Nguyễn Quang Dy
Ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng 20 của Trung Quốc, TBT Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm Bắc Kinh (1/11/2022). Tuyên bố Chung hai nước khẳng định sẽ “xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển… kiểm soát tốt các bất đồng trên biển…không hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp”. Nhiều người hy vọng ngoại giao cây tre mềm dẻo của Hà Nội sẽ làm cho quan hệ Việt-Trung ổn định, để có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ.
Nhưng Trung Quốc không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Từ ngày 7/5, họ đã cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 với nhiều tàu hộ tống tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần bãi Tư Chính, gây ra khủng hoảng mới tại Biển Đông. Trung Quốc muốn lợi dụng khoảng trống quyền lực để triển khai “âm mưu mới”, bất chấp Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA 2016).
Bối cảnh mới
Năm 2014, Trung Quốc đã điều dàn khoan HD-981và hàng trăm tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, tạo ra cuộc khủng hoảng và bước ngoặt tại Biển Đông. Sau đó họ đã ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo đã chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm biến đường chín đoạn thành “chuyện đã rồi”. Để làm rõ tham vọng của Trung Quốc, tôi đã có bài Trung Quốc có thể làm gì tại Biển Đông, (Viet-studies, 29/2/2016).
Năm 2019, Trung Quốc lại điều tàu thăm dò dầu khí HD-8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần bãi Tư Chính để gây sức ép buộc Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) phải bỏ dở dự án dầu khí tại lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), làm Việt Nam thiệt hại hàng tỷ đô-la. Họ còn quấy rối để gây sưc ép với Việt Nam và Rosneft (Nga) tại mỏ Lan Tây và Lan Đỏ. Trước tình thế mới, tôi đã có bài Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông, (NCQT, 22/7/2019).
Những gì diễn ra tại khu vực bãi Tư Chính (7/2019) là sự tiếp nối những gì đã xảy ra trước đó (7/2017 và 3/2018) tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), như “khúc dạo đầu” cho tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Nói cách khác, đây là “ván cờ vây” kéo dài trong chiến lược “vùng xám” mà Trung Quốc giành thế thượng phong ở Biển Đông, trong khi Việt Nam cô đơn bị Trung Quốc bắt nạt, phải nhịn để “giữ đại cục”.
Trung Quốc là một nước lớn nên đã tự coi mình là “thiên triều”, có quyền bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn như “chư hầu” (vassal). Nước nào dám chống lại luật chơi do họ áp đặt sẽ bị họ “dạy một bài học”. Việt Nam đã bị Trung Quốc dạy một bài học năm 1979, xô đẩy Việt Nam vào vòng tay của Nga. Năm 2014, khi Trung Quốc tạo ra bước ngoặt tại Biển Đông, họ đã xô đẩy Việt Nam xích lại gần với Mỹ. Nay điều đó đang lặp lại.
Để dạy các nước khác một bài học, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại các nước nào không theo họ, bằng cách “vũ khí hóa các vấn đề kinh tế”. Ví dụ, họ đã trừng phạt Úc (vì đòi điều tra nguồn gốc của Covid-19), Hàn Quốc (vì lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ) Lithuania (vì cho phép Đài Loan lập Đại sứ quán). Các biện pháp trừng phạt làm cho các nước đó gặp khó khăn, nhưng cũng làm Trung Quốc thiệt hại.
Biển Đông đã nhiều lần nổi sóng do Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, với ý đồ biến nó thành cái ao của họ. Tuy thỉnh thoảng Biển Đông có khoảng lặng nhưng chỉ tạm thời vì Trung Quốc không từ bỏ tham vọng. Nay Trung Quốc âm mưu tiến thêm một bước nữa nhằm khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông, bất chấp Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA, 2016).
Sau gần một thập kỷ, Trung Quốc đã phát triển về kinh tế và quân sự, tích lũy được nhiều nguồn lực. Nay Trung Quốc có tham vọng và nguồn lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, không chỉ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, mà còn vươn tới Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nay chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn trật tự thế giới và đang tạo ra các khoảng trống quyền lực để Trung Quốc lợi dụng “đục nước béo cò”.
