‘Ngàn dặm trần ai’ của lao động bất hợp pháp người Việt ở Đài Loan

Huyền Trân

BBC News Tiếng Việt

7 tháng 5 2023

clip_image002

Chụp lại hình ảnh: ‘And Miles to Go Before I Sleep’, tạm dịch ‘Ngàn dặm trần ai’ của đạo diễn Đài Loan Thái Sùng Long đã đoạt giải phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Kim Mã lần thứ 59. NGUỒN HÌNH ẢNH: TSAI TSUNG-LUNG

‘And Miles to Go Before I Sleep’ là lời hứa của một lữ khách đơn độc trên cỗ xe ngựa, khi dừng ngắm tuyết rơi trong rừng, trong bài thơ của nhà văn người Anh Robert Frost.

Câu thơ trong ‘Stopping by Woods on a Snowy Evening’ cũng là nhan đề phim tài liệu về lao động Nguyễn Quốc Phi (1990 – 2017) – người đã chết sau khi bị cảnh sát Đài Loan bắn chín phát đạn vào năm 2017 (Xem: Một lao động Việt ở Đài Loan bị ‘bỏ mặc cho chết’).

‘And Miles to Go Before I Sleep’, tạm dịch ‘Ngàn dặm trần ai’ của đạo diễn Đài Loan Thái Sùng Long (Tsai Tsung-lung) đã đoạt giải phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Kim Mã lần thứ 59 (năm 2022).

‘Mình không có tất cả, vậy là mình phải làm tất cả’

Đạo diễn Thái Sùng Long đã sử dụng toàn bộ lời dẫn truyện trong phim là những thông điệp trên trang Facebook cá nhân mà Nguyễn Quốc Phi từng viết.

"Mình không có tất cả, thế là mình phải làm tất cả" là một trong số đó.

Mở đầu và kết thúc phim là cảnh con sông êm đềm, nhưng lại là nơi xảy ra thảm kịch Nguyễn Quốc Phi bị bắn chết ở huyện Tân Trúc, Đài Loan.

Bộ phim bao gồm 13 phút hình ảnh cuối đời của Quốc Phi do cảnh sát công bố trước áp lực của báo giới trong quá trình xét xử vụ án.

Mở đầu phim là cảnh cảnh sát nã súng khi lao động Nguyễn Quốc Phi trong tình trạng lõa thể đi đến gần xe cảnh sát, vì cảnh sát cho rằng Quốc Phi muốn cướp xe.

Có thể thấy cảnh Quốc Phi, dường như trong tình trạng không kiểm soát vì ảnh hưởng từ ma túy, tay chân bị còng và cơ thể đầy máu vì bị cảnh sát bắn.

Sau đó Quốc Phi tử vong do bị thương từ chín phát đạn của cảnh sát Đài Loan mà không được cấp cứu kịp thời.

Trong phim, gia đình Nguyễn Quốc Phi nhớ lại anh đã gom góp gửi về cho gia đình 15 triệu đồng cứ mỗi hai tháng, rất thương anh chị em và cha mẹ.

Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, đạo diễn Thái Sùng Long cho biết ông muốn làm phim để cho "thấy điều gì sai đã xảy ra và Nguyễn Quốc Phi không đáng chết".

"Người Đài Loan sợ lao động nhập cư vì không biết họ là ai, làm việc gì. Trong phim, các bạn có thể thấy cảnh sát thậm chí sợ Phi khi anh ấy không một mảnh vải che thân. Khi Phi cầm cục đá, cảnh sát sợ anh ta ném vào mình. Hình như trong sâu thẳm, cảnh sát sợ các lao động nhập cư nên họ đã phải cố gắng bắn Phi".

Nguyễn Quốc Phi thời gian đầu qua Đài Loan làm việc với tư cách một lao động hàn xưởng hợp pháp, nhưng sau đó đã làm việc trái phép cho một công trình xây dựng.

"Đây không phải là một vụ riêng rẽ, mà mang tính điển hình, cho thấy lỗi hệ thống của Đài Loan đối với người lao động nhập cư. Lao động nhập cư không có làm hại gì, chỉ là trần truồng ngay trước mặt họ, không có vũ khí, thế mà cảnh sát lại nghĩ họ như một con quái vật. Thế là thảm kịch đã xảy ra".

