Thanh Phương
Một lính tuần duyên Philippines tham khảo bản đồ trong chuyến tuần tra và tiếp tế cho các khu vực Manila đang kiểm soát trên Biển Đông, ngày 19/04/2023. AP – Aaron Favila
Tiếp theo Ấn Độ, ba nước Đông Nam Á là Malaysia, Philippines và Việt Nam hôm nay, 31/08/2023, đã lên tiếng phản đối bản đồ mới của Trung Quốc. Đầu tiên Kuala Lumpur rồi đến Manila phản đối vì bản đồ này bao gồm cả một số vùng biển gần đảo Borneo của Malaysia và một số khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Đến chiều nay, 31/08, Việt Nam mới có phản ứng thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, cho rằng bản đồ mới của Trung Quốc, là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”.
Bản đồ mới của Trung Quốc, “Ấn bản 2023 Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc”, vừa được công bố hôm thứ Hai vừa qua.
Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nêu lên những điểm mới trong bản đồ này:
“Trong bản đồ mới do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố, ở khu vực Biển Đông, đường 9 đoạn trước đây vẫn giữ nguyên, thậm chí còn lấn mạnh thêm.
Malaysia đã phản đối bởi vì vùng đặc quyền kinh tế của họ tại khu vực bang Sabah và Sarawak cũng nằm trong đường, lần này không còn là 9 đoạn mà là 10 đoạn, vì nó bao gồm một đoạn có cả Đài Loan.
Bản đồ mới này cho thấy là Trung Quốc không hề bỏ đường 9 đoạn, mà thậm chí tăng lên thành 10 đoạn, với hầu hết các vùng đặc quyền kinh tế của ít nhất là 4 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam) đều nằm trong đường này”.
T.P.
Nguồn: RFI Tiếng Việt