“Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị kết án 5 năm 6 tháng tù, luật sư nói bản án không công bằng

RFA

2023.05.25

Lần đầu tiên hay lần cuối cùng?

LS. Ngô Anh Tuấn

Sau nhiều năm hành nghề luật với gần 10 năm gắn bó với nghề luật sư tranh tụng, tới ngày hôm nay, trong một vụ án chính trị ở Đà Nẵng, lần đầu tiên tôi bị buộc rời khỏi phòng xét xử trong khi chưa kết thúc phần tranh luận của mình. Một dấu lặng trên một đoạn đường khá dài mà tôi đã trải qua.

Trong phần tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, do có một số nội dung mà vị này đã tranh luận nhưng quan điểm giữa chúng tôi chưa đồng nhất nên tôi phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp thì một vị thẩm phán (không phải là Chủ toạ phiên toà) yêu cầu tôi không nhắc lại nội dung đã trình bày. Tôi trả lời là vì vị đại diện Viện Kiểm sát chưa tranh luận hết nội dung mà luật sư đưa ra và họ cũng chưa từ chối tranh luận tiếp với luật sư thì theo luật, tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Vị thẩm phán này không đồng tình với nội dung tôi nêu và yêu cầu tôi rời phòng xét xử dù tôi không có bất kỳ một hành vi to tiếng, quá khích nào nhằm cản trở hoạt động của phiên toà. Tôi nói rằng vị Chủ toạ mới là người điều hành phiên toà và nếu ông mời/đề nghị/yêu cầu tôi rời khỏi phòng xử thì tôi sẽ chấp hành ngay. Vị Chủ toạ mời tôi ngồi xuống nhưng gần như ngay sau đó, vị này thông báo mời tôi rời khỏi phòng xử. Dù trong lòng không đồng tình với quyết định của vị Chủ toạ nhưng tôi chấp nhận rời phòng xử luôn vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm nữa.

Tôi rời phòng xét xử theo sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên toà và dẫn vào ngồi ở một phòng làm việc có ghi “Chánh văn phòng” thuộc TAND thành phố Đà Nẵng. Tại đây, một số người không rõ danh tính đã làm việc với tôi, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản án đúng sự thật khách quan đã diễn ra (tôi ghi rõ trong phần ý kiến của mình). Tuy vậy, sau đó người ký lập văn bản lại là thư ký phiên toà, một người từng nhiều lần làm việc với tôi và rất thân thiện nên tôi không muốn nhắc tên ở đây. Nếu hôm nay không có luật sư Lê Đình Việt, người đồng nghiệp cùng tham gia bào chữa cùng tôi chứng kiến, làm chứng nội dung sự việc thì mình tôi sẽ không còn cách nào để “minh oan” cho mình. Tôi đã có đơn giải trình nội dung sự việc, kèm theo văn bản làm chứng của luật sư đồng nghiệp; đồng thời tôi cũng đề nghị trích xuất file ghi hình qua camera trong phòng xét xử nhưng không chắc rằng sự việc sẽ đi được tới tận cùng. Bên cạnh đó, tôi cũng đang làm đơn thư tường trình, phản ánh nội dung sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để Liên đoàn, Đoàn tham gia xác minh sự việc một cách khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành viên.

Tôi đã tham gia rất nhiều vụ án mang màu sắc chính trị nhưng chưa một lần bị mời khỏi phòng xử một cách tức tưởi như hôm nay. Có vẻ như một số người nghĩ rằng với mấy tù nhân chính trị thì hành xử với họ thế nào cũng được; mấy tay luật sư của những người này, hành xử ra sao cũng xong… Từ những suy nghĩ đó có thể kéo theo những hành vi theo cảm xúc thái quá, vượt quá thẩm quyền cho phép của mình. Tôi đã lập trình cho mình một tương lai không hành nghề luật sư, ở ẩn ở một xó xỉnh rồi nhưng thậm chí mơ ước nhỏ nhoi đó bỗng dưng cũng trở nên gồ ghề hơn tôi tưởng. Dẫu vậy, dù mai đây, sự việc này hay bất kỳ một sự việc nào khác xảy ra đối với tôi, tôi cũng sẽ đấu tranh tới cùng để giữ tấm thẻ hành nghề hợp pháp của mình; sau đó, tôi tự trả thẻ để “về vườn” chứ không để ai đó có thể sỉ nhục tôi dưới một hình thức không trong sạch khác…

N.A.T.

