Bố đa đoan quá…

(Về trang phục Hiệu trưởng ĐHKT trong ngày lễ tốt nghiệp)

Nguyễn Huy Cường

clip_image002

Ảnh: Hai trong số những người ngồi đây đã tốt nghiệp đại học nhưng không “vượt cạn” được quá trình “xin việc” vì … nguồn điện đã cạn.

Như các bạn đã biết, khi “chơi” FB tôi chỉ ưu tiên cho khâu Chính sách, đôi khi giải trí chút chút (cũng bám vào đề tài chính sách) nên ít tham gia vào những vấn đề “nhớn” như câu chuyện Thầy Hiệu trưởng ĐHKT mặc gì đang ồn ã vừa qua.

Hôm nay tôi viết, cũng không phải vì chủ đề này mà vì tính “đa đoan” đã trở thành một thuộc tính của công dân mạng thời nay.

Trang FB của Nhà báo Hoàng Hải Vân có một status mang tựa đề “Ông ấy vi phạm gì?” khi viết về vụ này.

Bài viết này của ông, dù chỉ dừng ở một câu hỏi cụ thể là ông Hiệu trưởng kia vi phạm gì, thuần phong mỹ tục hay pháp luật nhà nước? nhưng có tới vài ngàn bình luận theo đủ cung bậc, trình độ, quan điểm, nghĩa là nó rối mù lên.

Tại stt đó tôi có comment một dòng ngắn: “Về lý, anh Hoàng Hải Vân đúng, về tình, cộng đồng mạng không sai”.

Lời bình đó cũng nhận được vài chục “Like”. Cảm ơn các bạn!

Không sai, nhưng mất trọng tâm.

Bài viết này tôi bám sát lời bình trên đây.

Về lý, anh Vân đúng 100%. Có một cách quy chiếu cụ thể mọi hành của vi công dân là họ được làm những gì pháp luật không cấm.

Việc ông Hiệu trưởng chỉ mặc một bộ sơ mi cộc tay sạch sẽ, lịch lãm hay chơi “nguyên bộ” kiểu vương tôn hoàng tử là bình thường.

Về tình….

Bắt đầu rắc rối.

Tình là gì?

Đồng tình,

Đồng cảm,

Ái tình,

Luỵ tình,

Cảm tình…

Xin dẫn một câu chuyện.

Tôi để tâm theo dõi vài trang facebook của một vài cựu chiến binh mà tôi biết rõ hết thân thế, quê hương, chức tước, quá trình, thành tích của mấy anh này, kể cả những vụ đảo ngũ hụt, những vụ ăn cắp…mini và kỷ luật vặt.

Thẳng thắn mà nói, nó thường thường, tầm thường, thị thường như hàng triệu quân nhân khác trong đó có tôi.

Có chăng điểm “khác” là cánh này hoạt khẩu, có chút thiên bẩm văn chương nên chiến tranh trôi qua gần 50 năm rồi họ vẫn…nổ súng được.

50 năm nay, những người có trình độ bình dân nhất cũng đã nhận ra cuộc chiến đó:

– Vinh quang đến đâu?

– Đau xót đến đâu?

– Bi kịch của dân tộc ở đâu?

– Tấm huân chương có mấy mặt?

– Những gương mặt oai hùng hồi ấy nay ra sao? Họ đang trở thành nhân tố phát triển đất nước hay đã xếp hàng một vào hoả lò?

Ấy vậy nhưng những cựu quân nhân kia đằng đằng năm chục năm nay chỉ một hơi hám khói lửa, đói khát, Trường Sơn, Đồng Dù, Củ Chi, bom đạn…

Một người đọc vô tư nhất cũng biết nếu “buông” đề tài chiến tranh, ngợi ca, thơ phú về chiến tranh là kiểu nhà văn này cạn chữ ngay.

Tại sao tôi viết chuyện này vào Stt hôm nay?

Thưa có lý do.

Ấy là một hai lần ông này đổi bút, viết qua đề tài khác, cánh thần dân của ông ta biến mất già nửa ngay!

Thì ra, trước đó họ “theo” ông chỉ vì họ ĐỒNG TÌNH, ĐỒNG CẢM với mớ khói lửa, máu xương mà thôi. Họ biến ông thành “Giám đốc bảo tàng khói súng”, cho dù thời thế đã bao nhiêu bể dâu thay đổi.

Nên họ đồng tình, đồng cảm, thậm chí họ yêu các ông chết mê chết mệt như yêu các anh hùng mã thượng với khói lửa, máu xương cơ!

Đó là sự “Đồng tình”

Cổ nhân nói: Trăm cái lý, không bằng một tí cái tình.

Vậy là khi nhìn thấy ông “quan đại học” kia bị “đốn hạ” bởi nhiều nhận định nặng về …cũng lại về tình, về cảm tính nên anh chị em ta dùng ngay cái phương tiện TÌNH ra để ghi tên mình vào danh sách phản đối.

Các bạn đâu biết cách dùng trang phục này không có gì lạ.

Nó có tiền lệ ở nhiều đại học bên châu Âu hàng trăm năm nay rồi, nay nếu quy “tội” thì ông Hiệu trưởng chỉ có cái tội “sao y bản chính” thôi, nhưng những tác giả trang phục nguyên bản kia chưa kiện cáo gì!

