Điện hạt nhân sát biên giới ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Theo Tân Hoa xã, địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân là ở Bạch Long Vĩ trên bán đảo Giang San, thuộc Phòng Thành (Bạch Long Vĩ này không phải là đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam, nằm ở cuối bán đảo Giang San, trên vịnh Bắc Bộ). Tôi xem trên Google map thấy địa điểm này cách Móng Cái chừng 30km theo đường chim bay. Tân Hoa xã loan tin xây dựng nhà máy điện hạt nhân này từ tháng 12 năm 2006. Vậy mà theo báo Thanh niên, chính quyền tỉnh Quảng Ninh mới biết thông tin này cách đây 3 tháng. Rõ ràng truyền thông Việt Nam đã làm không tốt trong việc đưa tin, không thấy đưa tin này ngay từ năm 2006 (hay là tôi không biết, đã bỏ sót tin?). Không rõ Chính phủ Việt Nam biết tin này được bao lâu? Nếu Chính phủ biết tin này từ lâu thì tại sao lại không thông báo cho tỉnh Quảng Ninh biết sớm? Nếu Chính phủ mới biết tin này thì rõ ràng Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc có vấn đề trong thu thập tin tức, và cả cơ quan tình báo của Việt Nam cũng có vấn đề trong thu thập tin tức.

Công nhận Trung Quốc chơi trò độc thật. Xây nhà máy điện hạt nhân như vậy thì có khác gì triển khai vũ khí hạt nhân ngay ở biên giới. Trung Quốc chỉ cần hy sinh tỉnh Quảng Đông là cả miền Bắc Việt Nam coi như đi tong. Đúng là một kế sách lợi ba bốn đường. Vừa có nhà máy cung cấp điện cho nền kinh tế Trung Quốc, vừa có thể bán điện cho Việt Nam, vừa đe dọa Việt Nam, vừa không mang tiếng triển khai vũ khí gì, chỉ phát triển kinh tế (thực tế triển khai vũ khí chiến lược hướng về Việt Nam là điều không thể bởi vì làm như vậy là xếp Việt Nam vào diện thế đối đầu, một chính sách mà Trung Quốc không thể làm trong tình hình hiện nay). Nghĩ cũng thật khổ cho Việt Nam, mấy năm nay tính tính toán toán tìm địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân sao cho cách xa vùng trung tâm và đông dân, thì bây giờ Trung Quốc xây sát nách luôn, đâu cần biết có xa vùng trung tâm và đông dân của Việt Nam. Giải quyết thế nào bây giờ? Nếu Chính phủ Việt Nam dẹp được kế hoạch này của Trung Quốc thì tôi bái phục.

Blogger Đông A

Trung Quốc vừa thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Phòng Thành (Quảng Tây), cách biên giới nước ta (Móng Cái, Quảng Ninh) khoảng 60 km. Việc này có ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Mời độc giả đọc bài viết của GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt.

Trung Quốc đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) tại Phòng Thành, trên bờ biển Vịnh Bắc Bộ, cách thị xã Mông Cái khoảng 60 km về phía Đông. Dự kiến tại đây sẽ có sáu lò phản ứng (giai đọan đầu hai lò) loại nước ép, công suất mỗi lò 1080 mê ga oát (MW), theo công nghệ CPR-1000 thuộc thế hệ II+, nguyên bản từ công nghệ Pháp – Mỹ đã hoàn thiện từ những năm tám mươi thế kỷ trước, nhưng được Trung Quốc nội địa hóa đến hơn 80%. Dự kiến nhà máy sẽ phát điện vào năm 2014.

Trung Quốc bắt đầu vận hành NMĐHN từ năm 1994, tính đến tháng 4 năm 2010 đã đưa vào hoạt động 11 lò với tổng công suất 8500 MW. (Xin lưu ý: Việt Nam ta chủ trương từ 2020 đến 2030 sẽ đưa 13 lò vào hoạt động với tổng công suất 15000 MW!). Mặc dù là một cường quốc hạt nhân, nhưng vì đi sau nên họ nhập hầu hết các loại công nghệ nguồn từ Mỹ, Nga, Pháp, Canada để học hỏi những cái hay từ từng công nghệ, đào tạo đội ngũ nhân lực đa dạng, qua đó chọn một công nghệ thích hợp để tìm cách nội địa hóa rồi tiến lên thương mại hóa thành công nghệ của mình.

