Quang Thành
(VNTB) – Chỉ có giáo dục thất bại mới có thể sản sinh ra những con người bạo lực, về cả thể chất lẫn tinh thần hay ngôn từ, chỉ có tâm hồn sứt sẹo mới có thể đẻ ra những quái thai không phân biệt được phải trái.
Ba sự kiện liên quan đến giáo dục trong thời gian qua, sự việc sau nhấn chìm sự việc trước, nhưng đều nói lên một thực trạng đáng báo động về hành vi ứng xử của mạng xã hội, báo chí và nền giáo dục tại Việt Nam.
Báo nhà nước truyền tin giả về Đại học Fulbright
Thứ nhất là kênh Truyền hình Quốc phòng mở chiến dịch chống phá chủ trương đối ngoại đa phương của đảng bằng hành vi vu khống Đại học Fulbright. Sau khi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố thái độ ủng hộ trường đại học của Mỹ thì kênh truyền hình của Quân đội đã lẳng lặng rút bài mà không có lời đính chính hay xin lỗi như lẽ thường.
Từ chương trình này, các bài viết trên mạng xã hội Facebook, YouTube tràn ngập những lời chỉ trích, quy kết cho trường đại học hoạt động bằng tiền của chính phủ Mỹ. Bằng những lời nói, thái độ hằn học, họ đã khơi lại chuyện bà Đàm Bích Thuỷ kể chuyện sinh viên của trường đã có thái độ đồng cảm với những người Mỹ trong chiến tranh.
Họ tự suy diễn rằng tại sao trường Fulbright Việt Nam sợ cái gì, sợ ai ở đất nước Việt Nam này mà phải lấy khẩu hiệu “không sợ hãi” cho sinh viên trong lễ tốt nghiệp. Tất cả chỉ vì bắt nguồn từ việc diễu hành ở Việt Nam mà không có cờ đỏ sao vàng.
Đại học Fulbright đã có thư ngỏ, trong đó phản đối các cáo buộc vô căn cứ, phi lý cũng như hành vi lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội nhằm mục đích gieo rắc sự mất lòng tin và chia rẽ. Vụ việc được Fulbright cho là gây hậu quả nghiêm trọng khi có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương mà các thế hệ lãnh đạo của cả hai nước đã bền bỉ xây dựng trong suốt bốn thập kỷ qua.
Fulbright, với sự hậu thuẫn của cả hai chính phủ Mỹ-Việt đã không chấp nhận là nạn nhân thụ động của những hành vi này. Fulbright Việt Nam đã buộc các cơ quan chức năng liên quan phải điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực nói trên.
Việc đăng tin giả của một kênh truyền hình chính thống là điều không thể chấp nhận được. Nhưng liệu kênh truyền hình này cùng những người hùa theo tung tin giả có sẽ bị xử lý hình sự khi cố ý làm tổn hại quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, phá hoại chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Bạo lực mạng với người chưa thành niên Chu Ngọc Quang Vinh
Thứ hai, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xử lý một lời nói thật trên Facebook của một học sinh lớp 12 sinh năm 2008 ở Yên Bái. Chu Ngọc Quang Vinh đã trải lòng với một nhóm bạn 16 người về cảm nghĩ của bản thân đối với đảng và ước mơ của mình.
Cậu học sinh đã dám nghĩ khác với đám đông, nhận thức được sự khác biệt của tuyên truyền và sự thật. Cho dù có viết bài xin lỗi trái với suy nghĩ của mình nhưng cậu cũng không tránh khỏi làn sóng đấu tố của mạng xã hội.
Cậu thực thi quyền hiến định về tự do ngôn luận nhưng đáp lại là bị tấn công trên mạng kể cả lời hăm dọa bị đánh đập, cô lập… Người đã chụp màn hình và phát tán bài đăng của Vinh đã được mang xã hội “tán dương” là “thà phản bạn chứ không phản quốc”. Có lẽ đảng và nhà nước cũng như công an nên công khai tuyên dương, khen thưởng người đã lập công lớn như vậy. Từ đó nhân lên làm tấm gương điển hình cho quy tắc cư xử trên mạng xã hội tại Việt Nam (!).
Cậu đã bị vùi dập trong cơn sóng thần chửi rủa của những người đã nhận được ân huệ của đảng và nhà nước. Thật đáng tiếc khi một cảm nghĩ thật của người trẻ đã phải trả giá thật đắt. Có lẽ cậu đã không được mẹ dạy cho phải biết nói dối để giữ cho bản thân mình được an toàn.
Nhưng cái giá đó cũng đã chứng tỏ thật rõ ràng rằng chỉ có dối trá mới có thể tồn tại trong cái xã hội như vậy ở Việt Nam. Như người ta thường nói, thật thà thường thua thiệt. Còn tự do ngôn luận dù có là quyền hiến định vẫn phải là tự do ngôn luận trong khuôn khổ.