Đây là thời điểm Trung Quốc muốn tranh thủ leo thang trong “vùng xám” mà họ ở thế thượng phong, đẩy mạnh “tam chủng chiến pháp” mà họ có lợi thế ở khu vực. Trung Quốc lợi dụng cơ hội định gạt Nga khỏi các dự án dầu khí ở Biển Đông vì Nga đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc do vấn đề Ukraine. Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam ở phía Đông và phía Tây khi Hà Nội chưa kịp nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược.
Phạm vi mới
Theo chuyên gia Raymond Powell (Stanford University) động thái mới của Trung Quốc tại Biển Đông và bán đảo Đông Dương đã tạo ra một thế trận mới bao vây Việt Nam, cả phía Đông và phía Tây. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia, đã tập trận chung với Campuchia (3/2023) và với Lào (5/2023). Đồng thời, họ cho nhóm tàu khảo sát XYH-10 vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5/2023).
Căn cứ Hải quân Ream và Sân bay Dara Sakor cách Phú Quốc 20 hải lý. Đó là những điểm triển khai tác chiến tiềm năng cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Campuchia cho Trung Quốc mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ này. Mục đích chính của Trung Quốc trong việc xây dựng các căn cứ ở Biển Đông là phô diễn sức mạnh để kiểm soát không gian biển qua cách sử dụng lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển.
Những gì Trung Quốc đang làm ở căn cứ hải quân Ream chỉ là một phần của chiến thuật “vùng xám”, theo đó họ xúc tiến dần từng bước như “tằm ăn dâu”. Vì vậy, cần xem xét lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông trong tổng thể chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục triển khai “tam chủng chiến pháp” (gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý), để đơn phương áp đặt luật chơi của họ.
Sau khi chiếm thế thượng phong ở Biển Đông, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Có mấy lý do chính. Một là các đảo quốc này rất nhạy cảm về địa chiến lược đối với Mỹ và Úc. Hai là các đảo ở Nam Thái Bình Dương có mối liên quan chặt chẽ với Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong chiến lược phòng thủ bằng chuỗi đảo của Trung Quốc. Ba là các đảo này còn có ý nghĩa quan trọng về ngoại giao đối với Đài Loan.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương sẽ buộc Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ phải đáp trả. Trong khi Trung Quốc mở 8 Đại sứ quán và lãnh sự quán ở các đảo Nam Thái Bình Dương thì Mỹ mở 9 Đại sứ quán và lãnh sự quán ở Micronesia, Marshal, Kiribati, Samoa, Palau, Papua New Guinea, Solomon, Fiji, và Tonga. Sau Cấp cao G7 tại Hiroshima là Cấp cao QUAD tại Sydney (24/5) tập trung vào vấn đề Nam Thái Bình Dương.
Theo TS Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), các đảo Nam Thái Bình Dương quan trọng đối với Úc cũng như các đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông quan trọng đối với Việt Nam, vì án ngữ sân sau của họ. Úc phải tăng cường phòng thủ, trong đó có dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS. Tuy khó đảo ngược được thế thượng phong của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng có thể đảo ngược ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Hành động của Trung Quốc tại ba vùng biển nói trên đều có những nét tương đồng. Một là họ coi thường luật pháp quốc tế khi đưa ra các yêu sách đối với lãnh thổ. Hai là họ lợi dụng triệt để thời điểm khu vực có “khoảng trống quyền lực”. Ba là họ kết hợp chặt chẽ mục tiêu mở rộng lãnh thổ với lá bài kinh tế như “Sáng kiến Vành đai và Con đường” với bẫy nợ do các dự án xây dựng hạ tầng và “ngoại giao vắc-xin” để đối phó với đại dịch.
Theo các chuyên gia quốc tế, những hành động của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương liên quan chặt chẽ tới Biển Đông, vì cả hai đều nằm trong “chiến lược chuỗi đảo” của Trung Quốc. Hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển Nam Thái Bình Dương, biên giới Trung-Ấn và khu vực Ấn Độ Dương có nhiều điểm tương đồng với những gì nước này đã làm ở vùng biển xung quanh Nhật Bản và Đài Loan.
Lãnh đạo các nước G7 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga và Trung Quốc bằng cách mời Tổng thống Ukraine Zelensky tới Hiroshima bên lề Cấp cao G7. Thủ tướng Nhật đã mời thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự G7 mở rộng. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rõ tại G7: “Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta”, đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Trung Quốc “ngày càng độc đoán ở trong và ngoài nước”.
