Cù Tuấn
Tổng thống Mỹ công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, nhưng quá trình chuyển giao vũ khí có thể mất vài tháng đến nhiều năm. "Mỹ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong thông cáo hôm 24/8 khi công bố gói viện trợ quân sự ba tỷ USD cho Ukraine, khoản hỗ trợ cao nhất trong 6 tháng chiến sự.
Lầu Năm Góc thông báo đợt viện trợ mới sẽ bao gồm 6 hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, 24 radar phản pháo, máy bay không người lái (UAV) Puma, hệ thống chống UAV mang tên Vampire và 310.000 viên đạn pháo. Gói viện trợ sẽ dùng ngân sách từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nguồn tiền được Quốc hội Mỹ phân bổ để chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào tình trạng dây chuyền chế tạo vũ khí, năng lực xuất xưởng và khả năng điều chỉnh thời gian biểu của nhà sản xuất. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói rằng mỗi khí tài sẽ có thời hạn bàn giao khác nhau, trong đó lâu nhất là hệ thống phòng không và radar. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl nói rằng một số khí tài có thể mất từ 1-3 năm để đến tay Ukraine. "Gói viện trợ này nhằm bảo đảm nhu cầu của Ukraine trong giai đoạn trung và dài hạn, nó không liên quan đến những cuộc giao tranh trong hôm nay, ngày mai hay một tuần tới. Nó sẽ có tác động đến khả năng phòng thủ của Ukraine trong một đến hai năm tới", Thứ trưởng Kalh nói.
Tổng thống Zelensky nói rằng một ga tàu ở tỉnh miền trung Dnipro bị tập kích khiến ít nhất 22 người chết trong Ngày Độc lập của Ukraine. "Tôi đã nhận thông tin về một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào ga tàu tại thị trấn Chaplyne ở tỉnh miền trung Dnipro. Đã có ít nhất 22 người chết và 50 người bị thương. Chaplyne là nỗi đau của chúng ta trong hôm nay", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu trên truyền hình đêm 24/8. Kyrylo Tymoshenko, trợ lý của Tổng thống Ukraine, sau đó thêm rằng Nga đã tập kích Chaplyne trong hai đợt, nhằm vào các ngôi nhà và ga tàu hỏa. Ông Zelenksy nhấn mạnh Moskva sẽ phải chịu trách nhiệm với mọi hành động tại Ukraine. "Chúng ta sẽ đánh đuổi đối phương khỏi lãnh thổ của mình, không để lại dấu vết nào của họ trên đất Ukraine", ông nói.
Quan chức Sushko do Nga bổ nhiệm ở thị trấn Mykhailivka, miền nam Ukraine, thiệt mạng sau khi chiếc xe của ông phát nổ vì bị gài bom. Quan chức chính quyền quân – dân sự tỉnh Zaporizhzhia, Vladimir Rogov, cho biết lãnh đạo thị trấn Mykhailivka Ivan Sushko đã bị thương nặng sau khi chiếc xe của ông phát nổ hôm 23/8. Ông Sushko sau đó qua đời tại bệnh viện. Mykhailivka là thị trấn có dân số khoảng 11.000 người ở Zaporizhzhia. Nga kiểm soát phần lớn tỉnh này. Cái chết của ông Sushko là vụ tấn công mới nhất nhằm vào các quan chức do Nga bổ nhiệm tại các khu vực lực lượng này kiểm soát tại Ukraine. Tại tỉnh Kherson lân cận, phó lãnh đạo thị trấn Novaya Kakhovka bị bắn chết tại nhà riêng hôm 6/8.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá lực lượng Nga "xuống cấp đáng kể" và tinh thần tại nhiều đơn vị đi xuống sau 6 tháng tham chiến tại Ukraine. "Tinh thần ở nhiều đơn vị trong quân đội Nga kém đi và lực lượng của họ xuống cấp đáng kể", Bộ Quốc phòng Anh nhận định trong báo cáo ngày 24/8, khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang tháng thứ 6. "Sức mạnh ngoại giao của Nga suy giảm và triển vọng kinh tế của họ ảm đạm. 6 tháng chiến dịch của Nga đã rất tốn kém và gây tổn hại về chiến lược", báo cáo có đoạn. Cơ quan này nhận định lãnh đạo Nga hồi tháng 4 "nhận thấy thất bại" của mục tiêu "lật đổ chính phủ Ukraine và kiểm soát phần lớn nước này", do đó chuyển sang các mục tiêu khiêm tốn hơn ở miền đông và miền nam Ukraine. "Đợt tiến công ở Donbass đang chỉ đạt được tiến bộ tối thiểu và Nga nguy cơ đối mặt với đợt phản công lớn của Ukraine. Nga đang bị thiếu vũ khí, phương tiện và nhân lực", Bộ Quốc phòng Anh đánh giá.