Đôi lời với sinh viên Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Dương…

Đọc thư và xem những tấm ảnh của các em viết, dán ở khắp nơi trên quê hương mình (xem boxitvn.net, 21.7.2010), tôi đã khóc. Khóc vì trước mắt tôi dường như thế hệ trẻ đã tỉnh thức thật rồi. Trong suy nghĩ của tôi lâu nay, đó là điều quan trọng nhất. Mặc dù tôi chưa được dạy các em một giờ nào, nhưng cho phép tôi tâm sự bởi những điều được viết ra bằng tất cả đắng cay và nước mắt…

Từ lâu tôi đã nghĩ rằng thế hệ chúng tôi (trước hết là tôi, U60 – U70) đáng bị bỏ đi (mong các cụ, các bác đại xá). Bởi đó là thế hệ học hành thì chắp vá, kiến thức thì luộm thuộm, tư duy thì nửa tỉnh nửa mê. Còn lại, những ai đang ở trong bộ máy công quyền thì hầu hết đều thiển cận, tham lam, ích kỷ và… dốt nát. Sự công thần (vì đã vào tù, ra tội, nhiều huân – huy chương) đã biến họ thành những kẻ luôn vênh mặt trước dân, luôn tìm cách ăn chơi, vơ vét để “bù đắp” cho những tháng ngày khổ nhục vất vả. Kể ra thì cũng có thể thông cảm được phần nào, nhưng tai họa không dừng ở đó mà lại càng ngày càng phát tác tệ hại hơn, càng ngày càng đẩy dân tộc đến chỗ hiểm nguy hơn.

Tôi biết trông chờ vào ai nếu không phải là thế hệ trẻ? Tôi luôn luôn vững tin rằng các em sẽ là những người mới về tư duy, tình cảm; mạnh mẽ về ý chí, bền bỉ về nội lực. Có như thế đất nước mới có thể đổi thay.

Nền giáo dục của nước ta dưới chiêu bài đề cao tính khiêm tốn (!) đã đẩy nhiều thế hệ trẻ vào chỗ khuất lụy, ươn hèn. Làm sao có thể là SĨ khi lúc nào cũng khúm núm, một dạ, hai thưa? Tôi luôn nói với sinh viên rằng phải đứng thẳng, ưỡn ngực và ngẩng cao đầu trước mặt thầy một cách tự tin vì nếu không học cách đứng thẳng thì làm sao có thể thành SĨ được? Các em cứ mở chữ SĨ () ra mà xem: Nó chỉ có 3 nét nhưng viết cho ngang, cho thẳng, cho cân đối là khó vô cùng. Nét thứ nhất (tôi dẫn giải theo cố nhà giáo – Thầy của những người thầy, Cao Xuân Huy) là nét ngang để minh định rằng sĩ là thứ nhất (trong tứ dân sĩ, nông, công, thương). Nét đó cũng nói rằng phải biết công bằng, hài hòa (tất nhiên là rất khó, hầu như chẳng ai đạt được nhưng phải phấn đấu vì nó) trong cuộc đời; phải chuẩn mực trong cách đo – nhìn xã hội. Nét sổ nói rằng sĩ phải đứng thẳng trong đời, không được bẻ cong lưng trước bất kỳ sự sai trái nào. Hai nét ấy tạo nên chữ thập tức là vươn tới cái ước vọng 10 phân vẹn mười hay là kiến thức phải nhiều như 4 phương, tám hướng. Nét ngang dưới ngắn và nhỏ để khẳng định rằng miếng cơm, manh áo luôn ở thấp, không đáng gì so với trách nhiệm và bổn phận của sĩ. Cả 3 nét tạo nên hình dáng của một cánh chim bằng (máy bay bây giờ) ngụ ý nói sĩ phải vươn tới tự do trên bầu trời lồng lộng mà không phải chịu bất kỳ một sự ràng buộc vô lý nào (tự bản thân chữ sĩ đã là chuẩn mực, theo tinh thần thượng tôn pháp luật rồi). Nếu chúng ta che đi một nửa chữ SĨ, Thầy Cao Xuân Huy nhấn mạnh, là một nửa chữ Nhân () ẩn sâu vào bên trong đó.

Tôi dài dòng một chút như thế để bày tỏ rằng tôi tin thế hệ các em là những SĨ đích thực của giống nòi. Một khi các em thức tỉnh, không còn sợ hãi, không còn phải khom lưng cúi đầu nữa thì nhất định vận nước sẽ đổi thay. Làm sao chúng ta có thể bình tâm, làm ngơ khi viết hay nói về chủ quyền, vận mệnh dân tộc lại phải sợ hãi? Có thời đại nào, ở bất kỳ nước nào trên thế giới có chuyện đó không? Câu trả lời là không. Đừng vin vào sự “nhạy cảm” hay là quan hệ tế nhị giữa hai nước mà bắt trái tim của người dân thôi rỉ máu vì sự hiểm nguy của giống nòi. Tôi tin rằng tất cả những kẻ nào nhân danh bất kỳ “lý lẽ” nào để ngăn cản, cấm đoán lòng yêu nước, đều là kẻ thủ ác. Một người viết HS-TS-VN có thể bị trù dập. Một số làm thế có thể bị đe dọa, thậm chí bắt bớ. Nhưng, nếu tất cả thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay đều làm thế thì các vị lãnh đạo sẽ nhận ra rằng họ đã sai. Sai mà không sửa thì bị lịch sử đào thải. Đó là lẽ tất nhiên. Làm sao không bày tỏ lòng yêu nước khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt, đã chửi vào mặt quan chức Bộ Ngoại giao TQ rằng “mong các người để cho quân giải phóng tìm được mấy chỗ luyện quân ở vùng châu Á”(!)?!!! Thì ra, TQ đang tìm chỗ để luyện quân. Ai cũng rõ nếu những kẻ giặc phương Bắc ấy cần chỗ để “luyện quân” thì đích gần nhất, quan trọng nhất là mảnh đất – vùng biển nào! Sự u mê của không ít vị lãnh đạo đang đẩy tất cả gánh nặng sang vai các em. Phải nhận lấy và không thể từ chối là trách nhiệm, bổn phận của các em.

Các em đã mang đến cho tôi rất nhiều, và tôi viết những dòng này để nói lên lời cảm ơn. Một trái tim đã già héo và một tấm thân gầy đã mỏi mệt sẽ chẳng thể nào vui hơn khi thấy cháu con khỏe mạnh, quyết tâm, dũng cảm, thông minh và sáng tạo, đồng lòng. Trời mỗi ngày mỗi sáng. Cốc nước của vận mệnh dân tộc đang đầy một nửa. Trước khi đọc thư các em, tôi cứ nghĩ nó đang vơi một nửa. Đó là câu nói của Helmut Kohl, cựu Thủ tướng Đức. Một lần nữa, xin được cảm ơn các em.

HVT

Huế, 21.7.2010

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa. Bookmark the permalink.