gỗ nhỏ do công ty này xây dựng vào năm 2009, cách bờ biển vài cây số.
Trong những năm đầu tiên đó đã có rất nhiều cuộc biểu tình. Hiện Som Thy là một trong số ít người vẫn từ chối nhận khoản bồi thường của công ty.
Anh nói rằng họ không thể kiếm sống từ những mảnh đất nhỏ mà họ được giao và số tiền họ được bồi thường chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thực của mảnh đất ban đầu.
Thỉnh thoảng anh lẻn về Dara Sakor để chèo thuyền đi câu cá. Anh cũng đã tới Thái Lan để tìm việc làm. Việc anh tiếp tục phản đối dự án đồng nghĩa là anh không thể kiếm được việc, như anh trai anh đã làm, tại các công trường xây dựng xung quanh sòng bạc.
Chụp lại hình ảnh: Som Thy nằm trong số những gia đình phải rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dự án phát triển. NGUỒN HÌNH ẢNH: BBC/JONATHAN HEAD
UDG đã phân phát một số tờ rơi hấp dẫn cho những nhà đầu tư triển vọng, với hình ảnh những sân golf được tỉa tót cẩn thận, những dãy villa đều tăm tắp, và các gia đình hạnh phúc tận hưởng cuộc sống bên bãi biển.
Cũng có những bản đồ phức tạp vẽ những phần khác nhau trong thành phố nghỉ dưỡng kiểu mẫu này –Vùng thị trấn mới Khoa học và Giáo dục, Trung tâm Thành phố Thương mại Thế giới và Vùng Rừng và Thanh tao.
Tất cả điều này rất khác với những khu rừng bị phá, người dân bị mất nhà cửa và những con đường hoặc tòa nhà bị dừng xây cất nửa chừng mà bạn vẫn chứng kiến vào ngày nay.
Theo tổ chức môi trường GEI của Trung Quốc, nơi đã đăng tải một nghiên cứu chi tiết về Dara Sakor năm 2016, thì không có bằng chứng cho thấy công ty này đã tiến hành bất kỳ các đánh giá tác động môi trường nào, như theo yêu cầu của luật pháp Campuchia.
GEI cũng không thể tìm được bất kỳ thông tin nào về những khu rừng, được cho sẽ được bảo vệ, đã được chuyển đổi công năng để thích hợp cho sự phát triển. GEI nói đã trình bày các quan ngại lên UDG.
“Họ đã không phản hồi những điểm này”, Giám đốc chương trình Ling Ji nói với BBC. “Họ chỉ tiếp tục khẳng định đã tuân theo tất cả luật pháp và quy định liên quan. Họ không thấy có vấn đề gì. Điều này có một tác động rất xấu đối với hình ảnh của Trung Quốc. Nhiều nước sẽ nghĩ các công ty Trung Quốc ở đây chỉ để vơ vét tài nguyên. Các công ty Trung Quốc không có nhận thức hoặc khả năng để giải quyết những lời ca thán địa phương ở những nước khác, bởi vì tại Trung Quốc, chuyện này luôn phải do chính quyền địa phương giải quyết. Ở nước ngoài, thì tình hình rất khác. Vẫn còn một quá trình học hỏi dành cho họ”.
Chạy theo sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Quy mô khổng lồ của dự án đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Mỹ.
Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lênh trừng phạt nhằm vào UDG, viện dẫn các vi phạm nhân quyền đối với những người bị lấy đất ở làng của họ, cũng như khả năng sử dụng quân sự tiềm tàng của Trung Quốc đối với sân bay mới.
Sân bay này có một đường băng dài hơn nhiều mức cần thiết cho các máy bay nhỏ, để phục vụ cho một nơi du lịch tương đối xa xôi.
Mỹ cũng đã quan ngại về một căn cứ hải quân gần Sihanoukville đang được cải tạo với nguồn tiền từ nhà nước Trung Quốc, và Washington tin rằng trong tương lai có thể do Hải quân Trung Quốc sử dụng.
Mỹ ngày càng càng cảm thấy không thoải mái với những cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng bởi vì sự nhấn mạnh của ông Tập Cận Bình trong mục đích sử dụng kép dân dụng-quân sự – điều mà Trung Quốc gọi là “hỗn hợp quân sự-dân dụng” – trong quy hoạch kinh tế, và yêu cầu chính thức cho các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc là đáp ứng các tiêu chuẩn quân sự.
“Trung Quốc đã sử dụng các dự án của UDG ở Campuchia để thúc đẩy những tham vọng cho thấy sức mạnh trên toàn cầu”, theo tuyên bố theo sau các lệnh trừng phạt.
