Tăng viện phí và “tụt nhân tâm”

Điều đó, cũng có nghĩa đòi hỏi ngành y tế, có sự tính toán phù hợp, bước đi khôn ngoan, vừa khai thác được nguồn tài lực trong dân, vừa thể hiện được tính “từ mẫu” trong một chính sách cụ thể với con người, nhất là là khi người ta đã mắc bệnh nặng phải nằm viện.

“Nhà thương” ơi – đã xa rồi còn đâu?

Thời tiết những ngày này, nhiệt độ nóng chưa giảm được bao nhiêu, thì xã hội lại bức bối vì thông tin Dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế mới ban hành. Theo dự thảo này, hơn 400 dịch vụ y tế – xin nhắc lại là hơn 400 dịch vụ y tế – sẽ được điều chỉnh tăng giá. Mức tăng trung bình tới khoảng 7-10 lần, cao nhất có thể lên tới hơn 20 lần với một dịch vụ cá biệt.

Khỏi phải nói, các báo xôn xao. Nhưng xôn xao nhất, có lẽ là người nhà bệnh nhân đang phải “theo hầu” người bệnh trong các bệnh viện, những gia đình nông dân, miền núi nghèo khổ có cha già mẹ héo…

Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ tới cái danh từ ngày xưa Bác Hồ từng đặt cho các bệnh viện – “nhà thương”. Nhà thương – nghĩa của nó là nhà của tình thương; cũng có nghĩa, là những người bị bệnh, có bệnh, vào đó chữa trị, rất cần đến tình thương của thầy thuốc – các bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên. Câu khẩu hiệu răn dạy người thầy thuốc cũng xuất phát từ cái nhà mang nghĩa “nhà thương” này: “Lương y như từ mẫu” (Thấy thuốc như mẹ hiền).

Bệnh viện có còn giữ đúng được nghĩa của "nhà thương"? Ảnh minh họa

Bệnh viện có còn giữ đúng được nghĩa của "nhà thương"? Ảnh minh họa

Nhưng rồi có lẽ trong thực tế, cái danh từ “nhà thương” không còn phù hợp, nên tự lúc nào, người ta đổi tên “nhà thương” thành bệnh viện. Chỉ câu khẩu hiệu còn ở lại. Nhưng câu khẩu hiệu ấy, từ trên băng rôn, trên các tấm biển kiểu quảng cáo, bước ra bệnh viện để đến với những người bệnh xanh xao, đang nằm mệt nhọc trên các giường bệnh được bao nhiêu, lại là câu chuyện khác.

Tôi thành thật xin lỗi các thầy thuốc tốt, chân chính, hết lòng vì người bệnh vẫn không thiếu trong các bệnh viện, trạm xá hiện nay… nhưng không thể phủ nhận một điều, hình như từ rất lâu rồi, những tiếng kêu ca, lo lắng của người dân mỗi khi gia đình có người thân phải vào bệnh viện ngày càng dày thêm.

Và cũng ngày càng ít đi trong các bệnh viện hai chữ “từ mẫu”. Thay vào đó là hai chữ mà người dân nào cũng phải ghi nhớ sâu sắc đầu tiên – “tiền đâu?”. Hay chữ “từ mẫu” chỉ tỷ lệ thuận với độ dày của phong bì, thì từ mũi kim tiêm của cô y tá, cho đến thái độ thăm khám, chẩn đoán bệnh của bác sĩ cũng mới êm ái, ân cần hơn?

Từ cổng bệnh viện vào đến giường bệnh, người bệnh đã phải trả không biết bao nhiêu “viện phí”, và “tiêu cực phí”? Không biết nữa. Nhưng chắc chắn, “tiêu cực phí” đã trở thành một đời sống khác, một dòng chảy khác, lưu thông không kém “viện phí”, ngay trong bệnh viện kín cổng cao tường vốn để đề phòng trộm cắp…

Cách đây 6 năm, chính người viết bài này đã trực tiếp nghe một vị Phó chủ nhiệm khoa của một bệnh viện lớn, nói rất thản nhiên, khi đưa con mình cấp cứu vì bị gẫy xương vào buổi tối: “Phong bì nhớ để dưới này nhé!”. Và như sợ tôi không biết, ông giở cuốn sổ trực ban, ra hiệu để ở dưới, vì lúc đó, ông rất bận, chạy đi đâu đó… Đương nhiên, tôi phải làm đúng như lời dặn. Và quả thật, trong lòng tôi còn “yên tâm hơn”, đỡ lo hơn. Đó là điều cay đắng, nhưng không thể khác.

Cái chất “nhà thương” cũng đang xa dần đời sống nhân sinh của chúng ta. “Nhà thương” ơi, đã xa rồi còn đâu….

Tăng viện phí và “tụt nhân tâm”

Không ai phủ nhận khi Dự thảo đưa ra, nhiều ý kiến của ngành y tế viện lẽ, mức giá cũ được quy định từ năm 1995 tới nay đã quá chênh lệch so với thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế này, từ lâu, mức phí theo quy định cũ – 1995 đã không một bệnh viện nào còn thực hiện.

Tăng viện phí nhưng đừng làm tụt nhân tâm

Tăng viện phí nhưng đừng làm tụt nhân tâm

Bởi hầu hết, “Các bệnh viện đều thu mức phí khám bệnh “vào cửa” khoảng 30.000 – 50.000 đồng. Đáng nói, mức phí này chưa bao gồm chi phí phải trả các dịch vụ ở từng khâu như xét nghiệm, chụp, chiếu… vốn đã gần như ngang bằng với hoặc thậm chí cao hơn mức đề xuất mà Bộ Y tế đưa ra” (TVN – 25-7-2010).