Cấp cao G7 tại Hiroshima đặc biệt quan tâm đến Nam Thái Bình Dương, coi động thái Trung Quốc xâm nhập Nam Thái Bình Dương nằm trong tổng thể chiến lược bành trướng trên biển và đất liền của họ. Ngay sau G7, Tổng thống Biden có kế hoạch thăm các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương để đối phó với tham vọng của Trung Quốc, nhưng vào phút chót ông phải hủy chuyến thăm để về giải quyết vấn đề trần nợ công với Quốc hội.
Bàn cờ mới
Theo Reuters, Tổng thống Marcos Jr. đã đi thăm Mỹ (1-4/5/2023). Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Philippines trong 10 năm qua, để “cập nhật lợi ích quốc gia trong bình diện địa chính trị mới tại khu vực”. Hai bên đã ký một thỏa thuận mới có tên “Hướng dẫn phòng thủ song phương” (ngày 3/5) khẳng định cam kết phòng thủ chung trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công “bất kỳ ở đâu trên Biển Đông”.
Một số nhà phân tích đã lập luận rằng Philippines và Mỹ sẽ lợi hơn với “một hiệp ước phòng thủ chung ít mơ hồ hơn”. Kể từ khi ký “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) vào năm 1951, đây là lần đầu tiên có các hướng dẫn mới tiếp theo hàng loạt phản đối về ngoại giao của Manila trong năm qua về những gì mà Philippines gọi là “các hành động và mối đe dọa hung hăng của Trung Quốc” đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.
Cùng với MDT, “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng” (VFA) ký năm 1998 và “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA) ký năm 2014, đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để Philippines từ đó sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số lĩnh vực bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, ở dạng “chiến tranh bất đối xứng”, và bất thường của chiến thuật “vùng xám”.
Các nhà quan sát đã dự đoán rằng ông Marcos Jr. trúng cử sẽ có các bước đi có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa quan hệ với Mỹ trở lại nồng ấm như trước, trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ông cho rằng đến lúc Manila phải ưu tiên quan hệ với Mỹ để đối phó với những thách thức mới và triển khai “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA) ký đầu năm.
Sau những năm cầm quyền không bình thường của Tổng thống Duterte, với chủ trương xích lại gần Trung Quốc vì lý do kinh tế và do bất hòa với Mỹ, đã đến lúc Manila phải “quay xe” trở lại với Mỹ là đồng minh truyền thống. Điều đó không chỉ vì lợi ích an ninh của Philippines hay của Mỹ, mà còn do thái độ ngạo mạn và chủ quan của Bắc Kinh đối với các nước khu vực ven Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia, và Việt Nam.
Tuy Trung Quốc có cơ hội lôi kéo một số nước khu vực (Philippines, Thailand, Campuchea và Lào) theo mình vì nhu cầu phát triển kinh tế của họ, với bẫy nợ trong chính sách “vành đai con đường” (BRI), và do một số sai lầm của Mỹ đối với đồng minh và đối tác khu vực dưới thời Chính quyền Trump. Nhưng cơ hội đó chỉ là nhất thời vì một khi Mỹ điều chỉnh chính sách và các nước đó thay đổi chính phủ thì chính phủ mới sẽ xoay trục.
Theo báo Sydney Morning Herald (4/5/2023), “dữ liệu lớn” là tài sản kinh tế lớn nhất ở Biển Đông. Tương lai của toàn bộ Internet phụ thuộc vào việc bên nào thắng trong cuộc chiến thống trị tuyến đường thủy chiến lược này. Đến năm 2030, kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ có giá trị US$ 1000 tỷ. Ai kiểm soát được hạ tầng cáp ngầm của Châu Á-Thái Bình Dương sẽ thống trị nền kinh tế đang bùng nổ này và kiểm soát internet toàn cầu”.