UDG đã gọi các lệnh trừng phạt là phi lý. Công ty này nói Mỹ đã hành động dựa trên “các sự thật và lời đồn thổi bị ngụy tạo”, và nói “luôn luôn về mặt tôn giáo tuân theo các quy trình theo luật pháp yêu cầu”, và những người sống trong khu đất nhượng đó đều là cư dân bất hợp pháp.
UDG nói sân bay đang được xây dựng với quy mô này và gọi Dara Sakor là “một trung tâm giao thông toàn cầu”. Công ty này đã hậu thuẫn ý tưởng trên với những mục tiêu rất tham vọng. Trước năm 2030, trang web của công ty nêu, có mục tiêu có 1,3 triệu cư dân cư trú dài hạn, gần bảy triệu du khách đến mỗi năm, và cung cấp việc làm cho một triệu người.
Đây là những con số ngỡ ngàng nếu xét đến lượng khách du lịch đến toàn Campuchia, hiện rất thấp hơn lúc đỉnh cao là sáu triệu người vào năm 2019. UDG cũng phản đối việc Mỹ mô tả công ty này là một thực thể thuộc nhà nước – chúng tôi là một công ty sở hữu tư nhân, công ty này tuyên bố.
Điều này có thể đúng, thế nhưng đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cơ quan nhà nước của Trung Quốc ngay từ các giai đoạn đầu của dự án.
Chụp lại hình ảnh: Tình hữu nghị ‘sắt son’: Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019. NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES
Cơ quan quy hoạch kinh tế hàng đầu Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã đồng ý ngay trước khi thỏa thuận được ký kết và đã tiếp tục giám sát. Cựu thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, ở thành phố Thiên Tân, cũng tham dự ngay từ những ngày đầu, đi đến Campuchia vào cuối năm 2008 để dự lễ ký kết hợp đồng.
Ông Trương sau đó trở thành một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, và từ năm 2015, ông điều hành dự án Vành đai và Con đường (BRI). Mặc dù Dara Sakor đã có trước BRI 5 năm, dự án này được mô tả là một điển hình của BRI.
UDF cũng đã thiết lập mối quan hệ thân cận với các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền ở Campuchia. Công ty này đã đóng góp nhiều trong Hội Chữ Thập đỏ Campuchia, do vợ của ông Hun Sen –bà Bun Rany – điều hành, và đã trao một triệu USD để tài trợ việc xây dựng một tượng đài vinh danh những thành tựu của ông Hun Sen.
Công ty này đặc biệt có mối quan hệ thân cận với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Campuchina Tea Banh, người đứng đầu một trong những thành phần chính trị quyền lực nhất ở Campuchia.
Mặc dù vậy, công ty này cung cấp rất ít thông tin về nguồn tài chính, khiến rất khó để thẩm định khả năng vận hành một dự án lớn như vậy.
Một trong số ít khoản đầu tư ít được biết đến ở Dara Sakor là phát hành trái phiếu vào năm 2017, do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc bảo lãnh. Nhưng chỉ là cho khoản tiền 15 triệu USD, một phần trong gần 4 tỷ USD mà UDG hứa hẹn đầu tư.
Và vai trò dẫn đầu của UDG hiện nay dường như đã bị một công ty khác vượt qua, Công ty Xây dựng Thành phố Trung Quốc (China City Construction Company – CCCC). Công ty này hầu như không được biết đến ngoài Trung Quốc, khi vào năm 2014, không rõ vì lý do gì, đã tự mình ‘chen chân’ được vào dự án Dara Sakor.
Giới điều hành từ CCCC hiện giữ một vai trò dẫn đầu trong UDG, và CCCC tuyên bố chính công ty này, không phải là UDG, có trách nhiệm trong “thiết kế của quá trình quy hoạch và phát triển khu du lịch đặc biệt này”.
Vỡ bong bóng
CCCC là một doanh nghiệp do nhà nước sở hữu. Nhưng cũng là một công ty gặp vấn đề.
Vào năm 2016, khi đó do Bộ Nhà ở quản lý, công ty này đã gây sốc trên thị trường tài chính Hong Kong khi đột nhiên tuyên bố đang được tư nhân hóa theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Công ty này tuyên bố đã được một quỹ tài sản ít tên tuổi thâu tóm, có tên gọi là Huinong.
Giới đầu tư hoảng loạn, những người đã bỏ ra hàng trăm triệu USD tiền cổ phiếu gọi là “dim sum” (điểm tâm) của CCCC – các cổ phiếu được phát hành ở Hong Kong để luồn lách được những kiểm soát về vốn của Trung Quốc. Họ đã cố gắng chuộc lại phần tiền bỏ ra mua trái phiếu, nhưng CCCC không thể huy động đủ lượng tiền mặt để chi trả.
