Nhân 10 năm tủ sách tâm lý học giáo dục Cánh Buồm: Lại nhớ về ông anh Phạm Toàn

Hoàng Hưng

Không thể quên những ngày đêm nằm cùng buồng ở ngôi nhà cấp 4 ven Hồ Tây mà anh thuê, 10 năm trước, bắt đầu “nghiệp” cuối đời do anh rủ rê vào! Dịch sách Tâm lý học Giáo dục cho Cánh Buồm! Ngoại đạo mà bập ngay vào tác giả hóc nhất (Jean Piaget), với tác phẩm loại hóc nhất mà cô giáo dạy tiếng Pháp thời nhỏ của mình (cô Đỗ Thị Xuân) nguyên là sinh viên của thầy Piaget từ Thuỵ Sĩ về cũng mở to mắt: “Cậu liều đấy!”.

Thế mà đã 10 năm!

Tất cả là do tình anh em với ông anh đấy, anh Toàn!

Kỉ niệm đầu tiên nhớ được là lần nhờ anh dịch một bài gì đó ra tiếng Pháp cho báo Người Giáo viên Nhân dân vì một công vụ đối ngoại của báo! Anh làm rất nhanh như tôi luôn luôn thấy từ đó đến cuối đời anh, làm gì cũng rất nhanh, con người của cảm hứng! Kể cả trong những việc đòi lí trí rất cao như soạn chương trình dạy học, sách giáo khoa! Và nhuận bút được chuyển ngay thành bữa thịt chó – món đặc sản cao cấp nhất của Hà Nội trước 1975 – cỗ 4 người: Châu Diên – Dương Tường – Nguyễn Xuân Khánh – Hoàng Hưng!

Không quên được những bữa cơm chiều ấm cúng, những buổi tối thân yêu dưới mái tranh nhà tập thể trong khuôn viên trường Chu Văn An, bàn chuyện văn chương với anh trong khói thuốc lá trà tàu, trong khi bà chị hiền lành với cô con gái mới lớn mắt một mí sau bữa cơm rau lại cặm cụi lặng lẽ gấp xếp gia công thứ gì đó để kiếm vài đồng cắc…

Hồi đó tôi chơi với Châu Diên nhà văn, chưa biết gì về nhà giáo Phạm Toàn, mặc dù anh đã đoạt giải thưởng Unesco về công trình dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Và nổi tiếng ở Bộ Giáo dục là kẻ “không coi ai ra gì” hì hì. Tôi bị ám ảnh đến tận bây giờ về những truyện rất ngắn của anh, trong đó có truyện về ổ trứng rắn mà lũ trẻ ngây thơ nhặt được đem về ấp, tưởng là trứng chim! Sự vỡ mộng cay đắng là tâm trạng gắn kết những người tử tế chân thành mà tôi là bạn vong niên! Sự vỡ mộng nhiều khi tôi chứng kiến nó biến thành những lời châm chọc độc địa của anh trong bữa rượu ngay cả giữa bạn bè, và không chỉ một lần anh kêu lên với tôi khi hai anh em nằm bên nhau: “Anh chỉ muốn tự tử Hưng ơi!”

Bẵng đi rất lâu từ khi tôi chuyển vào Sài Gòn và gặp nạn.

Đầu những năm 1990, anh đến nhà tôi trong một chuyến đi huấn luyện giáo viên Sài Gòn dạy chương trình Văn-tiếng Việt mà anh soạn cho hệ thống trường Thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại. Anh sôi nổi, trẻ trung chưa từng thấy! Anh hào hứng, say sưa đến mức tôi phải đề nghị anh giúp tôi ngay một bài cho báo Lao động về đường lối giáo dục mới mẻ này mà anh tâm đắc với họ Hồ! Và bài viết ra mắt dưới hình thức: Thuận Thiên của báo Lao động (bút danh của tôi) “thực hiện” phỏng vấn “GS Hồ Ngọc Đại” !!! (mục “Thuận Thiên thực hiện” mà anh rất khoái, đã trở thành cái nhãn báo chí từ hồi Lao động Chủ nhật ấy, nay thì khắp nơi dùng từ “thực hiện”). Tôi biết đến những khẩu hiệu “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” từ đấy!

