Người Ukraine gửi tin nhắn cho quân Nga trên những quả đạn của họ

Cù Tuấn biên dịch phóng sự trên New York Times.

Người Ukraine có rất nhiều điều muốn nói với quân Nga, và nhiều người đã chọn cách nói bằng cách gửi các thông điệp lên tên lửa, đạn súng cối và thậm chí cả máy bay không người lái phát nổ.

Ảnh1: Một người lính Ukraine với tên lửa phóng lựu đạn ở tiền tuyến gần Bakhmut vào tháng 4 năm 2023.

           Ảnh 2: Một người lính Ukraine ghi thông điệp lên đạn pháo trước khi chúng được bắn vào các vị trí của quân Nga.

Ảnh 3: Thông điệp được viết trên đạn cối 82mm tại một vị trí tiền tuyến gần Toretsk vào tháng 3 năm 2023.

Một người lính pháo binh Ukraine đã sẵn sàng đẩy quả đạn pháo vào bệ phóng và đưa nó tới các vị trí của quân Nga – nhưng trước tiên anh phải làm một việc cuối cùng trong danh sách cần làm của mình.

Vì Uman”, anh viết nguệch ngoạc lên sườn viên đạn bằng bút dạ.

Sau đó, anh cúi đầu xuống khi viên đạn bay đi trên một quỹ đạo rực lửa thẳng đến tiền tuyến.

Uman là một thành phố của Ukraine, nơi hơn hai chục thường dân đã thiệt mạng vào tháng trước trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Nhưng nó không phải là thành phố duy nhất mà Nga đã tấn công, và thông điệp trên vỏ đạn pháo vừa bắn đi cũng chỉ là một trong số rất nhiều thông điệp.

Sau hơn một năm chiến tranh, người Ukraine có rất nhiều điều muốn nói với quân Nga, và nhiều người đã chọn cách gửi các thông điệp lên vỏ các tên lửa, đạn súng cối và thậm chí cả máy bay không người lái phát nổ. Hàng ngàn tin nhắn đã được gửi đi, từ mỉa mai cho đến cay đắng, trong số đó có một tin nhắn từ Valentyna Vikhorieva, một bà mẹ có con trai 33 tuổi đã chết trong cuộc chiến.

Vì con trai Yura của mẹ”, bà Vikhorieva yêu cầu một đơn vị pháo binh viết câu này lên một vỏ đạn pháo. “Chúng mày phải bị đày nơi địa ngục vì đã giết những người con của chúng tao”.

Bà Vikhorieva cho biết con trai bà, một quân nhân Ukraine, đã thiệt mạng vào mùa xuân năm ngoái vì một quả đạn pháo của Nga.

Tôi sẽ không bao giờ quên”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. “Và nó sẽ luôn là chàng trai bé bỏng của tôi”.

Việc này không chỉ là trút giận.

Các nhóm từ thiện và thậm chí cả quân đội đã nắm bắt mong muốn bày tỏ sự tức giận của người Ukraine như một cơ chế để gây quỹ. Không nghi ngờ gì nữa, dù các thông điệp này có được soạn thảo kỹ lưỡng đến đâu, quân Nga cũng khó có thể đọc được chúng. Tất nhiên, vỏ đạn thường sẽ nổ tung thành các mảnh vụn. Và nếu đạn bắn trúng vào mục tiêu, những người phải nhận quả đạn pháo trên có thể sẽ không còn sống sót để đánh giá chất lượng thông điệp gửi đi.

Victoria Semko, một nhà tâm lý học, người làm việc với những người dân phải chịu đựng thời gian chiếm đóng tàn bạo của Nga ở Irpin, ngoại ô Kyiv, cho biết, đối với một số người Ukraine, việc này giống như công lý, dù chỉ mang tính chất biểu tượng.

Bà Semko nói: “Mọi người dân đều đang đau đớn vì mất mát, trên cả bình diện cá nhân và quốc gia. Việc người dân bày tỏ sự tức giận đối với phe gây ra tội ác là chuyện rất bình thường”.

Chi phí của các tin nhắn có khác nhau. Về cơ bản, chúng là một cơ chế khuyến khích đóng góp và mọi người được yêu cầu chi trả trong phạm vi có thể. Revenge For, một trong những nhóm đứng sau chiến dịch chuyển thông điệp, cho biết họ từng nhận được khoản quyên góp 10.000 USD cho một lời nhắn. Nhưng đôi khi lời nhắn cũng được gửi đi mà không có chi phí nào.

Không chỉ người Ukraine chịu trả tiền cho các tin nhắn này. Các nhóm đứng sau chiến dịch nói rằng những người từ Đông Âu, vẫn còn tức giận vì những năm dài dưới sự cai trị của Liên Xô, cũng đã trả tiền để chuyển đi các thông điệp. Oleksandr Arahat, người đồng sáng lập của một nhóm quyên tiền cho quân đội thông qua các thông điệp, Militarny, đã đưa ra một số ví dụ.

