Giao tiếp với cõi tâm linh: Từ mê tín dị đoan trở thành sản phẩm của chính trị

Ái Thư

Nhà nước quyết định ai là anh hùng, ai là nhà ngoại cảm.

clip_image002

Ảnh bìa sách: PSE. Đồ họa: Luật Khoa.

Cuốn sách A l’épreuve de la possession : Chronique d’une innovation rituelle dans le Vietnam contemporain (tạm dịch là Thử thách nhập hồn: Tiến trình về sự đổi mới nghi lễ trong xã hội Việt Nam đương đại) được xuất bản năm 2018, là tập hợp những trải nghiệm và chiêm nghiệm về một lát cắt của đời sống tâm linh phức tạp và đa dạng tại Việt Nam của tác giả Paul Sorrentino từ năm 2007, một năm sau khi Việt Nam được loại bỏ khỏi danh sách các quốc gia đáng lo ngại về vấn đề tôn giáo do Mỹ đưa ra.

Paul Sorrentino là một nhà nghiên cứu Pháp thông thạo tiếng Việt. Ông không mở đầu tác phẩm bằng một loạt lý thuyết trừu tượng phương Tây rồi phóng chiếu nó vào hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Ngược lại, tác giả đã dành nhiều thời gian góp mặt, đồng hành với những gia đình tham gia áp vong tại Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người ở Số 1 Đông Tác, Hà Nội cũng như nhà riêng của các thầy cúng và các nhà ngoại cảm.

Sáu chương sách kết hợp phân tích với kể chuyện từ góc nhìn dân tộc học là kết quả của những nỗ lực này. Trong đó, tác giả diễn giải văn hóa tâm linh của người Việt trong tính độc lập và đơn nhất, sử dụng nguồn tài liệu tiếng Việt dồi dào, chú trọng dịch thuật hết sức tinh tế.

Ngoại cảm trở thành một sản phẩm của chính trị

Chương một của cuốn sách khái quát quan niệm về cái chết trong văn hóa Việt, đặc biệt đi sâu vào những khái niệm “hồn”, “vong”, “chết trong nhà”, “chết ngoài đường”, “tử sĩ” và “liệt sĩ”, “chết xấu” và “chết tốt” để lý giải cho hiện tượng tìm mộ liệt sĩ và hiện tượng áp vong của người Việt ở chương tiếp theo.

Tác giả chỉ ra rằng, sau những trận chiến khốc liệt, nhà nước tập thể hóa cái chết của những người lính, gắn cho họ những mỹ từ như anh hùng, đồng thời cũng tập thể hóa cảm xúc của cả dân tộc, khiến cho người nhà của họ hãnh diện vì sự hy sinh để giành lấy thắng lợi, như thể mọi cái chết trên chiến trường đều vẻ vang, cao quý. Nhưng đứng ở góc độ tâm linh truyền thống, đó là những cái chết xấu: chết xa quê, chết trong hiu quạnh, chết mà xác không toàn vẹn, ra đi mà không có con cái hay không có một đám tang của riêng mình. Người Việt không chỉ lo sợ sống một mình mà còn sợ thành “cô hồn” (linh hồn trơ trọi, vất vưởng). Ý niệm trở về quê hương gắn với người Việt không chỉ khi sống mà ngay cả khi họ đã lìa đời.

Toàn bộ chuỗi nhận thức và hành động của con người cũng là sản phẩm của chính trị. Thần thánh hóa anh hùng dân tộc vốn đã là một truyền thống lâu đời, nhưng trong những cuộc chiến của thế kỷ 20, ai là anh hùng, hay ai được coi là nhà ngoại cảm đều do đảng và nhà nước quyết định. Nhà nước dường như không tỏ ra tha thiết trợ giúp những gia đình liệt sĩ tìm mộ người thân, khiến họ tìm đến tâm linh, nhờ hồn dẫn lối, nhờ vong dẫn đường. Ở áp vong, theo tác giả mô tả, ngoài những thứ thuộc lễ nghi trần tục rườm rà như nhảy múa, trang phục, nhạc cụ, thầy cúng, thì chỉ còn lại những cuộc trò chuyện giữa người quá cố và người nhà của họ, với một chút đóng góp tài chính và sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm.

Chương ba của cuốn sách có thể đem đến cho độc giả nhiều điều hấp dẫn. Lý giải sự ra đời của cái được gọi là ngoại cảm, tác giả cho rằng, đây không khác gì một thứ rượu cũ bình mới để chỉ tên một hoạt động tâm linh vốn bị nhà nước xếp vào “mê tín dị đoan”. Đó là cách một số cá nhân có uy tín hợp thức hóa và hợp lý hóa những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh hay tôn giáo để được nhà nước chấp nhận. Ranh giới giữa mê tín dị đoan và ngoại cảm vô cùng mong manh và do nhà nước quy định.

Sorrentino còn mô tả khéo léo sự nhập nhằng giữa tâm linh và thế tục tại Việt Nam. Cụ thể, trong phòng vong nằm ở giữa tòa nhà thuộc cơ quan công quyền, người ta thu “công đức” thay vì lệ phí; trước đây nói “gọi hồn” thì nay gọi là “giao lưu” với “liệt sĩ” trong giờ hành chính, người sống được hướng dẫn “chào cụ” với vong hồn, v.v. Người ta gọi bùa chú, đốt tiền vàng mã là mê tín, nhưng giao lưu với linh hồn liệt sĩ, áp vong là một hoạt động khoa học, nó kéo theo sự ra đời của một loạt các khái niệm mới: khoa học tâm linh, nhà tâm linh; còn ngoại cảm được cho là một phương pháp, một khả năng đặc biệt của con người.