Nói cách khác, các luồng dữ liệu trên Internet sẽ có giá trị hơn dầu mỏ vì chứa dữ liệu giao dịch kinh doanh và bí mật quân sự. Cơ sở hạ tầng cáp ngầm của thế giới ngày càng dễ bị tổn thương không chỉ do sự phá hoại mà còn bởi hoạt động gián điệp, có thể dễ dàng thâm nhập các tuyến cáp trên lãnh thổ của họ. Đó là lý do tại sao cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ngày càng tập trung vào việc kiểm soát các mạng cáp ngầm trên toàn thế giới.
Theo TeleGeography (ở Washington DC), hơn 486 tuyến cáp quang biển chứa hơn 99% lưu lượng truy cập internet toàn cầu, phần lớn được kiểm soát bởi các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ như Alphabet, chủ sở hữu của Google, Meta, Amazon, Microsoft, và Facebook. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một mạng cáp internet dưới biển trị giá US$ 500 triệu để tạo ra kết nối tốc độ nhanh nối Châu Á với Trung Đông và Châu Âu.
Mỹ đã cản trở một số dự án cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc vì lo ngại về khả năng giám sát của Bắc Kinh. Sáu thỏa thuận về cáp biển của Google, Meta và Amazon nhằm kết nối Mỹ với Hồng Kông đã bị Mỹ cản để chặn HMN Tech (một công ty con của Hoa Vi). Để tránh kiểm soát của Trung Quốc, Facebook và Google xây dựng Apricot là tuyến cáp ngầm xuyên biển mới dài 12.000 km không qua Hồng Kông, kết nối với các nước khu vực.
Apricot loại Malaysia vì cạnh tranh Mỹ-Trung để thống trị internet toàn cầu. Năm 2022, Malaysia tham gia hệ thống cáp cao tốc Hải Nam-Hồng Kông (SEA-H2X) dài 5000 km được Trung Quốc hỗ trợ, kết nối Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan, Malaysia, và Singapore. Nếu Malaysia bị Trung Quốc thao túng thì ASEAN sẽ bị hiệu ứng domino. Nay dưới thời Anwar Ibrahim, Mỹ có cơ hội hàn gắn quan hệ với Malaysia.
Động thái mới
Theo báo Tuổi trẻ, lần này Trung Quốc có hai mục tiêu chiến lược chính tại Biển Đông: Một là Trung Quốc chủ động quấy rối các hoạt động mở rộng khai thác các lô dầu khí có trữ lượng lớn của nhóm A5 (Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam) ở khu vực chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Hai là Trung Quốc đang “giương đông kích tây” để củng cố các lập luận pháp lý mà họ có lợi thế.
Trong khi tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) khiêu khích ở bãi Tư Chính, Trung Quốc giảm áp lực thả phao đèn hiệu ở cụm Sinh Tồn. Hai sự kiện đó nhằm làm dư luận ít chú ý đến động thái Cục Quản lý Di sản Văn hóa quốc gia Trung Quốc công bố tiến độ khảo sát hai xác tàu đắm ở khu vực phía tây bắc của Biển Đông. Có thể nói, đây là giai đoạn có nhiều động thái quyết đoán và đồng bộ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các động thái đó diễn ra khi các phiên tòa phân định biển trong tương lai có xu hướng ưu tiên cho quốc gia nào có khả năng chấp pháp thực tế ở khu vực tranh chấp theo nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” (à titre de souverain). Trong bối cảnh đàm phán về Tuyên bố ứng xử (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử (COC) đang đến giai đoạn cuối, các bước leo thang trong phạm vi “vùng xám” chứng tỏ Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Theo Nghiên cứu Biển Đông (30/5/2023) từ đầu năm 2023 tới nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều đợt tác nghiệp của tàu định danh nghiên cứu khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như tàu HD-4 vào đầu tháng 3/2023. Nhưng điều đáng nói là tàu XYH-10 đã tiến sâu hơn vào sát bờ biển Việt Nam và ngang nhiên tiến hành các hoạt động mà Trung Quốc cho là “bình thường”, nhằm khẳng định “đường chín đoạn” phi pháp của họ.
Theo Reuters (8/5/2023), Trung Quốc đã cho tàu nghiên cứu XYH-10 cùng một loạt tàu hộ tống bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu dân binh biển và một số tàu không rõ định danh di chuyển tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Reuters cho rằng động thái này liên quan đến cuộc tập trận trên biển AIME 2023, của ASEAN và Ấn Độ (từ 8/5/2023), với sự tham gia của hải quân Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei.