CCCC tiếp tục chống chọi về mặt tài chính. Công ty này hiện có mức xếp hạng nợ bị xấu đi và đã bị buộc phải bán tháo một số doanh nghiệp triển vọng nhất của mình.
Có thông tin Huinong, một quỹ bí mật đã thâu tóm CCCC vào năm 2016, trực tiếp do Bộ Tài chính Trung Quốc sở hữu, khiến cho CCCC về mặt kỹ thuật trở thành thực thể do nhà nước sở hữu một lần nữa. Tính chất mờ ảo này khiến rất khó để thẩm định tình trạng tài chính thật sự của CCCC, có thể đã bị ảnh hưởng do sự sụp đổ thị trường bất động sản gần đây của Trung Quốc.
“Có một thời điểm ồ ạt đầu tư ra nước ngoài trong thời kỳ đầu của dự án Vành đai và Con đường, từ năm 2014 đến 2016”, Victor Shih, Giám đốc Trung tâm 21st Century China Center từ Đại học California San Diego nói. “Trước năm 2016, mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc rất cẩn trọng. Họ không còn ném tiền và chấp thuận các dự án một cách ẩu tả nữa”.
Một nhà đầu tư khác ở Dara Sakor là một doanh nhân người Trung Quốc gọi là She Zhijiang, người có tai tiếng điều hành các casino dọc theo biên giới giữa Thái Lan và Myanmar, nơi đã phát hiện các hoạt động buôn người và lừa đảo quy mô lớn. Ông ấy hiện đang bị giam ở Thái Lan, chờ bị trục xuất về Trung Quốc.
Một vài người, từ Thái Lan, Đài Loan, và Philippines, đã được giải cứu sau khi bị bắt giữ trong các trung tâm lừa đảo hoạt động bên trong khu phức hợp Dara Sakor.
Hình ảnh các trung tâm lừa đảo hoạt động trong các khu vực đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia đã ngăn cản du khách Trung Quốc đi đến đây. Kết quả là sự phục hồi được kỳ vọng trong lĩnh vực du lịch, một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất ở Campuchia đã chậm hơn kỳ vọng.
Nhưng việc tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet, con trai của ông Hun Sen, người đã được thừa hưởng nền giáo dục từ phương Tây, có một cách tiếp cận khác biệt là chuyện không thể xảy ra, theo Sebastian Strangio.
“Ông ấy sẽ là một tù nhân của hệ thống này. Ông ấy có quyền lực hạn chế để thống trị việc vượt giới hạn, thậm chí nếu ông ta muốn làm như thế”, ông Sebastian nhân định.
Hồi tuần rồi, chỉ một tuần sau khi kế nhiệm cha mình, ông Hun Manet đã có chuyến đi đến Bắc Kinh để gặp ông Tập và đảm bảo với ông ta về mối quan hệ ‘sắt son’ giữa hai nước.
Dara Sakor thật sự là một trong số vài dự án nhượng đất lớn trong khu vực, hầu hết đều có liên quan đến các doanh nghiệp Campuchia thân cận với đảng cầm quyền.
Tỷ trọng đáng kể của các khoản lợi nhuận này trong một mô hình phát triển chỉ vì lợi ích riêng đã bám theo Campuchia cho đến nay, khiến chuyện thay đổi rất khó khăn.
80% số công viên quốc gia hiện đang bị khai thác thương mại, và rất ít để ý đến những lời cảnh báo liên tục từ các nhà hoạt động môi trường về việc quốc gia này đang trên bờ vực đánh mất những khu sinh thái tự nhiên quan trọng nhất của mình.
Một trong các nhà hoạt động, một phụ nữ trẻ ở tuổi 20, đã đi với chúng tôi đến Dara Sakor. Cô ấy đang được thả sau khi trả tiền bảo lãnh, năm 2021 cô đã bị tuyên phạt mức 18 tháng tù giam vì tội cố gắng tổ chức một cuộc biểu tình chống việc cướp đất.
Cô ấy đã chịu rủi ro lớn khi đi với chúng tôi đến các khu lấy đất của UDG. “Chúng tôi không có sự lựa chọn”,cô nói, khi chúng tôi nhìn vào những cánh rừng trơ trọi xa xôi khác.
“Chúng tôi phải chịu rủi ro đi tù, hoặc tệ hơn, là cố gắng bảo vệ những gì còn sót lại cho thế hệ mai sau”.
L.L. & J.H.
Nguồn: BBC Tiếng Việt