Tìm minh bạch và dân chủ từ cõi âm

Sorrentino lập luận rằng các nghi lễ tôn giáo của Việt Nam như áp vong hay thờ Mẫu là một tiến trình thể hiện sự dân chủ hóa tại một đất nước chưa bao giờ được thế giới ghi nhận là có một nền dân chủ. Bằng nghiên cứu nhân học, Sorrentino đã gián tiếp mô tả ký ức về chiến tranh vẫn ám ảnh những người còn sống thuộc nhiều tầng lớp xã hội. Đất nước đã thanh bình nhưng người dân vẫn chẳng thể nào có được sự yên bình ở cả cõi trần lẫn cõi âm. Những linh hồn của người chết, theo đó, không hề bất lực. Họ có sức mạnh thần kỳ khiến cho những người sống phải ăn không ngon, ngủ không yên.

Tác giả nhận định áp vong có liên quan mật thiết đến việc tìm mộ liệt sĩ, ngược lại, đó chính là động lực thôi thúc phát triển hoạt động áp vong. Việc lập đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc được chính quyền chấp nhận và khuyến khích bởi chính quyền coi đó là một công cụ để củng cố lòng yêu nước của người dân, đảm bảo tính chính danh cho nhà cầm quyền. Việc cho phép thực hiện áp vong hay dùng ngoại cảm để tìm mộ cũng là cách nhà nước nhắc nhở người dân về những cuộc chiến và chiến thắng trong quá khứ.

Người ta đến với phòng vong, cầu cạnh chuyên gia và người chết với động lực nổi (motivations manifestes) như tìm mộ người đã khuất và động lực chìm (motivations latents) là để đối chất, đối thoại, thậm chí đối mặt với chính những người sống. Không chỉ những cái chết bất đắc kỳ tử của người âm, mà ngay cả bạo lực gia đình hay ngoại tình của người dương cũng có thể được vong tiết lộ.

Trong một xã hội giàu ngữ cảnh – đầy hàm ý, nhiều khi người sống không dám nói, không thể nói, và không được nói, do đó sự thật không có môi trường để phơi bày. Nhưng với người cõi âm thì việc nói thẳng nói thật dường như không có rào cản. Áp vong khiến người chết có thể được trả lại công lý. Tác giả viết: “Những nghi lễ áp vong là một không gian cho những người thường bị từ chối quyền được lên tiếng” hay “mượn lời của vong cũng thực chất là cho vong một tiếng nói”.

Trong ba chương cuối, tác giả phân tích và đối chiếu với các nền văn hóa khác nhau để thấy rằng áp vong không phải chỉ là câu chuyện một cá nhân nhập hồn, mà là một sự kiến tạo tập thể (construction collective) của những con người khát khao chia sẻ đau đớn. Cách một bộ phận người Việt quyết định tin tưởng và lựa chọn tìm đến áp vong như một sự giải tỏa cho cả người ra đi lẫn người ở lại.

Sorrentino đã không quên bàn đến khía cạnh giới thể hiện rõ trong áp vong. Những người tham gia áp vong chủ yếu là nữ. Những nhà ngoại cảm phần lớn là những người phụ nữ bình thường nhưng từng trải qua biến cố trong cuộc đời. Tuy nhiên, hoạt động tâm linh của họ chỉ được công khai và tự do khi những người nắm giữ quyền lực chính trị – thường là cánh đàn ông – đảm bảo yếu tố thủ tục để được, phổ thông hóa và thậm chí khoa học hóa.

Cuốn sách gợi mở những cuộc thảo luận tri thức hơn là lấp đầy những nỗi băn khoăn, vì nó chứa đựng hệ thống tri thức liên ngành được phát triển từ luận án Tiến sĩ của tác giả.

Không đơn thuần bàn về vấn đề hồn, ma, chuyện mê tín hay ngoại cảm của những cá nhân, tác phẩm còn khái quát câu chuyện chung của một dân tộc đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, của những con người thực sự có những nỗi đau khôn nguôi phải kìm nén, và những cá nhân với sức mạnh phi thường mà khoa học chưa thể lý giải.

Cho dù đây là một cuốn chuyên khảo nhưng không quá khó tiếp cận với một độc giả không có kiến thức chuyên sâu. Sorrentino cũng không có ý định đưa ra một lời giải đáp về sự hiện hữu của thế giới tâm linh hoặc những câu chuyện hồn chưa nhập, nhập sai, nịnh vong, có đáng tin hay không. Theo tác giả, niềm tin không nhất thiết trái ngược với cách vận hành của lý trí và mạnh dạn gạt bỏ chỉ trích, phán xét là điều tiên quyết của niềm tin (chương sáu). Điều này cũng giống như quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh: “Đừng đi tìm sự xác thực lịch sử ở các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng vì ở đó chỉ có sự xác tín. Mà với con người nhiều khi sự xác tín còn cao hơn và quan trọng hơn cả sự xác thực!” [1]

Bạn có thể mua quyển À l’épreuve de la possession – chronique d’une innovation rituelle dans le Vietnam contemporain tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.

Nguồn: Luatkhoa.com

This entry was posted in Tín ngưỡng. Bookmark the permalink.