Một Châu Diên đầy nghịch lý, khắc khoải bỗng trở thành một Phạm Toàn đầy sức mạnh, tự tin và kiên trì, quyết liệt như một nhà truyền giáo có Đức Tin, một charismatic leader! Anh đã tìm ra lẽ sống của mình và truyền lẽ sống ấy cho mọi người mà anh tiếp xúc! Cũng như nhiều người, cả trẻ lẫn già, cuối cùng tôi không thể cưỡng lại sự lôi cuốn của anh xuống con thuyền mà anh là CÁNH BUỒM! Nhiều lúc, tôi thấy anh không khác chàng trai Nguyễn Ái Quấc ở Paris đến bất cứ nơi nào nhân dịp nào đều lôi mọi người về câu chuyện của mình! Chàng Quấc lôi người ta về chuyện An Nam tìm đường giải phóng, chàng Toàn thì lôi về chuyện… Cánh Buồm đưa giáo dục Việt Nam thoát chốn ao tù!

Xem bộ phim Mỹ “Dead Poets Society” (Hội các nhà thơ đã chết), nhân vật thầy giáo John Keating đứng lên bàn khuấy động lớp học, cho học sinh xé hết sách dạy về Thơ, thay bằng việc cho học sinh tự lên nói về bài thơ theo ý mình, ông thầy được học sinh tiễn biệt bằng bài thơ “Oh Captain! My captain” (Ôi thuyền trưởng của tôi – thơ Walt Whitman), tôi nghĩ ngay đến anh.

Xách ba lô xuống thuyền Cánh Buồm, hành trang thích hợp ở tuổi 70 của tôi chỉ có… kinh nghiệm dịch thuật! Nên tôi nhận dịch sách về tâm lý học giáo dục, trước nhất là cho các thuyền viên tham khảo, sau là phổ biến trong giới giáo dục để… họ hiểu cơ sở lý luận của Cánh Buồm!

Anh nói tôi nên dịch 3 cuốn lý luận mở đầu của Jean Piaget, nhà tâm lý học Thuỵ Sĩ, hàng đầu thế giới thế kỷ 20. Tôi nhận lời mà không ngờ từ đó mình bước vào con đường gian nan, phải vừa học vừa dịch. Nhưng ngay khi đó, tôi đã quyết dấn thân vào hành trình mới mà mình đã chọn, hay là… bị anh dụ vào, nên tôi đề nghị NXB Tri thức cho ra đời Tủ sách TLHGD mang tên Cánh Buồm. Anh Chu Hảo Giám đốc NXB đồng ý ngay, và tủ sách được NXB Tri thức đỡ đầu suốt nhiều năm nay, cũng như đã đỡ đầu bộ sách giáo khoa Cánh Buồm, cho đến khi anh thôi chức thì người kế nhiệm, nữ giám đốc xinh đẹp Bích Hồng, vẫn tiếp tục ủng hộ.

Vì sao mở đầu bằng Piaget?

Phạm Toàn có lẽ là nhà giáo dục duy nhất ở Việt Nam kết hợp được từng trải trong thực tế dạy học 50 năm với nghiên cứu lý thuyết tâm lý giáo dục hiện đại của thế giới. Anh là người đầu tiên giới thiệu tổng quan những lý thuyết ấy trong cuốn “Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục”. Anh chịu ảnh hưởng rất rõ của Piaget, người đã làm thay đổi nền giáo dục thế giới vào những năm 1960 với lý thuyết phát triển nhận thức theo kiến tạo luận quan niệm rằng trẻ có thể tự xây dựng kiến thức về thế giới của chính mình ngay từ buổi sơ sinh. Phương châm chỉ đạo bộ sách Cánh Buồm chính là “learning by doing” (học bằng cách làm), mà anh sáng tạo thành ra việc cho học trò “đi theo con đường của nhà ngữ học, của nhà văn đã đi” trong môn Tiếng Việt, Văn.

