Thủ tướng Việt Nam đấu tranh cho tương lai chính trị, khi nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng

John Boudreau and Philip HeijmansVietnam PM Fighting for Future as Economy Lags Growth TargetBloomberg28 August 2023

Cù Tuấn biên dịch 

Tóm tắt:

* Các nhà kinh tế cảnh báo mục tiêu tăng trưởng 6,5% có thể nằm ngoài tầm tay;

* Việc không hoàn thành mục tiêu trên có thể ảnh hưởng tới con đường chính trị của ông Chính.

Mặc dù những bất đồng là phổ biến giữa các nhà lãnh đạo được bầu và các thống đốc Ngân hàng trung ương, nhưng chúng lại không bình thường ở các quốc gia độc đảng. Khi chúng xảy ra, đó thường là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực.

Điều đó dường như đang xảy ra ở Việt Nam, quốc gia đang phải chịu suy thoái kinh tế và có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 6,5% cho cả năm. Theo những người quen thuộc với tình hình, mặc dù bất cứ điều gì gần với mức đó sẽ khiến nhiều thị trường mới nổi ghen tị, nhưng việc không đạt được mục tiêu trên có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ông Chính, 64 tuổi, đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ trong tháng này tăng tốc đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng lên 9% trong nửa cuối năm nay. Ông đang thúc giục Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho dễ dàng tiếp cận các khoản vay và giảm lãi suất chính sách lần thứ năm trong năm nay. Yêu cầu thứ hai đã khiến một Phó thống đốc Ngân hàng phản bác lại rằng việc cắt giảm lãi suất không phải là “cây đũa thần” sự phản kháng hiếm hoi ở một quốc gia mà Thống đốc Ngân hàng trung ương thực chất là thành viên nội các và phải báo cáo cho Thủ tướng.

Sự phản kháng đó là mối lo ngại đặc biệt đối với ông Chính, người đã chứng kiến hai cấp phó của mình bị cho nghỉ hồi đầu năm nay trong một cuộc thanh trừng tham nhũng. Cuộc thanh trừng này cũng đã hạ bệ cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, từng được coi là người kế nhiệm tiềm năng để đảm nhận chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiện tại đã 79 tuổi.

Hai năm trước, ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Việt Nam kể từ thời chiến sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Sau khi Chủ tịch nước bị cho nghỉ vào tháng 1, một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng bí thư – Võ Văn Thưởng, thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị ở tuổi 52 – đã đảm nhận công việc đó, khiến ông Thưởng trở thành một ứng cử viên nặng ký để trở thành quan chức hàng đầu của Việt Nam khi đại hội Đảng tiếp theo được tổ chức vào năm 2026.

1. Trò chơi quyền lực

Lê Hồng Hiệp, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và hiện là thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu về Việt Nam của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho biết: “Họ phải xây dựng sự đồng thuận về người kế nhiệm và có lẽ họ phải loại bỏ bất kỳ ai có thể phản đối sự lựa chọn của ông Trọng”. Ông nói thêm, một số quan chức có thể muốn ông Chính ra đi “bởi vì nếu ông ấy vẫn nắm quyền thì ông ấy có thể là một trở ngại”.

Tất cả những điều đó đang gây thêm áp lực cho ông Chính, người có chức vụ nằm trong số 4 người quyền lực nhất Việt Nam. Và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP được coi là thước đo quan trọng cho sự thành công của ông, theo những người nắm rõ tình hình cho biết.

Các quan chức Việt Nam đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Sự cấp bách của ông Chính một phần bắt nguồn từ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hai lần một thập kỷ đối với ban lãnh đạo đảng dự kiến diễn ra vào tháng 10. Mặc dù Thủ tướng dự kiến ​​sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp Đảng Cộng sản, nhưng màn trình diễn kém cỏi có thể làm suy yếu nghiêm trọng quyền lực của ông.

Từng là một bức tranh tăng trưởng kinh tế sôi động và bền vững, Việt Nam vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, hiện đang gặp bất ổn khi nhu cầu toàn cầu suy yếu. Xuất khẩu giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 7, mức giảm dài nhất trong 14 năm. Theo một báo cáo trên phương tiện truyền thông, Pou Chen Corp., nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, đã cắt giảm hơn 8.000 việc làm tại Việt Nam trong năm nay do đơn đặt hàng sụt giảm.

2. Tăng trưởng chậm

Darren Aw, nhà phân tích rủi ro quốc gia cấp cao tại Fitch Group’s BMI Research, cho biết có “khả năng cao” Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu GDP năm 2023. “Nền kinh tế sẽ cần phải phục hồi rất mạnh mẽ trong nửa cuối năm, điều mà chúng tôi cho rằng khó có thể xảy ra”.

