Xem bản đồ của Google, rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh có màu xanh đậm nhất trên toàn bộ giải đất phía Nam Tây Nguyên và Bình Thuận, kéo dài từ Gia Nghĩa, qua Bảo Lộc đến Phan Thiết. Mở rộng lên toàn bộ đất nước thì Mỹ Thạnh là một trong số rất ít các vùng có màu xanh đậm nhất. Nhìn bản đồ rừng Việt Nam từ năm 1945 qua các thời kỳ mà trong lòng như có muối xát. Chúng ta không chỉ làm ngắn tuổi thọ chính mình, mà đang cắt từng phần tuổi thọ của các đời con cháu.
I. Vài nét về dự án hồ chứa nước Ka Pét
Nghĩ rằng, trước khi quyết định triệt phá 680,41 ha rừng tự nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhiệm kỳ 2010-2015 đã phải “nhắc lên, đặt xuống” nhiều lần. Và dự đoán rằng, trước khi bấm nút thông quyết định biến 680,41 ha rừng nguyên sinh thành lòng hồ Ka Pét, 500 vị ĐBQH khoá XIII cũng đã “rất trăn trở”.
Theo FB của Tuyên giáo Bình Thuận thì “DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉT CÓ VAI TRÒ LỚN TRONG ỔN ĐỊNH KINH TẾ- XÃ HỘI, AN NINH ĐỊA PHƯƠNG”. Tóm tắt các điểm chính như dưới đây.
“Hồ thủy lợi Ka Pét được xây dựng ở Huyện Hàm Thuận Nam, có sức chứa 51,2 triệu m3 nước (nếu hoàn thành sẽ xếp thứ 4/50 hồ thủy lợi ở Bình Thuận). Tổng mức kinh phí đầu tư là 874 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án:
(1) Cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam;
(2) Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết;
(3) Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Tỉnh.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680 ha (680,41 ha).
Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.
Để thay thế cho 680,41 ha diện tích rừng tự nhiên bị ngập tại hồ thủy lợi Ka Pét, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát trồng mới với diện tích 1.844 ha (gấp 3 lần diện tích rừng dùng để xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét)”.
II. Bẫy “đổi 1 lấy 3” về diện tích trồng rừng
Chính cơ chế “đổi 1 lấy 3” về diện tích trồng rừng là một trong những nhân tố “an ủi”, làm cho các vị ĐBQH Khoá XIII (2014) bấm nút thông qua dự án hồ Ka Pét. Xoá đi 680,41 ha rừng nguyên sinh, nhưng lại được “lời” đến 1844 ha rừng trồng mới. Cái tỷ lệ được gấp 3 lần diện tích rừng trồng mới, không chỉ “an ui”, mà thực ra đã đánh lừa nhiều người. Vì cây trồng mới đấy không phải là rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên có được là từ nhiều chục ngàn năm. Tuổi của rừng tự nhiên không phải tính bằng tuổi vài trăm năm của cây lâu năm nhất còn tìm thấy trong rừng. Vì cũng như con người, cây rừng được thay thế từ đời này qua đời khác.
Giá trị của rừng nguyên sinh, khác với cây mới trồng – không phải là chủ đề để bàn luận ở đây. Nhưng cũng phải thêm một lần cảnh báo, để các vị ĐBQH thận trọng cho các quyết định về phá rừng nguyên sinh trong tương lai. Cây trồng mới, dù diện tích tăng gấp 10 lần, dù vài trăm năm sau nữa, cũng không phải là rừng nguyên sinh. Cho nên 18,44 km2 cây trồng mới trong kế hoạch – không thể nào so sánh được với 6,8 km2 rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh nhiều ngàn năm tuổi.
Chính cãi bẫy “đổi 1 lấy 3” đã trở thành “lá bùa” che mờ mọi mục đích phía sau của việc phá bỏ rừng nguyên sinh trong các dự án. Cứ tiếp tục cái bẫy “đổi 1 lấy 3” thì hàng ngàn ha rừng nguyên sinh sẽ tiếp tục bị huỷ diệt.
