Sau lưng những con số

*Hội nghị “giữa nhiệm kỳ” không nói được điếu gì.

Phạm Trần

Vietnam’s press freedom is considered in “very serious condition” as the country ranks 178 out of 180 measured countries in the World Press Freedom Index. Vietnam fell four places from its 174th position in 2022. The index was released by the press freedom advocacy group Reporters Without Borders (RSF) on May 3, which marked the 30th anniversary of World Press Freedom Day. Vietnam’s ranking this year is only above that of China and North Korea (The Vietnamese Magazine, ngày 08/05/2023)

Tạm dịch: ”Tự do báo chí ở Việt Nam lâm vào tình trạng rất nghiêm trọng, đứng hàng thứ 178 trên tổng số 180 nước trong bảng số Tự do báo chí trên Thế giới. Việt Nam tụt 4 hạng từ hàng thứ 174 năm 2022. Bảng thống kê này do Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders,RSF) công bố ngày 3/5 (2023), đánh dấu 30 năm kỷ niệm Ngày Tự do báo chí Thế giới. Việt Nam lần này chỉ đứng trên Trung Quốc và Bắc Hàn.”

Ngoài ra, theo RSF, Việt Nam cũng đang giam giữ 42 Nhà báo bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau, trong đó có vấn đề “phổ biến tuyên truyền chống nhà nước và lợi dụng tư do dân chủ” (“distributing anti-State propaganda” and “abusing democratic freedoms.”)

Ba nhà báo nổi tiếng trong số bị giam gồm Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, bà Phạm Đoan Trang và ông Nguyễn Tường Thụy.

Ông Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập trước khi bị bắt, đang thi hành bản án 15 năm tù. Bà Phạm Đoan Trang, nhà báo, nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyến bị tù 9 năm. Trong khi nhà báo Nguyễn Tường Thụy, thành viên của Hội nhà báo Độc lập bị án 11 năm.

Các Tổ chức Nhà báo và Nhân quyến trên Thế giới đã phản đối các bản án này và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức.

Chính phủ Việt Nam bác đề nghị này và chối biến không có tù chính trị ở Việt Nam, nói rằng họ chỉ bắt giam những người vi phạm pháp luật.

BÁO PHẢI CỦA ĐẢNG

Cũng với tư duy này, Đảng CSVN luôn luôn bào chữa không có hạn chế tự do tư tưởng và tự do ngôn luận ở Việt Nam, trong khi thực tế người dân không có quyền ra báo, hội họp và lập hội tự do như Hiến pháp quy định.

Điều 25 Hiến pháp 2013 viết: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Điều cắc cớ là trong mấy chữ “do pháp luật quy định.” Do đó, Luật Báo chí năm 2016 đã hạn chế nhiều quyền của công dân và chà đạp lên Hiến pháp.

Bằng chứng này ghi trong Điều 4 của Luật Báo chí quy định”Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí như sau:

1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.”

KHÔNG CÓ BÁO TƯ NHÂN

Để bảo đảm cho độc quyền báo chí, Luật Báo chí viết trong Điều 14 về “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí”, gồm có:

1. “Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.”

Đối với nhà báo, Luật ấn định trong Điều 25 buộc họ phải: ”Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.”

Rõ ràng, Đảng CSVN không chấp nhận cho tư nhân ra báo. Điều này hoàn toàn trái với tuyên truyền: ”Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Việc bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.” (Xây dựng Đảng, ngày 28/07/2022).

Càng ngụy biện hơn khi Điều 10 của Luật này quy định về “ Quyền tự do báo chí của công dân”, theo đó dân được:

1. Sáng tạo tác phẩm báo chí.

2. Cung cấp thông tin cho báo chí.

3. Phản hồi thông tin trên báo chí.

4. Tiếp cận thông tin báo chí.

5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí.

6. In, phát hành báo in.

Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được cho phép bao gồm:

1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.

2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Nên biết những quyền ghi trong 2 Điều luật này chỉ được thực hiện trên báo của nhà nước và phải bị sàng lọc bởi cán bộ Tổng biên tập, người của đảng tại mỗi tòa soạn.

KHOE CÁI KHÔNG CÓ

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn khoe có nhiều báo đài để phục vụ thông tin, như viết rẳng: ”Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình (7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, 63 kênh truyền hình địa phương), 57 kênh nước ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người.

Đến nay, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 68,7% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (51,4%)”.(Tạp chí Doanh nghiệp, ngày 27/12/2022).

Vậy những còn số này đã nói nên điều gì?

HỌP GIỮA NHIỆM KỲ

Trước hết, chúng chỉ xác nhận điều có thật là tất cả báo chí và truyền thông đều của nhà nước và do đảng làm chủ. Những người được cấp thẻ báo chí chẳng qua cũng chỉ là những đảng viên hoặc được đảng tuyển chọn, theo những tiêu chuẩn của đảng về lý lịch và an ninh khe khắt.

Vì là tiếng nói của đảng và của các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp do nhà nước quản lý nên Báo chí cũng chỉ đơn thuần là cái loa phát ngôn của nhà nước.

Do đó khi bị Tổ chức Ký giả không biên giới (Reporters sans Frontieres, RSF) tố cáo không có tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam thì lập tức báo đài nhà nước lên tiếng phủ nhận.

Tiêu biểu như báo Công an Nhân dân (CAND) viết rẳng: ”Phần lớn những thông tin được đưa ra là không khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất mà đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại…. việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam lại thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó thông tin không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.” (báo CAND, ngày 12/05/2023).

Bài viết của CAND không nói lên được điều gì tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII khai mạc tại Hà Nội ngày 15/05/2023.

Theo lời bài diễn văn khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về “Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ” và “ Lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.”

Chi tiết không được thông báo, nhưng thời gian họp chỉ kéo dài đến ngày 17/5/2023 cho thấy thời gian ngắn này không đủ để đưa ra những quyết định nhân sự quan trọng.

P.T.

(05/023)

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Truyền thông. Bookmark the permalink.