CPR-1000 hiện đang trở thành dòng công nghệ chính, hàng chục lò nữa đang và sẽ được xây dựng. Nhưng rồi đây họ sẽ nội địa hóa công nghệ tiến tiến hơn thuộc thế hệ III theo kiểu AP-1000 của Westinghouse, Mỹ. Ngoài ra, từ hàng chục năm nay họ đang theo đuổi một công nghệ hoàn toàn bản địa theo kiểu lò phản ứng nhiệt độ cao làm nguội bằng khí.

Một nhà máy góc nhà máy điện hạt nhân Điền Loan, Trung Quốc. Ảnh SGGP.

Một nhà máy góc nhà máy điện hạt nhân Điền Loan, Trung Quốc. Ảnh SGGP.

Cách nội địa hóa ĐHN của Trung Quốc rất đáng học tập. Đó là tính nghiêm túc trong phát triển khoa học công nghệ, quán triệt từ trên xuống dưới, nói đi đôi với làm.

Trung Quốc đã, đang và sẽ xây năm, sáu chục NMĐHN, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Đông. Phong Thành là nhà máy đầu tiên thuộc khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Sắp đến sẽ có nhà máy trên đảo Hải Nam. Với một mật độ lò phản ứng dày đặc như vậy nằm trên đầu nguồn các khối khí lạnh lục địa thường xuyên kéo xuống nước ta về mùa đông, chuyện này quả là một nỗi lo nữa, tuy mới xuất hiện, nhưng ở tầm quốc gia, và sẽ rất dai dẳng. Đó là chưa nói đến trường hợp chất phóng xạ bị dò rỉ ra Vịnh Bắc Bộ, ngay trước cửa ngõ của chúng ta.

Ta hãy xem về mùa đông chất phóng xạ phát ra từ NMĐHN Phong Thành sẽ “chọn” con đường đi nào? Trở vào lục địa Trung Quốc hay kéo xuống phía Nam? Trung Tâm Nghiên cứu Đại dương và Khí quyển NOAA của Mỹ sẽ giúp ta tính toán các đường đi này. Hình minh họa ở đây được tính cho sáu tháng mùa đông năm 2006, mỗi tháng khoảng 15 đường. Rõ ràng, về mùa đông Việt Nam “hứng” khí phóng xạ từ NMĐHN Phòng Thành nhiều hơn Trung Quốc. Về mùa hè, khí phóng xạ có xu hướng đi vào lục địa nhiều hơn. Nhưng nên nhớ rằng do khí quyển phát tán mạnh hơn về mùa hè nên các sol khí phóng xạ tiêu tan rất nhanh. Ngược lại, về mùa đông sol khí phóng xạ sống lâu hơn nhiều.

Trên hình minh họa chỉ mới là đường đi (trong hai ngày) của các khôi khí xuất phát từ NMĐHN, nhưng chất phóng xạ do các khối khí ấy mang theo trên đường đi nhiều hay ít còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là cường độ phát thải từ nhà máy trong trường hợp hoạt động bình thường hay khi xảy ra sự cố. Xin nói ngay rằng nếu nhà máy hoạt động bình thường, thì trên nguyên tắc, khí phóng xạ không ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay đến người dân sống gần nhà máy như ở Mông Cái. Nhưng khi xảy ra sự cố ở các cấp độ khác nhau, vấn đề có thể sẽ hoàn toàn khác!

