Khai giảng cho ai?

Thái Hạo

Các báo đưa tin, năm nay nhiều tỉnh miền Trung đã quyết định rằng ‘lãnh đạo’ sẽ không đánh trống và “phát biểu chỉ đạo” trong lễ khai giảng của các nhà trường. Đó là một tin tốt. Nhưng chưa đủ.

1. Ngày mai, mùng 5/9 cả nước sẽ bước vào năm học mới, nhưng có lẽ hôm nay cả nước cũng đang tập duyệt và tổng duyệt nghi thức cùng các tiết mục cho ngày lễ ấy. Đây là một “sản phẩm” mới mà thời chúng tôi đi học, cách đây mới khoảng dưới 20 năm, chưa hề có. Tập khai giảng, “trường nhỏ” cũng vài ngày; “trường lớn” như trường tôi trước đây, kéo dài cả tháng. Cứ 3 giờ chiều là phát loa tập các bài đồng diễn, tôi có cảm giác như dân cư xung quanh trường chắc phải thuộc nằm lòng những bài hát và điệu nhạc day đi day lại suốt mấy chục ngày như thế. Rốt cuộc, người ta cũng không biết là khai giảng ngày nào, chỉ hốt nhiên nhận ra khi một hôm không còn nghe cái điệp khúc oang oang ấy nữa, thì tự biết mà kết luận rằng, hôm qua khai giảng rồi! 

Tập tành như thế, đã vô hình trung hủy hoại mất cảm giác háo hức, tươi mới của học sinh ngày đầu đến trường, biến buổi lễ thành một buổi diễn vô hồn, xơ cứng, lạnh lùng. Thêm nữa, còn hành tất cả học sinh và giáo viên trong những ngày nắng nôi nhễ nhại. Chưa vào năm học đã phải sống trong sự giả dối của các trò diễn. 

Mà diễn cho ai xem? Khai giảng/khai học/tựu trường là ngày hội của thầy cô và học trò, bây giờ lại biến họ thành diễn viên biểu diễn cho nhân vật chính là lãnh đạo địa phương thưởng thức, thế hóa ra lại thành ngày của lãnh đạo ư? Học trò và thầy cô bị bỏ quên giữa sân trường…

Việc tập khai giảng, với sự vô lý và phản giáo dục ấy, nên bỏ. Học sinh được thông báo ngày tựu trường với những dặn dò và đồ dùng cần mang theo, thế là đủ. Ngày đầu tiên sau 3 tháng hè, gặp lại nhau, rồi gặp thầy mới, bạn mới, hãy để mọi thứ hồn nhiên, đẹp đẽ và chân thật, đừng diễn nữa.

2. Đọc diễn văn và phát biểu chỉ đạo cũng là một nỗi ám ảnh của các buổi lễ khai giảng. Những bài viết rập khuôn, văn mẫu, cứ đọc từ năm này qua năm khác. Đến nỗi, sau 3 năm, gần như giáo viên thuộc luôn bài phát biểu của hiệu trưởng trường mình. Lời nói đáng ra cần thật lòng, thiết thực, thì nay biến thành một thứ ngôn ngữ gỗ.

Trong những phát biểu ấy, phần dài nhất có lẽ là báo cáo thành tích, đọc gần như y nguyên cái bảng thành tích của cuối năm học trước, nào là điểm thi, nào là t lệ tốt nghiệp, nào là thứ hạng trong huyện trong tỉnh, nào là số lượng giải học sinh giỏi… Học sinh ngồi dưới thứ nắng muốn bể đầu, thầy cô thì đứng trên bục đọc như đọc một văn bản cáo cáo, cứ lê thê như thế bên cạnh những lời đổ khuôn, sáo rỗng và nhạt nhẽo. Ngày đầu đi học mà đã bị dội một gáo nước lạnh của căn bệnh thành tích và sự trống rỗng vô hồn, thì còn khí thế nào trong nhà giáo và học trò nữa?

Hiệu trưởng nên nói ngắn gọn, chia sẻ thật lòng và thiết thực cho học trò, và nói vo thôi, đừng cầm giấy đọc nữa. Chẳng lẽ nói mấy lời về một công việc mình đã làm suốt đời mà cũng không tự tin ư, sao phải dán chặt vào giấy? Đó là một hình ảnh không đẹp, và cả không truyền đến cho học sinh sự tự tin cũng như sự chân thành. Nên thay đổi.

3. Đừng trồng cây lưu niệm “khổng lồ” nữa, những cây cổ thụ vài chục năm tuổi phải thuê cẩu lớn mới đưa vào được và đã trồng từ lúc nào không hay, nay lãnh đạo đến thì cầm cây xẻng cuốn giấy xanh đỏ, giả vờ hất mấy xẻng đất rồi gắn cái biển tên lên, nó hình thức và giả dối lắm, không giáo dục được ai với những việc làm như thế cả.

Vả lại, tháng 9 là mùa thu hanh khô, cây cối bắt đầu rụng lá không phải lúc thích hợp để trồng cây. Nếu vẫn muốn thì chỉ trồng cây nhỏ, giao cho học sinh trồng và chăm sóc, để các em biết yêu quý cây cối và thiên nhiên, cũng tập cho các em thói quen lao động lành mạnh. Đừng làm ra những hình ảnh không mang tính giáo dục. 

4. Tổ chức ăn uống trong trường cũng không nên. Thường, cuối buổi khai giảng ở rất nhiều trường hiện nay, thầy cô và khách khứa sẽ có một bữa tiệc, ăn và uống linh đình, rượu vào lời ra, đỏ mặt tía tai, hô 1, 2, 3 dô… Hình ảnh “ăn nhậu” ấy không phù hợp trong môi trường giáo dục.

Rồi những nhiêu khê của việc bưng ly rồng rắn đi chúc lãnh đạo, đứng lên ngồi xuống rườm rà và mệt mỏi mà chẳng mấy giáo viên thấy vui vẻ gì.

Nếu thỏa thuận được với phụ huynh, có nhiều trường còn đặt tiệc luôn cho học sinh trong buổi ấy, thành ra các em sẽ chứng kiến những cảnh ấy, rất không hay. 

Khai giảng là “ngày đầu tiên đi học” sau mùa hè nghỉ ngơi, là ngày hội của thầy và trò, điều cần nhất là tâm thế vui tươi, thật lòng, ấm áp để để xua đi sự lười biếng, hàn gắn lại cảm xúc học tập, để kết nối tình cảm, để khơi dậy hứng thú… Xin đừng hành nhau, đừng giả vờ, đừng hình thức. Và nhất là đừng bỏ quên thầy trò.

T.H.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.