Đinh Hoàng Thắng
10/07/2023
Ông Vũ Khoan (Hình: Screenshot từ tuoitre.vn)
Không rõ có bao nhiêu người từng biết, tại sao ông Vũ Khoan “trượt” ghế Thủ tướng năm 2006? Mãi về sau này, cựu TT Phan Văn Khải mới giải thích, do tương quan lực lượng hồi bấy giờ không cho phép. Trên thực tế, quyền lực, với trường hợp của Vũ Khoan, là chấp nhận mọi thách thức… Đinh Hoàng Thắng |
Một lần, ông Vũ Khoan từng tự “tổng xỉ vả” bản thân: Có những chuyện thấy sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó. Rồi ông cho rằng, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn. Giờ đây, chắc nhiều người muốn khích lệ ông Vũ Khoan rằng, ông không hề hèn! Vì về cuối đời, giống như con chim “Thorn Bird” trong bụi mận gai (Tiểu thuyết của McCullough), ông đã vượt lên được nỗi đau khôn tả để cất lên “tiếng hót” về thế sự. Cho dù cái thế sự ấy thật đau lòng… Là một “kiến trúc sư”, là người chủ động đóng góp trong bứt phá để kết nối Việt Nam với Mỹ và phương Tây, ông Khoan đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình hội nhập của đất nước. Đám tang của ông hoành tráng nhưng cũng khá kềnh càng trên mức bình thường là cả một sự chủ ý từ Chính quyền. Đảng/Nhà nước này muốn những người có tri thức toàn diện, tầm nhìn xa, cũng như sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa chính trị để nắm bắt xu thế thời đại – cỡ như Vũ Khoan – phải biết “ém mình xuống”, phải biết “kìm giây cương lại” trên mọi cung đường, đừng “cầm đèn chạy trước ô tô” mà gây khó cho Đảng. Tấm gương của những Trần Độ, Trần Xuân Bách còn sờ sờ ra đấy!
Đại sứ Trung Quốc đã không có mặt tại lễ tang là thông điệp rõ ràng nhất về sư vô nghĩa của slogan “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” trong quan hệ Trung – Việt. Chịu trách nhiệm về một số cuộc đàm phán với Trung Quốc, Vũ Khoan hiểu được những ý đồ thâm thúy của Bắc Kinh đối với Việt Nam, nhưng công khai ông ít khi bày tỏ thái độ hay tuyên bố gì cụ thể cả. Tuy nhiên, những lần ông chỉ đạo các cuộc đàm phán, không phải bên Bắc Kinh không biết. Người của họ có mặt khắp mọi nơi.
Không tính hai “cái mũ” lớn nhất của ông là Bí thư Trung ương Đảng và Phó Thủ tướng Chính phủ, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế và Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và hải đảo, Trung Quốc biết quá rõ quan điểm của Vũ Khoan đối với các cuộc đàm phán dai dẳng về biên giới trên đất liền cũng như phân chia Vịnh Bắc Bộ. Giá như đất nước có thêm vài ba lãnh đạo như ông Vũ Khoan, thì tương quan “cân bằng động” Trung – Việt – Mỹ có thể đã tích cực hơn.
Hồi bấy giờ, trong nội bộ, nhất là ở Ngoại giao, dư luận ủng hộ ông Vũ Khoan lên Thủ tướng. Trong các nhiệm kỳ của Chính phủ, không nhiều vị cùng “ngồi” một lúc hai ghế “oách” và cận kề cái ghế của “người đứng đầu Chính phủ” như ông Khoan. Tuy nhiên, những “fan” ở Ngoại giao không biết rằng “bộ máy ở trên” vận hành theo một quy luật không giống ai. Ngoại ngữ giỏi, kiến thức rộng, kinh nghiệm quốc tế phong phú chưa là cái gì, nếu không có mánh lới và “giá đỡ”. Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An đều ủng hộ Vũ Khoan. Nhưng còn những thế lực mạnh hơn, không những chống lưng cho Tấn Dũng, mà còn phản đối việc đưa Vũ Khoan lên. Ông Khải đành “quy hàng” mà ký tờ trình ra Quốc hội để đưa Tấn Dũng lên. Nếu ngồi vào ghế Thủ tướng, Vũ Khoan có chiều theo mọi “y lệnh” của các “Thái thượng hoàng”? Với căn tính thẳng như ruột ngựa, e rằng Vũ Khoan không “chịu nổi” sức ép của Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Về sau, ông Khải có giải thích: Quá trình thăm dò nhân sự cho Đại hộI X, các ban ngành đánh giá Vũ Khoan cao hơn Tấn Dũng. Một số ban, ngành ủng hộ Vũ Khoan lên Thủ tướng. Nhưng “tương quan lực lượng không cho phép”. Đấy là điều đáng tiếc, nếu đứng đầu Chính phủ hồi ấy là một nhà kỹ trị như Vũ Khoan thì vị thế Việt Nam sẽ khác.