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng Moskva cố ý giảm tốc độ tiến quân ở Ukraine nhằm hạn chế tối đa thương vong dân thường. "Quân đội Nga làm mọi cách để tránh gây thương vong dân thường, điều này tất nhiên sẽ làm giảm đà tiến công, nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm vậy", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói trong cuộc họp với những người đồng cấp thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm nay, đề cập đến tốc độ tiến quân chậm chạp của Nga ở Ukraine gần đây. Ông Shoigu cho rằng Nga "luôn thực thi quy định nhân đạo" trong chiến dịch quân sự tại Ukraine và các đòn đánh "đều sử dụng vũ khí chính xác cao", nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "chiến thuật tiêu thổ", tự phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra trở ngại ngáng đường đối phương, cũng như triển khai lực lượng tại những khu vực đông dân cư.
Theo Hãng tin Reuters, trong bài phát biểu xúc động nhân dịp Quốc khánh Ukraine (24-8) – ngày đánh dấu 31 năm Ukraine tách khỏi Liên Xô năm 1991, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với người dân nước này rằng Ukraine đã được tái sinh vào ngày Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine 24-2 năm nay. "Một quốc gia mới (tức chỉ Ukraine) đã xuất hiện trên thế giới vào lúc 4h sáng 24-2-2022. Quốc gia đó không được sinh ra, mà là tái sinh. Một quốc gia không khóc, không la hét hay sợ hãi. Một quốc gia không trốn chạy và không bỏ cuộc" – ông Zelensky cho biết. Nhà lãnh đạo 44 tuổi nói thêm: "Điều gì đối với chúng tôi là kết thúc của chiến tranh? Chúng tôi từng nói rằng đó là hòa bình. Nhưng bây giờ đối với chúng tôi, đó là một chiến thắng".
Thủ tướng Anh Johnson tới Ukraine nhân Ngày Độc lập và gửi lời chúc Kiev sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Moskva. "Ukraine có thể và sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột này", Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 24/8 nói khi tới Kiev gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky nhân dịp Ukraine kỷ niệm Ngày Độc lập. Ông Zelensky trao tặng ông Johnson Huân chương Tự do – hình thức vinh danh của Ukraine dành cho những người giúp củng cố chủ quyền đất nước. Chính phủ Anh cùng ngày công bố gói hỗ trợ mới 63,5 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 2.000 máy bay không người lái và đạn tuần kích. "Anh sẽ tiếp tục đứng về phía những người bạn Ukraine", ông Johnson, người sẽ rời ghế thủ tướng Anh trong hai tuần, viết trên Twitter.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đất nước của ông sẽ chiến đấu chống Nga "đến cùng" và không đưa ra "bất kỳ nhượng bộ hay thỏa hiệp nào". "Chúng tôi không quan tâm các ông có quân đội gì, chúng tôi chỉ quan tâm đến vùng đất của mình. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay phát biểu nhân ngày Quốc khánh. Ngày 24/8 cũng đánh dấu tròn 6 tháng Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Chúng ta đã giữ vững sức mạnh trong 6 tháng. Thật khó khăn nhưng chúng ta đã nắm chặt tay và đang chiến đấu cho số phận của mình. Mỗi ngày mới là một lý do để không bỏ cuộc. Sau hành trình dài như vậy, chúng ta không có quyền bỏ cuộc giữa chừng", Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết bà sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết, nếu bà trở thành thủ tướng Anh. Tại một sự kiện ở Birmingham ngày 23/8, người dẫn chương trình John Pienaar nêu kịch bản nếu trở thành thủ tướng, bà Liz Truss phải đối mặt với lựa chọn có cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân như "phương sách cuối cùng" hay không. "Điều này có nghĩa là hủy diệt toàn cầu. Nếu tôi ở trong vị trí đó, tôi sẽ cảm thấy rất bối rối. Bà nghĩ thế nào về nhiệm vụ đó?", ông Pienaar nói. "Tôi nghĩ đó là một nhiệm vụ quan trọng của thủ tướng, tôi sẵn sàng làm vậy", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhấn mạnh.
Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ hỗ trợ Ukraine bất cứ khi nào Kiev cần giúp đỡ trong cuộc xung đột với Nga. "Đức vẫn luôn ở bên Ukraine lúc này và bất cứ khi nào Ukraine cần", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong video đăng trên Twitter hôm nay. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng những thiết bị quân sự của châu Âu". Ông Scholz đưa ra bình luận sau khi chính phủ Đức ngày 23/8 thông báo cung cấp thêm hơn 500 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Các thiết bị quân sự sẽ gồm hệ thống phòng không IRIS-T, xe bọc thép, pháo phản lực, đạn chính xác và thiết bị chống máy bay không người lái. "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt với Nga, đồng thời hỗ trợ tài chính, giúp Ukraine tái thiết các thành phố, làng mạc bị phá hủy", ông Scholz nói thêm.
Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 23/8 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhìn ra "sự mệt mỏi và miễn cưỡng của người dân châu Âu khi phải gánh chịu hậu quả từ việc ủng hộ Ukraine". Ông Borrell cáo buộc Tổng thống Nga đang đặt cược rằng phản ứng đoàn kết của EU với xung đột ở Ukraine sẽ bị phá vỡ khi tình trạng giá cả tăng vọt ảnh hưởng tới người dân châu Âu. Quan chức hàng đầu EU cho biết khối này sẽ đối mặt những cái giá phải trả, đồng thời nhấn mạnh cần duy trì sự gắn kết của 27 quốc gia thành viên "từng ngày". Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hôm 29/7 công bố lạm phát tháng 7 của khu vực đồng euro ở mức cao kỷ lục là 8,9%. Tại Đức, lạm phát là 7,5% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát lên mức cao nhất 38 năm là 10,8%. Hungary, quốc gia được coi là ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU, đã nhiều lần chỉ trích lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva và cảnh báo châu Âu "tự bắn vào phổi".
Nhân kỷ niệm 31 năm ngày Ukraine độc lập khỏi Liên Xô (24-8), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bất ngờ gửi thông điệp chúc mừng Kiev, nói rằng những mâu thuẫn ngày nay không nên phá hủy mối quan hệ láng giềng lâu dài giữa hai nước. "Tôi tin rằng những mâu thuẫn ngày nay sẽ không thể phá hủy nền tảng hàng thế kỷ của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, chân thành, giữa nhân dân hai nước chúng ta", ông Lukashenko nói. "Belarus sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì sự hòa hợp, phát triển mối quan hệ hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau ở tất cả các cấp". Ông Lukashenko gửi lời "chúc người dân Ukraine có một bầu trời hòa bình, lòng khoan dung, lòng dũng cảm, sức mạnh và thành công trong việc khôi phục cuộc sống tốt đẹp". Trợ lý tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak sau đó lên tiếng chỉ trích lời chúc mừng của tổng thống Belarus. "Lukashenko thực sự tin rằng thế giới không nhận thấy ông ấy tham gia vào tội ác chống lại Ukraine", ông Podolyak viết trên Twitter. Trợ lý tổng thống Ukraine cũng nói thêm rằng ông Lukashenko sẽ nhận lại "hậu quả" với thông điệp chúc mừng nói trên.