Có một nhà văn đến từ Israel muốn trả thù cho cái chết của ông nội mình vì bị Bộ Nội vụ Liên Xô tra tấn. Có người Séc muốn kỷ niệm Mùa xuân Praha năm 1968, khi Quân đội Liên Xô đàn áp các cuộc biểu tình ở đó. Một người Hungary lên án cuộc xâm lược của Liên Xô vào đất nước của ông vào năm 1956 với thông điệp "Bọn Nga cút đi!".

Nhưng hầu hết các yêu cầu gửi thông điệp đều đến từ Ukraine, ông Arahat nói.

Một người già về hưu, Yuriy Medynsky, 84 tuổi, cho biết ông đã rút tiền trợ cấp ít ỏi của mình để gửi tin nhắn không chỉ một lần mà nhiều lần để vinh danh cháu trai 33 tuổi của mình đã hy sinh khi chiến đấu ở vùng Kharkiv vào mùa xuân năm 2022.

Gửi tặng các ẩn sĩ Katsap, nhân danh Maksym Medynsky. Ông nội,” ông viết, sử dụng một biệt danh dành cho người Nga.

Ông Medynsky nói: “Tôi đã đưa vào thông điệp của mình tất cả sự căm ghét mà tôi cảm thấy đối với lũ người đến từ Matxcơva". Ông đã trả khoảng 13 đô la cho mỗi tin nhắn.

Con dâu của ông, Tetyana Medynska, góa phụ của Maksym, cũng đã nhiều lần gửi tin nhắn.

Đối với cá nhân tôi, đó là một chút trả thù”, cô nói. “Tôi không tưởng tượng được việc viên đạn sẽ giết một ai đó cụ thể, vì tất cả họ đều có tội, tất cả những người Nga đã đến Ukraine đều có tội. Đối với tôi họ không có khuôn mặt. Khi tôi gửi tiền cho tin nhắn trên quả bom, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn về mặt tâm lý”.

Một số đã viết thông điệp với một giọng điệu châm biếm.

“Khi bạn tôi kết hôn, cô ấy yêu cầu tôi viết tên thời con gái của cô ấy lên đạn súng cối của tiểu đội tôi, để nói lời vĩnh biệt với cái tên đó”, binh nhì Vladyslav, một người lính phụ trách một vị trí súng cối bên ngoài thị trấn Toretsk, miền đông Ukraine, cho biết.

Bản thân anh này đã từng gửi một tin nhắn: “Xin chúc mừng sinh nhật mẹ,” Binh nhì Vladyslav nói.

Vào lúc trả lời phóng viên, Vladyslav đang chuẩn bị khai hỏa khẩu súng cối 82 ly với lời nhắn của một đồng đội, Binh nhì Borys Khodorkovsky, người đang đón sinh nhật lần thứ 50 tại mặt trận.

Tôi muốn những con quỷ đó biết rằng tôi đang ở đây, và muốn chúng cảm thấy tệ hại,” binh nhì Khodorkovsky nói. “Về mặt tâm lý, tôi biết rằng khẩu súng cối này sẽ bắn trúng thứ gì đó, và khiến sẽ có ít quân Nga hơn bắn vào chúng tôi, và làm đồng đội của tôi có cơ hội sống sót nhiều hơn”.

Nhưng hầu hết các tin nhắn đều sôi sục với sự giận dữ không che giấu.

Dmytro Yakovenko, 38 tuổi, dược sĩ viết: “Vì một tuổi thơ bị hủy hoại". Anh có hai cô con gái, 11 và 14 tuổi. Gia đình anh đã sống sót qua một cuộc oanh tạc kinh hoàng và sau đó phải sơ tán khỏi quê hương Lozova, ở vùng Kharkiv.

Yakovenko nói: “Tuổi thơ của các con gái tôi bị hủy hoại. Tôi muốn quân Nga biết tại sao viên đạn súng cối này lại bay về phía họ”.

Khẩu đội đang bắn súng cối với thông điệp dành cho bà Vikhorieva, người có con trai đã thiệt mạng khi chiến đấu, là một đơn vị nhỏ. Các thành viên của nó nói rằng họ đã sử dụng số tiền kiếm được từ việc bán tin nhắn để sửa chữa phương tiện và cho đến nay họ đã bắn hơn 200 quả đạn súng cối được gắn thông điệp.

Ihor Slaiko, người chỉ huy cho biết: “Tôi cảm thấy khó chịu khi một người yêu cầu chúng tôi viết thông điệp về việc họ đã mất người thân và tôi biết rằng sẽ không có gì thay đổi. Nhưng tôi vẫn viết nó.”

Các binh sĩ cấp dưới của Slaiko nghiêm túc ghi các thông điệp lên vỏ đạn – và sau đó bắn chúng về phía các phòng tuyến của Nga cùng với một tiếng nổ rền vang.

C.T.d.

Nguồn: FB Cù Tuấn

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.