Theo nguồn mở Marine Traffic/Sea Vision, tàu XYH-10 cùng các loại tàu hộ tống đến hết tháng 5/2023 vẫn chưa chịu rời đi và đang tạo ra cục diện rất phức tạp ở Biển Đông. Ngày 8/5, tàu XYH-10 xuất hiện ở vị trí cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 182 hải lý; đến ngày 13/5, tàu này tiến rất sâu vào khu vực chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 47 hải lý; đến ngày 18/5 tàu này cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 82 hải lý.
Đáng chú ý là để hộ tống XYH-10 có số lượng lớn các tàu cảnh sát biển, tàu cá dân binh và một số tàu không định danh mang cờ Trung Quốc. Sơ đồ di chuyển của các tàu đó cho thấy sự hộ tống, bám sát, bảo vệ cho XYH-10 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tạo ra cục diện mới phức tạp ở Biển Đông. Vị trí hoạt động và mức độ nghiêm trọng của XYH-10 là một bước leo thang “trước giờ chưa từng thấy” của Trung Quốc.
Thứ nhất, lần này vị trí hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đánh dấu một mốc mới khi họ tiến vào rất sâu với lộ trình hoạt động sát các lô 04-03 và lô 05-1-B&C, chỉ cách giàn khoan chính Thiên Ưng và Sao Vàng-Đại Nguyệt khoảng 10-20 hải lý. Trước đây, tàu Trung Quốc chỉ xuất hiện cách các dàn khoan của Việt Nam khoảng 50-60 hải lý.
Thứ hai, lần này số lượng tàu Trung Quốc đông một cách “bất thường” khi hộ tống XYH-10 tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Trung Quốc gồm các tàu hải cảnh, tàu cá dân binh và những tàu không định danh. Từ đầu 2023, khoảng 30-40 tàu cá dân binh Trung Quốc đã xuât hiện dài ngày dọc bờ biển miền Trung.
Thứ ba, về mức độ nghiêm trọng, năm 2014 Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Tháng 8/2019, Trung Quốc đã tiến thêm một bước xuống phía Nam, cử tàu khảo sát HD-8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bãi Tư Chính 50-60 hải lý.
Lần này, Trung Quốc đã cho tàu XHY-10 tiến vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thách thức trực tiếp các mỏ dầu khí có trữ lượng lớn thuộc địa bàn khai thác truyền thống của Việt Nam. PetroVietnam đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu, thăm dò tại khu vực mỏ dầu khí Thiên Ưng ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Ngày 26/5, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn BNG Trung Quốc nói rằng, “các tàu liên quan của Trung Quốc không hề đi vào vùng biển hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”. Theo dữ liệu từ các nguồn mở Marine Traffic/Sea Vision, phạm vi hoạt động của tàu XYH-10 đã liên tục diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS 1982).
Báo chí Trung Quốc cũng đã thừa nhận số lượng lớn các tàu Trung Quốc đang hiện diện ở phía Nam Biển Đông, với số lượng tàu Trung Quốc gấp 10 lần so với tàu Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên vì từ tháng 3/2023, tàu Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đối đầu ở khu vực bãi Tư Chính. Âm mưu của Trung Quốc lần này là nhằm “xóa bỏ hoàn toàn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Âm mưu mới
Tàu XYH-10 của Trung Quốc là loại tàu đa năng, vừa có thể khảo sát, vừa có thể nghiên cứu khoa học, vừa có thể phá băng. Đây là loại tàu có khả năng đâm và va đập mạnh nhưng không bị tổn hại. Với đặc điểm “đa chức năng” đó, tàu XYH-10 có tính chất nguy hiểm hơn bởi dễ dàng che giấu mục đích thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay có thể lý giải hoạt động của tàu XYH-10 dưới một số góc độ sau:
Thứ nhất, về kinh tế, tàu XYH-10 có thể hoạt động thăm dò trong quá trình triển khai “chiến lược cường quốc biển”. Động thái này được đặt trong bối cảnh tăng cường phát triển “kinh tế biển” lần đầu tiên được đưa vào văn kiện báo cáo Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2022). Theo đó, Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình đang nỗ lực khai thác và phát triển kinh tế biển, trong đó “dầu khí là khâu đột phá”.
