Nỗi đau Việt Á ngấm sâu

Quan Thế Dân 

Bác sĩ  Tiến sĩ Y học

Một số người bạn hỏi vì sao tôi không viết gì về vụ Việt Á – Một đại án tham nhũng chấn động ngành y, trong khi các facebooker khác đang lên án dữ dội.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tội của bị cáo đến đâu sẽ có tòa án định liệu. Dư luận có sục sôi đến mấy cũng không nhằm tác động đến quyết định của tòa án, mà là để tỏ thái độ phẫn nộ trước cái xấu, góp phần đẩy lùi cái xấu trong xã hội.

Với ý nghĩ như vậy, là người đã làm cả đời trong ngành y, tôi lên tiếng, nhưng không phải là theo kiểu “dậu đổ bìm leo”, “té nước theo mưa”, mà để chia sẻ góc nhìn của người cùng ngành, về những điều người ngoài có thể không nhận ra.

Tôi quan sát cũng không thấy nhiều tiếng nói của người trong ngành y, bình luận về đại án tham nhũng này. Nhưng dù nói ra hay không, nỗi đau của vụ Việt Á sẽ ngấm rất lâu trong ngành y.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành y, cấp lãnh đạo cao nhất của ngành bị bắt giam. Quá trình phạm tội diễn ra trong bối cảnh đại dịch khốc liệt, trăm năm mới xảy ra một lần. Vì thế, mất mát lớn nhất của vụ án chính là mất mát về niềm tin, niềm tin xã hội dành cho ngành y, niềm tin nhân viên y tế dành cho thủ trưởng.

Đặc tính của việc lãnh đạo là làm gương. Đàn chim bay theo con chim đầu đàn, đàn voi đi theo con voi đầu đàn, nhân viên sẽ theo gương thủ trưởng. Ở trong bệnh viện, gặp ca nào khó, nhân viên trông cậy vào lãnh đạo đơn vị là những đàn anh, bậc thầy. Trong ngành, khi lâm vào những hoàn cảnh nguy cấp, nhân viên nhìn về lãnh đạo.

Khi đại dịch ập đến, nhìn thấy sự chết chóc và tàn phá do virus gây ra, xã hội trông vào ngành y. Ai cũng hiểu, lúc này hơn bao giờ hết, từng cá nhân phải xếp lại những toan tính riêng để dốc sức vì việc chung. Rất nhiều người đã làm như vậy.

Vì thế khi nghe những tin tức đầu tiên về đại án Việt Á, tôi và rất nhiều người trong ngành y không thể tin đó là sự thật. Tôi đã nghĩ sự việc có thể xuất phát từ sai sót về thủ tục do hoàn cảnh bắt buộc thôi. Nhưng lần lượt, từng chi tiết được nêu ra trong kết luận điều tra đã xô đổ mọi ngờ vực. Họ làm như vậy tất nhiên là do lòng tham. Nhưng tham đến mức không có điểm dừng thì tôi chỉ có thể lý giải bằng cách duy nhất: tham nhũng diễn ra quá lâu và quá rộng, gần như được coi là chuyện hiển nhiên, làm tê liệt lương tri ít ỏi còn sót lại.

Làm trong ngành y, chúng tôi vẫn chứng kiến nạn tham nhũng, từ bé đến to: ăn phần trăm khi mua thuốc máy móc, ăn phần trăm khi xây dựng cơ bản, ăn tiền người đi xin việc… Toàn tiền trăm triệu, tiền tỷ… Lâu lâu có một vụ được đưa ra ánh sáng, như hòn đá ném ao bèo, cuộc sống trôi đi như cũ. Chuyện sai không ai sửa, tham nhũng không ai xử, nhân viên y tế dần quen, coi đó là chuyện thường tình, lên tiếng, tố cáo sẽ thiệt vào thân.

Trong khi đó, nhân viên y tế cấp thấp chịu nhiều nỗi khổ: làm việc vất vả, lương thấp, đối mặt với thái độ thù ghét của người bệnh.

Tất cả những điều tôi kể ở trên chẳng có gì mới mẻ hay bí mật cả. Thậm chí nhân viên y tế còn tự giải thích với nhau, chắc là do ngành y lương thấp nên được bật đèn xanh cho “tự kiếm ăn”. Vì thế chúng tôi âm thầm chấp nhận những bất công trong ngành, lặng lẽ lo vài trăm triệu khi muốn xin việc, lặng lẽ kẹp vào tờ đơn vài triệu khi muốn xin xỏ điều gì đấy, lặng lẽ tham dự đủ dịp hiếu hỷ ở nhà sếp cho yên thân.

Với tất cả những điều mà tôi chứng kiến nhiều năm qua như vừa kể ở trên thì các đại án như Việt Á dù gây sốc, gây khó tin nhưng ngẫm cho kỹ, chỉ là hệ quả tất yếu của sự tha hóa lâu dài.

Điều chúng tôi đang chờ đợi là sau khi xử án xong, ngành y sẽ làm gì để những vụ án tương tự không lặp lại. Cao hơn nữa, chúng tôi mong mỏi ngành y có những thay đổi về quản lý, về đầu tư, về chính sách đãi ngộ nhân viên y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Q.T.D.

Nguồn: VNExpress

 

This entry was posted in Covid 19, Tản Mạn, tham nhũng, Việt Á, Y tế. Bookmark the permalink.