Giới chức Đức nói rằng hoạt động viện trợ Ukraine đã chạm ngưỡng chấp nhận được với kho dự trữ vũ khí, từ chối đẩy mạnh hỗ trợ Kiev. "Hoạt động rút kho dự trữ khí tài để viện trợ Ukraine đã chạm ngưỡng chấp nhận được. Không có lý do để tăng cường cung cấp vũ khí từ các kho trong nước, không thể làm suy yếu quân đội thêm nữa", phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói hôm 22/8. Phát biểu được đưa ra sau khi ba nghị sĩ quốc hội Đức kêu gọi đẩy mạnh hoạt động viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời đề xuất ngành công nghiệp quốc phòng tăng sản lượng để bù đắp khoảng trống. "Năng lực tác chiến của quân đội Đức có thể xếp sau khả năng cầm cự của Ukraine trong tình hình hiện tại, bởi sự sinh tồn của Ukraine sẽ phục vụ lợi ích an ninh của Đức", nhóm nghị sĩ cho hay.
Nhân kỷ niệm 31 năm Ngày độc lập Ukraine, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi điện mừng. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, điện mừng Ngày độc lập Ukraine được gửi đến các lãnh đạo Ukraine trong ngày 24-8, cũng là ngày kỷ niệm 31 năm Ngày độc lập của Ukraine. Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi điện mừng tới Tổng thống Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện mừng tới Thủ tướng Denys Shmyhal, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi điện mừng tới Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện mừng tới Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, bán đấu giá siêu du thuyền 75 triệu USD của tỷ phú Nga Pumpyansky, sau khi tịch thu nó vì các lệnh trừng phạt với Moskva. Văn phòng lãnh đạo cơ quan hải quân của vùng lãnh thổ Gibraltar hôm 23/8 cho biết đã nhận 63 hồ sơ tham gia đấu giá du thuyền Axioma bị tịch thu từ tỷ phú Nga Dmitry Pumpyansky hồi tháng 3. "Người thắng đấu giá sẽ được cơ quan hải quân lựa chọn, nhưng thông tin chi tiết về người này cùng mức giá họ đưa ra sẽ được giữ bí mật. Thông tin chi tiết về giá trị bán ra của con thuyền sẽ được công bố sau khi giao dịch hoàn tất, có thể kéo dài khoảng 10 – 14 ngày", tòa án Gibraltar ra tuyên bố.
Tròn 6 tháng chiến sự Nga – Ukraine kể từ ngày 24-2, Liên Hiệp Quốc cho biết có 5.587 dân thường thiệt mạng và 7.890 người bị thương kể từ lúc chiến sự xảy ra. Ngoài ra có gần 18 triệu người Ukraine cần được hỗ trợ nhân đạo. Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết số thường dân chết ở Ukraine trên thực tế có thể cao hơn, vì xung đột vũ trang có thể khiến việc báo cáo các ca tử vong bị chậm trễ. Cơ quan này cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa vì mùa đông sắp đến. Hiện nay Ukraine đang mắc kẹt giữa nguy cơ khủng hoảng tài chính và mục tiêu trụ vững trên chiến trường, theo Financial Times. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán 55% dân số Ukraine sẽ sống trong cảnh nghèo đói vào cuối năm 2023, tăng đột biến so với tỉ lệ 2,5% trước khi xung đột xảy ra.
Ảnh 1: Hiện trường sau vụ tập kích thị trấn Chaplyne ở tỉnh miền trung Dnipro của Ukraine hôm 25/8. Ảnh: Reuters.
Ảnh 2: Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 24/8. Ảnh: Reuters.
C.T.
Nguồn: FB Cù Tuấn
Xem thêm:
Nổ rung chuyển Donbass, Ukraine giáng đòn lên Đoàn quân kiệt quệ Nga; Moscow có dấu hiệu đảo chínhHTD News / 25/8/2022
|