Thứ hai, về chính trị-ngoại giao, hoạt động của XYH-10 nhằm gửi thông điệp mang tính “răn đe” đến các bên yêu sách trên Biển Đông. XYH-10 được triển khai trong bối cảnh Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei đang tiến hành tập trận chung trên Biển Đông lần đầu tiên năm 2023. Theo đó, Trung Quốc gắn hoạt động của XYH-10 lần này với động thái hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ là một thành viên của Bộ Tứ.
Một số đánh giá khác từ Trung Quốc đã gắn vụ XYH-10 với khả năng tăng cường hợp tác Mỹ-Việt trong thời gian tới, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Việt Nam (4/2023). Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường hợp tác với Philippines để mở thêm 4 căn cứ quân sự cho Mỹ, nhằm răn đe trực tiếp Trung Quốc. Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, việc Trung Quốc làm căng lên tại khu vực Biển Đông là điều “có thể lý giải được”.
Thứ ba, Trung Quốc có thể muốn biến việc tăng cường hiện diện, khảo sát, tuần tra thành “bình thường mới” để kiểm soát Biển Đông. Ngày 1/4/2023, Uỷ ban Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc công bố bản đồ 33 đường khảo sát khoa học biển của tàu nghiên cứu khoa học biển ở vùng biển xa và vùng biển gần. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai kế hoạch điều tàu nghiên cứu khoa học đến khảo sát khoa học biển trên Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc đang dùng một mũi tên nhắm nhiều đích, dùng tàu khảo sát XYH-10 hoạt động với nhiều ý đồ khác nhau, nhưng mục đích chính của nó là nhằm thách thức trực tiếp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng yêu sách về “Tứ Sa” (hay “Nam Hải Chư đảo”), thuộc khu vực “chồng lấn”, nên phạm vi hoạt động của XYH-10 hoàn toàn nằm trong vị trí 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu quốc tế từ năm 2012.
Với ý đồ biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “khu vực chồng lấn” với yêu sách “Nam Hải chư đảo”, Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982. Đồng thời, hành động nói trên của Trung Quốc đi ngược lại những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc (1/11/2022).
Thứ nhất, khu vực tàu XYH-10 hoạt động nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS 1982. Theo đó, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý và chế độ pháp lý tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Việt Nam có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên biển. Hoạt động của XYH-10 vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS 1982.
Thứ hai, Trung Quốc từng đưa ra cái gọi là “chủ quyền đối với Nam hải Chư đảo” và yêu sách về “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với các đảo tại Biển Đông”. Vì vậy, Trung Quốc cho rằng XYH-10 “đang hoạt động bình thường” trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất.
Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, nên mọi giải thích, áp dụng trái quy định của Công ước đều không có giá trị. Điều này đã được Toà Trọng tài Thường trực (PCA) xác nhận. Yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS 1982. Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và tài nguyên trong “đường chín đoạn”.
Vì vậy, các hoạt động của tàu khảo sát XYH-10 và nhóm tàu hộ tống đang ngang nhiên thách thức dư luận quốc tế, đe doạ nghiêm trọng tự do hàng hải ở Biển Đông, gia tăng nguy cơ va chạm và đụng độ ngoài ý muốn. Trong bối cảnh Trung Quốc và các nước ASEAN đang thúc đẩy đàm phán về Tuyên bố Ứng xử (DOC) và Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), các hành động đó của Trung Quốc sẽ làm tiến trình đàm phán càng khó khăn và bế tắc.
Theo các chuyên gia về Biển Đông, lần này Trung Quốc điều các tàu hải tuần đến Biển Đông để hỗ trợ XYH-10. Tàu Hải tuần 173 là tàu thay thả phao (buoy tender) của Cục Hải sự. Khi tàu Hải tuần 173 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàu tuần duyên của họ đã bám theo đến khi tàu 173 di chuyển đến Đá Vành Khăn. Trong khi đó, Hải tuần 09 là tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc (10.000 tấn) lần đầu tiên có mặt ở Trường Sa.