Cách nói như trên đủ thận trọng để có thể hợp ý với nhiều người trong giới hoạch định chính sách năng lượng lẫn các công ty kinh doanh ĐHN, song lại quá đơn giản và thiếu chính xác về mặt khoa học. Trên thực tế, các chất phóng xạ rơi lắng xuống đất, xuống biển, tích tụ lại trong các lớp trầm tích, mùn hữu cơ, động vật phù du…,  nơi khởi đầu các chuỗi thức ăn cho con người và động thực vật. Một năm, một lò phản ứng… có thể chưa đáng lo! Nhưng hàng chục năm với hàng chục nhà máy thì hậu quả sẽ khác hẳn, chẳng những có thể đo đếm được bằng thiết bị, mà còn tạo ra nguy cơ cho sức khỏe con người và nền kinh tế.

Có những chất phóng xạ thoát ra từ NMĐHN sẽ sống rất lâu, sau 30 năm mới tự phân rã một nửa, như Cs-137 (tích lũy vào mô thịt), Sr-90 (tích lũy vào mô xương). Chất Pu-239 còn sống lâu hơn, đến hàng nghìn năm. Chúng sẽ xâm nhập vào nguồn nước, thực phẩm, rau quả, hải sản, vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là ven biển Vịnh Bắc Bộ (xem hình). Về kinh tế, nguy cơ sớm nhất có thể xảy ra với một số mặt hàng lương thực thực phẩm xuất khẩu, vì ở đây tiêu chuẩn về độc chất phóng xạ vốn rất gay gắt.

Việt Nam cần phải làm gì?

Trước hết, phải xây dựng nghiêm túc hệ thống ứng phó khẩn cấp quốc gia để không bị động trong trường hợp xảy ra sự cố từ các NMĐHN Trung Quốc. Luật Hạt nhân đã quy định như thế. Nhưng khi soạn thảo và thông qua luật này, chắc nhiều người chỉ nghĩ đến NMĐHN của chính mình. Ngờ đâu chất phóng xạ không hề biết khái niệm biên giới quốc gia, và giờ đây ta phải thực thi nó không phải vì chính ta gây ra chuyện, mà do tác động từ bên kia biên giới.

Đừng để những người thích tuyên truyền “ĐHN an toàn tuyệt đối” làm cho chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Cứ cho là những tính toán xác suất về sự cố NMĐHN đúng đi nữa, thì nên nhớ rằng với xác suất xảy ra sự cố không bé của các lò thế hệ thứ hai, ta còn phải nhân nó thêm lên năm, sáu chục lần do có chương trình phát triển ĐHN ồ ạt ở ngay bên kia biên giới nước ta trong vài thập kỷ tới. Mà trong cách tính xác suất đó chỉ mới xét các yếu tố kỹ thuật, chưa hề kể đến tính “ẩu” của con người.

Thứ hai, phải xây dựng nghiêm túc hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường để theo dõi thường xuyên tác động của các NMĐHN Trung Quốc đến không khí, nước, đất, lương thực, rau quả, hải sản ở nước ta, nhất là miền Bắc. Việc này có thể đưa vào chương trình hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc vì nó thiết thân với chính Trung Quốc. Với tư cách là nước thiết kế công nghệ và vận hành nhà máy, hơn ai hết Trung Quốc phải quan tâm đặc biệt đến tác động đối với môi trường, cho dù môi trường ấy nằm ngoài lãnh thổ của họ.

Thứ ba, ta phải mời Trung Quốc ngồi lại thương thảo về tác động các NMĐHN của họ đối với nước ta. Việc này có thể thu xếp trong khuôn khổ pháp lý dựa trên cơ sở các hiệp định quốc tế về “Thông báo sớm các sự cố hạt nhân”, về “Trách nhiệm dân sự khi bị thiệt hại về hạt nhân”… do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA chủ trì có chữ ký của cả hai nước.

Nhưng để đủ sức nặng cho các cuộc thương thảo, giờ đây chính là lúc ta hãy cùng với họ đặt MƯỜI SÁU CHỮ VÀNG lên bàn hội nghị.

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-07-23-dien-hat-nhan-sat-bien-gioi-anh-huong-gi-den-viet-nam-

This entry was posted in Trung Quốc, xây dựng and tagged . Bookmark the permalink.