Mạc Văn Trang
“Trái núi đẻ chuột” là thủ pháp viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Truyện của ông viết, mở đầu nghe rất là quan trọng, hoành tráng, tưởng chuyện tày đình, khiến người đọc phải tò mò, nhưng hoá ra cuối cùng chỉ là chuyện tầm phào chả có gì, chẳng hạn như truyện “Thám tử Anam”…
Tôi muốn mượn đề bài này để nói cảm tưởng của mình khi đọc bản Tổng quan của Tạp chí Tuyên Giáo về Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Là một trong những người nghiên cứu về đề tài “GIÁ TRỊ, ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ, GIÁO DỤC GIÁ TRỊ” (Chương trình KHCN cấp Nhà nước, XB 1996), nay tình cờ đọc được kết quả Hội thảo này, rất tò mò xem vấn đề phát triển mới ra sao.
Theo Tạp chí Tuyên Giáo, Hội thảo quốc gia lớn lắm. TG: “Ngày 29/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (Hội thảo). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế”.
Hội thảo có sự tham dự của hầu hết những quan chức các ngành liên quan, các giáo sư, nhà khoa học chuyên ngành trong toàn quốc.
Hội thảo diễn ra 2 ngày.
“Phiên Hội thảo thứ nhất: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới”.
Kết quả là, theo Tổng Bí thư đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
“Phiên Hội thảo thứ hai: Cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương”.
Thú thực, tôi rất tò mò và khiêm tốn học hỏi xem Hội thảo có gì mới, xác định những giá trị Gia đình, Con người Việt Nam, Quốc gia là những Giá trị gì và làm cách nào những giá trị đó thấm vào các tầng lớp xã hội.
Nhưng hoàn toàn THẤT VỌNG! Không thấy xác định rõ ràng các hệ giá trị; Không thấy cách giáo dục các giá trị như thế nào để thấm vào thành phẩm chất nhân cách mỗi con người Việt Nam thời kỳ mới? (Đã bỏ khái niệm: “Con người Việt Nam MỚI XHCN” – tốt).
Hội thảo càng hoành tráng, oai phong bao nhiêu càng “Trái núi đẻ chuột” bấy nhiêu!
Tôi xin hỏi.
1. Tại sao không hề kế thừa những giá trị đã tồn tại bao lâu nay trong xã hội? Chẳng hạn giáo dục truyền thống hun đúc CON NGƯỜI theo những giá trị: NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN đã hình thành biết bao NHÂN CÁCH con người Việt Nam cao đẹp làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Nay nên kế thừa những gì và như thế nào? Không thấy bàn đến? Hay vứt bỏ hết?
2. Giá trị GIA ĐÌNH không thấy nêu những giá trị: Yêu thương, Hiếu thảo, Hoà thuận…?
3. Giá trị QUỐC GIA quan trọng nhất được khắc bằng chữ vàng trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thấy nêu lên, đó là: ”Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”!?
4. Giá trị NGHỀ NGHIỆP rất quan trọng, không được đề cập. Nhà giáo, Bác sĩ, Luật sư, Doanh Nhân, nhà Khoa học, Nhà Nông… cần có những Giá trị gì là cốt lõi gì để làm nên NHÂN CÁCH NGHỀ NGHIỆP đặc trưng, bền vững?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý những giá trị này, như đối với QUÂN ĐỘI: “Quân đội ta TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN, NHIỆM VỤ NÀO CŨNG HOÀN THÀNH, KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA, KẺ THÙ NÀO CŨNG ĐÁNH THẮNG”. Đạo làm Tướng phải có: Nhân, Trí, Dũng, Liêm…
Đó không phải là Khẩu hiệu nhất thời mà là những Giá trị đặc trưng của Quân nhân được cụ thể hoá để dễ thuộc, dễ thực hành, đánh giá được.
Đối với CAND, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra 6 điều phải rèn luyện, thực hiện. Đó cũng là những Giá trị đặc trưng, được cụ thể hoá đúng với nghề nghiệp CAND:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Những Giá trị mà các QUAN CHỨC phải tu dưỡng là gì? Chả Cần dài dòng đến 19 điều đảng viên không được làm, chỉ cần vài ba giá trị là đủ.
5. Giá trị Con người Việt Nam thời kỳ MỚI và Giá trị QUỐC GIA phải đặt trong Hệ GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT của Nhân loại được UNESCO khuyến cáo. Hội thảo cũng không bàn đến vấn đề quan trọng này. Con người Việt Nam thời kỳ mới cần có những giá trị Công dân Toàn cầu mới có thể Hội nhập thành công. Giá trị Quốc gia cũng phải hoà hợp với Giá trị Phổ quát và Luật pháp quốc tế ra sao?
6. Vấn đề cốt lõi là GIÁO DỤC GIÁ TRỊ như thế nào thì không thấy bàn. Thế thì Hội thảo chỉ bàn cho vui, chứ chẳng đem lại kết quả thực tế nào!
Tóm lại Hội thảo Quốc gia
Mà đúng như là truyện Nguyễn Công Hoan.
M.V.T.
2/12/2022
Tác giả gửi BVN