III. Đề xuất
Theo thông tin của người dân địa phương, ở ven biển TP Phan Thiết, đào sâu xuống 10 m mà vẫn bị nước mặn; còn ở phần cao phía Tây của Hàm Thuận Nam, khoan xuống 40 m may ra mới hy vọng có nước.
Bài toán “Cấp nước sinh hoạt cho 120000 người dân Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, cấp nước tưới cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, không thể không giải quyết. Còn các mục tiêu khác của hồ Ka Pét có thể bỏ qua.
Nhưng không thể vì các mục tiêu này mà phá đi 680,41 ha rừng tự nhiên hàng ngàn năm mới có được. Phải tìm một lối thoát khác để vừa giữ lại được rừng tự nhiên cho muôn đời con cháu, vừa cấp được nước cho 120000 đồng bào Nam Bình Thuận cũng như nước tưới cho 7.762 ha đất nông nghiệp và khu công nghiệp Hàm Kiệm II.
Bởi vậy, xin đề xuất lối thoát theo các hướng sau.
1/ Bài toán đáp ứng nhu cầu nước
Xây dựng các chuỗi hồ nhân tạo nhỏ hơn ở các vị trí khác, không động đến rừng nguyên sinh, để giải bài toán về nước cho Hàm Thuận Nam. Để làm điều này cần thành lập một nhóm các nhà khoa học, giao nhiệm vụ đi khảo sát nghiên cứu thực địa và đề xuất giải pháp. Đây là bài toán thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
2/ Bài toán dân sinh
Nông nghiệp, đặc biệt là lúa, không đưa đến nguồn lợi lớn. Bởi vậy,
a/ Tạo công ăn việc làm mới trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch và dịch vụ (có thu nhập cao hơn nông nghiệp) cho một bộ phận hoặc toàn bộ dân đang sống nhờ 7762 ha đất nông nghiệp. Giảm tỷ lệ dân nông nghiệp ở Hàm Thuận Nam xuống.
b/ Chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giảm hoặc bỏ hẳn canh tác các cây trồng đòi hỏi nhiều nước mà không đưa lại lợi ích cao. Phải đặt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất trên diện tích đất sở hữu, chứ không bắt buộc phải là trồng lúa, hay trồng cây nông nghiệp.
Đây là bài toán thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bí thư Tỉnh uỷ tình Bình Thuận.
3. Bài toán thoả hiệp tối thiểu
Vạn bất đắc dĩ, trong trường hợp không tìm ra lối thoát theo phương án 1 và 2 phía trên, thì xem tính khả dĩ của bài toán thoả hiệp tối thiểu. Tức là chỉ sử dụng một phần diện tích khu rừng (1/3 hoặc ít hơn), kết hợp với đào sâu lòng đất phần không có rừng, tạo nên 1 hồ chứa nước (khoảng 15 – 25 triệu m3 nước) đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu. Với phương tiện hiện nay, đào hồ chứa nước nhân tạo 10 – 15 triệu m3 nước không phải là vấn đề khó. Hãy nghĩ đến đê ngăn nước biển của Hà Lan; hay dòng sông nhân tạo dài nhất thế giới 1600 km chảy qua sa mạc ở Libya chuyên chở 2,5 triệu m3 nước mỗi ngày; hay dự án Kaleshwaram trên sông Godavari, tưới cho 180000 ha, 19 hồ nước, 19 nhà máy bơm gồm 43 máy bơm, mỗi máy bơm công suất 40 MW, bơm qua 203 km đường ống và 1531 km kênh mương. Lúc đó sẽ nghĩ ra giải pháp cấp nước mà không cần phải phá rừng nguyên sinh.
Để có kết luận về hướng này cũng cần có nghiên cứu và đề xuất giải pháp của các nhà khoa học. Quyết định phương án này cũng là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
4. Phương án khác
Dựa trên khảo sát thực tế, các nhà khoa học có thể đưa ra các phương án khác. Điều quan trọng nhất là quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học tốt nhất, và cả trí tuệ trong nhân dân, tham gia giải quyết vấn đề, chứ không chỉ riêng các nhà quản lý ở Bộ NN&PTNT, ở tỉnh Bình Thuận, ở QH “đóng cửa bấm nút”.