"Tôi không muốn quá nhấn mạnh đến viên cảnh sát Đài Loan [họ Trần] đã bắn chết Phi vì anh ta chỉ là con dê tế thần trong cả một hệ thống. Không phải chỉ là chín phát đạn mà là lỗi hệ thống ở Đài Loan đã giết chết Phi", đạo diễn Thái cho biết đó là thông điệp chính mà ông muốn truyền tải qua bộ phim tài liệu.

clip_image004

Chụp lại hình ảnh: Mở đầu và kết thúc phim là cảnh con sông êm đềm nơi xảy ra thảm kịch Quốc Phi bị bắn chết ở huyện Tân Trúc, Đài Loan. NGUỒN HÌNH ẢNH: TSAI TSUNG-LUNG

‘Vượt biển đến Đài Loan qua ngả Trung Quốc’

clip_image006

Chụp lại hình ảnh: Gia đình lao động quê Nghệ An đã ngừng vụ kiện cảnh sát Đài Loan vì lý do sức khỏe ông Nguyễn Quốc Đồng, cha của Nguyễn Quốc Phi. NGUỒN HÌNH ẢNH: TSAI TSUNG-LUNG

Đài Loan rất cần lao động Việt Nam trong các lĩnh vực như xây dựng đường cao tốc, tàu điện, chung cư, nông trại… những việc khó tuyển lao động Đài Loan.

Đài Loan và Nhật Bản hiện là hai quốc gia thu hút đông lao động người Việt nhất trong tháng Giêng và tháng Hai năm 2023. Riêng Đài Loan tiếp nhận gần 15.000 lao động.

Tuy nhiên, người Việt có mặt tại Đài Loan không phải ai cũng thông qua những con đường hợp pháp.

Theo Cục Điều tra Tội phạm Đài Loan (Taiwan’s Criminal Investigation Bureau -CIB) từ ngày 18/02 đến 11/04 năm nay, chính quyền Đài Loan đã phát hiện 25 thi thể trôi dạt trên biển, gồm 10 thi thể được xác định là công dân Việt Nam (8 người đàn ông, 2 phụ nữ, tuổi từ 30 đến 42), 14 thi thể là người Đài Loan.

Theo CIB thì 10 người Việt Nam này có liên quan đến 14 người Việt Nam đã rời khỏi quốc gia của mình vào ngày 14/02 và đi bộ đến Quảng Tây. Sau đó họ đến tỉnh Phúc Kiến bằng phương tiện công cộng và rời khỏi Trung Quốc bằng tàu cao tốc. Cũng theo CIB, thì 14 công dân Việt Nam này đã liên lạc với gia đình của mình vào ngày họ rời khỏi tỉnh Phúc Kiến để bí mật đến Đài Loan qua cảng biển Đài Trung.

Theo Radio News Asia ngày 20/04, cảnh sát đã phát hiện tổng cộng 14 thi thể người Việt, bao gồm 9 người đàn ông, và 5 người phụ nữ.

Đây là vụ việc mới nhất về việc người Việt Nam tử vong, tình nghi có liên quan đường dây buôn người từ Việt Nam sang Đài Loan.

clip_image008

Chụp lại hình ảnh: Giữa tháng Hai và cuối tháng Ba năm nay, chính quyền Đài Loan đã phát hiện 20 thi thể trên biển (ảnh minh họa vùng biển của Đài Loan). NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Theo Đài truyền hình PTS của Đài Loan, "Nhân viên tuần tra trên biển cho biết, trước đây người Việt Nam thường nhập cảnh vào Trung Quốc sau đó được tập đoàn buôn người đón đưa ra hải phận quốc tế và tìm cách vào Đài Loan. Hiện nay thì họ vượt biên vào vùng Trung Nam bộ Đài Loan từ Quảng Tây, Quảng Đông. Một môi giới trong ngành cho biết, cũng có những người Việt tập trung tại Phnom Penh sau đó đến Phúc Kiến, rồi đi tàu ra hải phận quốc tế, sau đó sẽ có tàu nhỏ đưa vào Đài Loan".

Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người từ nhiều năm nay từng giúp đỡ cho cộng đồng người Việt tại Đài Loan xác nhận với BBC News Tiếng Việt về tuyến đường từ Việt Nam đi qua ngả Trung Quốc.

Ông cho biết một số lao động Việt Nam đã ra đi ‘trót lọt’ đến Đài Loan nói với ông rằng họ "đi vượt biển từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc)".

"Hiện có nhiều đường đi, từ miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, họ sẽ đi xe buýt đến cửa khẩu, rồi từ đó có người đón", Linh mục Hùng từ Đài Loan nói với BBC New Tiếng Việt.

"Họ phải leo núi nữa, rất nguy hiểm, và phải mất thời gian rất lâu".

