Trung Quốc: Người dân biểu tình phản đối phong tỏa

Bình Phương

26 tháng 11, 2022

Thủ đô Bắc Kinh bị phong tỏa vắng lặng như một thành phố ma. Ảnh chụp một nhân viên kiểm dịch đi lấy mẫu xét nghiệm PCR theo danh sách định sẵn vào tối 25 tháng Mười Một 2022, khi số ca nhiễm COVID của Trung Quốc tăng đột ngột. Ảnh Kevin Frayer/Getty Images

Biểu tình đã bùng ra ở các thành phố và trường đại học trên khắp Trung Quốc vào tối thứ Bảy 26 tháng Mười Một do dân chúng ngày càng tức giận với các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc của đất nước. Một số người biểu tình ở Thượng Hải thậm chí còn hướng sự giận dữ của họ vào đảng Cộng Sản và lãnh tụ đảng Tập Cận Bình.

Các cuộc biểu tình còn thể hiện nỗi tức giận của dân chúng về một vụ hỏa hoạn ở khu vực Tân Cương hôm thứ Năm, làm chết ít nhất 10 người và chín người khác bị thương. Nhiều người Trung Quốc nói họ nghi ngờ các biện pháp phong tỏa theo chính sách “không Covid” đã ngăn các nạn nhân rời khỏi đám cháy, một thông tin mà chính phủ Trung Quốc phủ nhận.

Thảm kịch Tân Cương đã làm dấy lên những lời kêu gọi rộng rãi, yêu cầu bãi bỏ các biện pháp phòng chống COVID khắc nghiệt như phong tỏa đô thị và hạn chế di chuyển đã được thực hiện trong gần ba năm kể từ khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019. Người Trung Quốc đã chấp nhận biện pháp kiểm soát khắc nghiệt như vậy như một cái giá phải trả để tránh bệnh tật và tử vong mà Hoa Kỳ, Ấn Độ và các quốc gia khác phải chịu đựng. Nhưng sự kiên nhẫn của công chúng đã bị xói mòn trong năm nay khi các quốc gia khác, sau khi tiêm chủng vaccine rộng rãi cho dân chúng, đã quay trở lại cuộc sống như bình thường, cho dù tình trạng lây nhiễm vẫn tiếp diễn.

Chính sách “không COVID” cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Hàng vạn cửa tiệm, nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ khác phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng; hàng triệu công nhân và người lao động bị mất việc do các thành phố bị phong tỏa, hạn chế đi lại. Trong tuần trước, hàng nghìn công nhân một cơ sở sản xuất khổng lồ của tập đoàn Foxconn tại thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, chuyên lắp ráp điện thoại iPhone cho tập đoàn Apple đã biểu tình và đụng độ với cảnh sát, phá bỏ những hàng rào chướng ngại vật được chính quyền dựng lên để ngăn cản việc đi lại.

Sự bất mãn ngày càng tăng đang thử thách nỗ lực của ông Tập trong việc duy trì các quy tắc “không COVID”.

Nhiều cuộc biểu tình không thể được xác nhận ngay lập tức, nhưng tại Thượng Hải, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán khoảng 300 người tập trung tại đường Middle Urumqi vào lúc nửa đêm, mang theo hoa, nến và biển hiệu ghi “Urumqi, ngày 24 tháng 11, những người đã chết hãy yên nghỉ” để tưởng niệm 10 nạn nhân hỏa hoạn tại một tòa nhà chung cư ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương.

Một người biểu tình chỉ cho biết anh ta họ Triệu (Zhao) nói với hãng tin AP rằng một người bạn của anh ta đã bị cảnh sát đánh đập và hai người bạn khác bị xịt hơi cay. Triệu cho biết những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu như “Tập Cận Bình, từ chức, Đảng Cộng sản, từ chức”, “Bỏ phong tỏa Tân Cương, bỏ phong tỏa Trung Quốc”, “không muốn xét nghiệm PCR, muốn tự do”“tự do báo chí”. Triệu nói khoảng 100 cảnh sát đã đứng thành hàng, ngăn cản người biểu tình tụ tập hoặc rời đi, và các xe buýt chở thêm cảnh sát đã đến sau đó.

Một người biểu tình khác, chỉ cho biết họ của mình là Từ (Xu), cho biết có một đám đông lớn hơn với hàng nghìn người biểu tình, nhưng cảnh sát đã đứng trên đường và để những người biểu tình đi qua vỉa hè.

Các xa lộ thường đông đúc của Thượng Hải đã trở nên vắng vẻ suốt hai tháng do biện pháp phong tỏa chống COVID. Ảnh minh họa VCG/VCG via Getty Images

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại ít nhất ba trường đại học, theo các video trực tuyến mà báo The New York Times xác minh được. “Trước đây tôi cảm thấy mình là một kẻ hèn nhát, nhưng giờ phút này tôi thấy mình có thể đứng lên”, một sinh viên cho biết anh đến từ Tân Cương, nói trong một cuộc tụ họp tại khuôn viên của Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Nam Kinh miền đông Trung Quốc, nơi hàng trăm người giơ cao điện thoại của họ thay cho những ngọn nến.

Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng xảy ra tại Đại học Bắc Kinh và Đại học Công nghệ Vũ Hán, các video có thể kiểm chứng được cho thấy.

Thông tin và hình ảnh về các cuộc biểu tình đã bị xóa ngay lập tức trên mạng xã hội của Trung Quốc, điều mà đảng Cộng sản Trung Quốc thường làm để ngăn chặn những lời chỉ trích.

Tại khu vực Tân Cương bị kiểm soát nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình đã xảy ra ở thành phố Korla ở phía bắc từ khuya hôm thứ Sáu, ngay sau vụ hỏa hoạn ở Urumqi – thành phố bị phong tỏa hơn ba tháng nay theo chính sách “không COVID”. Nhiều người cáo buộc rằng những trở ngại do biện pháp phong tỏa đã khiến đám cháy trở nên tồi tệ hơn. Trong thời gian Tân Cương phong tỏa, một số nhà ở của dân đã bị chính quyền dùng dây xích khóa chặt từ bên ngoài và nhiều người ở Urumqi tin rằng cách phòng dịch quái đản như vậy có thể đã ngăn cản cư dân trốn thoát trong vụ hỏa hoạn hôm thứ Năm và số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều.

Sự tức giận bùng lên sau khi các quan chức thành phố Urumqi tổ chức họp báo về vụ cháy, trong đó họ dường như đổ trách nhiệm về những cái chết cho cư dân của tòa tháp chung cư.  Hàng trăm cư dân đã tập trung tại văn phòng chính quyền tỉnh, như đã thấy trong đoạn video xuất hiện trực tuyến vào tối thứ Bảy. “Hãy dỡ bỏ phong tỏa,” họ hét lên.

Với bộ máy an ninh rộng lớn của Trung Quốc, các cuộc biểu tình là rủi ro ở bất cứ đâu trong nước, đặc biệt là ở Tân Cương, nơi trong nhiều năm đã là mục tiêu của một cuộc đàn áp an ninh tàn bạo. Một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số phần lớn theo đạo Hồi khác đã bị giam vào một mạng lưới trại và nhà tù rộng lớn, gieo rắc nỗi sợ hãi bao trùm khu vực cho đến ngày nay.

Đọc thêm:

B.P.

Nguồn:  saigonnhonews.com

This entry was posted in Mặt thật Trung Quốc, Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.