TS Nguyễn Quang A: Kinh tế VN ‘độ mở quá lớn’, Quốc hội cần có chính sách ‘nâng đỡ’ tư bản nội địa

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

2023.05.25

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội trong ảnh chụp hồi năm 2017. Reuters

Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp thứ năm, khóa 15, hôm 25/5/2023 thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội của quốc gia.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội được báo mạng VnExpress lược trích, trong cùng ngày thừa nhận tình hình đang có chiều hướng xấu:

“Tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% – thấp hơn cùng kỳ 2022 là 5,03%. Nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có tỉnh tăng trưởng âm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống, bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 có xu hướng giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm".

Theo báo cáo này, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao. Số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng…

Nhận định về nguyên nhân của các sự việc, hiện tượng này Chính phủ của ông Phạm Minh Chính cho rằng chủ yếu do "tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.…”.

Về thực trạng đời sống của người lao động, một Đại biểu Quốc hội được nhiều người biết đến, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cựu Chủ tịch UBTW Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo thừa nhận trước Quốc hội Việt Nam một tình trạng mà theo ông là vô cùng khó khăn: “Chúng tôi đi gặp nhiều công nhân, người lao động làm 30 năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5-3 triệu đồng/tháng, sống sao được!", báo mạng VietnamNet thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn ý kiến của Đại biểu này tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội Việt Nam hôm 25/5 về tình hình kinh tế – xã hội.

Bình luận với Đài Á Châu Tự Do về một số khía cạnh trong vấn đề kinh tế – xã hội mà Việt Nam đang đương đầu và về hướng giải quyết ngay trong lúc Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp, từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể), nói:

“Nói riêng về kinh tế Việt Nam, nền kinh tế này bây giờ gặp nhiều khó khăn như thế, theo tôi cũng dễ hiểu thôi, một khía cạnh nổi bật là kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài quá nhiều, có lẽ không có một nước nào mà lại có độ mở nền kinh tế như Việt Nam, nghe tới độ mở nhiều người tưởng như thế không có vấn đề gì, nhưng nếu nhìn sâu vào thì có thể hiểu độ mở đó theo chỉ số tỷ lệ tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trên GDP, thì độ mở đó của Việt Nam là rất lớn, không có nước nào có độ mở lớn đến như thế, như là ở nền kinh tế Việt Nam. Do mở quá lớn, khi nền kinh tế thế giới chậm lại, gặp khó khăn, có chiến tranh, đủ thứ, thì nó sẽ ảnh hưởng rất nặng nề qua độ mở đó đến nền kinh tế của Việt Nam.

Nhìn sâu hơn nữa, có thể thấy phần xuất khẩu nhiều nhất của nền kinh tế Việt Nam là do khu vực đầu tư nước ngoài, và chuyện phần xuất khẩu bị giảm sâu, thì vấn đề hiện nay đã ngoài tầm với của những chính sách của chính phủ Việt Nam. Đó là những nhân tố mà Việt Nam không thể ảnh hưởng hay làm gì được, tuy nhiên với những nhân tố ở trong nước thì có thể khác”.

Ông A lưu ý rằng, Quốc hội Việt Nam trước giờ hoạt động theo lối chỉ bàn thảo, thông qua những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo, đã thông qua các ‘chính sách lớn’, từ hoạch định kinh tế – xã hội cho đến chống tham nhũng, nhân sự, v.v.

Làm gì để giải quyết vấn đề, đâu là điểm ưu tiên?

Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để giải quyết các vấn đề trên, liệu có cần một cuộc ‘đổi mới kinh tế’ hay là không, ông Nguyễn Quang A đáp:

“Theo tôi, không cần phải làm một cái gì quá lớn về vấn đề kinh tế, có ý kiến đề cập ‘đổi mới lần hai’, thì đó là đổi mới khác, mà tôi sẽ đề cập sau khi có dịp, chứ không phải là về kinh tế, còn riêng về vấn đề kinh tế, tôi nghĩ rằng để giải quyết căn bản, gốc rễ, phải chú ý tới vấn đề môi trường của nó, phải chú ý tới việc tạo năng lực cho người dân.

Gọi là kinh tế đấy, nhưng thực chất là phải đi từ những vấn đề như giáo dục và đào tạo, người ta tưởng là giáo dục không phải là ‘kinh tế’ lắm, nhưng thực sự đây là một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế, và bên cạnh đó còn có vấn đề về y tế, tức là liên quan đến sức khỏe nữa.

Đấy là những vấn đề rất cơ bản mà Việt Nam cần quan tâm để thay đổi, hay thậm chí không cần phải đổi mới gì, mà phải quay lại một số chính sách nào đấy từ thời xa xưa về giáo dục và y tế mà đã từng có, mà vẫn thích hợp với thời nay mặt tinh thần đường lối chính sách, chứ không phải cái gọi là ‘xã hội hóa’ bây giờ như theo cách mà người ta nói, hay nói nôm na là ‘tư nhân hóa’ hai khu vực hết sức quan trọng này, trong khi đây là hai lĩnh vực theo tôi có quan hệ và tầm quan trọng hết sức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Còn mặt khác, nếu có thể xem lại cơ cấu hay cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam bây giờ, như tôi đã nói, nó quá dựa vào đầu tư nước ngoài, chưa có cái mà người ta hô hào rất lâu rồi, là công nghiệp phụ trợ. Gần đây, khi Samsung của Hàn Quốc vào Việt Nam đầu tư, thì hàng loạt công ty làm công nghiệp phụ trợ cho Samsung từ Hàn Quốc hay từ Trung Quốc sang Việt Nam, đấy là một điểm rất quan trọng.