"Sau khi leo núi, họ đến được Trung Quốc thì bên đó có đường dây, đưa về một địa điểm. Khi chồng đủ tiền thì họ đưa những người này đi bằng ghe, tàu sang Đài Loan".

"Những người muốn đi chỉ trả một số tiền, rồi ngồi trên ghe. Sau đó có tàu chở ra biển và có ghe từ Đài Loan ra nhận. Nếu xuôi lọt thì không sao, nếu không thì họ phải xuống biển để bơi", Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.

"Từ các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua Trung Quốc rất gần. Những ngả đường mà họ đi leo núi sang Trung Quốc cũng đã có nhiều người đi rồi. Thành thử ra người trước nói với người sau. Ngoài ra họ có đường dây tổ chức nên có những chuyến đi thành công rồi, như ngày 14/04 cũng có một nhóm người vượt biên từ Việt Nam, và bị bắt. Những người này cũng đi tuyến đường vượt biên qua ngả Trung Quốc".

"Đa số người vượt biên đi bằng tàu, sau đó một số tàu cập bến, một số tàu sẽ không cập bến. Một số sẽ có thuyền cao su đến rước người vượt biên, hoặc có khi cách bờ 1-2 km họ sẽ thả người vượt biên xuống để họ tự bơi vào bờ".

Nhiều người vẫn tiếp tục bất chấp vượt biển ra đi từ Việt Nam vì đời sống khó khăn nơi quê nhà, Linh mục Hùng nói. Chi phí cho một hành trình như vậy là vào khoảng 200 triệu đồng, và đây được coi là tuyến đường dễ đi nhất.

Cũng có người chọn cách đi này bởi họ đã bị cấm sang Đài Loan do từng vi phạm luật pháp nước sở tại.

Tuy nhiên, Linh mục Hùng nói ông "chưa nghe thông tin về tuyến đường từ Phnom Penh đến Quảng Tây".

Đài Loan: Người Việt chết đuối khi nhập cư lậu?

clip_image010

Chụp lại hình ảnh: Từ Đài Loan, Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết đa số lao động Việt Nam trái phép chọn ngả qua Trung Quốc vì hai lý do chính, đó là vì tương đối dễ đi và đã có nhiều người đi ‘trót lọt’ trước đó. NGUỒN HÌNH ẢNH: LINH MỤC NGUYEN VAN HUNG

Cuộc sống của lao động bất hợp pháp

Không chỉ đến bằng ngả nhập cảnh lậu, nhiều người tới hợp pháp nhưng vì những lý do khác nhau đã trở thành người sống ngoài lề pháp luật trên hòn đảo này.

Theo Radio Taiwan International dẫn số liệu từ Sở Di trú Đài Loan (National Immigration Agency), tính đến đầu tháng Tư, có 82.000 lao động mất liên lạc tại Đài Loan.

Trong số này, người Việt Nam chiếm 60%, Đài truyền hình PTS của Đài Loan tường thuật.

Ngoài ra, cũng có người chọn cách tới Đài Loan bằng visa du lịch rồi trốn ở lại.

Dù là bám trụ bằng thân phận nào, thì cuộc sống của họ cũng đều không mấy dễ dàng.

Ngoài câu chuyện của Phi, bộ phim tài liệu của đạo diễn Thái Sùng Long có cảnh những lao động trái phép Việt Nam chết cháy khi lưu trú tại những khu ký túc xá tạm bợ và trái phép ở gần các công trường xây dựng.

Bộ phim cũng nhắc tới lao động bất hợp pháp người Việt Nam Hoàng Thanh Quân bị chấn thương sọ não sau khi ngã từ một công trình xây dựng, nhưng theo phía cảnh sát Đài Loan cho rằng Quân đã nhảy để thoát thân…

Đạo diễn Thái cho BBC News Tiếng Việt biết hiện nay có các nhóm lao động Việt Nam bất hợp pháp đi lên rừng khai thác gỗ lậu và đã có trường hợp tử vong, thi thể bị phát hiện trong rừng. Ngoài ra ông cũng đề cập đến vấn đề lao động trái phép Việt Nam sử dụng ma túy.

Bất chấp

Lý do chính khiến nhiều người chọn đi làm bất hợp pháp là vì thu nhập, theo Linh mục Hùng.

“Lao động phải trả tiền thuế, tiền khám sức khỏe, tiền phục vụ cho công ty môi giới Đài Loan, 2.000 USD trong ba năm, tiền bảo hiểm lao động, tiền làm giấy cư trú… tính ra số tiền bỏ ra cũng cao".

