Tổng thư ký Nato Stoltenberg: “Giải pháp tốt nhất cho hòa bình là tăng cường trợ giúp quân sự cho Ukraine”

clip_image002

Tổng thư ký Nato Stoltenberg: “Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào sự trợ giúp của chúng ta”

WELT (von Christoph B. Schiltz):

Thưa ông Stoltenberg, tình hình Ukraine như thế nào sau sáu tháng kể từ khi nổ ra chiến tranh?

Jens Stoltenberg: Cuộc chiến tranh này giờ đây đã trở thành chiến tranh tiêu hao, cuộc chiến về hậu cần, cuộc chiến về ý chí chiến đấu. Do đó, điều quan trọng là các đồng minh NATO cần tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. NATO và các đồng minh không phải là một phần của cuộc xung đột. Nhưng chúng ta đang giúp đỡ Ukraine khẳng định quyền tự vệ, điều này được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. Tổng thống Putin đã phạm một sai lầm chiến lược to lớn. Ông ta nghĩ rằng có thể nắm quyền kiểm soát Ukraine trong vòng vài ngày. Putin đã thất bại trong việc này. Cuộc chiến đã diễn ra được sáu tháng và cũng không may, phía Ukraine cũng có những tổn thất nặng nề.

WELT: Theo ông liệu có hưu chiến trong mùa đông này không?

Stoltenberg: Hiện tại vẫn chưa thể dự đoán liệu có ngừng bắn vào mùa đông hay không. Các cuộc chiến tranh vốn dĩ không thể đoán trước được. Vì thế không nên suy đoán quá nhiều.

WELT: Theo phân tích của cái gọi là Bộ phận theo dõi hỗ trợ Ukraine thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IEW), trong tháng bẩy vừa qua các nước ở phía Tây Ukraine đã không cung cấp bất kỳ loại vũ khí mới nào. Phương Tây đã làm đủ chưa?

Stoltenberg: Chúng tôi nhận thấy mức tiêu hao trang thiết bị trong chiến tranh Ukraine rất cao, ví dụ như đạn pháo. Tuy nhiên, trong khi đó, Tổng thống Putin cũng đầu tư rất lớn về vật chất quân sự cho cuộc chiến này. Tôi kêu gọi tất cả các đồng minh NATO hãy hỗ trợ vũ khí cho Ukraine mạnh mẽ và khẩn trương hơn trước. Ukraine có ý chí tự vệ. Nhưng các lực lượng vũ trang của Ukraine cũng cần có phương tiện để làm điều đó, và chúng ta có các phương tiện. Các đồng minh NATO cần khẩn trương làm nhiều hơn nữa để Ukraine có thể tồn tại như một quốc gia độc lập có chủ quyền. Các đồng minh, bao gồm cả Đức, đã hỗ trợ Ukraine kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Công tác đào tạo, huấn luyện các lực lượng vũ trang Ukraine của các thành viên NATO như Mỹ và Anh đã tăng cường đáng kể khả năng tự vệ của Ukraine. Đó là lý do tại sao giờ đây Ukraine có thể bảo vệ thành công.

WELT: Điều gì sẽ xảy ra nếu không chuyển giao đủ các loại vũ khí cần thiết?

Stoltenberg: Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chúng ta. Đây là trách nhiệm của chúng ta phải giúp đỡ đất nước này. Điều này không chỉ quan trọng đối với Ukraine, mà đối với toàn bộ châu Âu.

WELT: Tại sao?

Stoltenberg: Nếu Tổng thống Putin thắng trong cuộc chiến này, thế giới sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn. Các quốc gia phương Tây sẽ dễ bị tổn thương hơn. Bởi vì Tổng thống Putin sẽ rút ra kết luận từ chiến thắng ở Ukraine rằng ông có thể đạt bất cứ điều gì chỉ cần sử dụng bạo lực quân sự. Tôi hiểu rằng việc trợ giúp Ukraine bằng các khoản tài trợ hoặc vũ khí đều phải trả giá. Tuy nhiên, cuối cùng cái giá của việc không làm gì sẽ cao hơn nhiều so với việc hỗ trợ Ukraine hiện nay.