Đến đây tôi lại xin phép kể với các bạn một câu chuyện nhỏ của chính tôi:

Cách đây chừng gần mười năm tôi ngồi xem ti vi, thấy trên màn hình đang có cuộc thi và trình diễn nhạc cụ dân tộc.

Một thí sinh già, gương mặt hơi khắc khổ, chơi cây nhị cổ với dây ngân não nề như thời Kim Lân viết “Vợ nhặt”.

Đặc biệt, ông này mặc bộ comple, cà vạt trang trọng như bộ trưởng trên diễn đàn chính phủ.

Tôi gọi con trai lúc đó đang học lớp 11 hỏi “Này Ku, nhìn lên màn hình coi lố bịch không kìa?

Con tôi mất một phần tư giây liếc xéo lên màn hình rồi thủng thẳng nói “Sao bố đa đoan thế!”

Bố có biết ông nào sáng tạo ra cây đàn guitar lúc nào và khi ấy ông ta mặc gì không? Cần biết những nhạc cụ có dây xuất hiện trong các bản khắc có niên đại hơn 3.000 năm trước đây, trước cả thời chế ra vải mặc ở châu Á, có thể khi ấy ông ấy còn đóng khố ấy chứ?.

Tôi chết lặng và hiểu rằng, mình chính thực là kẻ “đa đoan”.

Câu chuyện hôm nay cũng na ná vậy.

Cái cần hiểu là:

– Lý lịch khoa học của ông Hiệu trưởng kia

– Thành tích đóng góp vào giáo dục, khoa học, kinh tế nước nhà như thế nào? Lẫy lừng hay vô dụng?

– Nhân cách đạo đức mờ nhạt, tối tăm hay sáng danh sáng hiệu, đáng ca ngợi?

Nếu tất cả ổn, thì câu chuyện “mặc gì” tuy có gai gợn nhưng không đáng bị lên án.

Chúng ta hãy dành một phút để hình dung hình ảnh Tổng thống Ukraine, bốn tháng qua, ở ngoài đường hoặc tiếp các VIP tầm thế giới, vẫn thường mặc tấm áo phông bình dân đến không thể đơn giản hơn.

Từ đây, thấy ông Hiệu trưởng và ông Tổng thống mặc gì, không quan trọng.

Nếu Đại học Kinh tế của ông sáng chế ra một bộ y phục lớn, trang trọng mà không phải vay mượn “mô tip” bên châu Âu thì có khi chỉ là hay hơn thôi!

Cái gì quan trọng?

Nếu tạm khoanh 15 năm rồi, ít nhất phải có 5.000.000 cử nhân cao đẳng, đại học và nghiên cứu sinh sau đại học qua các “lò” đại học, trong đó có ngôi trường của ông kia.

Nhưng, họ có được gì trong hành trang của họ? Khi 70% trong số này đi làm trong các liên doanh hoặc xuất ngoại, không thể dùng tấm bằng mỏng tang của họ được mà phải đi học các trường khác, ngành khác để học nâng cấp cho ngành học đã tốt nghiệp hoặc có khi còn phải nhập vào đội quân bán hàng đa cấp, thợ xây, thợ mộc hoặc chạy xe Grab!

Thậm chí, có cử nhân sau khi tốt nghiệp, được chiêm ngưỡng bộ trang phục Vương quyền kia lại về nộp hồ sơ vào trường dạy nghề học lại cho khỏi chết đói!

Cái đó mới là đáng nói!.

Nếu ngôi trường của ông mặc bộ đồ Vương quyền kia đào tạo được hàng trăm ngàn cử nhân giỏi giang hữu dụng, thì ông ấy mặc gì cũng được hoặc cứ nạm nửa ký kim cương vào mũ miện cũng không sao!

Khoảng năm 1999, tại KS Grand ở Sài Gòn (hồi ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Chủ tịch TP.HCM cùng có mặt) tôi được tiếp xúc với bà Phó Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg. Đất nước này là nền kinh tế phát triển, có GDP bình quân đầu người năm 2021 cao nhất thế giới, đạt mức 125.923 USD/người.

Họp báo xong nội dung chính tôi hỏi bà là nền giáo dục đại học của nước bà ra sao mà có lớp công dân tuyệt vời như bà vừa báo cáo?

Tôi ngạc nhiên khi nghe bà trả lời: Nước tôi không có trường đại học nào cả (!).

Công dân nước tôi tự chọn trường nào, của nước nào và học như thế nào để khi về nước đủ sức cạnh tranh với nhau, có sự phát triển tốt cho bản thân cũng như cho đất nước.

Đương nhiên, đất nước này sẽ không có những cuộc tranh cãi về bộ trang phục ghê gớm như xứ ta hôm nay!

Nào, anh chị em.

Ta bắt tay thân ái và quên béng chuyện này đi, để tâm về chuyện gì khác hữu ích hơn.

Ví như câu chuyện thần thoại tôi sắp viết về một ngôi trường mà bạn không thể tưởng tượng được: Ông Hiệu trưởng xách ba lô lên Tây nguyên chiêu sinh, chiêu luôn cả các em đã học đại học đang thất nghiệp về trường của mình. Nơi này, các thầy không chỉ đem cho các em tấm bằng mà cho các em cả một cuộc sống tốt.

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

This entry was posted in Giáo dục, Văn hóa lối sống. Bookmark the permalink.