Vì sao từ chối mua điện trong nước?

Triệu Tử Long

(VNTB) – EVN chấp nhận sang Lào để mua điện, còn điện do tư nhân Việt Nam sản xuất thì lại bị chê… (*)

clip_image002[1]

Đập thủy điện Xayaburi của Lào trên sông Mekong

Hồ sơ vụ việc tóm lược như sau: Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV (gọi tắt là Dự án 450 MW) của Trungnam Group là dự án đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Dự án có 277,88 MW được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh do nằm trong phạm vi 2.000 MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phần công suất còn lại hơn 172 MW chưa được xác định cơ chế giá.

Liên tiếp trong các tháng 9 và 10-2021, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã có Văn bản số 5441/EVN-TTĐ và Văn bản số 6375/EVN-TTĐ kiến nghị Bộ Công thương và Thủ tướng dừng khai thác phần công suất hơn 172 MW của Dự án 450 MW, bởi phần công suất này chưa được áp mức giá bán điện, chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Tới ngày 15-10-2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có Văn bản số 2018/ĐL-NLTT ý kiến: “Theo nội dung tại Văn bản số 5441/EVN-TTĐ, EVN đã ký Hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đề nghị EVN thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện đã ký và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”.

Trên cơ sở chỉ đạo đó, EVN cho rằng, việc tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá là chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý. Vì vậy, EVN đã họp với Trungnam Group cùng doanh nghiệp liên quan thông báo, từ ngày 1-1-2022, sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Phía Trung Nam cho biết do phần công suất chưa xác định giá bán điện chưa được thanh toán trong khoảng 22 tháng khai thác, cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm, dự án bị cắt giảm công suất phát liên tục kéo dài, song song với việc nhà đầu tư phải gánh chịu phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đã tác động rất xấu đến dòng tài chính của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn.

“Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay. Trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV do chính nguồn vốn của Trung Nam đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất”, phía Trung Nam cho biết.

Dự án 450 MW chỉ chiếm 8% trong quy mô truyền tải của doanh nghiệp, phần còn lại là truyền tải hộ các nhà máy điện khác trong khu vực và Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong trong tương lai. Trong hơn 1 năm vận hành vừa qua, chi phí truyền tải thu từ các nhà máy điện tham gia đấu nối, giải tỏa công suất qua hệ thống Trạm 500 kV Thuận Nam do Trungnam Group đầu tư đã lên hơn 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phía Trung Nam cũng cho biết trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500 kV Thuận Nam cho EVN, dự án này đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác tại Ninh Thuận với tổng sản lượng lên đến 4,2 tỷ kWh, tương ứng 360 tỷ đồng, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả nợ ngân hàng theo phương án tài chính.

Cũng cần nói thêm là trong hơn 12.000 tỷ đồng doanh nghiệp bỏ ra đầu tư, có gần 2.000 tỷ đồng đầu tư các hạng mục TBA 500 KV Thuận Nam và các đường dây 500 KV, 220 KV đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Các hạng mục này được Trungnam Group bàn giao cho EVN quản lý, vận hành với giá 0 đồng nhằm giải toả công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Thế rồi oái oăm ở đây là Bộ Công thương lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhập khẩu điện và phương án đấu nối các nhà máy thủy điện từ Lào về Việt Nam, với lý do “để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025, đặc biệt cho khu vực miền Bắc”.

Nói theo cách quen thuộc của văn phong tuyên giáo, thì càng không thể hiểu vì sao các dự án năng lượng tái tạo luôn bị làm khó ngay trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã thống nhất chủ trương phát triển kinh tế xanh.

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-nhap-khau-dien-tu-lao/

T.T.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Điện Việt Nam, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.