WELT: Tuy nhiên, nhiều người ở châu Âu đang phải gánh chịu giá năng lượng cao do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Stoltenberg: Nga đang sử dụng một cách tàn nhẫn năng lượng như một thứ vũ khí chống lại Đức và tất cả các nước thành viên NATO khác. Nhưng cái giá mà chúng ta phải trả được tính bằng tiền. Đây là mức giá không thể so sánh với cái giá mà người dân Ukraine phải trả hàng ngày bằng biết bao sinh mạng.

WELT: Tâm trạng đối với các lệnh trừng phạt ngày càng bị nghi ngại nhiều hơn

Stoltenberg: Người Đức, giống như tất cả những người châu Âu, có thể sẽ trải qua một mùa đông khắc nghiệt, với giá năng lượng cao và lạm phát cao. Nhưng nguyên nhân của điều này là cuộc chiến tàn khốc của Putin. Ông ta sử dụng năng lượng như một phương tiện để gây sức ép với nước Đức và các nước châu Âu khác.

WELT: Tại sao sự hỗ trợ có hiệu quả của Đức cho Ukraine lại quan trọng?

Stoltenberg: Sự hỗ trợ của Đức đối với Ukraine là cực kỳ quan trọng vì Đức có một nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu. Với các nguồn lực của mình, Đức có thể hỗ trợ quân sự và tài chính đáng kể cho Ukraine. Việc ngăn chặn Tổng thống Putin là vì lợi ích của Đức và tất cả các đồng minh NATO. Chúng ta thể hiện tình đoàn kết với Ukraine và điều quan trọng là chúng tôi tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và thống nhất với tư cách là một liên minh. Tôi rất vui và biết ơn các khoản viện trợ quân sự và nhân đạo mà Chính phủ Liên bang Đức đã cung cấp cho đến nay. Nhưng chúng ta còn cần nhiều hơn thế nữa.

WELT: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan muốn làm trung gian tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiew. Ông có ủng hộ điều đó không?

Stoltenberg: Hòa bình là điều luôn luôn có thể. Nhưng đây là cuộc chiến tranh của Putin, ông ta tấn công một quốc gia dân chủ, có chủ quyền. Vì vậy, sẽ không có hai bên như nhau ngồi vào bàn đàm phán. Rõ ràng là: một bên là kẻ xâm lược và bên kia là nạn nhân của sự xâm lược. Cách dễ nhất để đạt được hòa bình là Putin ngừng tấn công Ukraine. Nếu ông ta làm như vậy, chúng ta sẽ có hòa bình. Tổng thống Putin phải chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức. Ông ấy đã bắt đầu cuộc chiến này vì thế ông ta có nghĩa vụ phải kết thúc nó.

WELT: Nhưng đó chỉ có thể là một giải pháp trên bàn đàm phán.

Stoltenberg: Cuộc chiến này rất có thể sẽ kết thúc tại bàn đàm phán, như Tổng thống Zelenskyy đã nói. Nhưng chúng tôi biết rằng kết quả của các cuộc đàm phán này còn phụ thuộc vào tình hình quân sự. Do đó, khả năng Ukraine đạt được một kết quả có thể chấp nhận được trong các cuộc đàm phán như vậy có liên quan mật thiết đến những thành công quân sự trước đó của nước này. Vì vậy, điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho một giải pháp hòa bình, đảm bảo sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu là hỗ trợ quân sự nhiều hơn nữa và ngay bây giờ, càng nhiều, càng nhanh và càng sớm càng tốt.

clip_image004

Bản đồ tình hình chiến sự hiện nay

Theo:

https://www.welt.de/…/Nato-Chef-Stoltenberg-Muessen-die

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

This entry was posted in NATO, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.