Bây giờ chính phủ Việt Nam khó có thể có những chính sách công nghiệp như thời xa xưa của Hàn Quốc, tức là nâng đỡ công nghiệp tư nhân trong nước, hay nói thẳng toẹt ra là nâng đỡ sự phát triển của các nhà tư bản Việt Nam bằng chính sách, bằng tiền cho vay (vốn vay), bằng hợp đồng. Bây giờ làm như vậy khó rồi, bởi vì Việt Nam bị ràng buộc vào hàng chục hiệp định song phương, đa phương, vốn trói tay chính phủ, khiến không thể nâng đỡ kiểu như vậy được nữa.

Do đó, phải nghĩ ra một cách gì đó khác để thực sự có thể nâng đỡ công nghiệp tư nhân Việt Nam, tức là nâng đỡ những nhà tư bản Việt Nam, để họ lớn lên, mạnh lên, để cho Việt Nam có một nền kinh tế tương đối độc lập và tương đối tự chủ.

Việt Nam vẫn nói là cần cái đó, tôi không nói là độc lập hay tự chủ hoàn toàn, vì đó là tương đương với ‘cái chết’, nhưng chí ít hỗ trợ phần tự sức mình của doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng góp, làm ra trong nền kinh tế, hay nói cách khác, nôm na là để tỷ lệ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả tư nhân và quốc doanh lên 60-70% chẳng hạn, hoặc là tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực đó được nâng lên, tức là có thể nêu ra những chỉ tiêu bằng con số như vậy về mặt cơ cấu nền kinh tế và có một kế hoạch rất nghiêm túc, tôi nghĩ đấy là việc quan trọng cần làm".

Khi được hỏi thêm liệu đây có phải là điểm ưu tiên, và có gì cần lưu ý thêm, ông Nguyễn Quang A nói:

“Chắc chắn đúng là như vậy và lẽ ra Quốc hội Việt Nam chỉ nên làm những việc ấy thôi, việc ấy mới là việc quan trọng, dân đóng thuế để nuôi các vị Đại biểu Quốc hội để làm những việc đáng làm ấy, thì các vị cần phải làm đúng công việc ấy của các vị, xét vấn đề một cách gốc rễ, căn bản. Vấn đề kinh tế, chốt lại là nếu bàn riêng cái đó ở đây, phải xem lại cơ cấu của nền kinh tế này như thế nào, có định hướng ra sao để chuyển đổi nền kinh tế này sang một nền kinh tế có cơ cấu lành mạnh hơn.

Ý ở đây của tôi nói là doanh nghiệp bản địa, tức là doanh nghiệp của người Việt Nam, hay doanh nghiệp Việt Nam, tuy chỉ là một phần, nhưng là một phần rất quan trọng trong nền kinh tế. Nói như thế không phải là coi thường đầu tư nước ngoài, vẫn phải hoan nghênh đầu tư nước ngoài, nhưng để đầu tư nước ngoài ‘ngon lành’ vào Việt Nam, vấn đề giáo dục và đào tạo phải có một cuộc đại phẫu thuật, chỉ lúc đó mới nâng các bậc phát triển của Việt Nam lên được, và tôi nhấn mạnh giáo dục là một đại vấn đề, tiếp theo là vấn đề y tế – và bảo vệ sức khỏe, nếu không nhắc đến hai vấn đề ấy trong mối quan hệ đó, tầm quan trọng cùng ý nghĩa ấy, mà lại đòi bàn đến phát triển kinh tế, thì như thế là vô nghĩa!”.

Trở lại chuyện đốt lò và hậu quả, cách đi đúng thế nào?

Trong một ý kiến đưa ra trước đó với Đài Á Châu Tự Do, cũng trong đợt Quốc hội Việt Nam nhóm họp (từ 22/5 tới 24/6/2023), Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A đề cập hậu quả của chính sách, chiến dịch chống tham nhũng “Đốt lò” mà theo ông đã gây ra những hệ quả được cho là tiêu cực, gây trì trệ, ùn tắc, tổn hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp doanh nhân, ảnh hưởng tới thực thi công vụ của giới chức quản lý bên cạnh một số khía cạnh tâm lý, xã hội và chính trị khác.