Tin tưởng một cách sắt đá rằng, nếu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT biết huy động trí tuệ của các nhà khoa học và trí tuệ trong quần chúng, thì chắc chắn có giải pháp tốt cho vấn đề cấp nước ở Hàm Thuận Nam mà không phải phá bỏ 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh.
IV. Trách nhiệm của lãnh đạo hiện thời
Các quyết định của Quốc hội, Bộ NN&PTNT, Tỉnh uỷ Bình Thuận vào năm 2014, không có nghĩa là tự động phải tuân theo lúc này. Hoàn cảnh khác, tiềm lực khác, phương tiện khác. Lãnh đạo hiện thời mới là người quyết định có triệt phá 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét hay không.
Bởi thế, trách nhiệm số 1 trong quyết định phá bỏ 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh vào thời điểm hiện tại phụ thuộc vào quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Từ đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mới đến trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội quyết định.
Cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là trách nhiệm của Bí thư Bình Thuận đương thời. Quyết định của Bí thư Bình Thuận tiền nhiệm không phải lúc nào cũng đúng, cũng vô tư. Đã có rất nhiều lãnh đạo tiền nhiệm bị kỷ luật. Quan trọng nữa là thời thế khác. Vì quyền lợi của người dân Bình Thuận, Bí thư Bình Thuận hiện nay phải có trách nhiệm đưa ra quyết định về đồng ý hay phản đối việc phá bỏ 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh cùng các đề xuất.
Và không thể không nhắc đến trách nhiệm của các vị ĐBQH Khoá XV hiện nay. Nếu 680.41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh bị phá bỏ vào nhiệm kỳ QH Khoá XV, thì đó là trách nhiệm của QH khoá XV, chứ không thể né tránh là do QH khoá XIII đã thông qua mà thờ ơ. Bởi vì QH Khoá XV có toàn quyền thay đổi quyết định của QH khoá XIII về rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh và hồ Ka Pét.
Có người nói rằng, người dân Nam Bình Thuận thì đang cần nước, còn dân mạng xã hội thì đòi bảo vệ rừng. Đời người thường không quá 100 năm. Nếu không có nước thì không thể sống hết đời người, còn đâu mà bảo vệ rừng cho ngàn năm sau.
Để thấy được cả dân Nam Bình Thuận, cả mạng xã hội nói hộ cho người dân toàn quốc, cần một câu trả lời rõ ràng từ lãnh đạo các cấp có thẩm quyền hiện nay, cụ thể là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Bình Thuận Dương Văn An, và 500 vị ĐBQH khoá XV. Khi vấn đề được xem xét lại kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án đề xuất của các nhà khoa học, thì quyết định giữ hay bỏ 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh sẽ giải toả mọi băn khoăn của người dân.
Trước hết và đầu tiên, trước mọi quyết định hay trả lời, là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần thành lập một tập thể các nhà khoa học có năng lực, với nhiệm vụ đi khảo sát và đề xuất các phương án giải quyết. Trong đoàn các nhà khoa học, cần bao gồm cả người ngoài Bộ NN&PTNT, cả những người không còn trong biên chế, cả những người dám nói khác ý lãnh đạo, và không bao gồm những người đã đồng ý với quyết định phá bỏ 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh vào năm 2014.
Chúng ta đang dần bán hết tài nguyên thừa kế của cha ông từ ngàn xưa mà không hề nghĩ đến để lại một phần cho đời sau. Chúng ta đang tàn phá rừng nguyên sinh, dành bão lũ, sụt lở, nóng bức, thiếu ô xy cho con cháu. Tài nguyên thừa kế của tổ tiên ngàn đời không chỉ dành cho một thế hệ, mọi quyết định đều nặng ngàn cân, chứ không phải thích thì tuỳ tiện giơ tay bấm nút. Phát triển là để trường tồn, không phải phát triển để bức tử hậu thế.
Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận
N.N.C.
Tác giả gửi BVN