Sáng tạo ấy đã gặp phản ứng của số đông các nhà lý luận ngữ văn và giáo dục, cho đến tận bây giờ, vì họ khăng khăng nó không phù hợp với học sinh nhỏ, nó “quá cao, quá khó”. Nhưng tôi đã chứng kiến thực tế cách anh dẫn dắt cho giáo viên trường tư thục liên cấp Olympia ở Hà Nội thực hiện phương pháp dạy tiếng Việt, Văn theo Cánh Buồm, tạo ra sự chuyển biến chấn động ở đây về nhiệt huyết dạy-học và thành tựu của học trò. Học sinh tiểu học tự xây dựng được các khái niệm ngữ học trừu tượng, viết được tiểu luận về Truyện Kiều, dịch được thơ…

Cũng bị nhiều người phản đối là chủ trương dứt khoát của anh: phân biệt dạy tiếng Việt (ngữ) là một công cụ ngôn ngữ phục vụ mọi mặt trong cuộc sống với dạy Văn là dạy một bộ môn Nghệ thuật (nghệ thuật ngôn ngữ) phục vụ sự xây đắp đời sống tâm hồn của con người. Đây có lẽ là quyết định ương ngạnh nhất của anh, bất chấp thực tế các nước tiên tiến đều “tích hợp” nếu không nói là “hạ tầm” môn Văn khi đưa nó vào bộ môn chung mang tên “English” (tiếng Anh) hay “Français” (tiếng Pháp). Tôi đồng cảm với quyết định này, vì hiểu rằng anh về bản chất sâu xa là một người viết văn, một nghệ sĩ làm giáo dục! Và tôi… cũng thế. Vừa mới dịch Bruner, nhà tâm lý học hàng đầu của Mỹ và thế giới, tôi cảm thấy quan điểm giáo dục của ông cũng thấm đẫm tinh thần nghệ thuật, vì ông coi giáo dục là xây dựng văn hoá, là hướng dẫn người học “tạo nghĩa” cho thế giới (“Những thế giới trong tâm trí” – Actual Minds, Possible Worlds).

Con người Phạm Toàn có sức quyến rũ không cưỡng được vì sức sống, sức làm việc, lòng say mê và sự hồn nhiên, vô tư của anh. Hầu như ai nhờ gì anh cũng giúp tận tình, nhất là… các em/cháu gái (hihi). Làm sao quên những đêm nằm cùng buồng với anh, cứ vài giờ lại thấy anh rên rỉ vì chuột rút đau điếng, rồi ngồi dậy ra bàn mở máy làm việc… Những chiều chiều ra bờ Hồ Tây, ngồi trên ghế đá nhìn đăm đắm về phía hoàng hôn, cả hai không nói, nhưng như hiểu hết lòng nhau, buồn và hy vọng…

Anh đã đi xa gần 4 năm! Các đệ tử của anh vẫn miệt mài đưa tinh thần Cánh Buồm vào những cơ sở giáo dục khác nhau. Tủ sách TLH GD mang tên Cánh Buồm đang chuẩn bị 2 đầu sách thứ 11, 12 kỷ niệm 10 năm thành lập!

Anh ngó xuống và vui cùng các em các cháu anh nhé!

  Có thể là hình ảnh về 2 người

Ảnh: Phạm Toàn và các chiến hữu trong một tối hội thảo sách Cánh Buồm ở Viện Pháp Hà Nội

H.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cánh Buồm, Giáo dục, Hoàng Hưng, Phạm Toàn. Bookmark the permalink.