Theo nhà quan sát, phân tích và bình luận chính trị – xã hội này của Việt Nam, đốt lò đã không lường được hết hậu quả và đã được tiến hành tùy tiện, do đó có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội của đất nước như hiện nay. Khi được hỏi, cần làm gì và phải làm thế nào cho đúng để việc chống tham nhũng thực sự hiệu quả, khả thi, vừa xử lý được vấn đề ở ‘gốc rễ’, tránh được những hậu quả được cho là tiêu cực và giúp Việt Nam đi đúng hướng, ông Nguyễn Quang A nói:

“Tôi mới đề cập chỉ ba vấn đề là hậu quả, hệ quả của ‘đốt lò’, tức là chính sách, chiến dịch chống tham nhũng, và tôi xin nói rằng chống tham nhũng như thế không phải là giải quyết vấn đề ở gốc, muốn giải quyết vấn đề chống tham nhũng tận gốc, thì thực sự sách giáo khoa về vấn đề quản trị tốt, trong tiếng Anh gọi là ‘good governance’, người ta đã nêu ra nhiều rồi, và tôi nghĩ rằng tất cả các ông lãnh đạo, quan chức của Đảng và nhà nước Việt Nam, những ông tiến hành ‘đốt lò’ đều biết cả, chứ không phải là không biết. Và điều đó là gì?

Đó là muốn chống tham nhũng tận gốc, thứ nhất phải có cái mà người ta gọi là ‘nhà nước pháp quyền’, tinh thần của nó là không có ai được ở trên pháp luật cả.

Điểm thứ hai là phải minh bạch, báo chí phải được tự do để phanh phui, chẳng hạn, cứ có một chuyện nào mà có vấn đề, là báo chí họ phanh phui ra.

Và đối với quan chức phải có một thu nhập bằng đồng lương cho ra hồn, bởi vì làm quan chức nhà nước là một nghề rất quan trọng. Nếu những người giỏi làm việc trong đó mà thu nhập bằng lương của người ta trung bình chỉ bằng 1/3 hay 1/5 của người tương tự mà làm trong khu vực tư nhân chẳng hạn, thì làm sao họ yên tâm, tập trung chuyên chú làm việc?

Tôi chỉ nói đơn giản tới ba điểm, ba vấn đề đó thôi, tức là quản trị tốt, pháp luật nghiêm minh, nhưng ở cái mà người ta gọi là ‘the rule of law’ hay pháp quyền thì thực sự ở Việt Nam chưa có.

Ở Việt Nam hiện nay, những người lãnh đạo Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nói rằng ‘pháp luật nghiêm minh’, thì đó mới chỉ là ở cấp độ ‘quản lý bằng pháp luật’, và quan niệm đó là hoàn toàn khác so với khái niệm mà Việt Nam chưa có, gọi là ‘rule of law’ hay pháp quyền; ngoài ra thì báo chí tự do chưa có, lương công chức thì thấp, tôi nghĩ giải quyết tham nhũng là phải đụng đến ba, bốn vấn đề cơ bản đó.

Nếu ba bốn nhân tố như đó mà không có, thì nói đến chống tham nhũng chỉ là hô hào, chống tham nhũng cho vui mà thôi, mà lại không để ý đến những hậu quả mà nay có thể gọi là hậu quả không lường trước, mà như tôi cũng mới chỉ nhắc đến ba điểm ấy thôi.

Để giải quyết những vấn đề trên của Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ nếu không có những nhân tố mà tôi đề cập, thì vấn đề sẽ là hóc búa, trong khi thực ra nó là vấn đề dễ thôi, nhưng nó lại là vấn đề tư tưởng. Còn đo lường những hậu quả để mà tháo gỡ, thực ra là cũng dễ chứ không có gì là khó cả. Nếu có dữ liệu và những người làm công việc đánh giá độc lập, không dính dáng đến nhà nước, thì công việc sẽ dễ làm, còn những người dính líu đến nhà nước thì có dám làm những nghiên cứu, đánh giá đó không?

Thực sự, những đánh giá như vậy là dễ, không có gì khó, có đầy đủ phương pháp luận rồi, bây giờ chỉ cần có dữ liệu nữa thôi sẽ tính ra được hết, và có thể quy trách nhiệm một cách rất cụ thể cho những người nào, quy đến cả cá nhân từng người nữa, cho thấy ai là người chủ trương chính sách đó, và tôi nghĩ làm cái đó dễ thôi, nhưng với những người làm những đánh giá đó, có thể khi họ chưa công bố kết quả nghiên cứu, thì có khi họ đã bị bắt đi tù rồi“, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A nói với Đài Á Châu Tự do từ Hà Nội trên quan điểm riêng, trong dịp Quốc hội Việt Nam khóa 15 đang họp kỳ thứ năm ở Hà Nội.

Theo chương trình nghị sự của Quốc hội Việt Nam, hôm 25/5, trong phiên họp cùng ngày, trong các nội dung làm việc, “Quốc hội Việt Nam thảo luận ở tổ về các vấn đề như đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021…; sau đó, Quốc hội cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”, theo cổng thông tin điện tử của Quốc hội Việt Nam.

Còn theo báo mạng Tổ Quốc, tại kỳ họp này, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, thông qua tám luật, ba nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về chín dự án luật khác. Đồng thời, xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay đầu kỳ họp.

Các dự án luật xem xét thông qua gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

"Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo của một số cơ quan; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia”, theo báo điện tử thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Q.P.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in kinh tế, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.