Thái Hạo
Dư luận đang vui mừng và cả xì xào về chuyện trao Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhà văn đã chết Nguyễn Huy Thiệp. Thực ra thì không mới. Năm 2007, 4 nhân vật thuộc hàng chủ chốt của Nhân văn – Giai phẩm được giải này thì có đến 2 người đã chết là Phùng Quán (1995) và Trần Dần (1997).
Theo tôi, cũng là điều tốt thôi, nếu người trao đã biết sai mà sám hối, sửa chữa; nhận cho họ cũng là một cách hàn gắn vết thương, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tuy nhiên, hình như không phải. Sau hơn 30 năm ròng rã đày đọa biết bao nhiêu con người trong hành hạ, khủng bố, bắt bớ, tù đày thì đến năm thứ 50 người ta trao giải. Tưởng đâu người đã “hòa hiếu thực lòng”, nhưng không, sau những gì đã gây ra cho Nhân văn – Giai phẩm thì “nhà nước” vẫn tiếp tục làm điều đó với những văn nghệ sĩ khác, cho đến tận bây giờ.
Định hướng, kiểm duyệt, bất công, bóp nghẹt tự do sáng tác…, tất cả vẫn còn đó. Chính Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn của “thời kỳ đổi mới”, nhưng cũng không tránh khỏi số phận long đong. Mới đây thôi, những người chủ trương Ban vận động Văn đoàn Độc lập cũng đã bị “mời” ra khỏi sách giáo khoa bằng một văn bản công khai. Suốt chiều dài của nền văn nghệ sau 1945, số lượng những văn nghệ sĩ là nạn nhân có lẽ khó mà thống kê cho hết được. Từ những buổi đầu như Quang Dũng, Hữu Loan, trải mãi tới bây giờ, không dứt. Rốt cuộc vẫn là “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Ai dám chắc rằng, những gì cứ lặp đi lặp lại trong suốt hơn 70 năm qua sẽ không còn lặp lại nữa ở ngày mai? Cần thái độ nào trước hành xử ấy? Không ai trả lời được, trừ chủ nhân giải thưởng hoặc người nhà chủ nhân giải thưởng.
“Bắt phong trần” thì thôi đành, còn “thanh cao”? Phải là không ai "cho" được!
Với tôi, để có một nền nghệ thuật với tự do sáng tác thì không thể cứ mở tiệc vì một cái xoa đầu ban ơn sau mỗi lần bị cho ăn đòn nhừ tử.
T.H.
Nguồn: FB Thái Hạo