Ông Bùi Tuấn Lâm trong một lần nấu ăn từ thiện trước khi bị bắt giam. FB Peter Lam Bui

Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, người nổi tiếng với biệt danh “thánh rắc hành” bị Toà án Nhân dân thành phố Đà Nẵng kết án 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế trong một phiên toà mà luật sư cho là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ông Lâm, 39 tuổi, bị bắt ngày 07/9/2022, chín tháng sau khi ông đưa video clip rắc hành mà nhiều người cho rằng ám chỉ việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở một tiệm ăn sang trọng ở London lên Youtube. Ông bị cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong phiên toà ngày 25/5, ông Lâm được hai luật sư Lê Đình Việt và Ngô Anh Tuấn của Đoàn luật sư Hà Nội bào chữa. Phiên toà kết thúc vào lúc 12 giờ 15 trưa.

Luật sư Việt nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngay sau khi rời khỏi phòng xử án cho biết, an ninh cho phiên tòa được siết chặt, hai luật sư bị nhân viên an ninh kiểm tra rất kỹ trước khi bước vào phòng xử án trong khi không một người thân nào của ông Lâm được phép vào quan sát.

Ông cho biết thân chủ của mình rất bình tĩnh trong suốt quá trình xử án, hợp tác với toà:

“Quan điểm của ông Bùi Tuấn Lâm là thừa nhận một số hành vi nhưng không xác định đó là hành vi phạm tội, vì ông cho rằng đó là thực hành quyền tự do ngôn luận”.

Ông Việt cho biết đồng nghiệp của mình, ông Ngô Anh Tuấn bị chủ toạ phiên toà cho cảnh sát tư pháp đuổi ra khỏi phòng xử án khi đến phần tranh luận giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát thành phố.

Ông nói:

“Khi sang phần tranh luận, giữa luật sư Ngô Anh Tuấn và đại diện Viện Kiểm sát có những bất đồng. Ông Ngô Anh Tuấn yêu cầu đại diện VKS phải tranh luận để làm rõ những quan điểm của mình và việc đó bị thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn ngăn cản.

Sau đó, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu lực lượng bảo vệ đưa luật sư Ngô Anh Tuấn có phản ứng lại việc mình bị đưa ra ngoài một cách vô lý như thế thì tiếp tục bị thẩm phán chủ toạ buộc ra ngoài”.

Ngoài ra, luật sư Việt còn chỉ ra việc thực thi pháp luật không được thực hiện đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án, ông cho rằng mình có căn cứ đầy đủ và nêu rất rõ ở toà rằng các kết luận giám định các bài viết, video dùng để buộc tội ông Lâm có rất nhiều vi phạm, trong đó là vi phạm về thẩm quyền giám định, vi phạm về tư cách của người giám định, thậm chí có những cái vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật giám định tư pháp”.

Luật sư Việt, người từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị trong nhiều năm qua, kết luận:

“Theo quan điểm của tôi thì với những tình tiết và diễn biến phiên toà hôm nay, việc ra bản án chưa đảm bảo sự khách quan cũng không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo Bùi Tuấn Lâm”.

Ông cho biết thêm, ngay sau khi chủ toạ phiên toà công bố bản án, thân chủ của ông tuyên bố sẽ kháng cáo.

Theo cáo trạng ban hành bởi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Lâm bị cho là đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” và 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.

Cáo trạng không nhắc gì đến hành động rắc hành, nhại lại động tác của "thánh rắc muối" Salt Bae trong video đút món bò dát vàng đắt đỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn tại nhà hàng sang trọng ở London, khi ông này tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP26.