Với việc sử dụng tàu hải tuần thuộc Cục Hải sự, Bắc Kinh muốn “khoác vỏ bọc dân sự” để tránh leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ. Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc hiện duy trì hai tàu nghiên cứu khác là Hướng Dương Hồng 14 và Hướng Dương Hồng 31 (có chức năng thay thả phao). Sau một thời gian neo đậu ở cụm Sinh Tồn, XYH-14 đã di chuyển về Đá Chữ Thập, trong khi XYH-31 đã di chuyển sang Đá Vành Khăn.
Trung Quốc vẫn đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám”. Việc họ dùng tàu dân binh là một bước leo thang mới. Việt Nam yếu hơn do “bất cân xứng” nên buộc phải kiềm chế. Tình thế năm 2023 khác trước vì vấn đề Ukraine, khi Trung Quốc và Nga đã trở thành đối tác “không giới hạn”. Nay Nga yếu hơn và phụ thuộc vào Trung Quốc, nên Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Nga để can thiệp buộc Zarubezhneft và Gazprom ngừng khai thác dầu khí.
Theo dự án Đại Sự Ký Biển Đông, kể từ tháng 12/2022, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến sâu vào khu vực thăm dò dầu khí do Nga điều hành, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Ấ (AMTI/CSIS) cảnh báo rằng trong năm nay hoạt động dầu khí có thể nổi cộm lên như một điểm nóng ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Theo các chuyên gia về Biển Đông, Trung Quốc có 4 mục tiêu chính: Một là Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam để khẳng định chủ quyền của họ. Hai là Trung Quốc muốn phá rối các hoạt động khai thác dầu khí của Nga và Việt Nam. Ba là Trung Quốc muốn dùng các tàu cá có vũ trang như dân binh để hộ tống thay cho tàu hải cảnh. Bốn là Trung Quốc đang tăng cường sử dụng chiến thuật “vùng xám” để thách thức Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang (Boston College), ngoài mục đích chính là khẳng định chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông, Trung Quốc còn muốn cô lập Việt Nam vì cho rằng không nước nào sẵn sàng giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc. Các nước như Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đều có lợi ích riêng nên rất khó bảo vệ Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc tin rằng Việt Nam không dám đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Đối phó của Việt Nam
Tổng thống Joe Biden và TBT Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm (29/3) và Ngoại trưởng Anthony Blinken đã thăm Việt Nam (14-16/4), liên quan đến kế hoạch nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ (dự kiến tháng 7). Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính dự họp Cấp cao G7 Mở rộng (21/5), ngay sau cuộc họp Trung Ương 7 (15-17/5/2023).
Tại G7 Mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky. Sau đó, Chủ tịch Medvedev đã vội đến thăm Việt Nam (22/5). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (28/5) trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông. Vị Xuyên là nơi tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới (1979) nên rất nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Việc Thủ tướng Việt Nam đến thắp hương tại nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên là một thông điệp rõ ràng gửi đến người dân Việt Nam và Trung Quốc rằng nếu Trung Quốc không dừng lại thì Việt Nam sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam năm 1979, nay vẫn là nguy cơ an ninh lớn nhất đối với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam không thể làm ngơ trước những gì diễn ra ở biển Đông.
Về lâu dài, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến thuật “vùng xám” ở biển Đông. Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam nhiều lần về quân sự, nên Việt Nam không được để bị động và bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào. Việt Nam vẫn phải vận dụng chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Quốc, vì “bất đối xứng về quyền lực” giữa hai nước là một thực tế. Báo chí Việt Nam thường tránh không nêu đích danh là “Trung Quốc xâm lược”.
Nhưng lần này báo chí chính thống của Việt Nam đã đồng loạt đưa tin. Báo Tuổi trẻ đã có bài bình luận (Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông? 27/5/2023), đề cập đến thực chất vấn đề, và nhấn mạnh “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh và tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982”.
Đây là lần đầu tiên một tờ báo chính thống của Việt Nam đã bình luận về “thế trận vây lấn” của Trung Quốc, lần này “mang tính phức hợp, liên hoàn và được triển khai đồng loạt ở nhiều vị trí chiến lược”. Họ đã huy động “năm lực lượng gồm dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và tàu khảo sát” tham gia với nhiệm vụ “vây, lấn và tấn công”. Sự phân nhiệm giữa các lực lượng đó nhằm “bình thường hóa” những vi phạm của “đường 9 đoạn”.