Nhưng ông Vũ Khoan không phải là người không dám nói ngược lại ý muốn của lãnh đạo cấp trên. Chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã “chấm” ông Khoan khi ông Thạch nảy ra ý tưởng Ngoại giao làm kinh tế. Ông Vũ Khoan có ý từ chối, nại lý do qua các kỳ sát hạch tại chức, điểm kinh tế của ông chỉ đạt trung bình. Ông Thạch chớp lấy lý do ấy: “Những người khác được 9, 10 điểm môn kinh tế là vì họ nói theo sách, không có phản biện. Còn cậu chỉ được 6 điểm là vì cậu không nói theo sách, mà cậu dám nói ngược với họ. Kinh tế của chúng ta hiện nay như thế nào thì cậu biết rồi đấy, rất cần những người nói ngược như cậu, tôi không cần nghe người nói xuôi đâu”. Giá như lãnh đạo Đảng/Nhà nước bây giờ biết lắng nghe những người nói ngược thì hay biết bao nhiêu! Giá như lãnh đạo Đảng/Nhà nước hiện nay có cơ chế phản biện để chắt lọc các ý kiến liên quan đến mớ bùng nhùng Việt – Trung – Nga thời hậu Ukraine, khi đã cam kết nâng cấp các mối bang giao với Mỹ và phương Tây thì Việt Nam mới xứng mặt anh hào!
Từng là lãnh đạo tại Ngoại giao, ông Vũ Khoan hiểu sâu sắc bài học của lần lỡ nhịp bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ những năm 1977 – 1978, đặc biệt là cái giá phải trả cho lần lỡ nhịp ấy là hai cuộc chiến tranh không đáng có và một nền kinh tế tiêu điều. Vì vậy, ông Vũ Khoan rất cương quyết gạt ý tưởng “đầy lập trường cách mạng” của một vài ban ngành khác, kiến nghị Thủ tướng Phan Văn Khải phải đòi Nhật Bản bồi thường cho Việt Nam, vì đã gây ra nạn đói 1945. Đấy là cả một câu chuyện tranh luận gay gắt trong nội bộ, nâng lên đặt xuống bao lần qua các phiên họp liên ngành, nhưng cuối cùng chính ông Khoan đã ghi điểm. Vì khi ông Khải sang Nhật không nhắc gì đến chuyện nạn đói 1945 thì chính phía Nhật lại chủ động đề cập đến vấn đề tế nhị ấy trong quan hệ song phương và cùng bàn nhau cách hóa giải. Không biết những năm gần đây, ông Khoan đã đóng góp thêm được những gì cho lãnh đạo Đảng/Nhà nước? Vì những người gần gũi ông cho biết, ông vẫn gõ bàn phím suốt ngày đêm. Một người thân quen hỏi: “Thế hàng ngày, anh nghỉ ngơi khi nào?” Trả lời: “Tớ nghỉ ngơi khi ngồi viết…”
Đọc cái “tuýt” của Vũ Kim Hạnh mới thấy ông Bí thư trung ương này khá “nặng lòng” với cánh dân sự. Nặng lòng vì hai lẽ. Hơn bất cứ một vị lãnh đạo Đảng/Nhà nước nào, kể cả những người từng giữ cương vị cao nhất, ông Vũ Khoan không nhìn “xã hội dân sự” như kẻ thù và ông thừa nhận, muốn chống được tham nhũng hiệu quả, muốn có phát triển bền vững thì không thể thiếu “không gian dân sự”… Nhưng ông cũng từng nhắn nhủ với chúng tôi rằng, hãy kiên nhẫn và phải biết chờ đợi. “Dậy non như Cao Biền” là dục tốc bất đạt đấy! Những lần gặp ông gần đây, ông Vũ Khoan cũng tỏ ra hối tiếc một số cơ hội và một số quyết sách sai mà ông tự nhận thấy bản thân có phần liên đới trách nhiệm. Những mất mát ấy, suy cho cùng, không chỉ là sự tiếc nuối của cá nhân ông, mà còn cản trở quá trình phát triển của đất nước. Nếu vì lợi ích của quốc gia chứ không phải vì tương quan giữa các phe phái, thì Thủ tướng của năm 2006 phải là một người như Vũ Khoan chứ không phải là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Vũ Khoan từng mong muốn truyền một số phán đoán về tương lai của mình cho thế hệ trẻ. Từng có mặt trong hầu hết các giao thiệp giữa Việt Nam với thế giới, từ Trung Quốc, Liên Xô đến Mỹ và châu Âu, mà biết kiềm chế bản thân như ông là hiếm thấy. Ông luôn nhắc tới hai bài học: Một là phải biết lợi ích kinh tế của mình và của đối tác. Hai là phải biết thời thế để đừng bao giờ lỡ thời cơ.
Đ.H.T.
Nguồn: voatiengviet.com