Một chốt an ninh gần tòa án Đà Nẵng ngăn người dân tiếp cận phiên tòa. Ảnh: người nhà ông Lâm cung cấp

Người thân bị sách nhiễu, đánh đập

Em trai của ông Bùi Tuấn Lâm, ông Bùi Quang Khiêm cho biết: gia đình tám người của ông Lâm sáng 25/5 lên tòa án Đà Nẵng để yêu cầu được tham dự phiên tòa nhưng không được phép, với lý do phải có giấy triệu tập của tòa án.

Công an chặn tất cả các đường dẫn tới khu vực toà án, và bố trí nhân viên dày đặc, không cho người dân đi vào khu vực này.

Ông cho biết khi gia đình ngồi ở ngoài toà, an ninh cho người đến quấy rối. Khi phiên toà kết thúc, luật sư đi ra và nói chuyện với gia đình. Khi đó, công an kéo tới hành hung. Ông thuật lại:

“Một đám công an nữ 7-8 đứa quay vào chụp chị Lâm nói là vì chị Lâm chụp ảnh. Gia đình xông vào để cản ra. Mình và em Minh bị một đám an ninh mười mấy thằng đánh hai anh em bầm dập.

Nó đánh vô đầu, vô cổ, nó bóp cổ rồi bịt miệng rồi nó chà xuống đường. Nói chung là cổ rách, tay cũng rách, lưng bầm dập. Nó đánh nhiều lắm”.

Những người mặc thường phục lôi ông Bùi Quang Khiêm và Bùi Quang Minh lên xe 16 chỗ rồi đưa tới Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, sau đó bà Lê Thanh Lâm cũng bị dẫn giải về đây và họ bị đưa vào ba phòng khác nhau.

Hai em trai của ông Lâm được trả tự do lúc khoảng 2 giờ. Công an còn giữ bà Lâm lại, và cho người mang thiết bị tới để phá khoá điện thoại của bà vì muốn xoá hình ảnh bà chụp được xung quanh tòa án, ông Khiêm nói và cho biết thêm không rõ khi nào bà Lâm được về nhà.

Phóng viên gọi điện cho Công an phường và Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc để kiểm chứng thông tin ông Khiêm cung cấp nhưng hai người trực máy của hai cơ quan này nói họ không giữ ai cả, và đề nghị phóng viên đến tận nơi xác minh.

Bình luận về bản án đối với anh trai mình, ông Khiêm nói:

“Bản án này là một bản án bất nhân, đi ngược lại với tính dân chủ và quyền con người. Anh Lâm chỉ là một người dân bày tỏ quan điểm của mình”.

Một người khác trong gia đình cho biết nhiều an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bịt mặt đã lảng vảng ở khu vực gần nhà ông Lâm từ ba hôm trước để theo dõi mọi hoạt động của gia đình.

Không chỉ đưa người canh gác gần nhà riêng của ông Lâm, công an còn cho người đến gần nhà riêng của một số người hoạt động và thân thân tù nhân lương tâm ở Hà Nội, trong đó có bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, một blogger của RFA, người đang thụ án tù 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Công an Hà Nội cũng triệu tập bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, lên trụ sở công an phường Dương Nội để làm việc vào sáng 25/5 về việc “đưa thông tin và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook”. Trong buổi làm việc, công an cũng tra khảo về mối quan hệ giữa bà với gia đình tù nhân lương tâm khác, trong đó có gia đình Bùi Tuấn Lâm.

Ông Lâm là nhà hoạt động thứ tư bị kết án theo Điều 117 kể từ đầu năm đến nay. Ba người còn lại là blogger Nguyễn Lân Thắng của RFA và ông Trương Văn Dũng đều bị án 6 năm tù còn ông Trần Văn Bang bị án 8 năm tù giam.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Xem thêm:

Toà Đà Nẵng xử “thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm, gia đình bị chặn ở ngoài

This entry was posted in Tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.