GDP của Việt Nam tăng 3,72% trong nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong khoảng thời gian đó trong ít nhất một thập kỷ, ngoại trừ những năm đại dịch 2020 và 2021. Thay vì cắt giảm mục tiêu cả năm, Chính phủ đã gây áp lực lên chính phủ và Ngân hàng trung ương để đạt được mục tiêu đó.

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước báo cáo cho Thủ tướng và phải được sự chấp thuận của Thủ tướng đối với các quyết định từ điều chỉnh các lãi suất chính sách quan trọng đến các quy định cho vay. Trong khi Ngân hàng trung ương phản đối việc cắt giảm lãi suất hơn nữa, họ đã thực hiện các hành động khác, bao gồm cả việc gây áp lực buộc các tổ chức cho vay phải cắt giảm lãi suất tiền gửi để phù hợp với yêu cầu của ông Chính.

Mặc dù dữ liệu tháng 7 rất đáng khích lệ và tốc độ tăng trưởng có thể nhanh chóng đạt 7% trong nửa cuối năm nay, nhưng mục tiêu của Thủ tướng cho giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 12 “vẫn còn hơi xa” trong bối cảnh nhu cầu yếu và tăng trưởng tín dụng chậm lại, theo Mohamed Faiz Nagutha, một nhà kinh tế tại BofA Securities.

3. Các điểm sáng

Nagutha nói: “Cho dù bạn có đưa ra chính sách thúc đẩy kinh tế nào ngày hôm nay, thì cũng cần có thời gian để nó tác động thực sự đến nền kinh tế”.

Căng thẳng chính trị trong nước đang làm lu mờ những điểm sáng của Việt Nam. Chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn đã tăng khoảng 19% trong năm nay sau khi hoạt động kém hiệu quả so với các quốc gia khác vào năm 2022. Lạm phát 2,1% trong tháng 7 là thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

Việt Nam cũng đang trở thành một cường quốc về game để kiếm tiền từ thị trường này, ước tính vượt quá 300 tỷ USD vào năm tới. Và đất nước này tiếp tục được hưởng lợi từ nỗ lực của nhiều công ty ở phương Tây – bao gồm cả các nhà cung cấp chính cho Apple Inc. – nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông dự định sẽ sớm đến thăm nước này.

Nhưng nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, từ sự bất ổn trong lĩnh vực bất động sản đến khả năng chậm trễ trong việc thực thi chính sách sau cuộc trấn áp tham nhũng. Đồng tiền mất giá cũng có thể cản trở việc cắt giảm lãi suất hơn nữa, làm phức tạp thêm nỗ lực tăng trưởng của thủ tướng.

Để kích thích và mở rộng thương mại, các quan chức đã đẩy mạnh chiến dịch quảng bá ở nước ngoài. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây đã đến thăm Áo, Ý và Vatican, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng đẩy mạnh nhập khẩu sau cuộc gặp cấp Chính phủ hồi tháng 6. Việt Nam đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với Australia và Mỹ sau khi đã đồng ý làm như vậy với Hàn Quốc vào năm ngoái. Hôm thứ Hai, Việt Nam đã nâng cấp Hiệp định kinh tế song phương với Singapore lần đầu tiên kể từ khi được ký kết gần hai thập kỷ.

Tuy nhiên, đối với một quốc gia được coi là có khả năng chiến thắng trước căng thẳng kinh tế Mỹ-Trung, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn khá trầm lắng trong năm nay, theo BMI. Theo dữ liệu của chính phủ, tổng giá trị vốn đăng ký bằng đô la Mỹ của các công ty nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 4% so với một năm trước đó và 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam cũng có nguy cơ mất lợi thế trước các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại nước này do các nút thắt bao gồm các quy định nghiêm ngặt về thị thực và tình trạng thiếu điện hoành hành tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu đối với thị trường Việt Nam đã giảm 4,5% trong quý trước, theo một cuộc khảo sát được phòng thương mại này công bố vào tháng 7.

Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam Gabor Fluit cho biết: “Chính phủ Việt Nam không nên phạm sai lầm và cho rằng các nhà đầu tư đã ở Việt Nam thì sẽ ở lại Việt Nam. Họ cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để đưa ra tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư đang ở đây”.

Đó không phải là tin tốt cho Thủ tướng Chính.

Ông Hiệp từ Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết: “Ông ấy đang chịu áp lực phải đưa nền kinh tế vận hành trở lại. Đây là một nỗ lực nhằm cứu vãn sự nghiệp chính trị của ông ấy thông qua các biện pháp kinh tế”.

J.B. & P.H.

Nguồn bản dịchFB Cù Tuấn

 

This entry was posted in kinh tế, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.