Chưa kể trong cái thời buổi kim tiền này, người ta có rất nhiều cách kiếm tiền tinh vi, mà hợp pháp. Kiểu như khi kê đơn mua thuốc, thầy thuốc rất nhẹ nhàng “mách nước” người bệnh: “Anh/chị ra nhà thuốc này, nhà thuốc kia…mới có”. Giọng thầy thuốc làm việc “liên doanh, tiếp thị” thì nhẹ nhàng, còn người bệnh chỉ biết tin vào ai có chuyên môn, nhưng có ai biết, người bệnh khi rút tiền mua thuốc, lòng nặng trĩu, vì bệnh đã đành, mà cũng vì cả giá thuốc ngất ngưởng trôi nổi…

Nếu quan sát trong bệnh viện, chúng ta có thể thấy một điều hiển nhiên này: Đa số bệnh nhân là người ở nông thôn, miền núi nghèo khổ. Vì sao?

Vì nước ta là một nước nông nghiệp, với 70-80% số dân sống bằng nghề nông. Giá trị lao động nghề nông của bất cứ quốc gia nào cũng thường thấp hơn giá trị lao động công nghiệp. Nhưng với VN, giá trị lao động nghề nông còn thấp nữa, bởi phương tiện kỹ thuật, và lao động sản xuất thủ công là phổ biến, nên thu nhập của gia đình nông dân ở nông thôn, miền núi rất thấp

Đã thế, ở các vùng khó khăn, cuộc sống người nông dân khốn khó, ăn uống kham khổ, lại thiếu hiểu biết về vệ sinh, môi trường. Nên người dân nông thôn, miền núi cũng dễ mắc bệnh hơn dân thành phố có dân trí cao hơn, lại khá hơn về kinh tế, nhận thức. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo – thiếu hiểu biết – bệnh tật luôn gắn với đời sống người nghèo ở nông thôn, miền núi là vậy.

Và vì dân tộc Việt Nam ta, theo tính toán của một tổ chức quốc tế,  thuộc diện dân tộc “già mà chưa kịp giàu”. Số người già khá cao. Già đương nhiên thường gắn với bệnh tật, theo quy luật sinh học: Sinh – lão – bệnh – tử.

Trong khi đó, nếu đọc kỹ dự thảo mới ban hành, có thể thấy trong số những phí dịch vụ y tế tăng, có hai loại phí tăng rất cao. Đó là tiền khám bệnh, tiền giường nội trú. Hai loại dịch vụ này người dân sử dụng nhiều nhất, thì cũng có mức tăng cao nhất (từ 500 – 3000 đ/lần khám, nay tăng lên tới 30.000 đồng. Phí giường bệnh từ 4000 -18.000 đ/ người /ngày, nay tăng lên 100.000 – 150.000 đồng).

Đó là một cách tính toán khôn nhưng không ngoan. Bởi giá cả tính theo giường bệnh/người, nhưng thực tế bệnh viện nào, giường bệnh nào cũng 2-3 người.

Tăng viện phí có chấm dứt việc bác sĩ nhận tiền "bồi dưỡng"?

Tăng viện phí có chấm dứt việc bác sĩ nhận tiền "bồi dưỡng"?

Đã đành, với diện chính sách xã hội (14,5 triệu người), Nhà nước có chế độ hỗ trợ, thế nhưng số đông người dân thuộc diện “cận nghèo” thì sao? Nhất là nếu họ lại không có cả bảo hiểm y tế, và thu nhập lại thấp, họ sẽ trông vào đâu nếu chẳng may mắc bệnh?

Với việc tăng viện phí một cách đột ngột như dự thảo đưa ra, thì chuyện dư luận xã hội lo lắng, bất bình khi cho rằng – dự thảo dồn người nghèo vào thế bí, cũng không ngoa!

Vì xưa nay, giáo dục và y tế luôn là dịch vụ công, luôn được các quốc gia chăm lo. Điều đó, thể hiện khái niệm tính “ưu việt xã hội chủ nghĩa”, nhất là khi chúng ta nhìn ra một số nước như Cu Ba, Triều Tiên, kinh tế tăng trưởng chưa cao, nhưng phúc lợi xã hội cho con người rất được ưu đãi.

Do hoàn cảnh còn bất cập với sự phát triển, ở ta, người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhà nước. Nhưng điều đó cũng có nghĩa đòi hỏi, ở đây là ngành y tế, có sự tính toán phù hợp, bước đi khôn ngoan, vừa khai thác được nguồn tài lực trong dân, vừa thể hiện được tính “từ mẫu” trong một chính sách cụ thể với con người, nhất là là khi người ta đã mắc bệnh nặng phải nằm viện.

Không hiểu sao, ngành y tế, là ngành đòi hỏi có “nhà thương”, thì lại hay làm tổn thương con người, bằng những quyết sách khó tin. Chuyện dự thảo “ngực lép không được đi xe máy” là một ví dụ, vừa hài hước, vừa châm biếm. Và nay, là dự thảo tăng viện phí.

Cũng như mọi ngành, ngành y tế đang triển khai học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Nhưng với dự thảo vội vã, và gây sốc cho cả xã hội này, hình như ngành đang đi ngược lại tấm lòng, và những điều tâm niệm, đầy tính nhân văn của Bác với con người.

Tăng viện phí, nhưng đừng vì thế, để “tụt nhân tâm”.

KD

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-07-26-tang-vien-phi-va-tut-nhan-tam

This entry was posted in y tế. Bookmark the permalink.