Lưu Trọng Văn
4.400 tỉ tiền của Dân, mà Dân lại đang rất nghèo, ở Thái Nguyên, chỉ còn là đống sắt rỉ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẫn thờ đứng trước hoang tàn tệ hại ấy thốt lên: Xót ruột! Sốt ruột!
Nhà báo Đào Tuấn, người theo dõi "trận đánh"này kể lại:
"Năm 2007, Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại Luyện kim Trung Quốc (MCC) thắng thầu tại dự án trị giá 3.800 tỉ này. Theo hợp đồng: hơn 160 triệu USD, là giá trọn gói không thay đổi. Nhưng chỉ vài tháng, bọn Tàu quay xe, đòi “điều chỉnh“ thêm 138 triệu USD, đòi kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng EPC.
Và 11 tháng sau khi ký hợp đồng, sau khi được thanh toán tới 95% tiền mua sắm thiết bị với giá trị hơn 4.400 tỉ, MCC vẻ vang kéo quân về nước mà ko phải làm gì, và để lại một đống sắt vụn đúng nghĩa.
Suốt từ bấy, 4.400 tỉ giải ngân vẫn nằm đó, thù lù một đống".
Trong khi đó Đất nước của 100 triệu Dân đang và sẽ rất cần thép. Một nền kinh tế sẽ què quặt nếu công nghiệp cốt lõi là thép đì đẹt.
Làm sao mà không xót ruột với sốt ruột?
Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam được Bộ Công Thương nhìn nhận là khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường.
Bên cạnh đó, ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.
Làm sao mà không xót ruột với sốt ruột?
Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.
Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Vậy mà cả một công trình xây dựng nhà máy thép – quả đấm sắt 25 năm nay trở thành sắt… rỉ.
Làm sao mà không xót ruột với sốt ruột?
Nhưng thưa thủ tướng lẽ nào chỉ xót ruột và sốt ruột?
Trong đêm 27.7 tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống cho Hoà bình của Dân tộc, thủ tướng đã bật khóc, thì không thể chỉ "xót ruột và sốt ruột" được nữa, lúc này Dân tộc cần, yêu cầu, thậm chí buộc thủ tướng phải tỏ thái độ mạnh mẽ hơn.
Vâng, quá rõ ràng, chỉ xót ruột và sốt ruột chưa đủ. Phải căm giận, phẫn nộ. Căm giận, phẫn nộ những kẻ khốn nạn mất nhân tâm đã gây nên, đồng loã, tiếp tay cho "trận đánh" thảm bại này.
Có thể nói công trình nhà máy thép mở rộng Thái Nguyên là một thảm bại của Việt Nam trước bọn Trung Hoa Đỏ với cái lưỡi sói bẩn thỉu, tham lam, lừa đảo của chúng.
Nguyên do chính của thảm bại đau đớn nhục nhã này là do một lũ quân tướng đầu sỏ trực tiếp điều khiển "trận đánh" đã phản bội Dân tộc.
Thưa bác cả Trọng, bọn chúng chính là thế lực thù địch mà bác hay nhắc đến chứ đâu?
Chúng chỉ vì túi tham của mình đã tiếp tay cho bọn Trung Hoa Đỏ ăn cướp tài sản của Dân Việt, tàn phá Đất nước Việt mà không cần tiếng súng.
Bài học ở Thái Nguyên đó là cuộc xâm lược của Trung hoa đỏ không chỉ ở Biển Đông mà từ lâu đã kéo vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế Đất nước và trắng trợn huỷ diệt nó.
Chưa trắng mắt hay sao?
Lời khuyên của gã với thủ tướng:
Không thể phục hồi được đống sắt rỉ với công nghệ phủi ở Thái Nguyên đâu. Thép là công nghiệp hiện đại gắn sống còn với môi trường. Phục hồi đống sắt rỉ ấy với công nghệ cũ sẽ phải trả giá cho môi trường rất lớn. Chi bằng đấu thầu bán hết đống phế liệu ấy đi, liên kết với các nhà đầu tư công nghiệp thép hàng đầu thế giới xây dựng tổ hợp thép hàng đầu thế giới cho Đất nước.
Cái khó nhất là làm sao ngăn cho được bọn đầu trâu mặt ngựa phản bội Dân tộc nhan nhản, không cho chúng tiếp tục luồn lách điều hành các dự án kinh tế trọng điểm của Đất nước đây?
Khó! Quá khó! Nhưng Lịch sử Dân tộc đã chứng minh:
Dễ trăm lần không Dân cũng chịu.
Khó vạn lần Dân liệu cũng xong.
Dân- Dân chủ hoá bộ máy điều hành Đất nước, sẽ đủ sức để chọn đúng người tài đức và tống cổ bọn bất tài, bất nhân.
Tác giả gửi BVN