Trong khi tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, thì hai tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 14 và Hướng Dương Hồng 31 được xác định vẫn đang hiện diện trong khu vực quanh cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cả hai khu vực đó đều có trữ lượng dầu khí lớn và ngư trường nhiều hải sản. Riêng Bãi Tư Chính được ước tính có 5 tỉ tấn dầu.
Theo các chuyên gia về Biển Đông, ngoài hai tàu hải cảnh 5305 và 3303 cùng các tàu dân binh của Trung Quốc, đội hình hộ tống tàu khảo sát XYH-10 đã được bổ sung thêm tàu Hải cảnh 4103. Việt Nam đã điều hai tàu kiểm ngư KN-465 và KN-469 bám sát đội hình này. Tàu XYH-10 đã di chuyển qua lô 04-03 do liên doanh Vietsovpetro vận hành và thường xuyên di chuyển qua các lô 132 và 131 do liên doanh Vietgazprom vận hành.
Năm 2019, Trung Quốc đã gây sức ép rất mạnh tại khu vực Bãi Tư Chính để đuổi Repsol (Tây Ban Nha) khỏi khu vực này, nhưng không đuổi được Nga. Nay Nga gặp rắc rối lớn tại Ukraine, phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nên Bắc Kinh tin rằng họ đang có cơ hội đuổi Nga khỏi khu vực vùng này. Vì Gazprom của Nga cũng đang hợp tác với Indonesia tại lô Cá Ngừ, nên Trung Quốc muốn gây sức ép lên cả Hà Nội và Jakarta.
Thay lời kết
Nếu 2014 là thời điểm Biển Đông khủng hoảng lần thứ nhất và 2019 là khủng hoảng lần thứ hai, thì 2023 có thể là khủng hoảng lần thứ ba. Tuy chưa rõ khủng hoảng lần này có dẫn đến bước ngoặt mới hay không, nhưng Mỹ và đồng minh phương Tây nay đoàn kết hơn thời Trump. Mỹ tuy bị chia rẽ, nhưng hai đảng nhất trí coi Trung Quốc là đối thủ chính. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự với Nga hay Trung Quốc sẽ hiệu quả hơn.
Không chỉ Tổng thống Putin mà cả Chủ tịch Tập Cận Bình đều có giấc mộng vĩ cuồng, muốn Nga hay Trung Quốc “vĩ đại trở lại” như thời kỳ hoàng kim trong quá khứ. Vì vậy, Putin đã mắc phải sai lầm lớn tại Ukraine. Sự ngạo mạn về quyền lực nước lớn đã tạo ra điểm mù làm che khuất tầm nhìn của họ, nên không thấy “giới hạn của quyền lực” (limits of power). Cũng như Mỹ trước đây, Nga và Trung Quốc đang mắc phải sai lầm đó.
Quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ngày càng nhanh, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh, và cường độ hiện diện ở Biển Đông ngày càng nhiều, trong khi quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã bị chậm lại. Để đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam tuy không cô đơn như trước, nhưng cần sớm nâng cấp quan hệ với Mỹ. Nếu tình hình Biển Đông diễn biến quá nhanh, Việt Nam có thể phản ứng không kịp.
Đến 5/6 thì tàu XYH-10 bất ngờ rút, nhưng nó có thể quay lại bất cứ lúc nào, vì tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi. Để không bị động và bất ngờ, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, sẵn sàng đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, và có những biện pháp răn đe hiệu quả hơn. Muốn ngăn chặn xung đột từ sớm và từ xa, Việt Nam phải dựa vào nội lực của mình là chính, nhưng phải có đối trọng đủ mạnh.
Tham khảo
1. Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông? Tuổi Trẻ, 27/5/2023
2. Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Chính phủ Online, 28/05/2023
3. Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam, NCBĐ, 30/5/2023
4. Chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Nam Thái Bình Dương, và đối phó của G7, RFA, 30/5/2023
5. Tàu khảo sát Trung Quốc bám tại EEZ của Việt Nam: Bắc Kinh muốn gì? RFA, 30/5/2023
6. Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính, BBC, 31/5/2023
7. The future of the internet depends on who controls the South China Sea, Maurizio Geri, Sydney Morning Herald, May 4, 2023
N.Q.D.
5/6/2023
Tác giả gửi BVN