"Người làm bất hợp pháp có thể một ngày kiếm được 100 USD. Trong khi đó người hợp pháp kiếm cùng số tiền thì lại bị trừ các loại tiền thuế, khám sức khỏe, do đó trốn ra ngoài làm thì lợi cho hơn. Họ có thể làm một năm mà kiếm được tiền tương đương ba năm trong hợp đồng”.

Cạnh đó còn có một số lý do khác nữa khiến nhiều người đang làm việc hợp pháp quyết định bỏ trốn, Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, như một số lao động nữ bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục, hành hung không ai giúp đỡ, hoặc bị môi giới dụ dỗ trốn ra ngoài đi để làm nhiều tiền hơn, hứa hẹn họ không bị làm nhục nữa…

"Ngoài ra cũng có những người qua Đài Loan phải đổi người chủ giữa chừng, rồi sau đó họ không có chủ thuê, thì quá hạn visa thì họ phải làm việc bất hợp pháp. Hoặc những người bị đuổi việc, không về Việt Nam, trốn ra ngoài. Hoặc có người vi phạm luật pháp, phải ra tòa như đánh giết nhau… nên phải trốn ra ngoài…", ông nói.

clip_image012

Chụp lại hình ảnh: "Tôi không thấy dấu hiệu lạc quan nào để cải thiện tình hình", đạo diễn Thái Sùng Long (áo xanh) nói với BBC. NGUỒN HÌNH ẢNH: TSAI TSUNG-LUNG

Đạo diễn Thái Sùng Long cho biết trong 30 năm qua, đã có nhiều thảm kịch về lao động trái phép của Việt Nam xảy ra.

Ông cho biết: "500.000 công nhân nhập cư ở Đài Loan không có nhiều quyền lợi. Dù tình trạng có được cải thiện, nhưng chính phủ không quan tâm nhiều đến lao động nhập cư".

"Tôi không thấy dấu hiệu lạc quan nào để cải thiện tình hình. Từ những năm 1990 đã có những quan ngại thì hiện nay vẫn còn các vấn đề giống nhau. Thời gian làm việc là ba năm, họ phải làm việc không ngừng nghỉ để trả nợ. Lao động nhập cư không cần biết tiếng Trung, chỉ cần trả tiền cho môi giới là đến được Đài Loan, mất chắc 5-6.000 USD. Môi giới thì rất muốn lấy tiền".

"Vấn đề lớn thứ hai là lao động không thể đổi chủ trừ phi bị xâm hại nghiêm trọng như xâm hại tình dục".

"Đây là hai vấn đề lớn chưa bao giờ được giải quyết ở Đài Loan từ thời thập niên 1990 đến nay. Còn người dân thì lại không quan tâm, vì rào cản ngôn ngữ nên họ không hiểu được tình trạng của người lao động bỏ trốn".

"Lựa chọn duy nhất của Quốc Phi là phải bỏ chạy, và anh ấy đâu phải là trường hợp đầu tiên. Có 50-60.000 công nhân bỏ trốn mỗi năm".

"Thảm kịch như Nguyễn Quốc Phi còn có thể lặp lại nữa nếu tình hình không có sự thay đổi", đạo diễn Thái Sùng Long nói với BBC.

clip_image014

Chụp lại hình ảnh: Đạo diễn Thái Sùng Long quay trở lại hiện trường nơi lao động Nguyễn Quốc Phi bị cảnh sát Đài Loan bắn chết vào năm 2017 gần một con sông, tại huyện Tân Trúc trong bộ phim tài liệu ‘Ngàn dặm trần ai’. NGUỒN HÌNH ẢNH: TSAI TSUNG-LUNG

"Nếu một mai trên đường đời vấp ngã, xin mẹ hiền hãy thứ lỗi cho con…".

Nguyễn Quốc Phi từng viết như thế trên trang Facebook cá nhân. Đây cũng là dòng thông điệp kết thúc phim.

Phi phải bỏ mạng nơi đất người, liệu đó có phải hoàn toàn chỉ do lỗi của anh?

Một lao động Việt ở Đài Loan bị ‘bỏ mặc cho chết’

Đài Loan: Phát hiện bảy người Việt Nam trong số 20 thi thể trôi dạt trên biển

Phim ‘Ngàn dặm trần ai’ đã được công chiếu tại Anh quốc để nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề lao động nhập cư tại Đài Loan.

Ngoài ra, ông Thái Sùng Long mong muốn bộ phim tiếp tục được chiếu rộng rãi tại Việt Nam, Philippines…

H.T.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Người Việt bốn phương. Bookmark the permalink.