Đến 26 khoản thu trong “giá thành dịch vụ giáo dục”: trường “thừa nước đục thả câu”

Mai Bá Kiếm

Thứ Tư, 13-9-2023

Ngày 12/7/2023, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết “các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024”.

Để “né” dùng từ “học phí”, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT “định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo”. Theo đó, “giá dịch vụ giáo dục đào tạo là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư) và chi phí, quỹ khác phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo”.

Nghĩa là, phụ huynh phải trả 100% các chi phí cho trường công, và do “né” một từ “học phí”, Nghị quyết của HĐND TPHCM phải quy định đến 26 “khoản thu”, do Thông tư 14 cho thu cả “chi phí, quỹ khác phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động GDĐT”.

Các khoản thu “tự sản sinh vô tính”: có đến 7 khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa + 4 khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án + 5 khoản thu phục vụ cho hoạt động bán trú + 10 khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

Bộ GD&ĐT chế ra 26 khoản thu, thay vì “định mức học phí trường công” để phụ huynh, nhà báo, đại biểu HĐND “tẩu hỏa nhập ma”, đếch biết khoản thu nào đúng khoản nào sai? Nếu đúng thì thu đủ hay thu dư?

Dù có nghị quyết về 26 khoản thu, trường THPT Marie Curie (Q.3) vẫn chế “khoản thu sản sinh vô tính” mang tên “Thu tiền nghỉ trưa” (5 buổi/tuần trong 1 tháng = 600.000 đ/học sinh). Báo Thanh niên lên tiếng, Hiệu trưởng Marie Curie Nguyễn Đăng Khoa “thanh minh thanh nga, út bạch lan thành được” rằng “thu tiền nghỉ trưa 15.000 đồng/học sinh tại trường” là “phí quản lý và tiền điện máy lạnh”.

Fbker Bao Doan rành môn điện đã tính ra: HS nghỉ trưa khoảng 2 giờ, vậy tổng điện tiêu thụ là 3,73kWh/phòng học 40m2. Tính theo giá 1.554 đ/kWh, số tiền điện phải trả cho mỗi phòng học trong 2 tiếng nghỉ trưa là 5,79642 (đồng), làm tròn thành 6 nghìn đồng. Trong 2 giờ chi phí tiền điện hết khoảng 6 nghìn đồng, mà Hiệu trưởng thu mỗi em 15 nghìn đồng! Trường này có 1.227 học sinh lớp 10, tức khoảng 30 phòng học, vậy chi phí tiền điện cho toàn khối là khoảng 180 nghìn/ngày (nghỉ trưa).

Mỗi tháng (mới chỉ hơn 300 học sinh nghỉ trưa như hiện tại) thì trường thu về 180 triệu! Đó là chưa hiểu vì sao mỗi buổi 15 nghìn nhưng 1 tháng lại thu đến 600 nghìn!”

Tôi đề nghị Quốc hội và HĐND tỉnh, thành yêu cầu Bộ Tài chính quy định mức trần học phí cho trường công các cấp; yêu cầu Bộ GD& ĐT chỉ cho phép một loại trường công với cùng một chương trình đào tạo, cấm dạy theo đề án này nọ! Chỉ có trường tư được dạy chương trình nâng cao, chuyên, song ngữ, được thu học phí cao!

Đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thống kê tỷ lệ số lượng học sinh tốt nghiệp ở khối lớp cuối cấp trên số lượng học sinh nhập học ở khối lớp đầu cấp để thấy rõ tác hại do 26 khoản thu của cái gọi là “giá dịch vụ giáo dục”.

Các xe bán trái cây treo bảng “bao ngon”, quán cơm đề bảng “bao no”, nhưng các trường công thu học phí “tự bao lời” mà không dám treo bảng bảo đảm “Tiên học phí – hậu học giỏi”. Đểu không chịu được!

Link 26 khoản thu https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-04-2023-NQ-HDND-khoan-thu-dich-vu-ho-tro-giao-duc-cong-lap-Ho-Chi-Minh-2023-2024-574149.aspx

M.B.K.

Nguồn: FB Kiem Mai Ba

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.