Mái ấm Hoa Hồng nhưng không hồng
Chuyện thứ 3 được tung ra kịp lúc và đủ sức nhấn chìm cả Fulbright lẫn Chu Ngọc Quang Vinh là Mái ấm Hoa Hồng.
Việc ngược đãi trẻ mầm non là không mới, nhất là trong các cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân. Đã có nhiều bảo mẫu bị xử lý hình sự nhưng những vụ việc tương tự vẫn diễn ra.
Bài điều tra về những bảo mẫu ngược đãi, đánh đập trẻ sơ sinh được tung ra trên báo Thanh Niên. Những hành vi ngược đãi táng tận lương tâm được miêu tả chi tiết khiến cho mọi người vô cùng phẫn nộ.
Ngay lập tức, công an đã vào cuộc điều tra. Chỉ trong một ngày, cơ quan chức năng đã đưa tất cả 85 trẻ trong cơ sở này đến những cơ sở bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sự việc diễn ra nhanh chóng đến không ngờ, trang Facebook thông tin chính phủ đưa tin người của Ủy ban Mặt trận và Hội Phụ nữ phường Trung Mỹ Tây đã cử 20 người đến chăm sóc, cho trẻ ăn, uống sữa, trong thời gian lực lượng chức năng làm việc.
Đảng và nhà nước quan tâm sâu sát tới các mầm non của đất nước nhiều như vậy đó. Nhưng làm sao để có thể hạn chế hay ngăn ngừa hoàn toàn nạn bạo hành, đầu độc trẻ như vậy thì cơ quan chức năng, đảng và nhà nước lại gần như bất lực.
Chuyện lại làm người ta liên tưởng đến những nơi nuôi trẻ tư nhân của những cơ sở tôn giáo đã bị đưa vào tầm ngắm dù không có hiện tượng ngược đãi trẻ em như Tịnh Thất Bồng Lai ở Long An, hay tu viện Minh Đạo ở Vũng Tàu.
Một nền giáo dục thất bại
Fulbright không chấp nhận là nạn nhân thụ động, nhưng Chu Ngọc Quang Vinh dù không muốn thì cũng chỉ có thể thể giữ trạng thái thụ động. Một cậu con trai trong gia đình một mẹ một con không thể nào đấu lại với cả hệ thống chính trị.
Một bộ phận người đồng tình ủng hộ suy nghĩ vượt ra khỏi lối mòn của Quang Vinh cũng không thể đấu lại công an, tuyên giáo, gần 1000 tờ báo và cả dư luận viên của cả nước.
Fulbright rồi cũng sẽ yên ổn một thời gian vài ba năm trước khi có sóng gió khác nổi lên. Trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng khi được đưa về nơi nuôi dạy mới thì cũng sẽ quên đi những ngược đãi thể chất khi các cháu còn quá nhỏ để có thể nhận biết được các mối hiểm nguy xung quanh. Nhưng Chu Ngọc Quang Vinh và những lớp học sinh đang đến ngưỡng cửa vào đời sẽ không may mắn như vậy. Cú sốc tâm lý của Vinh cũng là bài học cho hàng triệu người trẻ gen Z khi phải học cách giữ mồm miệng, dối trá để yên thân.
Tổn thương tinh thần mà Chu Ngọc Quang Vinh và gia đình phải gánh chịu không có gì bù đắp được, ngoại trừ Vinh đạt được ước mơ đi nước ngoài để học tập. Ước mơ đó chỉ có thể thực hiện khi đảng, nhà nước và công an chịu thả cho Vinh đi.
Xử lý hình sự một vài người, phạt hành chính hay thậm chí cho đóng cửa một vài cơ sở chăm trẻ tư nhân đã có thể xoa dịu dư luận. Nhưng gốc rễ của vấn đề, đó là tình người, lòng trắc ẩn, thái độ nhân văn, đạo đức đã từ rất lâu không được chú trọng.
Chỉ có giáo dục thất bại mới có thể sản sinh ra những con người bao lực, về cả thể chất lẫn tinh thần hay ngôn từ. Chỉ có tâm hồn sứt sẹo mới có thể đẻ ra những quái thai không phân biệt được phải trái. Đảng đã thất bại trong sự nghiệp giáo dục “con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Đảng trị được một vài bà bảo mẫu hung ác nhưng sẽ không chấn hưng được giáo dục. Đảng trị được một Quang Vinh để có được những thế hệ cúi đầu kế tiếp. Và thật oái ăm, đảng lại phải nuốt cục xương Fulbright để mong có được một lớp người chấn hưng đất nước nhờ vào nền giáo dục khai phóng Âu Mỹ.
Q.T.